Thì ra căn hầm ngầm quái quỷ trên đỉnh đồi A1 là một cái hầm rượu được gia cố bằng xác một ngôi nhà kiên cố. Ngoài bí mật cửa xuống ta chưa biết chính xác ở chỗ nào, nó còn một bí mật nữa là cái giao thông hào giúp Pháp có thể đưa thêm quân lên khi cần. Ta sẽ cắt đứt hào và không tìm miệng hầm để đánh xuống nữa mà cho sóng xung kích từ nghìn cân bộc phá nổ tung từ bên dưới đánh ngược lên đáy hầm!

Nhưng kỳ công chưa hoàn thành khi đợt ba bắt đầu. Có lẽ cho xứng đáng với vai trò đặc biệt, đồi A1 sẽ đợi đến ngày cuối của tập đoàn cứ điểm mới chịu đi vào lịch sử. Đêm nay ta tạm diệt “chỉ” bốn cứ điểm, đủ để dồn địch ở phân khu trung tâm vào “cái ô vuông cuối cùng”. Cũng trong đêm nay, ở Hồng Cúm ta bịt được miệng pháo và chiếm một phần diện tích.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Cái ô vuông cuối cùng”



Về phía ta, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba đã tiến hành rất chu đáo. Các chiến hào được củng cố tới mức bộ đội có thể di chuyển ban ngày ngay gần quân địch, cho phép các đơn vị mỗi khi tiến đánh một vị trí, nhanh chóng bỏ qua giai đoạn đột phá tiền duyên. Cán bộ, chiến sĩ thuộc làu địa hình cứ điểm mục tiêu (...)

Chưa lúc nào kho của mặt trận đầy đủ thóc gạo bằng lúc này. Vào cuối tháng Tư, hậu cần đã có dự trữ cho tháng Năm. Về đạn lựu pháo, ngoài 5.000 viên lấy được của địch tại Điện Biên Phủ, hơn 400 viên chiến lợi phẩm ở Trung Lào cũng đã tới nơi. Bạn đã chuyển cho ta 12 giàn hỏa tiễn sáu nòng. Đây sẽ là một bất ngờ dành cho quân địch vào những ngày cuối (...)

Trung đoàn 9 của 304, lên Tây Bắc từ trung tuần tháng Ba, làm xong công tác tiễu phỉ đã nhanh chóng tới Điện Biên Phủ. Đại đoàn 304 (thiếu trung đoàn 66 đang hành quân ở Trung Lào) (...) đã có mặt trong đội hình chiến dịch.

Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2: tiêu diệt hoàn toàn hai điểm cao A1 và C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía tây và phía đông thu hẹp hơn nữa phạm vi chiếm đóng của địch, chuẩn bị cho tổng công kích.

Nhiệm vụ được trao cho các đơn vị như sau:

- Đại đoàn 316, được phối thuộc trung đoàn 9 của 304 (thiếu một tiểu đoàn) tiêu diệt A1, C1, C2.

- Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm.

- Đại đoàn 308 tiêu diệt hai cứ điểm 311A và 311B ở phía tây.

- Đại đoàn 304: có mặt hai trung đoàn, với trung đoàn 57 được phối thuộc một tiểu đoàn của trung đoàn 9 (304), bố trí một tiểu đoàn chốt chặn đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây chung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm.

- Đại đoàn 351 phối hợp với bộ binh (...)

Thời gian chiến đấu là từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 5 năm 1954.

Nhiệm vụ trọng tâm của đợt này là tiêu diệt cho được A1.

Tôi đã nhiều lần trao đổi với cơ quan tham mưu về điểm cao A1. Chúng ta đã tìm được một người dân địa phương ngày trước đã tham gia xây dựng ngôi nhà trên đồi này. Theo bác thì đó là một ngôi nhà tuy kiên cố nhưng không có gì đặc biệt, không có hầm ngầm (...) Về sau mới biết, trong hai tháng xây dựng công sự, quân Pháp đã dùng gạch, đá từ ngôi nhà để biến hầm rượu thành một căn hầm tương đối kiên cố với rất nhiều đất đổ bên trên (...)

Anh Thái đã cử cán bộ cơ quan tham mưu cùng đi trinh sát với cán bộ trung đoàn 174, phát hiện được một giao thông hào chạy từ A1 xuống A3 ở phía bờ sông. Nhờ giao thông hào này, địch có thể dễ dàng đưa quân ứng chiến lên phản kích bất cứ lúc nào. Anh em đề nghị đào một đường hào men theo đường 41, tách rời A1 với A3 để cắt đứt đường tăng viện cho A1. 174 đề nghị đào thêm một đường hầm từ trận địa của ta tại A1 tới dưới hầm ngầm, đưa một số lượng lớn bộc phá vào đặt rồi cho nổ. Đây quả là một kỳ công. Công binh của đơn vị tính toán sẽ hoàn thành công trình trong vòng 14 ngày. Tôi nói với anh Thái: Những người trực tiếp đánh A1 đã đề nghị thì nên chấp nhận, cử cán bộ kỹ thuật xuống cùng đơn vị giải quyết những khó khăn về chuyên môn, còn cơ quan theo dõi thật kỹ việc đào đường hào cắt rời A1 với A3 (...)

Đường hầm ở A1 đào chậm hơn dự kiến (...) Đất đồi cực kỳ rắn (...)

Trong khi đó, các đơn vị khác đều đã chuẩn bị xong, nhiều mũi hào đã luồn sâu dưới hàng rào dây thép gai của địch. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết địch đúng ngày N các đơn vị sẵn sàng cứ nổ súng, triệt để áp dụng chiến thuật đánh lấn để giảm nhẹ thương vong, riêng A1 sẽ đánh khi đường hầm ở A1 hoàn thành.

