Đây không phải là một trận công đồn điển hình của quân kháng chiến. Bởi hỏa lực ta mạnh bất thường: nào sơn pháo 75 ly, súng phóng bom (lần đầu ra trận), súng cối, ba-dô-ca, trọng liên. Bởi ta bố trí được hỏa lực ấy trên một điểm cao gần mục tiêu, giúp gia tăng tác dụng, đặc biệt sơn pháo có thể bắn thẳng. Cũng bởi địch không được cứ điểm khác chi viện hỏa lực hay tăng viện (vì Đại Phác cũng đang bị đánh), còn máy bay thả bom thì không đến kịp. Dĩ nhiên không phải tình cờ mà Đại Bục hội tụ tất cả các yếu tố thuận lợi. Đây là trận “phải thắng”, vì mở đầu cho cả một chiến dịch, lại được cố ý chọn xảy ra trong ngày sinh nhật Bác. Hẳn là bộ chỉ huy chiến dịch đã chắc ăn lắm, nên mới cho chỉ huy phó và một phái đoàn văn nghệ quan trọng đi theo bộ đội ra tận trận địa. Trong phái đoàn, có một trường hợp đặc biệt đáng cho đi: “Từ bé đến giờ, mình vẫn là một đứa trẻ đói thanh đói sắc…”. Bữa nay “được một chầu thỏa thuê cho tai cho mắt”, sướng để đâu cho hết, “mình” ơi! (Cần nêu rằng ngay trong trận này hỏa lực của quân kháng chiến cũng không đủ để tiêu diệt hoàn toàn các ụ súng địch. Khi xung kích vào đồn, vẫn gặp những luồng đạn nguy hiểm. Một trung đội trưởng là người quen của Nguyễn Tuân đã hy sinh.) (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Lửa sinh nhật” (2)




Tiếng ban chỉ huy gọi điện thoại cho pháo binh.

“A-lô, còn 5 phút nữa”. Cho voi ăn mía đi! Một quả đạn đại bác thuốn vào nòng bố. Thế là bão táp sắp khai quật Đại Bục lên rồi. “Anh Cả” sắp ho đấy! Bao nhiêu người xoa tay. Bao nhiêu người né dần xuống lỗ công sự.

Oàng! Bụi đất tạt vào tôi. Rừng lắc cắc. Tôi nằm ngang ở một góc tử giác; đếm ca-nông và đếm tiếng tim mình chờ moóc-chê địch câu sang. Đến tiếng ho thứ năm thứ bảy của Voi ta, giặc vẫn nín. Lạ đấy. Thôi, chết cha nó rồi! Trúng giữa đồn nó rồi! Voi diệt súng cầu vồng của nó rồi! Nó ơi là nó ơi! Tôi nhảy chồm ra khỏi tử giác đây này. Tôi chạy đến phía sau ban chỉ huy. Bây giờ thì không sợ lộ nữa. Lát nữa ở đây quang đãng như ngồi trong cửa động mà nhìn ra ngoài. Dưới kia, chỗ nắng chang chang kia, gió đang chạy, cát đang bay. Trại giặc thất điên bát đảo, cái gì cũng tung phoi cả lên. Đất phun hỏa mù, lửa vọt loạn xạ. Giặc mặc quần đùi chạy như vịt. Ống phóng bom của trợ chiến rót không lôi vào đồn, vào lô-cốt cố thủ. Rừng nứa sau đồn bắt đầu cháy. Nứa thi đua với các cỡ súng. Đồn là một lò quay bừng bừng lửa. Bom bay giáng xuống sân Đại Bục tựa tầm sét Thiên Lôi. “Anh Cả” vẫn đều giọng, tiếng nổ nhì cặp nhất đều đều một điệp khúc: “Này thì Bục – Này thì Toác!”.

Lá tươi trước miệng ca-nông tái héo dần. Tôi nhẩy cẫng lên lưng công sự. Tôi nhấp nhô như một con sóng vấp bờ. Từ bé đến giờ, mình vẫn là một đứa trẻ đói thanh đói sắc, nay được một chầu thỏa thuê cho tai cho mắt. Bắn nữa đi! Lật ngửa đồn nó ra! Cho lô-cốt của nó lộn tùng phèo đi! Ha ha, cột cờ nó đang lả, đang lao đao thanh cột buồm của ghe chìm. Hàng rào cháy rồi, anh em ơi! Có bao nhiêu ngón tay cấu mạnh lên bả vai tôi nhả dần ra, tôi quay lại cùng cười với anh bạn cùng đang sấy lửa công đồn. Chúng tôi đang mơ chung một cơn hỏa mộng. Hỏa thiêu Đại Bục. Xích Bích giữa rừng khô. Trước mặt tôi hoàn toàn là cửa gạch, là cánh phượng cuối niên học, là hoa vông, là hoa mã, là thép lò, là vàng thoi chảy, là cửa nồi súp-de, là suối, là vực lửa, là… chớp đánh nhoàng, đảo đánh nhoàng, là… là cứ rối cả mắt cả tai lên ngứa điên cả người lên! Thụt lửa xuống, rót chì vào, thụt mãi rót mãi, ôi leo ôi! còn gì là xương thịt của tội ác! Đại Bục ngụp trong bể lửa, ngạt thở trong khói súng. Đại bác, trọng liên của ta át hẳn giọng địch. Lơ láo, vài tràng liên thanh đồn địch hấp hối ằng ặc như tiếng bị bóp cổ. Tằng tằng tằng. Cục cục cục. Mấy đồng chí trợ chiến điều khiển 12,7 ly chắc đang khoái lắm! Hôm nọ, mình ngồi thử lên cái yên sắt cỗ M.G. ấy, thấy thú như ngồi xe đạp có lắp súng ở ghi-đông mà phóng thẳng vào mặt đối phương!

