Đại Bục đây, trước giờ G. Đại khái là một “tập đoàn” những cục những khối ngổn ngang đằng sau ba lớp lông nhím quây lấy một diện tích độ vài nghìn mét vuông trên “một quả đồi trọc vàng khè”. Chắc không phải đồi đã trọc sẵn, mà giặc huy động dân đốn dọn sạch cây để tăng an toàn cho đồn nó… “Anh Cả của các thứ súng” chỉ là sơn pháo 75 ly thôi, nhưng những chân mang dép lốp rước được Anh ra trận vẫn là thực hiện kỳ công. À, cái chuyện “Lộ rồi à. Khổ quá!” như Nguyễn kể đây và như Tô Hoài kể trong bài ký “Trên mặt trận sông Thao” là cố ý nói rất phơn phớt về một sự cố đã có thể trở nên cực nghiêm trọng. Sự cố ấy mãi đến năm 1993 khi chính trị viên của tiểu đoàn 54 trung đoàn Thủ Đô là đơn vị đánh Đại Bục gần nửa thế kỷ trước kể thì ta mới biết. Bài “Tiếng thét Vũ Lăng” của Lê Thọ cho hay kế hoạch hành quân là đại đội trợ chiến phải tới gần trận địa trước để tổ chức bảo vệ pháo và ban chỉ huy tới sau, nhưng do gặp trở ngại bất ngờ trên đường hành quân, đại đội này lại đến muộn hơn. Ngẫu nhiên, đúng vào lúc pháo và ban chỉ huy tiểu đoàn đang bơ vơ, thì quân địch lên đồi sục sạo. Ta chỉ có khoảng một tiểu đội vũ trang, nên chẳng bao lâu thì “tình thế núng lắm rồi”. May nhờ địch chưa rõ tình hình, khi tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng thét xung phong thật to, rồi bao nhiêu người tay không cũng thét theo thật dữ dội, rồi quân ta nổ súng và tung lựu đạn, thì địch hốt hoảng tháo lui! Nếu chúng đã bình tĩnh tiếp tục dàn hàng ngang tiến lên, thì Cao Văn Khánh (chỉ huy phó chiến dịch sông Thao), Vũ Lăng, Lê Thọ, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chính Hữu, Lương Ngọc Trác v.v. đã thương vong hay bị bắt, pháo phần lớn bị địch phá hủy hay tịch thu! “Mưu sự tại nhân…”, người dù tính toán kỹ đến đâu cũng phải mong được Trời giúp đỡ hay ít nhất đừng cản trở. Đây “Thiên” nghịch ngợm, cho cả đám một mẻ sợ thật to, nhưng rồi hú hồn kịp thời, nên “sự” vẫn “thành”. Cái “tiếng thét Vũ Lăng”, nó giá trị như tiếng quát của Trương Phi ở cầu Trường Bản! (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Lửa sinh nhật” (1)




