Kền kền (thả bom nguyên tử) không dám bay vì sợ cô đơn.

Kền kền cổ khoang (cho quân bên Lào qua giải vây) bay chưa tới đâu đã tả tơi, phải quay về.

Trên bất lực, lại thấy Nhím bị ép co quá nhỏ, nguy đến nơi, bèn cho Nhím được tùy ý hóa Hải âu bay trốn qua Lào.

Nhưng có còn lỗ trống nào đâu để bay!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Con hải âu không bao giờ bay”



Rất nhiều cuốn sách của phương Tây xuất bản trong những thập niên qua đã giúp chúng ta bổ sung vào bức tranh toàn cảnh về chiến cục Đông Xuân 1953-1954 cũng như những ngày giờ cuối cùng của con nhím Điện Biên Phủ.

Ngày 2 tháng 5, Na-va vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội (...) triệu tập họp khẩn cấp bàn cách cứu vãn tình thế. Dự họp có Na-va, Cô-nhi, Cre-vơ-cơ (tư lệnh lực lượng ở Lào) (...)

Cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã kéo dài năm mươi ngày đêm (...) Hầu hết lực lượng cơ động tập trung ở đồng bằng sông Hồng đã bị phân tán (...) Ba binh đoàn đang bị cầm chân ở Trung Lào (...) Điện Biên Phủ đi vào thời điểm quyết định khi Na-va chỉ còn trong tay một tiểu đoàn dù!

Hội nghị Giơ-ne-vơ đã khai mạc nhưng còn bàn về vấn đề Triều Tiên (...) Hy vọng của Pháp lúc này là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Điện Biên Phủ. Nhưng để hy vọng có thể thành sự thực, ít nhất con nhím Điện Biên Phủ phải tồn tại thêm một thời gian. Chính phủ Pháp hoàn toàn không muốn thấy một cuộc đầu hàng.

Những bức điện của Đờ Cát và Lăng-gơ-le mới gửi về đều chứa lời lẽ gay gắt và tuyệt vọng. Số phận của Điện Biên Phủ chỉ còn tính từng ngày. Có thể ngay ngày mai nếu không có quân tiếp viện. Cô-nhi một lần nữa lại đưa ra ý kiến mở một cuộc hành binh đánh vào sau lưng đối phương. Nhưng lấy đâu ra lực lượng? Tất cả các binh đoàn cơ động đang sa lầy ở đồng bằng Bắc bộ, ở Trung Lào, ở miền Trung. Dù muốn điều động cũng không còn thời gian. Và làm cách nào tiếp tế đạn dược, lương thực cho một cuộc hành binh mới trong lúc toàn bộ không quân vận tải với cả những máy bay hạng nặng của Mỹ đang không thể bảo đảm đáp ứng được những yêu cầu khẩn thiết của riêng Điện Biên Phủ.

Na-va tuyên bố: “Không cần phải tiếp tục cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ” (và) quyết định ra lệnh cho quân đồn trú tại Điện Biên Phủ mở một cuộc hành binh tự phá vây chạy sang Lào. Lực lượng biệt kích địa phương nhỏ ở Lào sẽ giúp tạo một hành lang (...) Cuộc hành binh này sẽ mang bí danh là Albatros (Hải âu lớn) (...) bỏ lại thương binh và sĩ quan quân y vì Na-va tin chắc Việt Minh sẽ trao trả (...) Na-va (...) tăng viện thêm cho Điện Biên Phủ (...) tiểu đoàn dù cuối cùng.

Ngày 4 tháng 5 năm 1954, Cô-nhi điện cho Đờ Cát (...) “Chỉ huy trưởng GONO được trao quyền lựa chọn cách thức và thời điểm (tiến hành cuộc tháo chạy)...” (...)

Trong ngày, dưới trời mưa tầm tã, Đờ Cát họp các sĩ quan cao cấp ở Mường Thanh phổ biến kế hoạch Hải âu lớn (...) Không mấy người có ảo tưởng (...) Chiến hào của đối phương đã bao vây rất chặt, không còn kẽ hở. Lực lượng của Cre-vơ-cơ không có khả năng chống chọi với Việt Minh. Tuy nhiên, mọi người thống nhất phải chia làm ba cánh khi rút chạy. Cánh thứ nhất, gồm toàn bộ quân dù, do Lăng-gơ-le và Bi-gia chỉ huy. Cánh thứ hai, gồm toàn bộ quân lê-dương và Bắc Phi, do Lơ-mơ-ni-ê và Va-đô chỉ huy. Cánh thứ ba, gồm toàn bộ quân ở Hồng Cúm, do La-lăng chỉ huy. Có ba đường rút lui: đường thứ nhất qua bản Keo Lom, đường thứ hai theo thung lũng Nậm Nưa, đường thứ ba theo hướng Nậm Hợp (...) Dự kiến kế hoạch rút chạy sẽ được thực hiện vào lúc 20 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954 (...)

Tại Mường Thanh, ngày 7 tháng 5 năm 1954, lúc 12 giờ, Lăng-gơ-le triệu tập cuộc họp các chỉ huy tiểu đoàn. Lần này vắng mặt những người chỉ huy dù (vì tất cả đều đã tử trận hoặc bị quân ta bắt sống). Theo kế hoạch, cuộc phá vây sẽ phải thực hiện vào lúc 20 giờ hôm nay. Như thường lệ, một chiếc Corsair F4U của không lực hải quân (Mỹ) bay sát tập đoàn cứ điểm ném xuống một túi văn thư, trong đó là những bức không ảnh mới nhất. Lăng-gơ-le và Bi-gia chăm chú nhìn. Con đường chạy về phía nam cách đây ba ngày còn để ngỏ đã bị ba đường hào cắt ngang. Bi-gia lầm bầm: Sẽ phải mở “một con đường máu”. Chỉ huy các tiểu đoàn lần lượt báo cáo đơn vị mình không ở trong trạng thái thực hiện được một cuộc phá vây mà họ tin là khó sống sót. Những người dự họp đều nhận thấy: dù có hy sinh phần lớn quân rút chạy, cũng khó giúp cho một nhóm người thoát khỏi thung lũng. Cuộc tiến công của những người lính kiệt sức nhắm vào những vị trí được đối phương bảo vệ vững chắc, sẽ là một hành động tự sát. Vấn đề thực hiện kế hoạch Hải âu lớn không còn được đặt ra.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1082-84, 1090. Nhan đề phần trích tạm đặt.)