“Nguyễn Tuân - Đáng một lên đường”




Từ khi vào Khu Năm thăm bộ đội đánh Pháp, Nguyễn Tuân hoàn toàn dứt khoát về việc theo hay không theo cộng sản.

“Với tâm hồn thanh thản, hào hứng”(1), Nguyễn lên đường kháng chiến cùng dân tộc. Nguyễn sẽ đi say sưa cho đến tận cái ngày “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” lấy lại Thủ đô từ tay giặc...

Qua hẳn rồi cái thời một người sống với những “vang (và) bóng” của “một thời” tàn, với nỗi “chán đời, tức đời”(2) mà bao nhiêu đêm hát cô đầu, bao nhiêu lượt chong đèn dầu lạc, bao nhiêu chuyến đi vì đi cũng không giữ được cho khỏi lên tới mức khủng hoảng...

Người ấy bây giờ sống vui với những tiếng và hình của hiện tại, với thực tế đời sống nhân dân và với những chuyến đi tuy không còn bằng xe tàu gì nữa nhưng lại vô cùng lôi cuốn vì là đi để chứng kiến và góp phần vào việc phục hồi danh dự, mang lại vinh quang cho Tổ quốc thân yêu. Con tài nay trở thành con hiếu nữa, Mẹ Việt Nam dù đang muôn vàn vất vả hẳn cũng mỉm cười...

“Khu V, gần cuối năm 1946”

“Ổ tác chiến ấy là một lườn núi (…) Mưa núi đêm dài đánh giọt giờ trên mái tranh. Sàn cây tươi rung lên vì cơn sốt của một số đội viên. Ánh sáng mai mái đẩy lần cây cỏ lại phía ổ. Bình minh rụt rè về. Tia sáng run lẩy bẩy như cũng vừa tỉnh một trận sốt cách nhật. Chúng tôi lần ra bên suối. Cái nón sắt lấy của địch dùng được nhiều việc thật. Làm thau rửa mặt, ấm đun nước, làm xanh chảo xào rau (…) Rồi đi thăm phòng tuyến. Giao thông hào ngoằn ngoèo trên một cây số (…)

Cờ màu đỏ, phơ phất trong thành phố không đẹp bằng bay tung nơi đồng nội, in cái đỏ gắt ấy xuống nền lá mạ ruộng cấy hoặc vào nền lũy tre xanh già. Cờ đỏ cắm ở mũi đò biểu tình, hàng trăm chiếc chụm đầu lại chỗ bến Thương Bạc cũ, soi bóng hồng xuống dòng nước xanh Hương Giang, thế mà còn thua cờ đỏ cắm trên bành voi ở trong rừng Bình Định. Trên con đường số 19 nối với Tây Nguyên, voi đi tiếp tế bộ đội, ba bốn con nối đuôi nhau (…) lừ lừ như tàu thủy (…)

Lần đầu tiên tôi được biết đến cảm xúc tham gia chiến đấu (…) Nách lối tắt, chồm ra một cụ già run sợ hoảng hốt (…) ra hiệu là có Pháp đang đi gần đây. Bộ đội (…) đứng lại (…) sửa soạn. Tôi còn đang lúng túng trong ý nghĩ, thì anh chính trị viên điềm đạm bảo một người đưa tôi một trái lựu đạn. Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi cầm quả lựu đạn. Máy móc quả nổ, tôi chưa biết tí gì. Chờ đợi (…) lâu quá, bộ đội đứng dậy đi tiếp, thản nhiên (...) Đến chân dốc Mun. Dốc nặng quá, dựng như vách thành. Đến Eo Gió. Đông người đang gài bom, chôn địa lôi, và đắp thêm ụ súng. Bộ đội chờ địch (...) gọi bom là heo, là cá thu. Có những con cá thu nặng năm mươi cân, mình xanh biếc, lủng lẳng trong bụi cao (…)

Đồng Cam (…) Cảnh ở đây buồn rộng quá, nếu không có lớp Bình Dân tối đến đỏ đèn dầu ma-dút trong một nếp nhà tranh bên đường cái. Mình hết sợ bệnh tật của rừng thiêng, hết nghi ngờ bóng tối của vòm lá ngàn. Và lại tin tưởng vào thâm sơn bí hiểm nữa, khi ở đây có vang lên cái tiếng lớp học đánh vần tiếng Việt Nam yêu quý”
(trích từ bài ký “Giữa hai xuân”).

