“Nguyễn Tuân - Việt Bắc trước Biên Giới”




Ngày 7 tháng 10 năm 1947, Pháp mở cuộc tổng tiến công chiến lược lên vùng căn cứ địa của kháng chiến Việt Nam nhằm tiêu diệt quân chủ lực và bắt sống toàn bộ lãnh đạo ta. Chẳng những hoàn toàn không đạt được mục đích đầy tham vọng ấy, chỉ vài tháng sau hệ thống cứ điểm và đường giao thông của giặc trong vùng này bắt đầu bị uy hiếp.

Tính từ giữa năm 1948, tháng 7 ta đánh cứ điểm Phủ Thông, tháng 10 đến lượt An Châu, Đồng Dương, tháng 11 Đồng Khuy. Sang năm 1949, tháng 3 ta tiêu diệt cứ điểm Bản Trại, tháng 4 hơn 500 tên địch bị giết hay bắt sống, 50 xe bị phá hủy trong một trận phục kích gần đèo Bông Lau (lại đèo Bông Lau!)… Đến đầu tháng 8 năm 1949 thì Bắc Kạn đã trở nên bơ vơ quá. Địch kịp thời rút chạy. Bộ đội vào tiếp quản thị xã, Nguyễn Tuân đi theo, xem xét một số nơi và hỏi chuyện nhân dân đã sống nơi đây trong gần hai năm qua…

Vài tháng sau, Nguyễn lại có mặt bên cạnh bộ đội hành quân tiêu diệt cứ điểm địch dọc đường số 4. Trong chuyến đi này, ngoài làm công tác văn nghệ và quan sát để viết như các chuyến trước, Nguyễn còn ngẫu nhiên lần đầu tiên làm cả công tác dân vận. Vừa biết thêm nhiều về những khó khăn của lực lượng vũ trang ta cùng tinh thần hăng say của cán bộ, chiến sĩ, và trở nên quen thuộc hơn nữa với những mùi cực kỳ khó chịu của đồn giặc bị hỏa thiêu, Nguyễn lại vừa được dịp tiếp xúc có chiều sâu với không ít đồng bào dân tộc ít người miền cao Đông Bắc. Nhà văn tỏ ra rất thích hợp với công việc, xây dựng thành công quan hệ tình cảm đậm đà với đồng bào…

“Giữa một thị xã mới giải phóng”

“Tôi ngây người ra cứ nguyên cả ba-lô túi dết đứng giữa một thành phố đang nói to lên, đang hô lớn lên cái vui của giải phóng. Quân dân chính, các đại biểu liên tiếp lên nói không dứt lời. Ánh đuốc rọi xuống vô số đầu người đang nghe những câu những tiếng mà suốt 22 tháng, kể từ cái buổi sớm 7-10-47 nó nhảy dù thị xã đánh Việt Bắc (...) họ chỉ nghe một cách trộm vụng thầm lén năm thì ba họa (...)

Đêm đầu tiên (...) Đây nhiều ét-săng, máy lửa cái nào cũng nhậy, bật lòe luôn luôn ngoài phố. Sớm ngày sau, lại được điểm tâm bằng chục chiếc bánh cuốn nồng mùi dầu hỏa. Bị đánh gấp, khi rút, Pháp tưới dầu tây vào số gạo phải bỏ lại, ngoài những tấn chúng đổ xuống suối ngoài Cầu Phà cùng với muối kho. Tôi trèo lên quả đồi Anh-tăng-đăng (…) sặc sụa cái mùi nồng lợm khăn khẳn của tất cả những đồn Pháp. Mùi cao-su, mùi sơn vải bạt, mùi kê-din, mùi mồ hôi cộng với mùi bựa đồ hộp (...) cả quả đồi này, bao nhiêu là dấu tích của một sự bỏ chạy vô trật tự (…) Tôi lại lên đồi Hành chính (…) Đây là mả hạng nhất, thứ mả hạng nhì của các thứ lính các màu da khác ở phía bên đường đi ra Cầu Phà (…)

Vương vãi tung tóe không biết bao nhiêu là ca-pốt (…) Ca-pốt song song với lốt xe tăng đánh dấu cho sự thoái triệt của quân đội viễn chinh (...)

Tôi lại xuống phố. Chỗ nào cũng vỏ đồ hộp (...) Có những vỏ cắm lên đầu nứa hàng rào, kết vào dây thép thành một thiết kế báo động kỳ cục. Một vài con ngựa ăn cỏ đụng cương vào (...) khiến cả một bãi tha ma vỏ sắt cũ lại ngân khẽ lên (...)

