Sáng ngày 7, sau khi C2 bị tiêu diệt lúc 9 giờ 30, vẫn còn một chuỗi cứ điểm địch cản trở bộ đội qua cầu Mường Thanh vào khu trung tâm. Đó là 507, 508, 509. Đêm qua, 507 đã gây thương vong đáng kể cho quân ta. Lúc 14 giờ, trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) tiến đánh lần nữa, lần này nhanh chóng thành công. 508, 509 cũng lần lượt bị tiêu diệt…

Khi lệnh tổng công kích được ban ra lúc 15 giờ, hình như ngoại trừ trên đường tiến quân của 209, quân địch ở Điện Biên Phủ coi như không còn chống cự. Trung đoàn 209 là thanh gươm đâm thẳng vào sở chỉ huy của Đờ Cát. Do “vật” bị đâm rất cứng, mũi gươm là đại đội 360 của tiểu đoàn 130 bị mẻ nhiều, nhưng đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ lịch sử.
(TT)



Võ Nguyên Giáp, “17 giờ 30 ngày 7 tháng 5”




Suốt đêm ngày 6 (và từ 0 giờ đến sáng ngày 7), chúng tôi tập trung tại phòng tác chiến theo dõi cuộc chiến đấu. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm khi được tin Đại đoàn 316 giải quyết xong A1 và C2. Mục tiêu đợt tiến công thứ ba đã đạt được (…)

Quân địch ở Mường Thanh hãy còn đông. Nhưng chúng sẽ không chiến đấu tới người cuối cùng. Chúng ta đã biết trong hàng ngũ địch có nhiều binh lính phản chiến, một số đơn vị đã chạy ra hàng. Và quân địch đã lâm vào tình thế rất nguy ngập. Cần phải rất khẩn trương chuẩn bị tổng công kích. Bộ phận quân báo và các đơn vị trinh sát được lệnh theo dõi chặt chẽ từng biến chuyển phía địch (…)

Khác với những ngày trước, mới 9 giờ sương mù đã tan. Trời không một gợn mây. Máy bay địch trút bom dữ dội xuống những trận địa của ta.

Các đài quan sát phía trước báo cáo: Nhiều chỗ trên sông Nậm Rốm nổi bọt trắng. Anh em phán đoán địch ném súng đạn và đồ dùng xuống sông. Phòng 2 cử người chạy tới sở chỉ huy báo cáo, bộ phận theo dõi điện đài địch nghe được Mường Thanh yêu cầu Hà Nội “chỉ thả thêm dù lương thực, không thả dù vũ khí”.

Chúng tôi nhận thấy địch đã có biến động. Chúng có thể mở một đường máu rút chạy về phía Thượng Lào hoặc đầu hàng. Tôi gọi dây nói cho anh Vương Thừa Vũ, chỉ huy bộ đội phía tây:

- Tình hình địch có những triệu chứng rối loạn, có nhiều khả năng đầu hàng, cũng có khả năng đột phá vòng vây để tháo chạy. Đồng chí phải chỉ huy bộ đội bao vây thật chặt, không được để cho bất cứ một tên địch nào chạy thoát.

10 giờ sáng, trung đoàn 209 đêm qua chưa hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt 507, một trong ba cứ điểm còn lại trên đường 41 bên tả ngạn sông Nậm Rốm ngăn chặn bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm, đề nghị cho đánh tiếp ban ngày. Tiểu đoàn 130 đánh 507 đêm trước đã gây thiệt hại nặng cho quân địch nhưng lực lượng cũng bị tiêu hao. Đại đoàn 312 lệnh cho trung đoàn 141 cơ động từ phía sau lên sẵn sàng tiếp sức cho 209, trung đoàn 165 đã chiếm được cứ điểm 506 cũng sẵn sàng chi viện cho đơn vị đánh 507.(1)

Buổi trưa, trinh sát báo cáo máy bay vận tải hai thân của địch chỉ lượn một vòng trên bầu trời Mường Thanh, không thả dù tiếp tế, quay trở về Hà Nội. Trên sông Nậm Rốm vẫn nổi những đám bọt trắng. Trong khu trung tâm của địch, thỉnh thoảng lại có một tiếng nổ khác thường. Bộ phận theo dõi điện đài nghe được những viên phi công và quân địch ở Mường Thanh trao đổi với nhau lời chào vĩnh biệt.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định cuộc tổng công kích sẽ diễn ra khi trời tối.

