Lực lượng địch trên đồi A1 lúc ấy là một tiểu đoàn dù thiếu gần một đại đội. Nếu khối bộc phá được đặt đúng chỗ, tức là ngay dưới hầm ngầm, thì xong đời bộ chỉ huy tiểu đoàn và phần lớn đại đội 3. Đằng này, bị tiêu diệt trước lại là đại đội 2. Ta vẫn may chán, vì đường hầm đã có thể bị đào chệch tới một vị trí khác khiến bộc phá nổ không gây tổn thất đáng kể cho địch.

Nó vẫn chống cự kịch liệt lắm. Ta phải tăng cường một đại đội nữa, trận đánh mới bắt đầu đi vào vòng kết thúc. Những lần trước, quân tăng viện của địch đã kịp thời xuất hiện để cùng với lực lượng đồn trú chặn đứng cuộc tiến công của ta. Nhưng lần này, lối lên đồi đã bị chốt chặt!

Tưởng tượng nếu khối bộc phá nổ vô hại và ta không chặn được quân địch từ Mường Thanh lên!

Nếu A1 nhùng nhằng, có lẽ C2 cũng nhùng nhằng. Tuy chắc nếu ta diệt hai điểm cao quan trọng này chậm đi một hai hôm thì cục diện chiến trường cơ bản vẫn thế, nhưng diệt được sớm thì yên tâm sớm.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “A1, thế là xong!”



Đêm ngày 4 tháng 5, trên cánh đồng phía tây, trung đoàn 36 của Đại đoàn 308 đánh chiếm cứ điểm 311B nằm phía trong cứ điểm 311A đã bị tiêu diệt mấy hôm trước (...) Sáng hôm sau, địch phản kích định chiếm lại, nhưng thất bại.

Ngày 5 tháng 5, Lăng-gơ-le và Bi-gia cùng tới trung tâm đề kháng Ê-li-an. Họ biết rõ số phận của phân khu trung tâm sẽ được kết thúc trên hai điểm cao còn lại ở phía đông (tức A1 và C2).

Tại A1, Lăng-gơ-le quyết định chuyển tiểu đoàn 1 của bán lữ đoàn lê-dương 13 đã bị tổn thất nặng xuống Ê-li-an dưới chân đồi làm lực lượng dự bị, và điều tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 vừa được tăng viện lên thay thế. Tiểu đoàn này nhận lệnh khẩn trương nhảy xuống Mường Thanh, nhưng sau ba đêm chỉ mới tới được hơn hai đại đội và bộ chỉ huy tiểu đoàn (...) Pu-giê, quyền chỉ huy, mất gần sáu giờ đồng hồ mới đưa được đơn vị từ Ê-péc-vi-ê tới Ê-li-an, vì các chiến hào ngập bùn và bị pháo ta bắn chặn (...)

Lực lượng địch ở Điện Biên Phủ (phân khu trung tâm) còn 5.385 quân chiến đấu (...) Nếu so với sau đợt tiến công thứ hai thì đông hơn, do đã được tăng cường. Diện tích phân khu trung tâm còn không đầy một ki-lô-mét vuông. Con nhím khổng lồ của Na-va đã thu lại chỉ bằng con nhím của Xa-lăng ở Nà Sản năm trước.

Cũng trong ngày 5 tháng 5, trung đoàn 174 báo cáo đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Trong đêm, một tấn bộc phá chia thành những gói hai mươi ki-lô-gam được đưa vào cuối đường hầm.

Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định đẩy nhanh nhịp độ phát triển của đợt tiến công thứ ba và chuẩn bị mọi điều kiện để sớm chuyển sang tổng công kích (…)

Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1954, tiểu đoàn 255 của 174 phòng ngự suốt ba mươi tư ngày đêm trên đồi A1 được lệnh rút qua đồi Cháy làm lực lượng dự bị. Tiếng nổ của khối bộc phá dưới đỉnh đồi sẽ là hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công tối nay.

Trời ngớt mưa. Cơ quan tham mưu báo cáo đêm qua địch đã thả dù thêm hàng trăm quân tăng viện. Máy bay địch hoạt động với mức độ chưa từng có kể từ đầu chiến dịch. Chúng ném bom, bắn rốc-két xuống những vị trí phòng ngự của ta, đặc biệt là đồi C1. Pháo cao xạ bắn rơi thêm một chiếc C-119.

Buổi trưa trời hửng nắng. Tôi trèo lên đỉnh núi Mường Phăng sau sở chỉ huy, quan sát trận địa. Gần một tháng qua, từ vị trí này, với một chiếc ống nhòm có bội số quang học lớn, tôi đã theo dõi sự tiến triển của chiến hào ta. Thời gian đầu, sự tách biệt giữa ta và địch rất rõ. Tập đoàn cứ điểm địch trông giống như những tổ ong khổng lồ nằm sát nhau hai bên bờ sông Nậm Rốm. Trận địa ta là những đường hào rất nhiều nhánh từ chung quanh cánh đồng lan dần vào. Nhưng từ cuối tháng Tư, rất khó phân biệt đôi bên. Vì hầu hết những mũi chiến hào của ta đã cắm sâu vào tập đoàn cứ điểm. Đôi lúc phải xác định trên bản đồ đâu là nơi địch còn giữ được, đâu là nơi ta đã tiêu diệt.

