Ðọc phát biểu của Ðỗ Minh Tuấn về thơ Phạm Tiến Duật, thấy choáng váng vì những cái “nửa”: nửa tỉnh nửa mơ, nửa riêng nửa chung, nửa say nửa tỉnh, nửa nghiêm nửa đùa, nửa kín nửa hở, nửa văn xuôi nửa văn vần, nửa cụ thể nửa hư vô v.v. Chắc ít ai ngờ một cõi thơ lại có nhiều nửa đến thế.

Ðịnh thần, giơ tay bám vào “chiếc giường của cái tôi”, thấy Hoài Thanh hiện ra: “Thơ xưa là
ta, thơ mới là tôi...”.

Vào thời Hoài Thanh đọc thơ, cái Tôi tuy đã thắng trong thơ nhưng ngoài đời cuộc đấu tranh với cái Ta cũ vẫn chưa chấm dứt.

Vào thời và ở nơi Phạm Tiến Duật làm thơ, cái Tôi lại đụng độ với cái Ta mới rất dữ dằn. Cả trong thơ lẫn ngoài đời, lúc nào Tôi cũng lấm lét! Gọi thơ PTD là “nửa Tôi, nửa Ta (mới)”, được chứ?

(Thu Tứ)



Đỗ Minh Tuấn, “Thơ Phạm Tiến Duật”




Thơ Phạm Tiến Duật hướng về những con người cụ thể nhưng không bứt nó ra khỏi cái chung (...) trong thơ Phạm Tiến Duật, con người sống (...) giữa tỉnh và mơ, giữa riêng và chung (...)

Thơ Phạm Tiến Duật ở những bài thành công, đã mang những yếu tố cách tân về thi pháp vượt khỏi luồng mạch của thơ Mới, chính vì thế thơ anh đã gây ảnh hưởng một thời. Nếu như thơ Mới là giấc mộng trên giường ngủ thì thơ Phạm Tiến Duật đã bước khỏi chiếc giường của cái tôi, của tình yêu riêng tư để tìm kiếm tình yêu trong đời sống thực (...) Thơ anh vẫn là những lời nói hàng ngày hồn nhiên bình dị và mộc mạc, nhưng lại không còn là lời nói hàng ngày thuần túy nữa. Nó đã được nhà thơ đưa vào đó cái ngà ngà nửa say nửa tỉnh (...)

Thơ Phạm Tiến Duật hiện đại ở cái mộc, cái lửng lơ, cái “là là văn xuôi” (...) cách kể chuyện nửa nghiêm túc - nửa đùa giỡn, nửa phát lộ - nửa giấu che, nửa văn xuôi - nửa văn vần (...) đời sống con người (...) hiện ra vừa cụ thể, gần gũi (...) vừa có lúc như thoang thoảng hương vị (...) của vĩnh cửu, của hư vô (...) Phạm Tiến Duật (...) nỗ lực quan sát và níu giữ những ấn tượng về con người cụ thể mà lúc nào cũng bị đe dọa (...) nhấn chìm vào khái niệm, vào lịch sử, vào sự lãng quên (...)


( Đỗ Minh Tuấn,
Ngày văn học lên ngôi, nxb. Văn Học, 1996, tr. 291-297. Nhan đề phần trích tạm đặt.)