14 giờ, pháo chiến dịch bắn dữ dội (yểm trợ) cho cuộc tiến công cứ điểm 507 của trung đoàn 209.

(Sau khi nhanh chóng tiêu diệt 507, các đơn vị của hai tiểu đoàn 130 và 154) thừa thắng, đánh tiếp sang 508 (…)

Tại sở chỉ huy, trinh sát báo cáo trong khu trung tâm của địch xuất hiện những đốm cờ trắng (…)

Chúng tôi nhận định: Địch đã đến lúc tan rã.

Đúng 3 giờ chiều, các đại đoàn được lệnh: “Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đơn vị phía đông đánh thẳng vào khu vực trung tâm, đơn vị phía tây giáp công sang, cùng tiến vào sở chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Đờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát” (…)

(Các đơn vị của 130 và 154) tiến sang cứ điểm 509, cứ điểm cuối cùng bảo vệ cầu Mường Thanh (…) Đại đội 360 (tiểu đoàn 130) tiến vào khu trung tâm (…)

Các đài quan sát báo cáo về (…) Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ. Nhiều toán địch ra hàng. Những đốm cờ trắng xuất hiện ở Mường Thanh mỗi lúc một nhiều (…)

5 giờ 30 chiều, 312 báo cáo lên: “Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng Đờ Cát”.

Cả khu rừng cơ quan chỉ huy mặt trận, từ trước đến giờ rất nghiêm mật, bỗng sôi lên trong những tiếng ầm ầm như biển động. Cán bộ, chiến sĩ hò reo, khua chân múa tay, ôm nhau nhảy nhót, biểu lộ sự vui mừng như những em nhỏ. Có người chỉ hét. Có người mồm há to. Có người mặt tái ngắt.

Sự vui mừng chưa đến với tôi. Có chắc chắn là đã bắt được tướng giặc không? Ở Hồng Cúm, vẫn còn một ngàn rưỡi quân địch.

Tại Mường Thanh, các đơn vị báo cáo lên: Binh lính địch lũ lượt kéo ra hàng. Có tên vừa đi vừa hát. Các chiến sĩ ta cũng ra khỏi công sự, nhảy múa trên giao thông hào (…)

Tôi hỏi anh Lê Trọng Tấn:

- Có đúng là đã bắt được Đờ Cát không?

- Báo cáo anh, anh em báo cáo lên là đã bắt được.

- Căn cứ vào đâu mà biết nó là Đờ Cát?

Anh Tấn im lặng.

- Cần bắt cho được Đờ Cát. Không được để địch đánh tráo tên chỉ huy. Phải đối chiếu nhân dạng với căn cước, kiểm tra cấp hiệu, phù hiệu. Các đồng chí chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Các đồng chí có ảnh của Đờ Cát chưa?

Đơn vị trả lời không có. Một cán bộ của mặt trận dùng xe dzíp xuống đơn vị mang theo tấm ảnh của Đờ Cát.

Anh Lê Chưởng và anh Nam Long báo cáo ở Hồng Cúm địch có vẻ định đánh ra để tháo chạy sang Lào. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho 308 đưa một đơn vị nhanh chóng tăng cường cho lực lượng ta ở Hồng Cúm, phối hợp cùng 304 truy kích tiêu diệt quân địch, không để một tên nào chạy thoát.

Chung quanh vẫn ầm ầm. Không sao hạn chế được sự ồn ào, niềm vui của mọi người. Các đồng chí vệ binh hạ những cánh cửa liếp xuống cho sở chỉ huy yên tĩnh hơn.

Lệnh cho 312 phải báo cáo nhanh về việc bắt được Đờ Cát được nhắc lại. Mỗi phút chờ đợi lúc này rất dài.

Lát sau, anh Lê Trọng Tấn gọi dây nói báo cáo, đúng là đã bắt được Đờ Cát cùng toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Đờ Cát vẫn mang cấp hiệu, ta đã kiểm tra kỹ giấy tờ và chữ ký của y.

Tôi hỏi lại:

- Đồng chí đã thực mắt nhìn thấy Đờ Cát chưa?