Tôi tiến vào nhà Hội quán Tầu. Đây là nơi triển lãm những bức họa cuồng dâm vẽ ngay lên tường vôi cạnh bàn thờ Đức Thánh Quan (...) Lính thì vậy mà quan thì cũng không hơn gì. Thị xã nhiều nhà “xéc”. Tường nhà xéc nào cũng nổi bật lên những hình vẽ mông và vú. Một người lính ngự lâm đội mũ cởi truồng nâng một cốc rượu màu máu, ôm một bà đầm khỏa thân cầm một thanh kiếm rất tượng trưng. Và quanh các câu lạc bộ, lại tha ma vỏ đồ hộp, vỏ chai, ca-pốt (…)

Tôi (hỏi chuyện một người dân) “Nó bắt khai tên tuổi người nhà dán ra cửa. Nhà này canh lẫn nhà khác phòng sự đi trốn. Có khi từng bốn năm gia đình chịu trách nhiệm chung về một người trốn ra. Nó tra tấn ghê nhất là cho chó béc-giê cắn nát mình mẩy. Nó để đất đèn vào môi, đợi cho nước bọt mình làm nhuyễn đất ra rồi nó dí bật lửa vào, môi phun sèo sèo” (…)

Dân chúng các vùng Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Rã, Chợ Chu đổ về xem hội chiến thắng ngủ la liệt đầy hè. Từng phái đoàn cán bộ đi nghiên cứu công sự ở cả ba quả đồi cứ điểm (…)

Chiều 24, tại sân bay phía Cầu Phà, Đại tướng điểm binh và tuyên dương công trạng. Thép kiếm, thép súng, sao huy chương lấp lánh trong ánh đuốc (...) Nỗi vui của thị xã giải phóng đầu tiên này là khai vị cho buổi liên hoan giải phóng toàn bộ sau này”
(Gốc Thông, 31-8-1949).

Pháp chiếm thị xã Bắc Kạn ngày 7/10/1947, đến ngày 9/8/1949 thì rút chạy dưới áp lực quân sự đã trở nên quá nặng và khi nghe tin sắp sửa bị tiến công…

Những dấu tích sờ sờ mà quân viễn chinh để lại không có lợi cho sự tuyên truyền của cái giống người lúc nào cũng ta đây văn minh. Ờ, cơn cớ làm sao họ lại bị chuyện ấy ám ảnh nặng nề đến thế nhỉ? Do dùng quá nhiều thịt, sữa, bơ, phó-mát chăng? Lẽ ra chỉ là việc riêng, khốn nỗi những kẻ tưởng có thể chết nếu thiếu sinh lý kia lại đi giải quyết nhu cầu bằng phụ nữ Việt Nam. Bình thường ăn bánh trả tiền, nhưng cứ hễ cơ hội tới là một số sẽ giở trò cưỡng bức, có khi tập thể, luân phiên, có khi xong rồi giết luôn người phụ nữ bất hạnh. Đến đây thì không còn là vấn đề nhu cầu sinh lý cao nữa, mà là chuyện con người mất hẳn nhân tính. Và chuyện những cấp chỉ huy đã cố ý để cho hành vi vô nhân đạo xảy ra, không phải một vài lần, mà rất nhiều lần!!!

“Người văn minh” tra tấn cũng thật là giỏi. Thì từ năm 1858 đã có không biết bao nhiêu dịp để trau giồi tay nghề trên thân thể người Việt Nam cơ mà. Ở đây quân thù nhanh chân, nên không bị bắt. Nhưng dù có bị bắt, nó cũng không phải sợ ta cho nếm đòn thù đâu. Nhiều tên khi được phóng thích, nói phét lên giời, chứ sự thực chẳng có hề bị ăn lấy một cái tát tai.

Giặc dã man thế, sao ta lại thế? Bởi giặc tuy thua nhưng vẫn còn mạnh lắm. Ta không muốn làm nó tức (!!!) mà cố gắng thêm. Ngược lại, ta cần tử tế với tù binh để tranh thủ thiện cảm của nhân dân Pháp nói riêng, nhân dân thế giới nói chung, mà gây áp lực bỏ cuộc đối với nhà nước Pháp. Dân tộc Việt Nam có đạo đức cao, nhưng chắc chắn cái thế của một nước yếu cũng là lý do khiến ta chọn dĩ đức báo oán y như thánh nhân!