Làm sao mà vào khoảng ấy Nguyễn Tuân lại ở núi Buôn Ma Thiêng? Thì do “Cuộc Nam tiến (…) Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức cho nhiều văn nghệ sĩ theo bộ đội vào mặt trận phía nam”.(3)

Chính xác là do lời Tố Hữu đề nghị trực tiếp với Nguyễn Tuân khi hai người gặp nhau lần đầu ở nhà hàng Thủy Tạ bờ Hồ Gươm: “... đến những vùng có chiến sự xem đồng bào và bộ đội mình chiến đấu như thế nào, tôi nghĩ rất nên”.(4)

Chiến trường Khu Năm có những nét riêng, bắt đầu với hình ảnh “voi đi tiếp tế (...) nối đuôi nhau (...) lừ lừ như tàu thủy”. Vào đến hẳn khu vực xảy ra chiến đấu, Nguyễn được thấy tận mắt một vật đã nghe “tiếng” khi máy bay Mỹ đánh Hà Nội thời Nhật chiếm. Ở đây nó mang tên mới ngộ nghĩnh: “heo”, “cá thu”. Nguyễn trông quả bom, bỡ ngỡ, rồi khi được trang bị món vũ khí hiện đại “bình dân” nhất thì hồi hộp: “Lần đầu tiên (…) tôi cầm (…) Máy móc quả nổ, tôi chưa biết tí gì”. May lựu đạn không có bao nhiêu máy móc và lần ấy người cầm còn rất lạ tay không cần phải sử dụng!

Đối với một người chưa chút nào quen thuộc với thực tế cách mạng, kháng chiến, chuyến đi này đã có giá trị cải tạo thật mạnh mẽ: “Mình hết sợ (...) rừng (...) hết nghi (...) lá (...) Và lại tin tưởng (…) nữa”. Có điều này cũng hay, là qua đoạn văn mở đầu ta thấy con người Nguyễn tuy đã mới rồi nhưng vẫn còn cảm tinh tế và diễn cảm đẹp đẽ y như cũ.

“Sau đêm 19 tháng 12”

“Trăng tháng chạp trong sáng như trăng đêm hè (...) Trời hãy đừng đẹp như thế này nữa, hãy u ám đi và mưa phùn nhiều vào. Đấy là kinh cầu nguyện đêm nay của tự vệ sao vuông và du kích (...) Lũ lượt gồng gánh, những khối đen đặc (...) trườn vào tận trong lòng nội thành. Các anh ấy cầm xẻng, cuốc, các chị ấy gánh cơm nắm nước lọ (đi làm) công tác phá hoại (...) Đường các khu phố nội thành bừa bộn cuội, đá, đất, quện với nhựa đường nát, đánh đống từng dãy. Những chân cột đèn gục xuống (…) cột đèn, điện thoại bắt tay nhau qua lòng phố vắng. Đường sắt tàu điện bị bóc từng đoạn dài, đầu sắt bị quật ngỏng lên như đầu rắn. Nhiều dây thép tam cố to như thừng bện (…) quấn lấy gạch lề phố, ngang nhiên như dây leo trong rừng thẳm. Mặt phố kín bưng (...) Những cái nhà bịt cửa ấy, trổ một con mắt đầy bột gạch mà nhìn ra phố vắng. Góc phố, đầu vẹo phố là mục tiêu của đường đạn, ít nơi còn được nguyên vẹn. Hồi tường ở đây chằng chịt lỗ chỗ như mặt người lên đậu hoa. Ụ đất và chướng lũy nhiều và cao. Cái nào trông cũng nâu nâu lù lù như cổng Ô Quan Chưởng. Đi từ khu phố này qua khu phố khác, giờ chúng ta lại không cần đến đường cái ngoài trời. Chỉ cứ khom mình chui các lỗ tường đục, luồn qua mọi căn nhà” (trích bài ký nhan đề như trên).

