Ðối với việc tìm hiểu văn hóa Ðông Sơn, L. Pajot vừa có công vừa có tội. Công là đào lên được vết tích của văn hóa ấy. Tội là đào bừa bãi, “góp phần rất nhiều vào việc phá hoại những di chỉ tiền sử”, là để di vật “thuộc những thời đại và những địa điểm khác nhau trộn trạo trong một sự rối rắm mà đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ”. Pajot trực tiếp làm nên tội, nhưng trách nhiệm phải quy về Trường Viễn Ðông Bác Cổ. Giao việc khảo cổ một viên chức thuế quan, Trường ẩu quá. Ẩu là do xem thường. Xem thường là do chủ quan. Chủ quan là phản khoa học. (Thu Tứ)



“Tìm hiểu Ðông Sơn” (1)

Hoàng Xuân Chinh




Di tích Ðông Sơn được phát hiện và khai quật trong những năm 20 của thế kỷ này (...) song những di vật (thuộc) văn hóa Ðông Sơn thì đã được nhân dân ta biết đến từ lâu.

(...) Theo thần tích làng Thượng Lâm (Hà Tây), thì từ thế kỷ X, Ðinh Tiên Hoàng, trong khi tiến hành đánh dẹp các sứ quân, đã chú ý thu thập các trống đồng cổ để tặng phong cho nhân dân các làng xã giữ để thờ.

(...) từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cùng với việc do thám tìm hiểu tình hình để xâm lược và bình định miền Bắc nước ta, một số sĩ quan, quan lại Pháp, dưới danh nghĩa “học giả”, “nhà nghiên cứu”, “nhà thám hiểm” đã tiến hành thu lượm mua bán một số hiện vật văn hóa Ðông Sơn ở miền núi và đồng bằng lưu vực sông Hồng. Trong đó hoạt động tích cực và có hiệu quả hơn cả là D"Argence va Demange.

Demange và D"Argence đã sục sạo (...) tập trung hơn cả là vùng Hà Ðông, Sơn Tây và đã thu lượm được một số lượng lớn hiện vật văn hóa Ðông Sơn như rìu, giáo, dao, dao găm, trống đồng, tấm che ngực v.v. Những hiện vật này, vào năm 1913 và 1927, đã được bán lại cho Trường Viễn đông Bác cổ của Pháp ở Hà Nội và một số Viện Bảo tàng ở Pháp (...)

Với những tư liệu thu lượm được, H. Parmentier (...) phụ trách khảo cổ của TVÐBC (...) viết tác phẩm Những chiếc trống đồng cổ (1918) (...) lưu ý đến sự giống nhau một cách kỳ lạ giữa hoa văn trên trống Ngọc Lũ với hoa văn trang trí trên đồ đồng sưu tập D"Argence.

(...) học giả người Ðức F. Heger (...) (viết) cuốn Những trống đồng cổ ở Ðông Nam Á (1902) (...) một công trình khá cơ bản, đặt cơ sở cho việc nghiên cứu trống đồng (...)

Cho đến đầu những năm 20 của thế kỷ này (tức thế kỷ 20) (...) việc nghiên cứu các bộ sưu tập hiện vật (văn hóa Ðông Sơn) còn lẻ tẻ, rời rạc.

Phải đợi đến năm 1924, tình hình nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn mới (...) biến chuyển (...) (nhờ) việc phát hiện và khai quật khu di tích cư trú và mộ táng Ðông Sơn ven bờ sông Mã thuộc thị xã Thanh Hóa.

(...) năm 1924, một nông dân làng Ðông Sơn, sau cơn nước to, ra bờ sông Mã câu cá, đã ngẫu nhiên phát hiện được một số đồ đồng nằm trong lòng đất nơi bờ sông bị lở. Những đồ đồng này được đem bán cho L. Pajot, một viên chức thuế quan Thanh Hóa. Phát hiện này được báo đến Trường Viễn đông Bác cổ và Pajot được ủy nhiệm tiến hành “khai quật” khu di tích Ðông Sơn.

Từ năm 1924 đến năm 1932, Pajot (...) tiến hành nhiều đợt khai quật (...) thu lượm được nhiều đồ đá, đồ gốm, đồ đồng và đồ sắt (...) phát hiện được một số mộ táng và một số cột gỗ có dấu vết đục đẽo mà ông cho là vết tích nhà sàn (...) Kết quả các cuộc khai quật của Pajot ở Ðông Sơn được Victor Goloubew, một học giả Pháp gốc Nga chuyên nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật công tác tại TVÐBC giới thiệu trong tác phẩm Thời đại đồng thau ở Bắc kỳ và bắc Trung kỳ năm 1929 (...) Theo báo cáo chính thức thì (...) Pajot thu lượm được 489 hiện vật bằng đồng (...)

(...) các đợt khai quật của Pajot ở Ðông Sơn (...) vô cùng quan trọng, lần đầu tiên (người ta) đã liên hệ được những hiện vật phát hiện lẻ tẻ mà tiêu biểu hơn cả là trống đồng với một di tích khảo cổ (...)

Nhưng (...) do trình độ chung của khảo cổ học thế giới những năm 20, cùng với khả năng chuyên môn của một người làm khảo cổ nghiệp dư, các cuộc khảo cổ của Pajot có rất nhiều thiếu sót, mà nổi rõ hơn cả là thiếu hẳn các bản vẽ trắc diện, quan hệ địa tầng và mộ táng không được làm sáng tỏ v.v. gây rất nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu di tích Ðông Sơn cũng như cho cả văn hóa này.

Chính các học giả nước ngoài, khi sử dụng những tư liệu ở Ðông Sơn đã phê phán gay gắt phương pháp khai quật cẩu thả, thiếu khoa học của Pajot, thậm chí còn nhận định “góp phần rất nhiều vào việc phá hoại những di chỉ tiền sử” (Heine-Geldern 1946) (1)

_____________________
(1) Ðối với cuộc khai quật của Pajot ở di tích Ðông Sơn, Gaspardone viết: “Ðồ đồng, đồ gốm, đồ đá và đồ sắt thuộc những thời đại và những địa điểm khác nhau trộn trạo trong một sự rối rắm mà đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ” (Gaspardone 1936) (...) Janse thì cho là “Những người tìm của đã làm lộn nhào cả phần lớn di chỉ cổ” (Janse 1960).


(Hoàng Xuân Chinh, “Lịch sử phát hiện và nghiên cứu”, tức chương I trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)