“Tình chiến dịch” (1)

“Đầu năm 1950 (…) Nhiều buổi làm việc (…) quên không hạ cửa, mây lững thững đi vào nhà, tụ lại thành bóng nước, trước sự thản nhiên của mọi người. Có “ai” chịu khó xua đuổi những “con” mây tọc mạch suồng sã ấy thì là những lửa củi rừng (…)

Các đơn vị nhộn nhịp sửa soạn vượt đường. Đường số 4 (…) Chiều trong thung lũng, các bếp trung đội, đại đội bốc khói lam, phảng phất một chút nhớ nhà (...) Trên mặt ruộng lớm chởm gốc rạ cũ, súng đạn, ba-lô, sọt gánh để ngổn ngang. Nó như một bãi sắp dựng lều xiếc. Nó như một cảnh chợ chiều vang vang tiếng nói (...) Dưới mặt sàn, quanh bếp lửa, anh đại đội trưởng thảo luận với cán bộ trung đội (…) Cán bộ bao giờ cũng thức khuya hơn đội viên (…)

Lúc tôi mở mắt dậy thì còn tối lắm, đĩa bát lách cách trên bếp sàn. Ăn sớm, hành quân sớm (...) Trời khô nắng hanh. Núi trọc, núi hói. Dốc cao. Lính nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ dừ. Thân đạp, chân tỳ, lá chắn, bánh xe, nòng máng, ống chụp, nặng ôi là nặng. Bộ binh luân phiên nhau ghé vai khiêng từng mảnh Voi lên dốc (...) Người lính khiêng nặng hạ đòn khiêng bộ phận ca-nông lên những nạng (...) lau mồ hôi đứng nghỉ (...) Nhớ (…) lời anh chính trị viên của đại đội (...) “Chúng tôi như những bó củi nỏ chờ lửa. Từ trước chưa bốc cháy hoặc có cháy thì cũng lem nhem thôi. Nay…”. Dễ mến quá (...)

Sang ngang sông Kỳ Cùng (…) lặn mặt trời (…) vượt đường số 4 (…) Cảnh khô, đất đỏ, đồi uốn lưng nhấp nhô như sóng bể cứng sững đông đặc lại (...) Gần nửa đêm (…) Mặt đường nhựa còn hâm hấp cái nắng ban ngày. Mùi ét-xăng mùi ma-dút của công-voa nó còn vương vít trên cây, trên cỏ mép đường và xốc mạnh vào mũi (...) Rừng bên kia đường. Tối như bưng mắt. Tất cả đều đi bằng tai. Cứ nghe tiếng thở của người trước mà bám riết. Cứ nghe tiếng lá ngụy trang khô giòn từ hôm qua nó kêu lạt sạt trên lưng người trước mà bám miết. Những giờ luồn rừng men mép vực sâu, lại là lúc buồn ngủ như khâu lấy mắt (...) Dưới đất, chốc chốc lại thấy có rất nhiều kim đồng hồ xanh lè. Một vài anh gài những lá nứa mục có chất lân tinh ấy lên ba-lô người trước để dễ bước theo (...) Lấp ló trong màn sương ánh đèn cứ điểm Pháp (...)

Sáng bạch nhật gần ra khỏi cửa rừng. Nghỉ và thay lá ngụy trang mới (...) Bộ đội tản mác vào rừng, mỗi người vác về một cây tre dài để dựng lán và làm thang xung kích vượt rào công đồn, làm cáng thương binh tử sĩ, làm sọt công sự. Tôi đi qua dẫy lán mới dựng lẩn vào cây núi. Trông như những dẫy chợ, chia ra thành từng sít-tăng bày hàng. Anh đội viên xung kích đùa: “Hàng hôm nay chưa có gì anh ạ. Mai nhổ xong Na Han, có thứ hàng gì không cháy là sẽ đem bày hết ra đây. Cái kho quần áo nó mà không bị đạn lửa mình đốt thì quần áo lấy về bày ở đây cũng thừa một cái chợ trời” (…)

Tối, sinh hoạt thầm không đốt lửa trại, vì cách nó chỉ có một quả núi và một quãng rừng con (...) Anh chính trị viên đại đội đang dặn anh em thế nào là cái máy vô tuyến điện, nó có dây bọc cao-su, nó có bóng đèn xanh đỏ con con, hễ thấy thì phải lấy và giữ gìn cho kỳ được nguyên vẹn, nó còn quý hơn cả các thứ súng máy (...)

