Mỹ thấy quân Pháp thua tới nơi, định ném bom nguyên tử xuống quân ta!

Mỹ biết làm thế có thể dẫn tới xung đột với Liên Xô và Trung Quốc, nên Mỹ muốn được Anh v.v. hứa sẽ vào cùng đánh với mình như ở Triều Tiên. Nhưng Anh không chịu hứa. Thế là kền kền đã dợm bay phải xếp cánh.

Kền kền Bắc Mỹ không dám bay, Pháp bèn cho kền kền Nam Mỹ cất cánh. Thảm thiết, chim cứu nguy rút cuộc gồm 3/4 là quân ngụy Lào! Hãy còn xa Nhím, đã bị ta chặn bắn rụng tơi bời, chim hốt hoảng quay đầu bay thẳng về tổ.

Thế là những kẻ tự đưa mình vào “lòng mũ” chỉ còn đợi ngày nhận quả đấm cuối cùng.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Kền kền không dám bay đơn”



Quân dân đồng bằng Bắc bộ tiếp tục đánh phá mãnh liệt các tuyến đường giao thông thủy bộ quan trọng, đặc biệt là đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng và đường số 1, đoạn Hà Nội - Nam Định. Bộ đội ta (...) tập kích Lai Xá (Hải Dương), đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 3 lê-dương (...) phục kích ở Văn Lâm - Như Quỳnh gần Hà Nội, tiêu diệt tiểu đoàn 2 lê-dương (...)

Tại Trung bộ, bộ đội ta đánh vị trí An Hòa ở Thừa Thiên, diệt 200 quân địch, san phẳng cứ điểm đèo Thượng An diệt 6 đại đội, phục kích ở chân đèo Măng Giang tiêu diệt gọn một đoàn xe quân sự địch, tập kích ở Plây Rinh gây thiệt hại nặng cho binh đoàn cơ động địch mới ở Triều Tiên về (...)

Tại Nam bộ (...) Những hoạt động của các lực lượng vũ trang trên toàn miền đều được đẩy mạnh (...) Các tiểu đoàn chủ lực tiến sâu vào vùng bị tạm chiếm, tiêu diệt nhiều đồn bốt, tiến công bốt An Nhơn (Hóc Môn) nằm sát nách Sài Gòn ngay giữa ban ngày.

Tại Trung Lào, hai trung đoàn 66 và 18 tiếp tục hoạt động giam chân quân cơ động địch ở Xê-nô, cùng với quân giải phóng Ít-xa-la Lào đánh Chăm-pát-sắc tiêu diệt và làm tan rã quân địch ở đây, bắt sống Phó vương Bun Ùm ở Đôn-ta-lạt. Tại Cam-pu-chia, trung đoàn 101 tiến sâu vào vùng đông bắc, vượt sông Mê Công... Cuối tháng Tư, một vùng rộng lớn đông nam tỉnh Prét-vi-hia và đông bắc tỉnh Công Pông Thom được giải phóng. Một bộ phận của trung đoàn 101 thọc sâu vào tỉnh Kra-chi-ê bắt liên lạc với Nam bộ.

Hướng về Điện Biên Phủ, tất cả các chiến trường trên toàn Đông Dương không ngừng hoạt động suốt Đông Xuân 1953-1954 để tạo điều kiện cho chiến trường chính giành thắng lợi cuối cùng.

*

Mỹ tìm cách giải nguy cho Điện Biên Phủ (...)

Đô đốc Rát-pho (Radford), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đề nghị dùng (thật nhiều) máy bay ném bom B-29 ở Phi-líp-pin (...) đột kích vào ban đêm để tiêu diệt các vị trí của Việt Minh. Và đưa ra thêm chọn lựa mang tên “Cuộc hành binh Chim kền kền” (Operation Vulture) theo đó Mỹ sẽ thả ba quả bom nguyên tử chiến thuật (thay vì vô số bom thường) (...)

