Các anh hùng ở Điện Biên Phủ




(Chưa tìm thấy ảnh)

Anh hùng Hoàng Văn Nô: Dân tộc Tày, sinh năm 1932, quê Cao Bằng, vào bộ đội năm 1952. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, là một chiến sĩ trong Đại đoàn 316. Ngày 1/2/1954, quân dù xông lên điểm cao 781 thuộc khu vực Đồi Xanh. Khi thấy chúng tới gần nơi tiểu đội đang chốt giữ, tiểu đội trưởng trúng đạn ngã gục, đã nhảy khỏi giao thông hào dùng lưỡi lê đâm chết liên tiếp bốn tên địch, vừa đâm được một tên nữa thì trúng đạn, hy sinh. Cả tiểu đội nhảy lên, lao vào quân địch, tiêu diệt gần hai chục tên, đẩy lui cả một đại đội. Chiến sĩ Hoàng Văn Nô được Bộ chỉ huy chiến dịch truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ Đâm lê”.




Anh hùng Tô Vĩnh Diện: Sinh năm 1924, quê Thanh Hóa, vào bộ đội năm 1949. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là một khẩu đội trưởng trong trung đoàn phòng không 367. Ngày 1/2/1954, trên đường đơn vị kéo pháo ra sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi cách đánh, cùng một đồng chí nữa đi trước cầm càng pháo. Đến một đoạn xuống dốc, dây tời bị đứt, vẫn ghì chặt càng pháo cố đẩy cho pháo lăn về phía vách núi thay vì phía bờ vực. Cứu được pháo, nhưng bị một bánh xe cán lên người! Sau khi đồng đội đẩy nhích xe lên, đưa ra, trước khi hy sinh, hỏi: “Pháo có việc gì không?”.




Anh hùng Phan Đình Giót: Sinh năm 1922, quê Hà Tĩnh, vào bộ đội năm 1950. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là một tiểu đội phó trong Đại đoàn 312. Ngày 13/3/1954, quân ta tiến công cứ điểm Him Lam, mặc dù đã bị thương khi đánh bộc phá hàng rào cuối cùng, vẫn cầm tiểu liên tham gia xung phong tiêu diệt lô-cốt đầu cầu và lô-cốt số 2, lại bị thương, vừa được băng bó xong thì trước tình hình lô-cốt số 3 liên tục nhả đạn làm nhiều đồng đội hy sinh, đã xông lên, lao cả thân mình bịt lỗ châu mai của lô-cốt này, tạo điều kiện cho chiến sĩ ta xung phong thắng lợi.




Anh hùng Nguyễn Văn Ty: Sinh năm 1931, quê Bắc Giang, vào bộ đội năm 1951. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là một tiểu đội trưởng bộc phá trong Đại đoàn 308. Ngày 15/3, khi bộ đội tiến công cứ điểm đồi Độc Lập, chỉ huy tiểu đội lao lên mở cửa. Bộc phá bị rơi ngòi nổ, mạo hiểm dùng lựu đạn buộc vào thay thế. Khi hết bộc phá, xung phong chạy về tiểu đoàn lấy thêm, rồi chỉ huy tiểu đội đánh đến quả cuối cùng, có lúc ném liên tiếp gần chục trái lựu đạn vào hỏa điểm địch để bịt miệng đại liên cho đồng đội lên đặt bộc phá, rút cuộc mở được cửa cho quân ta xông lên.




Anh hùng Phùng Văn Khầu: Dân tộc Nùng, sinh năm 1930, quê Cao Bằng. Từ năm 1946 tham gia kháng chiến ở địa phương. Tháng 12 năm 1949, xung phong vào bộ đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ huy một khẩu đội sơn pháo 75 ly trong Đại đoàn 351. Khi làm nhiệm vụ bắn phá vị trí địch từ đồi E đã bị ta chiếm, rất nhiều lần bắn trúng mục tiêu, có khi ngay phát đạn đầu tiên đã dập tắt được hỏa điểm địch. Đặc biệt, ngày 23-4-1954, chỉ huy rồi tự mình làm pháo thủ, tổng cộng phá hủy được bốn khẩu pháo 105 ly, hai đại liên, một kho đạn.




Anh hùng Chu Văn Mùi: Sinh năm 1929, quê Bắc Giang, vào bộ đội năm 1949. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là trung đội trưởng thông tin vô tuyến trong Đại đoàn 308. Ở đồi A1, đặt đài quan sát báo cho pháo binh ta bắn chính xác tiêu diệt nhiều địch; khi phần lớn đơn vị tạm lui, được bố trí ở lại, đã chiến đấu kiên cường trước khi rút theo lệnh mới. Ở đồi 311B, suốt bốn ngày đêm đơn vị phải nằm dưới hầm; trời mưa, hầm sập, địch bom pháo dữ dội, vẫn bảo vệ được máy, giữ vững liên lạc với sở chỉ huy. Có lần máy bị hỏng nặng, đi tìm máy của địch tháo lấy phụ tùng đem về thay thế kịp thời. 311B bị tiêu diệt ngảy 3 tháng 5.




Anh hùng Đặng Đức Song: Sinh năm 1934, quê Hải Dương, vào bộ đội năm 1952. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là một trung đội trưởng trong Đại đoàn 316. Ở trận phòng ngự Đồi Xanh, địch tiến công mạnh, lực lượng ta ít, đã anh dũng chiến đấu, dìu dắt một tổ tân binh đánh lui ba đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Ở đồi C1, liên tiếp hai lần dẫn tân binh vượt qua hàng rào đạn pháo địch, ném lựu đạn diệt một ổ trung liên, đưa sáu thương binh trở lại, lần thứ ba, bất kể mưa đạn rất dày, lên xuống sáu lượt tìm đường cho quân ta, dùng lựu đạn diệt năm tên địch. Ở đồi Mâm Xôi, ba ngày lội dưới hào nước ngập đến bụng, đưa đại đội trưởng đi tìm cửa đột phá. Khi đơn vị tiến công ngày 3/5/1954, đại đội trưởng trúng đạn, đã cùng một chiến sĩ khác đưa bằng được về phía sau.




Anh hùng Trần Can: Sinh năm 1931, quê Nghệ An, vào bộ đội năm 1951. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là một trung đội trưởng trong Đại đoàn 312. Khi quân ta tiến công Him Lam, tham gia đánh chiếm hầm chỉ huy, là người đầu tiên trong chiến dịch cắm cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” lên nóc hầm chỉ huy địch. Trong trận đánh cứ điểm 507 đêm 6-5-1954, tham gia đánh khu vực cột cờ, giành giật từng tấc đất. Khi đại đội trưởng và đại đội phó hy sinh, mặc dù đã bị thương, vẫn lên thay, chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu. Hy sinh trong đêm ấy.


(Nguồn: Hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sách Kể chuyện Điện Biên Phủ (nhiều người kể, tái bản năm 2015), trang qdnd.vn và một số trang khác)