Tối hôm sau, giải quyết đồn. Chỉ có không đầy nửa giờ đồn cháy ra than, than hồng rừng rực đến bạch nhật ngày khác. Tôi đã không muốn vào (...) một tí nào vì tôi ngán cái mùi đồn cháy đã ngửi mấy lần rồi. Nó hôi khắm một cách phức tạp. Khói vải bạt cao-su, bựa đồ hộp, mỡ bò, mỡ giặc đang bị hỏa thiêu cứ phả vào mặt vào mũi, quyện lấy xống áo mình. Nhưng sau cùng tôi cũng leo dốc lên để so đọ thực địa tan hoang với cảnh đồ yếu đồ nghiên cứu hôm trước”.


Thời tiết, phong cảnh: “Trời khô nắng hanh. Núi trọc, núi hói (…) đồi (…) như sóng bể cứng sững đông đặc lại”. Bộ đội: “…nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ dừ (…) khiêng từng mảnh Voi lên dốc (…) Đêm (…) hành quân (…) luồn rừng men mép vực sâu”.

Đi vất vả vô cùng, và khi đến nơi thì rất có thể sẽ ở lại luôn, không bao giờ về nữa, thế mà lòng người đi đang “bùng bùng”: “Chúng tôi như những bó củi nỏ chờ lửa. Từ trước chưa bốc cháy hoặc có cháy thì cũng lem nhem thôi. Nay…”. Ngọn lửa ái quốc bốc cao ngùn ngụt dọc đường số 4 mấy tháng đầu năm 1950 đã được một người cầm bút hay đi theo những người cầm súng ghi lại thật rõ ràng.

Người ấy lại có thói quen thi thoảng chen vào giữa vô số dòng nội dung chính, những câu ghi ngoài đề: “Nhiều buổi làm việc (…) quên không hạ cửa, mây lững thững đi vào nhà (…) Có “ai” chịu khó xua đuổi những “con” mây tọc mạch suồng sã ấy thì là những lửa củi rừng”. Đọc bút ký kháng chiến của Nguyễn Tuân, ngoài cái vui thấy mình như cũng đang đi theo chiến sĩ ra chiến trường, ta còn được nhắc nhớ rằng dân tộc Việt Nam đã sinh ra bao nhiêu đứa con nghệ sĩ nhậy cảm tuyệt vời. Năm xưa những “con mây suồng sã” có ngờ đâu là đã bay luôn vào lòng một người ngồi làm việc trong nhà, để rồi được người ấy cho bay tiếp vào trang văn của mình mà còn mãi cùng với tất cả những hình ảnh không thể nào quên của một thời chinh chiến…

“Tình chiến dịch” (2)

“Tự nhiên tôi thành ra cán bộ dân vận. Con ông ké Thổ chủ nhà ấy làm cán bộ Thông tin xã (…) Tôi ngỏ ý với anh muốn dự một buổi khai hội của dân chúng trong thôn (…) Nhà sàn lục đục người kéo đến (...) Tất cả ngồi xuống thành một vòng tròn áo chàm (…) Anh bạn Thông tin xã đứng dậy tuyên bố lý do, giới thiệu tôi. Thế rồi anh tuyên bố luôn là tôi sẽ nói (…) về tình hình chiến sự địa phương. Tất cả mọi người đồng thanh hoan hô (…) Ô hay, sao lại thành ra thế này? Anh bạn Thông tin bảo tôi cứ nói (…) Ô hay (…) Nhưng thôi, mọi người đang nhìn (…) chăm chăm chờ nghe (…) Tôi bèn trình bày (…) Anh bạn Thông tin thông ngôn (…) (Tôi nói xong, anh bạn Thông tin lại) tuyên bố: “Bây giờ đồng chí Văn nghệ nói về nhiệm vụ của thôn xã chúng ta đối với bộ đội đóng ở đây”. Kìa, đùa dai quá đấy! Tất cả lại hoan hô (…) Tôi bất đắc dĩ lại nói tiếp (…) Mọi người cười nói tỏ ý hiểu một cách vui vẻ. Anh Thông tin xã được thể, nhắc tôi nên làm luôn cả cái vấn đề phòng địch khủng bố sau khi bộ đội rút lui. Tôi lại nhảy sang cả nhận xét về phi cơ địch và nên tránh nó như thế nào. Các ông ké, bà ké gật, các chị phụ nữ vui cười. Tôi nhìn lại đồng hồ, thì ra tôi đã nói hơn hai tiếng. Thật là ngộ nghĩnh (…) Bế mạc buổi khai hội (…) anh Thông tin xã bảo các em nhi đồng hát một bài hoan hô “đồng chí Văn nghệ”! (...)

