Nguyễn Tuân khinh bạc đã mồ yên mả đẹp thật rồi! Đọc “tôi” yêu nước sôi nổi thấy “tôi” dễ yêu quá, “tôi” ơi là “tôi” ơi! Về ý nghĩa bắt giặc trả nợ tích lũy “mấy năm nay”, hỏa thiêu Đại Bục hoàn toàn chỉ có tính tượng trưng. Nói chuyện trả thù, nếu “tính sổ” kể từ trận Đà Nẵng (1858), thì ngay cả Điện Biên Phủ sau này cũng quá nhỏ nhoi. Để trả cho ra trả, ta phải đánh qua tận đất Pháp kìa! Nhưng thôi, cứ nó cút là được. “Theo người lính (…) chúng ta mới thấy sống trong tranh đấu là một điều vinh dự cho xúc cảm mình. Chào cờ Việt Nam trong đồn Tây sân còn nóng hổi, đó là một khoái trá nghìn vàng cũng không mua được ở chỗ xa tiếng súng”.(1) Cuộc kháng chiến này là “nghìn năm một hội tao phùng”, rồi bên trong nó lại xảy ra một hội tao phùng hình như chưa bao giờ có giữa chiến sĩ và văn nghệ sĩ. Tưởng tượng những người cầm bút cầm đàn đứng bên cạnh những người cầm súng cùng chào một lá quốc kỳ phấp phới trên đồn địch tan hoang! “Theo người lính (…) chuyến vừa rồi tôi lớn hẳn lên”.(2) Còn văn nghiệp “tôi” đã lớn thì càng thêm đồ sộ. (Thu Tứ) (1), (2) Trong bài “Đời lại mấy mươi tuổi”.



Nguyễn Tuân, “Lửa sinh nhật” (3)




Ơ mà này, cờ đỏ đang phất mạnh ở góc lô-cốt cuối cùng phát hỏa. Kỳ hiệu! Kỳ hiệu chiếm xong đồn rồi! Mới hơn 30 phút!

Tôi quăng tôi xuống chân núi, cọc, gai, nứa nhọn, phớt hết. Mau lên, không có thì nhạt hết khói dưới ấy rồi. Anh bạn nhiếp ảnh mới đến phát ca-nông thứ hai mươi ban nãy đã xin ban chỉ huy một liên lạc để vào đồn chụp những cảnh hỗn loạn rồi.

Cái dốc lên đồn kể cũng khá nặng. Càng trèo lên mới càng nhận rõ nó đóng cũng đã hiểm. Bao vây quanh hàng rào là đất nhão phạt trụi không một tí bụi cây, tí mô đất tử giác nào. Cứ vàng khè nhẵn thín. Nhiều bóng lố nhố đè lên màn lửa, màn khói. Có ba thằng Tây thất thểu lem luốc rời khỏi cổng đồn: những tù binh.

Tôi nhập vào một cảnh tan hoang. Chỉ còn có lửa đang uốn khúc lè lưỡi và kêu rống lên những tiếng gió giông chạy. Một cái trật tự gì ở đấy vừa bị tung bắn đi, xóa bẹp đi. Mặt đất vương vãi tro xám tro nóng than hồng than đen, tàn cháy bay quanh vung lộn trên cái lô-cốt què cụt, bay mãi không chịu rụng xuống sân đồn. Từng mảng đất tường khô nhả dần thân đồn. Đất rơi huỳnh huỵch như giặc bổ nhào ban nãy. Những lỗ châu mai huếch dần, toác dần rồi lôi cả mảng tường trình sạt xuống. Tàn lụn tàn vụn. Bộ đội đang hóa vàng. Nhiều bóng dáng hối hả tất tưởi xoay quanh một đàn tràng phá ngục. Khét quá, nồng lắm, tanh tanh gây gây nữa. Một thùng ét-săng nổ pằm.

Từ những gian nhà lở loang hốc hác nhem nhở, tản dần ra nhiều bóng người bê súng bê đạn lễ mễ. Kẽ giao thông hào, xác giặc cháy nối nhau. Suối lửa ngào đúc tất cả lại thành một khối tội lỗi khét lợm. Trên mặt đất, vô số đồ hộp, ca, cốc lèm nhèm.

