Thu, nhất là chiều thu, thường làm bâng khuâng. Thế mà bài thơ này rõ ràng diễn một lòng hân hoan gần tới mức bồng bột!... Sực nhớ bài “Chiều thu quê hương” của Huy Cận và bài “Chiều thu” của Nguyễn Bính sáng tác không lâu sau khi kháng chiến chống Pháp thành công. Cả hai cũng là thu vui. Thu khoảng ấy làm sao mà vui? Thì liên tiếp bao nhiêu thu khói lửa tơi bời, bây giờ giặc đã cút, quê hương thanh bình, vui chứ sao. “Chiều sông Thương” sáng tác năm nào, trước hay sau khi đất nước thống nhất? Nếu sau, thì giống như hai bài vừa nói. Còn nếu trước, thì tác giả đã mơ vui thanh bình như Văn Cao mơ vui chiến thắng khi viết “Tiến về Hà Nội” năm 1950.

(Thu Tứ)



Hữu Thỉnh, “Chiều sông Thương”




đi suốt cả ngày thu
vẫn chưa về tới ngõ
dùng dằng hoa quan họ
nở tím bên sông Thương

nước vẫn nước đôi dòng
chiều vẫn chiều lưỡi hái
những gì sông muốn nói
cánh buồm đang hát lên

đám mây trên Việt Yên
rủ bóng về Bố Hạ
lúa cúi mình giấu quả
ruộng bời con gió xanh

nước màu đang chảy ngoan
giữa lòng mương máng nổi
mạ đã thò lá mới
trên lớp bùn sếnh sang

cho sắc mặt mùa màng
đất quê mình thịnh vượng
những gì ta gửi gắm
sắp vàng hoe bốn bên

hạt phù sa rất quen
sao mà như cổ tích
mấy cô coi máy nước
mắt dài như dao cau

ôi con sông màu nâu
ôi con sông màu biếc
dâng cho mùa sắp gặt
bồi cho mùa phôi phai

nắng thu đang trải đầy
đã trăng non múi bưởi
bên cầu con nghé đợi
cả chiều thu sang sông.