Hoàng Lê nhất thống chí có phải quyển tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của văn học Việt Nam? Có người so nó với Tam quốc chí. “Chí” ta ngắn hơn “chí” Tàu, nhưng hấp dẫn kém gì! Nhờ Ngô Thời Chí khéo kể chuyện và nhờ Ngô Tất Tố diễn Nôm vừa “mực thước” vừa tài tình...(1) Truyện mở đầu với sự xuất hiện của Ðặng Thị Huệ. Nhớ ngay Dương Quý Phi. Vua Tàu dại gái, chúa Việt cũng dại gái! (Thu Tứ)

(1) Trong bản dịch mà GN sẽ đưa đến độc giả, chỉ Hồi 1 của Chương 1 là đúng như Ngô Tất Tố đã dịch. Vì bản NTT hiện thất lạc, chúng tôi đành dùng một bản dịch khác, không biết của ai.



Ngô Thời Chí, Hoàng Lê nhất thống chí (I.1)




Chương I

Hồi 1: CHÚA CŨNG DẠI GÁI


Nhà Lê, sau khi Trang Tôn trung hưng, ở sông Tất Mã, nhờ có Trịnh Kiểm giúp sức, mới dẹp yên đảng họ Mạc, trở về được chốn cố đô. Từ đó, họ Trịnh mới đời đời nối ngôi làm chúa, giữ hết đại quyền, nhà vua dần dần suy yếu.

Truyền qua vài đời, đến hiệu Cảnh Hưng, triều Hiến Tôn, Trịnh Sâm lên giữ ngôi chúa, lại càng chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc, vua Lê chỉ còn một việc chấp thuận và ngồi trên ngai vàng làm vì.

Sâm cũng là bậc cương minh, anh đoán, trí tuệ hơn người, có đủ văn tài võ lược, xem khắp sử sách, lại biết làm văn làm thơ, không phải một người tầm thường.

Từ khi Sâm nối ngôi Chúa, chính sự trong nước, kỷ cương trong triều, hết thẩy đổi mới một lượt. Bao nhiêu tướng giặc đảng nghịch cũng đều lần lượt đánh tan, nào phá giặc Ninh Ná, nào diệt bọn Hoàng Chất, quân Chúa đến đâu tất nhiên thắng lợi đến đấy. Bốn phương đã yên lặng, kho đụn lại sung túc, Sâm bèn dần dần sinh ra xa xỉ, kiêu căng. Cung tần, thị nữ kén vào rất nhiều, ngày đêm mặc ý mua vui, không còn e lệ gì nữa.

Một hôm, tiệp thư Trần Thị Vịnh sai ả thị tỳ bưng một chậu hoa đến trước ngự tọa, Sâm thấy ả đó mắt phượng mày ngài, mười phần xinh đẹp, tự nhiên cầm lòng không được. Hỏi ra mới biết nàng tên là Ðặng Thị Huệ, người làng Phù Ðổng, Sâm liền tư thông với nàng.

Từ đó, Thị Huệ càng ngày càng được Chúa yêu đương, nàng nói gì Chúa cũng nghe, không một việc gì mà Chúa không bàn với nàng. Chẳng bao lâu nàng được ở chung một nơi với Chúa, y như vợ chồng những nhà dân thường. Xe kiệu, quần áo của nàng hết thẩy được làm như những đồ dùng của Chúa.

Ðược Sâm càng chiều, nàng hơi có vẻ lộng quyền, hễ có chuyện gì không được vừa ý, nàng làm bộ buồn rầu, kêu gào khóc lóc, khiến cho Sâm phải sốt ruột.

Sâm có viên ngọc Dạ Quang rất đẹp, bắt được trong khi đánh dẹp phương nam, vẫn xâu ở trên khăn làm đồ trang sức. Một hôm, Thị Huệ mó tay vào viên ngọc đó có ý mân mê xem nó ra sao. Sâm nói một cách nhẹ nhàng:

- Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm cho ngọc có vết.

Nàng bèn dứt phăng viên ngọc ném xuống đất rồi vừa khóc vừa nói:

- Làm gì cái hạt ngọc này. Chẳng qua đến vào Quảng Nam mua đền giả Chúa hạt khác là cùng. Sao Chúa nỡ trọng của khinh người như thế.

Rồi nàng tự ra ở riêng cung khác, từ chối không vào chầu nữa. Sâm phải dùng nhiều cách dỗ dành để nàng vui lòng, bấy giờ nàng mới làm lành.

Khi nàng có thai, Sâm sai người đi lễ khắp bách thần, chỉ cầu cho nàng đẻ được con trai. Ðủ tháng, quả nhiên nàng sinh được người con trai. Sâm rất mừng. Muốn tỏ rằng đứa con ấy giống mình, khi nó đầy trăm ngày, Sâm lấy tên mình lúc nhỏ mà đặt cho con là Cán.

Bấy giờ là năm thứ 38 hiệu Cảnh Hưng, vừa gặp có khóa thi hương. Ðến kỳ thứ ba, Sâm lấy hai câu: “Sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung”(1) để ra đầu đề cho các thí sinh. Các quan văn võ đứa đón ý Chúa, nhiều người dùng chữ “tinh huy, hải nhuận”(2) làm lời chúc mừng.

Lúc Cán đầy tuổi tôi, cốt tướng lại càng mập mạp, mạnh mẽ, khác hẳn người thường. Ðến khi biết nói, Cán ứng đối gẫy gọn, không kém người lớn. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng vẫn ra vẻ con nhà nòi, mỗi khi các quan văn võ vào thăm, Cán đều tiếp đãi bằng một dáng bộ nghiêm chỉnh. Có người cách đến hàng năm mới lại gặp mặt, Cán cũng nhớ họ nhớ tên, kể lại chuyện cũ vanh vách. Hồi đó, Sâm có sai quan Hàn Lâm làm những bài tụng 16 câu một, để quan A Bảo dạy Cán học miệng.

Bất kỳ bài nào Cán chỉ nghe qua một lượt là đọc được liền, không phải học hành gì hết. Thấy vậy, Sâm càng quý Cán bội phần.

Nhân cơ hội ấy Thị Huệ mới dự định cho Cán cướp ngôi Thế tử.


(Sách gồm nhiều chương, chúng tôi chia mỗi chương thành nhiều hồi với tiểu đề tạm đặt)



















___________________
(1) Khí thiêng liêng của sông núi tụ lại, sự tốt đẹp của khơi biển đúc nên. Ý muốn chỉ sự giáng sinh của Trịnh Cán.
(2) Sao sáng bể nhuận tức là điềm sinh ra thánh nhân.