“Gói bánh chưng bằng nếp Tây để biếu lại Tây”




Trước khi mở đường hầm ít ngày, một máy bay B-24 chưa kịp cắt bom đã bị cao pháo của ta bắn hạ gần Bản Kéo (…)

Giặc trời đã “biếu tặng” cho đội A83 một lượng thuốc nổ lớn để “gậy ông đập đầu ông”! (…)

Theo tính toán thì hầm chứa phải có khối tích 1,5m x 1,5m x 1,5m. Thuốc nổ chất vào hầm sẽ là một mét khối, thể tích còn lại chung quanh sẽ được nện đất chặt để tăng thêm sức công phá.

Trong khi đội A83 thay phiên nhau vào ca 10 phút để khoét hầm chứa thì một số anh em đi gói thuốc nổ ở một địa điểm an toàn bí mật cách chân đồi A1 không xa. Có lẽ trên thế giới chưa từng có quân đội nào vừa chiến đấu vừa sản xuất vũ khí ngay tại tiền duyên như bộ đội ta đang làm!

Họ đào những cái hố vuông đều nhau, đặt vải dù vào trong, rồi đổ thuốc nổ xuống, gói (…) Những gói thuốc vuông vức trông như những cái bánh chưng lớn ngày Tết! (…)

Chiều ngày 4 tháng 5 năm 1954, Lưu Viết Thoảng từ đường hầm lom khom ra ngoài báo cáo: Hầm chứa đã hoàn thành!

Xuyên Khung vào kiểm tra. Sau đó là Nguyễn Điệt. Các anh đo đạc lại, thấy hầm chứa đã đúng quy cách, liền báo cáo với trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An. Trung đoàn trưởng đồng ý cho xếp thuốc nổ vào hầm chứa. Những bánh thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, dây điện kép và máy điện kích nổ đã được chuyển vào bên trong hầm. Xuyên Khung cho anh em trong đội xuống dưới chân đồi nghỉ ngơi. Anh và đội phó Nguyễn Điệt ở lại xếp 56 bánh thuốc nổ vào trong hầm chứa, tự tay xếp đặt đảm bảo tối đa yêu cầu kỹ thuật kích nổ. Hai anh bố trí một trạm nổ chính ở giữa, bốn trạm nổ phụ xung quanh khối thuốc, mỗi dây lắp một chùm kíp số 8, số 6 và kíp kép. Trung bình hai cân thuốc nổ có một kíp kích nổ. Các kíp nổ lại được bao quanh bằng thuốc TNT làm mồi. Ngoài ra còn một chùm kíp điện có thuốc mồi nổ nối với 100 mét dây điện kép tới máy điểm hỏa bên ngoài cửa hầm. Cách bố trí này bảo đảm khi phát nổ, toàn bộ khối thuốc chỉ nổ một tiếng lớn.

Sáng 6 tháng 5, trên cửa mở chỉ còn bốn anh em. Xuyên Khung phân công Nguyễn Điệt và Lưu Viết Thoảng ở vị trí số 2, phụ trách máy điểm hỏa. Anh và Nguyễn Văn Bạch ở vị trí số 1, phụ trách giật nụ xòe (hình như đây là hai cách kích nổ khác nhau, được tiến hành song song để bảo đảm kết quả) (…)

18 giờ 30 cùng ngày, bốn anh em vừa ăn xong bữa “cơm ấm” do anh nuôi mang đến (…) Chiến sĩ trực điện đài trung đoàn bò qua cửa mở trao Xuyên Khung một bức điện ngắn: “Gửi đội công binh đồi A1. Chúc các đồng chí thành công! - Ngọc”. Xuyên Khung ra hiệu cho các đồng chí của mình đến vị trí số 1, đọc thầm bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho họ nghe (…)

Xuyên Khung được phổ biến giờ G trước 5 phút (…)

Đúng giờ G (20 giờ 30 phút), Xuyên Khung ra lệnh cho Nguyễn Điệt và Lưu Viết Thoảng đặt tay vào máy điểm hỏa. Xuyên Khung tự tay giật nụ xòe rồi giao cho Nguyễn Văn Bạch giật tiếp. Nguyễn Văn Bạch bình tĩnh, thuần thục giật từng cái một. Khi cả sáu nụ xòe đã nổ, Xuyên Khung ấn Bạch nằm sát tường hào giao thông (…)

Đồi A1 rùng rùng rung chuyển như trong một trận động đất lớn. Các anh toàn thân bị nhấc lên khỏi mặt đất. Phía đỉnh đồi, một vầng sáng lóe lên, ngay sau đó là một đụn khói đen xì bốc cao (…) Những lô-cốt trên mặt đồi nơi đại đội dù 2 của địch đóng quân bị tung lên, quật xuống (…)

Khối thuốc nổ làm sụt hẳn một góc đồi, hình thành một rãnh ngang lớn kéo dài (…)


(
Huyền thoại đồi A1, nhiều người kể, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2014. Nhan đề phần trích tạm đặt.)