Trận mưa dù đang tiếp tục trên bầu trời Điện Biên Phủ. Những chiếc máy bay vận tải bay cao ngoài tầm pháo cao xạ. Hàng ngàn chiếc dù màu sắc tươi rói chi chít trên cánh đồng, như nấm nở rộ sau một trận mưa. Có thể thấy rõ một số khá lớn đồ tiếp tế của địch rơi vào trận địa ta (..)

Tôi dùng ống nhòm tìm vị trí 311B ở phía tây vừa bị tiêu diệt hai đêm trước. Vị trí này nằm cách sở chỉ huy Mường Thanh hơn 300 mét (…) Tôi chuyển ống nhòm về phía tây nam tìm cứ điểm 310 (gần Đờ Cát hơn nữa), được coi là “con mắt” của tập đoàn cứ điểm. Đêm nay, trung đoàn 102 sẽ tiêu diệt vị trí này (…)

20 giờ, pháo ta tập trung bắn vào A1, C2, 506 phía bắc, 310 phía tây Mường Thanh. Lần này có thêm sự phối hợp của 12 giàn hỏa tiễn sáu nòng. Mặc dù độ tản mát còn cao, những đuôi lửa, tiếng rít và tiếng nổ dữ dội của loại vũ khí mới này hẳn đã làm cho quân địch hoảng sợ.

Đợt pháo kích của ta kéo dài 45 phút. Ta vừa ngừng bắn, pháo địch lên tiếng ngay, tập trung trút đạn xuống những trận địa chiến hào xung quanh A1 và C2.

Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quay điện thoại liên lạc với công binh để kiểm tra lần cuối. Điện thoại bị đứt dây! Tình hình lại như lần trước. Nhưng cơ quan tham mưu chiến dịch đã rút kinh nghiệm. Trước giờ G năm phút, các chiến sĩ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1, nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của ngàn cân bộc phá. Đúng 20 giờ 30, một tiếng nổ trầm, không phải như chúng ta chờ đợi. Quay đầu nhìn lại, trên đồi A1 có một đám khói lớn đang phụt lên. Một số người phân vân: có phải đây là bom nổ chậm địch thả lúc chiều? Nguyễn Hữu An quyết định ra lệnh cho pháo của trung đoàn khai hỏa. Mấy ngày trước đó, ta đã tiêu diệt một số hỏa điểm địch hướng về phía tiền duyên, nên đêm nay pháo của trung đoàn chỉ bắn chế áp 15 phút, rồi bộ binh xung phong. Ở phía đông nam - hướng tiến công chính - tiểu đoàn 249, do tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe chỉ huy, chia làm hai cánh tiến lên đồi hình thành thế bao vây quân địch. Phía tây nam, tiểu đoàn trưởng Dũng Chi đưa tiểu đoàn 251 tiến theo giao thông hào mới đào trên mặt ruộng ven đường 41, thọc một mũi dùi cắt A1 khỏi Mường Thanh.

Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét đã thổi bay chiếc lô-cốt bên trên và phần lớn đại đội dù 2 của Ét-mơ đóng ở đây. Pu-gi-ê ngồi trong hầm ngầm bỗng thấy quả đồi rung rinh, một tiếng nổ trầm át mọi tiếng động khác kéo dài vài giây. Một lát sau y mới hiểu ra, và biết mình vừa thoát chết.

Khối bộc phá một ngàn cân đã tiêu diệt một phần tuyến ngang gây khó khăn cho các đơn vị đánh A1 trong đợt trước, tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho hai đại đội của tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi. Nhưng những đất đá từ hố sâu bay lên đã làm cho quả đồi biến dạng, càng lên gần tới đỉnh càng rất khó đi. Lợi dụng lúc đó, những tên lính còn sống sót của đại đội dù 2 liên tiếp trút đạn liên thanh về phía ta. Đại đội 316 đánh vào trận địa súng cối. Đại đội 317 đánh vào khu thông tin gần hầm ngầm. Đại đội dù 3 đóng trên đỉnh đồi và trong hầm ngầm bắt đầu phản kích. Cuộc chiến bằng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê lại diễn ra trên từng mét chiến hào, từng ụ súng.

Phía tây nam, các chiến sĩ bộc phá của tiểu đoàn 251 nhiều lần tiến lên mở đường về phía lô-cốt “Cây Đa Cụt” đều bị thương vong. Ta đưa SKZ lên bắn sập chiếc lô-cốt. Khẩu đại liên ở đây đã hoàn toàn im lặng. Nhưng khi bộ đội lên phá tiếp hàng rào thì lại bị hỏa lực không biết từ đâu chặn lại. Tiểu đội trưởng Phấn cùng đại đội phó bí mật bò lên quan sát, phát hiện được một ụ súng ngầm được ngụy trang kỹ, ở ngay gần lô-cốt. Phấn đề nghị cho mình được tiêu diệt ụ súng để trả thù cho các đồng đội đã hy sinh, nếu cần sẽ ôm bộc phá lao vào ụ súng để mở đường cho đơn vị. Đại đội tổ chức hỏa lực yểm hộ cho Phấn hoàn thành nhiệm vụ an toàn. Tiểu đoàn 251 đã cắt đứt con đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên.