Càng về chiều, lửa càng giận dữ hơn, gặp bất cứ cái gì của đồn giặc là đều quơ tay với lấy hết. Đất, tre, gỗ, vải, giấy, tất cả đều ngấu nghiến đôm đốp và loáng mắt khạc ngay ra vụn xám, ra tàn đen. Thật là một vụ tuyên án Đại Bục bằng lửa người, trả thù cho tất cả những linh hồn bản, xóm, làng, chợ cóc nhảy, phố cao-su của chúng ta bị giặc đốt trong mấy năm nay. Không riêng gì Đại Bục. Ngoài xa kia, chỗ đầu đồi tranh kia, lại cũng đang bừng bừng ngất trời. Đại Phác cháy rồi! Đồn Đại Phác trong kia, nằm trong kế hoạch tiêu diệt chúng chiều nay, cũng đang vù vù cao ngọn. Chúng nó thi nhau mà trả nợ trong khói lửa luận tội.

Tất cả tập hợp đầy sân. Anh quản tượng phụ trách ca-nông diệt đồn được hoan hô vang rền. Rồi cờ đỏ bay trên lửa Đại Bục. Hay quá.

Làng tập trung dưới đồn, dân chúng tay xách nách mang và lưng địu trẻ con, đang nghe anh chính trị viên giải thích. Tù binh và Việt gian, đứng riêng một chỗ. Đồi A và đồi B lập lòe những ngọn đuốc quét dọn chiến trường.

Bây giờ nhiều người mới nghĩ đến chuyện ăn cơm chiều. Nhưng mà nhiều đồng chí không muốn ăn. Vô khối hộp thịt bò chiến lợi phẩm hếch nắp bị bỏ dở. Anh chỉ huy chờ liên lạc cho biết rõ thêm về Đại Phác. Chốc chốc trên đồn cháy rực có người chạy xuống báo cáo thêm về số võ khí moi thêm được ra khỏi đống lửa. Những chiếc nhà sàn dân chúng, bếp nào cũng sáng trưng đun nước. Ai cũng thấy khát nhiều hơn là đói. Nhà nào cũng đông nghịt những tiếng cười chiến thắng kể dăm bảy câu chuyện. Chuyện không ngoài hỏa lực và xung lực của đơn vị. Không gian của chuyện là cái đồn cháy và thời gian xẩy ra chuyện là một buổi chiều sinh nhật. Một vài khuôn mặt lặng lẽ tập trung ý nghĩ tưởng nhớ lại những người bạn thiếu vắng từ bây giờ. Dân chúng quanh bếp, cũng tỉ tê nỗi niềm.

Tôi theo đuốc ra bến trở về bàn đạp tả ngạn sông. Đồng cỏ tranh vang đều tiếng cười chiến thắng. Đuốc đi nhanh như nước mã hồi! Chẳng bù với đêm qua… Không để cho chúng tôi tường thuật, những người lái đò chiều qua, chờ cả đêm qua, cả ngày và tối nay ở quãng bến này đã hí hửng khoe: “Trông rõ lắm. Chưa bao giờ vùng này nổ nhiều đến thế. Nổ ghê quá, các anh ạ. Cứ thế này luôn luôn thì chúng em chở đò ủng hộ suốt đời cũng không biết mệt đấy các anh ạ”. Tôi nhớ lại câu chuyện tâm sự trong vùng nứa buổi sớm nay với anh đội viên có ba lẽ để hứng thích trong trận cường tập này: một là có quà mừng Cụ đúng ngày lễ, hai là xứng đáng với sự mong mỏi của Bố Nuôi, ba là… người lái đò, những người lái đò này đây.

Nửa đêm ở giữa sông, lửa hai đám cháy Đại Bục và Đại Phác phía rừng xa bờ kia, càng đỏ ngòm như không bao giờ tắt được. Nó là hai đám mây hồng to rộng. Hai vừng hồng tươi nhích dần lại nhau, hóa làm một, soi thấu đáy sông Thao. Nước sông đỏ bóng. Người Pháp gọi là Fleuve Rouge.