“Nghe má kể chuyện Năm Căn” mà mê. Dĩ nhiên là Năm Căn đâu hồi trăm năm trước, chớ bây giờ làm gì có chuyện cua cho không ai lấy, phải đem đổ!

Ai ưa món mắm tôm chà, nghe món cua lột tán của má, có bắt thèm ăn thử để so sánh hôn?



Đoàn Giỏi, “Tôm cá Năm Căn”



Ðêm ấy, không nhằm con nước bắt ba khía chúng tôi nằm nhà sửa soạn giỏ, bao tay, nghe má kể chuyện Năm Căn.

Má nói:

- Hồi tao tới đây, mới có lưa thưa vài cái chòi đốn củi. Tây chưa phóng con đường này. Rừng hươu nai, lọ nồi nhiều lắm. Cá tôm đặc nước. Làm một ngày ở không ăn cả nửa tháng. Chỉ khổ cái đất trồng trọt. Phải có bông lúa, ngọn rau mà sống chớ. Không lẽ chỉ ăn tôm cá, thịt rừng không. Ðất này, chỗ nào cao ráo phải để dành trồng trọt. Mình ở toàn nhà sàn cũng như bây giờ, cất theo bãi.

Tôm cá thì đủ thứ, thiếu gì! Tôm càng xanh bằng cườm tay, tép xà bùi bằng ngón chân cái, tép bạc lưới về đổ đống như đống lúa cả trăm giạ. Cá dứa thì có mùa, thuộc loại ngon nhứt ở đây. Thịt mềm ngọt xớt. Nấu canh chua ngon lắm. Mỗi tháng có hai ngày ba khía hội. Nước ròng, ba khía leo bám đầy lên rễ, lên thân đước, vẹt. Ba khía làm mắm, chở lên Mỹ Tho, Sài Gòn. Cua biển cũng nhiều lắm. Các trại đáy kéo lên, chỉ lấy cá, tép. Cua cho ai bắt thì bắt. Thường thì đổ xuống sông lúc không có người mua. Cua lột tháng tám mới ngon, và thịt chắc nhất. Bụng đầy gạch son. Lớp luộc, lớp chiên lăn bột. Lớp làm mắm nhận trong muối hột. Chừng nào ăn, lấy ra rửa sạch tán nhuyễn trộn với đường, mỡ, tỏi ớt chấm với tôm nướng, thịt luộc, ăn rau sống bánh tráng không gì bằng. Tao nhắc còn nhễu nước miếng đó thì bây biết. Còn nói gì thứ sò huyết, vọp, nghêu cứ nước kém (?) chèo thuyền ra cồn lấy bồ cào cào đổ lên chớ hơi đâu mà bắt.


(Trích “Cây đước Cà Mau”. Nhan đề phần trích tạm đặt.)