“A-lô, pháo binh nghỉ bắn! Đã lắp một viên nữa rồi à. Hết phát này thì nghỉ để xung phong”. Xung phong đến nơi rồi! Trống đâu? Những hồi trống ngũ liên ầm ầm rung chuyển rừng tươi, Nó kêu ầm ầm như thủy triều dâng lên mặt đê. Trống giục nước dâng, cái đồn Đại Bục lọt thỏm dưới thung lũng kia phỏng còn gì nữa? Tiếng trống cái đang cuộn dần lũ giặc từ đồi A xuống đồi B. Trống dâng nước rung đến đâu, lưỡi mác xung kích dâng cao lên đến đấy. Búp đa thép chơm chởm như cỏ bồng nước lũ. Tôi vớ luôn một cành khô, nện vào một mặt trống nữa. Trống kêu cả hai mặt. Trống kêu to lên nữa. Kêu thế chưa đủ; kêu to cho bõ lúc hành quân, mỗi lúc đụng quệt vào cây lá bên đường, rền vang ùng uỳnh làm tất cả mọi người phải khó chịu bực mình. Tôi cuống quýt bên tang trống. Vậy ra giờ ta đánh đồn, có cả kèn có cả trống, đội mũ mặc áo tử tế mà đánh – mai mốt lại “lên” nan sao vàng mà đánh – chứ không phải là mặc tiện y quần anh áo em nửa nâu nửa đen mà xông trận nữa. Mà lại có máy nói, mà lại đánh giữa ban ngày! Đám khố đỏ dưới đồn chí chóe: “Chúng nó đánh chính quy, tụi mày ơi!”. Tây buồn biết mấy. Rồi sang năm, các con còn buồn gấp trăm gấp nghìn chuyến này kia. Giờ thì đã mùi gì. Bộ đội này đến lúc mà đấu phép thì đừng có hòng điều đình nhá! Còn là nhiều cái Ông súng cầu vồng lạ kiểu nữa kia, địch ạ. Nói chuyện với chúng mày lâu quá rồi. Nói chuyện với chúng mày thì chỉ có quân giới Việt Nam mỗi ngày nhân thêm đường kính miệng súng cối lên thì lũ mày mới chịu nghe thôi. Kỳ này hãy hỏi chuyện mày bằng 60, 81 cái đã.

Choét! Choét! Ung! Các ông 60, các ông 81 làm việc đều tay. Tây cứ nhao cả lên dưới sân đồn. Rồi đến đạn lõm, không chê được! Ba-dô-ca hay quá. Sẹt! Này một cái chớp thụt hậu, này một cái chớp nữa phọt thẳng vào tường đất. Thế là bỏ mẹ những thằng trong lô-cốt. A, mày chạy lên từng trên bắc súng máy xuống hả? Cứ lỗ châu mai từng trên ấy mà phóng vào. Bấm điện đi! Sẹt! Oàng! Cả bấy nhiêu thằng giặc bị tung hê lên. Trần lô-cốt sập. Chúng nó rụng rời nổ đốt, tay nhả, lao từ trên mặt chòi xuống ngã quay cu lơ. Rụng như thị mõm. Rơi như khỉ giật mình. Có thằng lom khom mới tụt xuống nhưng nấc mạnh lên, vọt lên như tia nước, uốn ván rồi cắm ngửa xuống dưới rào lông dím. Nó lại còn trồng chuối, múa ngược chân lên. Ai đùa với nó kia chứ! Bắc ống nhòm trông rõ quá. Nhưng kìa, cái gì mà một hàng dài người đang ngược lên dốc đồn thế kia? Bộ đội mình. Nhưng sao lại quần nâu sẫm và áo mầu trắng lốp? Thôi phải rồi, quần đẫm nước ruộng chiêm và áo ka-ki bị nắng chiếu trắng lóe lên đấy. Thế có chết không, mầu sắc thay đổi. Nhớ lấy cái kinh nghiệm này mà nhận người ở xa, một anh cán bộ nhẩm to một mình.