Trên đỉnh đồi, những tên lính dù dựa vào chiến hào và công sự đã được củng cố trong thời gian qua ra sức chống đỡ chờ quân viện (lần này không bao giờ tới!).

Quá nửa đêm, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quyết định đưa đại đội dự bị của tiểu đoàn 249 vào giải quyết trận đánh. Bộ đội ta chia thành từng tổ nhỏ tiêu diệt dần dần từng ụ đề kháng của giặc.

Tại Mường Thanh, trước tình hình nguy ngập (…) Lăng-gơ-le ra lệnh cho hai đại đội của tiểu đoàn dù 8, mỗi đại đội chỉ còn 40 người, lập tức lên đồi A1. Nhưng con đường lên đã bị ta chốt chặt. Lăng-gơ-le đành cho chuyển sang Ê-li-an 4 (C2), nơi Brê-si-nhắc cũng đang khẩn thiết đòi tăng viện.

Sau khi tiêu diệt được vị trí Cây Đa Cụt, tiểu đoàn trưởng 251 Dũng Chi quyết định đưa một bộ phận xuống uy hiếp A3, đồng thời tổ chức một mũi đánh lên đỉnh đồi dồn quân địch trên đó vào thế giữa hai gọng kìm (…)

Trước khi trời sáng trận đánh kết thúc (…) Lá cờ Quyết Chiến Quyết Thắng tung bay trên đỉnh đồi A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm.

Trong đêm, cũng ở phía đông, trung đoàn 165 của 312 đã tiêu diệt 506 (Ê-li-an 10), một cứ điểm rất quan trọng nằm bên đường 41 chạy tới sở chỉ huy của Đờ Cát. Lăng-gơ-le đã dồn vào đây tất cả những gì còn lại của tiểu đoàn dù 6. Ở phía tây, trung đoàn 102 của 308 đã chiếm xong cứ điểm 310, chỉ cần vượt qua một cứ điểm nữa là tới sở chỉ huy của Đờ Cát.

Nhưng trận đánh trên dãy đồi phía đông vẫn chưa kết thúc. Trong đêm, ở hướng chính trong cuộc tiến công chiếm C2, tiểu đoàn 215 của 98 đã mở nhiều đợt xung phong nhưng tiểu đoàn dù 5 của địch dựa vào công sự kiên cố chống trả rất quyết liệt. Rút cuộc, một bộ phận nhỏ của 215 cũng lọt được vào bên trong cứ điểm. Địch mất dần sức chiến đấu. Đúng lúc đó, có lực lượng từ Mường Thanh lên tăng viện (hẳn là hai đại đội dù đi cứu A1 nhưng bị ta chặn), địch chuyển sang phản kích định đánh bật ta ra khỏi đồn. Cuộc chiến đấu kéo dài tới sáng ngày 7 tháng 5. Các chiến sĩ của ta chỉ còn cố bám giữ lấy đầu cầu. Mũi vu hồi của tiểu đoàn 439 đánh vòng theo hướng tây bắc nhằm chia cắt C2 với Mường Thanh gặp địa hình trống trải bị hỏa lực từ C2 và pháo ở Mường Thanh tiêu hao khi tiếp cận, đột phá không thành công.

Thấy trận đánh ở C2 kéo dài, tôi gọi điện cho anh Lê Quảng Ba, nhắc: “174 đã chiếm xong A1, tận dụng hỏa lực bắn thẳng của ta từ A1 chi viện cho 98 ở C2. Đưa ngay lực lượng dự bị trung đoàn 98 vào chiến đấu. Pháo chiến dịch sẽ kiềm chế pháo địch ở Mường Thanh, dành riêng cho C2 hai trăm quả pháo 105. Cần nhanh chóng tiêu diệt C2 để làm chủ hoàn toàn các điểm cao phía đông!”.

7 giờ 30 ngày 7 tháng 5 năm 1954, pháo ta vừa ngừng chế áp, tiểu đoàn 215 và đại đội 138 của tiểu đoàn 375 chia làm ba mũi xung phong lên C2. Quân ta lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu. 9 giờ 30, bộ đội hoàn toàn làm chủ đồi C2. Bộ chỉ huy khu đông, gồm Brê-si-nhắc, Bô-ten-la và một số đông sĩ quan dù tập trung tại đây đều bị bắt sống.

Cuộc chiến đấu trên những ngọn đồi phía đông đã kết thúc. Cả khu trung tâm nằm gọn dưới hỏa lực bắn thẳng của ta.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1084-1089. Nhan đề phần trích tạm đặt.)