Ngoài giờ công tác ở các đơn vị, tôi xách cái túi gai chạy đi các nhà, ngồi góp chuyện bên bếp lửa, tập nói tiếng địa phương. Tôi thấy tôi trở nên thân mật với người ở bản xóm như là đã quen biết từ lâu lắm. Rồi nó thành hẳn một nếp tình cảm (…) lúc đơn vị chuyển địa điểm sang bản khác, mình thấy nhớ tiếc (…)

Cữ này tôi công tác ở một tiểu đoàn khác (…) một bộ phận đóng ở (…) sát mép khuỷu sông Kỳ Cùng. Nước chỗ này lừ đừ gần như tù đứng, mặt sông rêu bọt đóng thành nhiều vệt to tròn. Khúc ngoặt này sâu lắm. Có con giải mép vàng ệch vẫn ngoi lên, rình vịt dân nuôi bơi xuống là đớp (...)

Đây là đất cũ của đơn vị (...) Mộ chiến sĩ lố nhố dưới bóng cây (...) Dân chúng phân tán cả rồi. Tối, mới có một vài bóng người địu con về thăm qua nhà. Tôi ngùi ngùi trong lòng, muốn gặp mặt bà con ở đấy. Gặp một đồng chí đánh cá bán cho hợp tác xã của đơn vị, tôi ngỏ ý muốn nói chuyện với đồng bào một buổi tối nào đó. Thật ra từ cái lần giải thích ngộ nghĩnh với dân chúng do anh Thông tin xã giới thiệu đột ngột, tôi thành thực cảm thấy cái thú sinh hoạt với đông đảo đồng bào Thổ địa phương, tuy tôi không nói được tiếng miền núi. Cái nhà sàn rộng, đạn xuyên trông rõ cả nền trời cứ lỗ chỗ hằng chuỗi sao sáng, đêm ấy đốt nhiều củi giữa bếp. Tôi đóng vai chủ nhà mời các giới đồng bào đang leo thang lên. Anh đại đội trưởng tủm tỉm nhìn tôi (...) Tất cả quây quần lấy bếp lửa (...) Tôi ngồi giữa bắt đầu kể những mẩu chuyện kháng chiến ở các khu xa, bắt đầu bằng con đường số 5 cho đồng bào của đường số 4 nghe (…) Lúc gần khuya ra về, nhiều người bắt tay tôi nắm rất chặt (...) Tôi sinh hoạt với dân chúng địa phương được đến dăm thôn trong xã rộng (...) Ở đây nhiều đồng bào đã nhớ tên tôi và cả người tôi đã thấm sâu vào bao nhiêu cảnh và người mộc mạc đáng yêu (...) Đơn vị sắp chuyển chỗ, tôi đi từ giã bà con, bộc lộ hết tình cảm dạt dào (...)

Tôi lẽo đẽo theo dòng quân đi (...) cổ còn ngoái lại nhìn các em đứng vẫy tay cạnh những guồng nước cao bằng ngọn cây to. Nhiều chị phụ nữ gánh đạn, gánh gạo tiễn bộ đội (...) qua sông (...) phải quay lại, mắt rưng rưng lệ (...) Ông ké dẫn đường đánh đồn (...) dặn lần sau các đồng chí có sang thì lại tìm ông (...)

Tôi đã nói được một phần sơ lược nào về đường số 4. Con đường ấy đang vui nhộn vặn mình luôn luôn trong những đêm Cao Bắc nhổ đồn và vận động, phục kích (...)

Cuối năm 47, Tây tốc chiến tốc quyết, bon bon xe sâu róm trên đường này, đánh một cái đai sắt, đai lửa lên đỉnh đầu Bắc bộ. Chúng xây dựng hệ thống vị trí, phát trụi đồi, bao nhiêu sườn đồi bị lột da trơ đất thịt đỏ như máu. Các bốt nhô lên giữa các sơn hệ như một xâu mũ đỏ đánh rơi ven đường. Chiều tà Việt Bắc, Đông Bắc rừng rực trên những đồn Pháp, trong ống nhòm trông như những mâm cà độc dược, như những kim tự tháp loét ngọn. Mở bản đồ Bắc bộ ra xem thấy nhiều khuyên tam tài, thấy nhiều nốt ruồi rướm máu mọc hai bên gân trán Việt Bắc mà đâm ngại ngùng cho công cuộc trường kỳ ba giai đoạn. Hai ven đường và hai ven sông Kỳ Cùng, không có một cái bản nào mà nhà sàn không xước ra vì đạn khu trục và sườn đồi xạm trụi vì lửa bom. Nó định chăng một cái lưới nhện, yên trí là cả đến ruồi bên kia cũng không sang được bên này đường.