Bài ký này viết ngày 3 tháng 1 năm 1947. Toàn quốc kháng chiến bắt đầu mới được hai tuần, còn sáu tuần nữa trung đoàn Thủ Đô mới rút qua bên kia sông Hồng. Viết ở Hà Nội. Nguyễn Tuân vẫn còn... Phải thế chứ. Cái con người đã lớn lên nơi phố cổ, đi hát cô đầu ở Khâm Thiên không biết bao nhiêu chầu, đi chong không biết bao nhiêu đèn dầu lạc trong các tiệm hút Hà thành, đi ngồi rượu, cà-phê đến thủng cả đệm ghế nhà hàng Thủy Tạ, đi bộ lang thang đến mòn cả những vỉa hè sẽ vào tranh Phái..., con người ấy mà không nấn ná để thấy Hà Nội kháng chiến như thế nào thì rồi phải lấy làm tiếc cho mình biết đến chừng nào.

Sắp tới Tết. Đâu đó chiến sự vừa tạm ngưng. Một người Thủ đô đứng đối mặt mình với “mặt phố kín bưng”, đối mắt mình với “con mắt (mới trổ) đầy bột gạch” của “những cái nhà bịt cửa”, lang thang giữa “bừa bộn cuội, đá, đất, quện với nhựa đường nát, đánh đống từng dãy”, “khom mình chui các lỗ tường đục, luồn qua mọi căn nhà”... Nguyễn đã sẵn sàng lên đường.

“Gió Lào”

“Vinh (...) hai chữ tiêu thổ (...) Phải đứng hẳn lên đống vụn của vữa hồ khô ngào với ngói gạch sắt gỗ lim ngổn ngang trên một diện tích mười mấy cây số vuông đây, mới thấu rõ được đến chỗ đáo để của cái danh từ (…)

Tháng tư âm lịch, gió Lào đêm ngày (…) có lúc rống lên như đàn chó già sủa bóng (...) cứ một điệu ù ù thổi từ đất ra biển (...) nóng hơn cả nắng (...) Trên gạch nung, rêu chết dần (...) hoang tàn nhớn nở mãi lên. Bụi cát không tích tắc nào nghỉ bay (...) Khí trời ong óng, khí người ráo kiệt (...) Tôi quăng hết quần áo, nằm đờ trên đất. Chập chờn, gió Lào thổi cả vào giấc mộng khô ướt đã mấy lần mồ hôi. Tôi chồm đứng dậy, muốn phá trùng vây của lưới lửa. Gió phả cát rang vào khắp da tôi (...) ùa thốc cả một khối lửa lên lưng lên mặt và dội vào gáy (…) (...) Ý niệm của tôi về thiên đường lúc này là một lỗ giếng đào. Tôi chạy vụt sang cái giếng láng giềng, cả người chỉ còn một mảnh khố (...) Tôi múc nhanh gầu nước (…) gầu nào cũng có kiến (…) Tôi chạy về nhà, chưa chi mà khố đã ráo, tóc lại bợp như bàn chải (…)

Bên trường Quốc học chỉ còn có móng chân tường, hoa phượng (...) đang nhỏ nhiều giọt huyết. Cái chói gắt của bầu khí lam trong nỏ làm bật nẩy lên cái tươi gắt của cánh phượng tuôn chảy (...) Lam gắt và hồng rực bổ túc lẫn cho nhau trong chói lòa (...) Cánh phượng chưa lìa hẳn cành mẹ mà đã khô rồi. Gió Lào gạt những son khô quắt vào bên lối nhựa, vào góc sân bộn (...)