Những ngày cuối tháng Tư tương đối yên tĩnh. Mỗi ngày địch huy động rất nhiều máy bay đổ lương thực, đạn dược xuống Mường Thanh. Nhưng Đờ Cát chỉ nhận được khoảng một nửa. Máy bay địch phải bay cao để tránh cao xạ của ta, khu vực thả dù lại quá hẹp, nên một phần ba đồ tiếp tế rơi xuống trận địa ta, một số không ít rơi xuống các bãi mìn và những khu vực bị hỏa lực ta kiểm soát chặt nên địch không thể thu lượm (...)

Lăng-gơ-le và Bi-gia đã điều chỉnh, củng cố lại tổ chức phòng ngự ở khu trung tâm. Những đơn vị khá nhất và những chỉ huy được tin cậy nhất còn lại của tập đoàn cứ điểm, được tăng cường cho khu đề kháng Ê-li-an (...)

17 giờ chiều ngày 1 tháng 5 năm 1954, bất thần tất cả các cỡ pháo của ta nhả đạn vào nhiều khu vực của tập đoàn cứ điểm. Lần này, pháo địch ở Hồng Cúm bị kiềm chế, tê liệt. Một kho đạn của địch nổ tung. Một kho lương thực cũng bốc cháy. Đợt pháo kích kéo dài gần một giờ đồng hồ. Dứt tiếng pháo, các đơn vị đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí.

Tại phía đông, trung đoàn 98 tiến công cứ điểm C1 lần thứ hai (...) Đại đội 811 đã phòng ngự hai mươi ngày đêm tại C1 được lệnh lui khỏi trận địa 200 mét. Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ thấy công sự đã được củng cố vững chắc và tin vào sự chính xác của pháo ta, quyết định chỉ cho bộ phận dự bị lui về phía sau, chủ lực đơn vị vẫn bám trận địa để đảm bảo không lỡ thời cơ xung phong.

Những điểm cao ta đã chiếm được ở khu đông phát huy tác dụng. Sơn pháo đặt trên đồi D1 nhắm từng hỏa điểm trên C1 bắn rất chính xác.

Dứt tiếng pháo, Dỵ lập tức ra lệnh mở những hàng rào cự mã ngăn cách ta và địch, dẫn bộ đội xông lên phía Cột Cờ. Thủ pháo và lựu đạn của ta trùm lên trận địa địch, tiểu liên nổ ran. Chiến sĩ Thăng cầm cờ lao lên cách mục tiêu mười mét thì trúng đạn hy sinh. Chiến sĩ Ân nhặt lá cờ thấm máu đồng đội, lỗ chỗ vết đạn, tiếp tục tiến lên mỏm đất cao nhất trên đỉnh đồi. Cả tiểu đội mũi nhọn bám sau anh. Chỉ sau năm phút, ta đã chiếm được Cột Cờ. Quân dù địch bắn xối xả vào khu vực này. Đại đội 1480 của ta từ phía dưới tiến lên đã kịp thời có mặt, cùng với 811 hình thành hai mũi tiến công chia cắt quân địch để tiêu diệt. Những trận đánh giáp lá cà diễn ra. Đại đội 3 của tiểu đoàn dù tiêm kích số 2 cố chống cự, chờ tiếp viện. Đại đội 1 vừa tới chân đồi, tên trung úy chỉ huy đã trúng đạn tử thương. Lát sau, chỉ huy đại đội 3 cũng bị thương nặng. Quân địch ở C1 mất dần sức chiến đấu (...) Nửa đêm, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt. Dây thép gai và mìn lấy từ trận địa của địch lập tức được trải ra trên sườn đồi thành một bãi chướng ngại dày đặc, đề phòng quân địch phản kích (...) C2 bây giờ nằm gọn dưới nòng pháo không giật của ta. Trời sáng, vẫn không thấy quân phản kích. Chỉ có những ổ trọng liên bốn nòng đặt tại Ê-péc-vi-ê lồng lộn tuôn đạn về phía trận địa của ta trên đỉnh đồi như muốn ngăn chặn một đợt xung phong.

Ở phía đông sông Nậm Rốm, hai tiểu đoàn 166 và 154 của trung đoàn 209 tiến công hai cứ điểm 505 và 505A. Địch chống cự khá quyết liệt (...) Hai giờ sáng ngày 2 tháng 5, hai cứ điểm này bị tiêu diệt hoàn toàn. Trung tâm đề kháng Đô-mi-ních không còn tồn tại.

Trên cánh đồng phía tây, trận tiến công cứ điểm 311A của trung đoàn 88 diễn ra rất nhanh chóng. Chiến thuật đánh lấn được phát huy. Từ những đường hào đã đào xuyên qua hàng rào cứ điểm, bộ đội bất thần xung phong. Toàn bộ lực lượng địch phòng thủ cứ điểm này bị tiêu diệt trong vòng không đầy 30 phút.

Như vậy, ngay trong đêm đầu của đợt tiến công thứ ba, địch đã mất thêm bốn cứ điểm: C1, 505, 505A ở phía đông và 311A ở phía tây. Tại Hồng Cúm, trận vây ép đánh lấn khu C của trung đoàn 57 đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, nên sáng ngày 2 tháng 5 địch phải rút chạy khỏi đây.

Những đường hào thọc sâu của bộ đội ta trên cánh đồng phía tây đều nhắm thẳng về phía sở chỉ huy Đờ Cát. Tập đoàn cứ điểm đã bị dồn lại trong cái “ô vuông cuối cùng”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1078-1082. Nhan đề phần trích tạm đặt.)