Gà vùng tạm chiếm vừa gáy sáng thì chúng tôi chiếm lĩnh trận địa: một sườn núi đất chi chít nứa dại. Có một hồi trống điểm thùng. Đoán biết là tôi ngạc nhiên, anh đại đội trưởng nói ngay: “Nó đấy!”. Nó, nghĩa là cái đồn Đại Bục sẽ bị san phẳng chiều ngày 19 tháng 5 này đây. Tôi vẫn theo anh em đơn vị luồn qua những thân nứa ngổn ngang. Mình càng nín hơi nhẹ bước, lá khô cành khô càng được thể to tiếng. Cả đơn vị suỵt lẫn nhau. Chỗ leo này um tùm quá. Anh trinh sát bấm tôi dừng lại thọc ngón tay trỏ qua nách: “Nó, nó bên này này”. Nhiều tiếng sau lưng giục: “Đi đi chứ”. Không, tôi không thể đi được nữa. tôi đành lách qua khỏi hàng và nằn nì với anh cán bộ: “Cho mình xem một tí đã”. Anh cán bộ vạch bụi nứa tươi. Tôi nín thở nheo mắt làm như là định chỉnh đầu ruồi sắp bóp cò vào đồn. Sao lại có thể rõ như thế này nhỉ! Một cái lô-cốt… Hai cái lô-cốt… Cái thứ ba đang sáng lên với ánh nắng. Lại cả cái màu tam tài cờ Tây nữa. Đã lâu mình quên lửng cái sự này. Tôi còn muốn dán mắt nữa vào quả đồi trọc vàng khè tua tủa ba lớp hàng rào bẫy hổ, tôi kiễng chân lên thì một bàn tay giật gấu áo tôi. Anh chỉ huy! “Thôi chiều xem nó bốc hỏa thú hơn, hãy đi ngủ đi đã”. Anh đưa tôi một điếu thuốc, tôi biếu anh một quả chanh. Chúng tôi nháy nhau mà cười như là những kẻ ghê gớm đang nắm chắc những bí mật tao tác cho một vùng Đại Bục này. Ở đây rồi sẽ thay đổi hết, thay đổi tất cả. Chỉ dăm bảy giờ đồng hồ nữa thôi. Trống dưới cứ điểm địch lại tùng một hồi. Khí nóng lung linh bốc ngùn ngụt, đồn Đại Bục khẽ động ảnh như một linh hồn say nắng. Những tiếng ới ới của đám vợ giặc vẳng vào rừng nứa. Nghe lạ tai lắm. Nhiều đội viên đã lăn ra ngủ. Giấc ngủ ngoan như giấc nhi đồng. Đầu kê lên bình toong nước mà ngủ. Tay ôm nắm cơm bẻ dở vào lòng mà ngủ. Cánh tay luồn xuống nòng súng, đùi quặp lấy báng. Gió cửa rừng lùa nhẹ trên nền cỏ ẩm. Nước uống mặc dầu là nước lã múc ở suối khi hành quân, bây giờ đã lên giá. Đã có một vài nhát dao chặt đốt nứa tươi tìm nước giải khát. Đây đó một vài tiếng ho. Lại suỵt. Ho là một điều dễ truyền nhiễm. Người ta vẫn sợ lộ, nhưng vẫn cứ ho. Có anh rít răng: “Bảo mãi! Nó ở dưới chân kia kìa! Không giữ được hả? Cho vạt áo vào mồm! Hễ anh nào còn ho nữa tôi đổ xẻng đất vào mồm đấy”. Nhiều người tủm tỉm: “Lúc nào voi ho thì chúng mình tha hồ mà ho”. Voi vẫn chưa thấy đến. Khẩu đại bác đêm qua cùng hành quân theo ấy vẫn chưa đến khu rừng này. Người “Anh Cả” của các thứ súng, hằng tấn sắt bệ vệ ấy đang luồn trong khu rừng bên. Mỗi lần Anh Cả đi trận, mệt lính Cụ Hồ lắm. Nhưng có Anh đi thì xôm trò và địch thì vô khối là tan cửa nát nhà. Anh ấy yên chỗ rồi mà lên giọng thì khối đứa dưới cái quả đồi mu rùa kia ôm nhau mà khóc trong hội lửa.

Sọt nứa (đựng đạn pháo) ngổn ngang dưới bóng rừng tối. Còn gì là đồn ải phản động nữa hở Trời! Bụng tôi cứ rối lên. Kim đồng hồ tay nhích chậm quá. Làm cái gì cho nó chóng đến chiều đi, cho nó chóng đến năm giờ chiều. Tôi ngóng giờ khai hỏa. Chờ người nhân ngãi buổi đầu cũng chỉ thế này thôi. Nắm cơm chiều qua dắt theo thắt lưng, bị hấp hơi bên mông suốt một đêm hành quân, giờ đã thiu chảy cả ra. Nhưng thôi, cứ bỏ nó vào mồm. Cái ngon của một ngày công đồn không phải ở nắm cơm mà ở bữa tiệc lửa chiều nay kia. Tôi tu bình toong nước suối. Tôi lấy tay áo quệt ngang miệng. Chung quanh nhiều người cũng làm như vậy. Tiêu diệt nó xong, mai tắm giặt. Yên chí. Tôi cố nhắm mắt. Tai áp sát đất, càng nghe rõ cái tiếng dội của thuỗng đào công sự.