Không rõ từ đâu hiện ra cánh bướm (...) cả đàn lấp lánh bóng loáng giống hệt những mảnh đuy-ra phi cơ. Đàn bướm dò dẫm đặt chân lên lưng gió Lào. Nhưng gió trơn và lấn mạnh quá, đàn bướm trắng liền nhào vào một toa xe lửa chỉ còn vẻn vẹn có khung hoa sắt nằm tênh hênh bên đống đá trước kia thuộc đường thiết lộ. Toa xe giống hệt một cái nhà táng lớn khung nan bằng loại kim chưa phất giấy mã. Không, cái toa hỏng ấy là một con cá nhà táng, ai đã khéo gỡ hết thịt, cả bộ xương còn lại không gẫy lệch một cái nào. Đàn bướm trắng luồn uốn trong bụng cá nhấp nhánh mở khép như ma trơi giữa ban ngày thăm thẳm gió nắng. Hội bướm (…) cứ bay như thế mà chết khô dần (…) Hình như ai giận dữ gì đem xé ngấu nghiến một tấm thư giấy trắng nào mà ném vứt ra bấy nhiêu mảnh nhỏ vụn rải rác. Cánh bướm bệch nằm thở trên cánh phượng tía nẫu (...)

Gió Lào về chiều, về tối càng thổi thốc lửa lên những ngôi sao đúng hẹn. Tôi thiêm thiếp (…) cứ thế này (...) thì (đoàn kịch) đến nghỉ lưu động mất”
(trích bài ký nhan đề như trên).

Gió Lào làm xác “tôi” khô, “khí người ráo kiệt”, nhưng chẳng mảy may giảm độ ẩm của tâm hồn “tôi”. Bất kể đang “chạy vụt” đi tắm giếng, hay tắm xong chạy về, hay thơ thẩn bên trường Quốc học, nhà ga, hay “đi sâu mãi vào khu phố (đã thành) đống vụn của vữa hồ khô ngào với ngói gạch sắt gỗ”, hay “nằm đờ trên đất”, “thiêm thiếp” trên gối , lúc nào “tôi” cũng vẫn cảm mọi thứ xung quanh cực kỳ tinh tế y như thường.

Ờ, mà gió Lào dữ dội thổi khô hết thảy mọi vật ẩm, sao lại còn để cho cái thứ chất lỏng đen sánh kia cứ chảy đều từ ruột bút của một người ra nhỉ? Chắc là muốn được người ấy truyền thần chân dung mình. Trên bức tranh lời vẽ gió, nổi bật lên là những “cánh phượng tuôn chảy (rồi hóa thành) son khô quắt” và nhất là cái “toa xe lửa (...) cá nhà táng” với “đàn bướm trắng (...) ma trơi”. Cảnh thật mà kỳ ảo như trong mơ!

“Tháp Rùa giữa rừng”

“Ở một góc dãy núi chiến khu Một, chúng tôi đã gặp Trung đoàn Thủ Đô (…) Dân chúng đến đông nhất là buổi tập trận có súng lớn trợ chiến. Tiếng moóc-chi-ê nổ vang sườn núi (…) Lúc thử mìn điện, ba-dô-ca và đạn A.T. thì dân chúng thích quá (...) Xong mỗi lần thử, dân chúng đều chạy ra tận chỗ (…) chịu đạn kia mà rờ mó trầm trồ (…)

Cái đêm 17-2-1947 rút ra khỏi Thủ đô, ở tay anh nào – cả 140 chị nữa – cũng đều cho “lên” một sao vàng và một tháp Rùa vàng chóe (…) Đã có một anh công nhân (…) dập thật nhanh cung cấp kịp phù hiệu cho Trung đoàn (…) Cái Tháp đẹp thật. Càng thấy nhớ (…) Anh em đã kể (…) rất nhiều về Thủ đô (…) Bao nhiêu là hình ảnh! Cái rạp Tố Như, nơi làm lễ khai tử cho đoàn Quyết tử (…) Phố Hàng Đào, Hàng Giấy (…) cả khu Đông Thành, những vùng đạn bay vèo vèo (…) Khu Đồng Xuân, cái túi đựng đạn moóc-chi-ê của giặc. Tây (…) vật nhau với mình quanh những bàn thịt xi-măng trong chợ (…) Được trưởng thành trong khói lửa (…) các anh em (…) một ngày nào (…) sẽ kéo nhau về, đem cái Hà Nội phân tán này trả về cho tọa độ cũ, ở dưới đồng xuôi kia”
(trích bài ký nhan đề như trên).