Nhưng sang 48, đường số 4 không an ninh. Đã có những mũi tên thuốc độc tạch ngang vào sườn đường, đã có những viên đạn lấy lườn đường làm mục tiêu và mìn nổ như sấm dậy từng chặng ngoặt. Dân chúng vẫn lọt qua kẽ đồn, cán bộ vẫn chọc qua đường. Tiếng giầy đinh pa-tờ-rui thưa dần, tiếng cơ giới không còn phăng phăng mà dọ dẫm, ngại ngùng. Rồi đến ngày nay, mỗi lần Tây định chuyển chỗ trên đường nhựa thì phải tốn nhiều thịt, nhiều máu. “Đường số bốn trắng xóa dưới trăng mờ”, là trắng xóa những đầu lâu, những bộ xương lê-dương, Ta-bo, Ma-rốc (...) Các cứ điểm (...) lật ngửa đổ nhào gẫy cụt ngã xuống cứ như trời giáng (...) Việc nó phải bán sới khỏi đường “liên bang” số 4 chỉ còn là một câu chuyện ngày giờ”.


Nguyễn đi theo là để quan sát mà về sáng tác và để giúp động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, chứ không có nhiệm vụ tham gia đánh giặc hay vận động dân chúng. Ấy nhưng cứ đi theo mãi, khỏi sao có lúc công việc nó bắt phải tham gia.

Cái người có công làm Nguyễn bỗng khám phá ra mình cũng có tài dân vận là “con ông ké Thổ chủ nhà”. Buổi khai hội ấy, hết sức bất ngờ, “anh tuyên bố luôn là tôi sẽ nói (…) Ô hay, sao lại (…) Ô hay (…) (Nhưng) Tất cả mọi người đồng thanh hoan hô (…) Tôi bèn trình bày (…) Anh lại tuyên bố (…) Kìa, đùa dai quá đấy! (Nhưng) Tất cả lại hoan hô (…) Tôi (…) nói tiếp (…) Mọi người cười (…) Tôi (…) trình bày cả về (…) làm luôn cả cái vấn đề (…) nhảy sang cả nhận xét về (…) Các ông ké, bà ké gật (…) Tôi nhìn lại (…) thì ra tôi đã nói hơn hai tiếng”. Một sự “bất đắc dĩ” “thật là ngộ nghĩnh”! “Ngộ” có gây nghiện. Sau cái đêm công tác dân vận không tính trước được “mọi người khúc khích cho là ưu điểm”, “tôi thành thực cảm thấy cái thú sinh hoạt với đông đảo đồng bào Thổ địa phương”, cứ hễ gặp dịp là lại “ngỏ ý muốn nói chuyện với đồng bào”…

Quân dân cá nước, quân được dân hết lòng giúp đỡ, cứ “làm xong” đồn này lại “làm” tiếp ngay đồn khác. “Đường số 4 (…) vặn mình luôn luôn”: trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể tới đầu năm 1949 bộ chỉ huy Pháp đã phải dành riêng cả một trung đoàn “chuyên lo ứng cứu trên con đường nguy hiểm này”, trung đoàn ấy rồi bị thiệt hại nặng đến nỗi “binh sĩ địch gọi là đơn vị của “những người vô tội bị kết án tử hình””!

Dưới những cơn “mưa a-xít” mỗi ngày mỗi to mà kháng chiến liên tục trút xuống, cái “đai sắt” giặc đánh lên “đỉnh đầu Bắc bộ” nhanh chóng rã nát. Chẳng bao lâu nữa sẽ tới ngày Bác đi Chiến dịch Biên Giới, Cao Bằng giải phóng…

Trở lại nhà văn cán bộ dân vận nghiệp dư. Tiếp xúc nó tác động cả hai chiều. Dân quý mến cán bộ và cán bộ hướng về dân với “tình cảm dạt dào”, khi ra đi “chào bùi ngùi”, vừa đi “cổ vừa ngoái lại”... Không phải tình cờ đâu, cái chuyện sau ngày giặc cút Nguyễn còn nhiều lần trở lên miền cao.



Thu Tứ
Tháng 9-2018














___________
“Việt Bắc trước Biên Giới” là tên tạm đặt cho tuyển ký này.