Anh Tấn vui vẻ đáp:

- Báo cáo anh, Đờ Cát cùng với cả bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mặt tôi (…)

Tôi viết ngay điện báo cáo với Trung ương và Chính phủ tin quân ta ở Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Bây giờ phải có ngay một bản thông cáo đặc biệt để Đài Tiếng nói Việt Nam kịp truyền đi trong đêm nay.

Tin địch ở Mường Thanh đầu hàng được truyền cho các đơn vị bộ đội và dân công ở phía sau qua đường dây điện thoại.

Lại có ngay một chuyện mới: Giải quyết cái ăn cho tù binh, cứu chữa cho thương binh địch (…)

Người cảm thấy nhẹ nhõm nhất là anh Đặng Kim Giang và các đồng chí phụ trách hậu cần. Không còn phải lo chuẩn bị gạo, đạn cho bộ đội qua cả mùa mưa!

Với tôi trận đánh chưa kết thúc. Quân địch ở Hồng Cúm lúc này do Hà Nội trực tiếp chỉ huy. Nếu chúng chạy thoát một số sang Thượng Lào thì chiến thắng của ta sẽ không trọn vẹn. Tôi gọi điện thoại trực tiếp cho Nam Long (…) Nam Long nói: “Thưa anh, sẽ không có một tên nào chạy thoát. Chúng tôi đã chốt chặt đường sang Lào”.

Tại Hồng Cúm từ 5 giờ chiều ta đã phát hiện địch ném vũ khí xuống sông Nậm Rốm và có nhiều đám cháy trong cứ điểm. Chính ủy Lê Chưởng nói với tham mưu trưởng: “Ta lệnh cho chúng đầu hàng. Bảo nếu ngoan cố sẽ bị tiêu diệt”.

Lệnh được truyền xuống các đơn vị. Tiếng loa của ta vang vang: “Mường Thanh đã đầu hàng! Đờ Cát đã bị bắt! Hồng Cúm hàng nhanh thì sẽ không bị tiêu diệt”.

Địch vẫn im lặng. Ta dùng vô tuyến điện gọi:

- Isabelle! Lalande! Các anh hãy đầu hàng ngay, nếu không sẽ bị tiêu diệt!

- Chúng tôi sẵn sàng hạ vũ khí. Nhưng đề nghị các ông cho mượn đường sang Lào.

Chính ủy Lê Chưởng hạ lệnh cho pháo bắn. Hồng Cúm chìm trong khói lửa. Quân địch không chống cự. Bộ đội bắt đầu tiến vào trong cứ điểm. Nhưng chỉ còn lại những tên bị thương. Có lẽ nào quân địch đã chạy thoát? Vòng vây của ta vẫn siết chặt chung quanh. Trung đoàn trưởng 57 hạ lệnh cho bộ đội đốt đuốc truy tìm quân địch. Đuốc sáng hồng cả một vùng trời. Du kích và đồng bào những bản xung quanh Hồng Cúm cũng chủ động phối hợp, dẫn đường cho bộ đội đuồi bắt Tây. Nhưng quân địch không ở đâu xa. Pháo ta bắn mạnh, các công sự trong cứ điểm đều đổ sụp, La-lăng đã ra lệnh cho tất cả binh lính chạy ra chung quanh cứ điểm để tránh pháo.

24 giờ, anh Lê Chưởng gọi điện thoại báo cáo đã bắt được toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm, trong đó có cả La-lăng, chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Hồng Cúm.

Sau 55 ngày chiến đấu ác liệt, chiến dịch lịch sử đã thu được toàn thắng.

Tôi ngả mình trên chiếc đệm cỏ tranh thao thức mãi không sao ngủ được. Giờ này, Bác và Trung ương đã được tin. Ngày mai, chắc bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Anh Phạm Văn Đồng đã ở Giơ-ne-vơ, sẽ có một tư thế mới để bước vào hội nghị (…) Quân đội ta lớn lên nhanh quá. Kế hoạch Na-va coi như đã thành mây khói. Cục diện sẽ đổi mới. Điện Biên Phủ xong rồi, nay mai sẽ tiếp tục đánh ở đâu? Niềm vui làm tôi mất gần trọn giấc ngủ đêm hôm đó (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1090-1096. Chỗ in đỏ là do người trích.)