Bỗng có tiếng nổ. Nổ rền. Dưới chân núi, về phía tay trái. Ô hay, cái gì thế này? Lộ rồi à. Khổ quá! Tiếng nổ càng gần. Liên thanh nữa. Dưới ấy nổ? Trên này chuyển quân. Rừng nứa cựa mạnh. Bước người thình thịch vút vút. Tiếng anh chỉ huy: “Vây chặt, bắt sống lấy nó!”. Nó nổ ít phát nữa rồi lỉnh theo lối suối vào đồn. Ta diệt ba tên, thu hai súng. Thì ra nó đi tuần, thấy vệt chân tưởng trinh sát, chạy lên chộp. Nhưng bị một bộ phận chặn ngay lại, nó liền rút luôn không kịp phạm vào chỗ mình đóng quân, chẳng biết mình là bao nhiêu và chẳng hiểu gì về sự bố trí của mình. Mọi người hả hê, ngắm hai khẩu súng vừa thu. Chiều nay cố sẽ thu bằng trăm thế! Tôi lại rón rén vạch nứa ra nghển xuống cái đồn Đại Bục. Mái lô-cốt nóc nhà trắng loáng như kim khí? Tường trình nhẵn nhánh. Cảnh này đúng với sa bàn thu nhỏ lại 500 lần hôm nghiên cứu về Đại Bục quanh bàn cát. Nhưng hôm cán bộ vây sa bàn để đặt kế hoạch công đồn tại bàn đạp, những cục đất nặn hình đồn, hình lô-cốt ấy còn ẩm ướt nên trông khác hẳn với thực địa xế chiều này. Ba giờ chiều rồi, nhiều cán bộ lấy lại đồng hồ mình theo giờ của ban chỉ huy. Tôi ngắm Đại Bục chói nắng, tôi lại vạch túm nứa khác nhìn sang đồn Đại Phác cách chúng tôi độ 3 cây số chim bay. Ấy, cái “thằng Đại Phác” chốc nữa, rồi số phận cũng ăn mày như “thằng Đại Bục” dưới chân núi này thôi. “Tên tiếc gì mà lại đặt là Bục với Toác. Nó đã điềm ra đấy rồi còn phải bàn gì nữa. Cứ đặt tên như thế là anh mày bỏ túi áo!”. Anh đồng chí cười hóm hỉnh sau tôi. Một anh khác vươn vai: “Đi chợp một cái đã. Chốc nữa theo anh em vào thu dọn chiến trường cái chơi!”. Một đồng chí nằm ngửa đùa với những hào xu ánh nắng nhảy trên mũ sắt người bên cạnh, níu gấu quần tôi, kéo tôi ngồi xuống.

Chuyến này đi sát chiến dịch, anh sáng tác vung tí mẹt lên đấy nhỉ? Thôi cám ơn anh. Em hút, sợ khát nước lắm. Chiều, chào cờ giữa sân nó, rồi sẽ làm chất khói. Chắc nhiều thuốc lá lạ lắm đấy anh ạ!

- San phẳng Đại Bục, đồng chí thích lắm đấy nhỉ?

- Cũng thích vầy vậy thôi. Đánh cường tập không sướng bằng đánh kỳ tập.

- Nhưng mà đồng chí có thích không? Và nếu cường tập mà thành ra chỉ tiêu hao địch thôi thì đồng chí có buồn không?

- Sao lại tiêu hao? Tiêu diệt chứ lại. Cũng thích lắm chớ! Thứ nhất là không thất tín, có quà mừng Cụ đúng ngày sinh nhật. Thứ nhì là xứng đáng với Bố Nuôi đỡ đầu. Thứ ba là… người lái đò.

- Người lái đò?

- Người lái đò ngoài sông Thao xâm xẩm tối qua ấy mà. Sang sông đánh đồn mà không ăn thua gì mấy, chúng em sợ nhất là người lái đò, lúc rút về, đặt hai chân xuống ván đò anh dân quân, sao nó hăng mặt thế hở anh!