“Súng lớn” đây toàn hàng nội hóa, là những sản phẩm tài tình và cảm động của quân giới Việt Nam. Rồi ta sẽ chế tạo được một thứ vũ khí công đồn đặc biệt lợi hại là súng SKZ. Và súng phóng bom v.v.

Mời dân đến xem đạn nổ làm đá tảng “vỡ ải ra như bột cám”, lõi sắt bánh ô-tô “oằn lên như bánh đa ướt”, không hề là vô tư đâu. Quân kháng chiến phải làm cho dân nghĩ rằng mình mạnh lắm thì mới giành được sự ủng hộ cần thiết của dân để mong thắng lợi.

“Tiếng đạn (vang trong thung lũng) nghe như tiếng gieo mình của sóng bể vấp bờ”, cái “tai” cực nhậy của Nguyễn nó vẫn còn nghe tốt đấy chứ!...

Khi “cái Hà Nội phân tán này” rút cuộc tái hội tụ tại “tọa độ cũ, ở dưới đồng xuôi kia”, tất nhiên nó có mất đi một số thành viên. Bao nhiêu “Tháp Rùa vàng chóe” đã ở lại “giữa rừng”, không bao giờ về lại nơi có Tháp Rùa thật?

“Tam Đảo 1948”

“Tam Đảo (…) dốc ngoằn ngoèo có nhiều chỗ dựng ngược (…) Ngực phồng lên khí lành (…) Tay tôi khua động trong mây (…) Sao trời (…) sáng tỏ hơn bao giờ (…) Mây núi ở đây sát mắt mình. Giơ tay ra là quơ được (…) Suối thác ồ ồ không ngừng bên tai (…)

Tạm quên cái bầu trời pha-lê bên ngoài cửa sổ, tôi nhắm mắt (…) Đêm vừa qua, tôi đã ngủ trên chỗ tàn binh Communal đóng quân, cách đây năm tháng (…) Cả cái đám tiếp viện ở Cầu Đuống lên (vào đầu) tháng chạp 47 (…) Chúng đốt cháy cả một ngôi làng (...) Tôi xuống thăm (…) chỉ còn nền nhà (…) (nhờ đồng bào chạy kịp) thiệt hại về người (…) không đến nỗi nặng như (…) dưới kia. Hai vùng dưới ấy (…) lại còn bị cái nạn hãm hiếp (…)

Tam Đảo có nhiều (…) biệt thự xanh, đỏ, trắng vàng chập chùng bám vào sườn đá (…) Tôi đã vào nhiều (…) Mỗi lúc (…) trở ra, lòng lại xốn xang một cái gì. Đấy là huyết lệ của số đông bị rút ngược lên đỉnh núi cao (…) Mùi hoang phế ở những điêu tàn khác gợi đến thương nhớ (…) ở đây chỉ càng giục thù ghét nguyền rủa”
(trích bài ký nhan đề như trên).

Không khí trong lành và mây và sao, dãy núi thật đáng trèo! Thế mà mới đây thôi…

Nguyễn đi thăm những nền nhà cháy, thương và thù chất đầy lòng, rồi Nguyễn vào thăm những ngôi biệt thự nguy nga, khi trở ra thương và thù cũng chất đầy lòng. Nó đã bóc lột sức đồng bào mình thế này đây và bây giờ nó đang đốt giết hiếp để được tiếp tục bóc lột.

Ai lên đỉnh núi vào “xanh, đỏ, trắng, vàng” biểu diễn đủ thứ kiểu cách văn minh lịch sự, còn ai xuống dưới kia vào bên trong lũy tre giở đủ thứ trò hết sức dã man?!

Chuyến này Nguyễn trên đường lên Việt Bắc ghé qua Tam Đảo được thấm thía một điều không mới, sự tình cờ kể cũng là hay.



Thu Tứ
Tháng 7-2018

















____________
“Đáng một lên đường” là tên tạm đặt cho tuyển ký này.
(1), (2), (3) Nguyễn Tuân trả lời phỏng vấn trong
Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nhiều tác giả, nxb. Văn Học, 1997.
(4) Tố Hữu, hồi ký
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.