Ngày 3 tháng 4 năm 1954, bộ trưởng ngoại giao Mỹ Đa-lét và đô đốc Rát-pho họp với tám nghị sĩ có thế lực trong quốc hội, phổ biến ý định của tổng thống Ai-xen-hao-ơ muốn có một nghị quyết cho phép sử dụng không quân và hải quân Mỹ ở Đông Dương (...) Rát-pho trình bày (...) cần huy động (...) 98 pháo đài bay B-29, mỗi chiếc mang 14 tấn bom. Để đề phòng máy bay Míc ở những sân bay của Trung Cộng gần biên giới Việt - Trung, phải có thêm 450 máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ bảo vệ máy bay ném bom (...) Nếu cuộc ném bom thứ nhất không đủ để giải tỏa cho tập đoàn cứ điểm, sẽ phải tính đến những cuộc ném bom bổ sung. Nhiều người bắt đầu ngãng ra. Họ nói Mỹ đã phải trả tới 92% chiến phí trong chiến tranh Triều Tiên, một hành động đơn phương của Mỹ trong lúc này không thể được Quốc hội chấp thuận (...) Cuộc họp đi tới kết luận: Cuộc hành binh Chim kền kền, hay những hành động tương tự, chỉ có thể được Quốc hội cho phép với ba điều kiện: - Nước Anh có tham gia. - Người Pháp đồng ý xúc tiến chương trình trao trả độc lập cho các quốc gia liên kết. - Nước Pháp cam kết không rút khỏi cuộc chiến.

Trong ngày 4 tháng 4, Ai-xen-hao-ơ viết một bức thư khá dài gửi riêng cho Thủ tướng Anh Sớc-sin: “... tình hình Đông Nam Á đòi hỏi chúng ta một cách khẩn cấp phải có những quyết định nghiêm chỉnh và có tầm xa...”. Một trong những quyết định đó là sự thành lập một liên minh gồm Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Niu Di-lân (...) “Điều quan trọng là liên minh đó phải sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến nếu cần” (...)

Ngày 24 tháng 4, đô đốc Rát-pho gặp ngoại trưởng Anh I-đơn tại Paris nhân cuộc họp Hội đồng Khối Bắc Đại tây dương. Rát-pho một lần nữa tìm cách thuyết phục I-đơn chí ít nước Anh cũng cho Mỹ một lời tuyên bố ủng hộ có tính tượng trưng. Nhưng I-đơn nói thẳng (...) cuộc oanh tạc chóng chầy sẽ đưa người Mỹ tới việc can thiệp bằng bộ binh như ở Triều Tiên (và Mỹ sẽ) thúc đẩy đồng minh (...) đưa quân đội vào cuộc chiến (...)

Ngày 27 tháng 4, Thủ tướng Sớc-sin tuyên bố ở Hạ nghị viện Anh: “Chính phủ Anh không chuẩn bị lời hứa nào về hành động quân sự ở Đông Dương khi chưa biết kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ” (...)

Ngày 29 tháng 4 năm 1954, tại Oa-sinh-tơn, Ai-xen-hao-ơ họp với Rát-pho, các tham mưu trưởng ba quân chủng và nhiều sĩ quan cao cấp khác xem xét lần cuối cùng mọi mặt tình hình (...) Ai-xen-hao-ơ quyết định ngừng xúc tiến kế hoạch Chim kền kền (...)

(Trở lại trước ngày 29 tháng 4) Cuộc hành binh Chim kền kền ngày càng xa vời. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp phải tính cách tự cứu (...) Na-va quay lại với ý định khi mới chấp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ: tiến công từ sông Nậm Hu (...) Cuộc hành binh này mang tên Condor (chim kền kền cổ khoang ở Nam Mỹ), gồm bảy tiểu đoàn, trong đó có ba tiểu đoàn được thả dù (...) sẽ từ Mường Khoa tiến đến Tây Trang, rồi tràn vào Điện Biên Phủ đón quân đồn trú phá vây rút chạy (...) Nhưng vào thời điểm triển khai, do tất cả máy bay vận tải đang bị hút vào mặt trận Điện Biên Phủ, việc thả dù thêm quân không thực hiện được, lực lượng trách nhiệm chỉ gồm có một tiểu đoàn lê-dương và ba tiểu đoàn ngụy Lào (...) Ngày 27 tháng 4, cuộc hành binh Chim kền kền Nam Mỹ bắt đầu. Được tin có cánh quân từ Lào sang giải vây cho Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định sử dụng trung đoàn 148 và đại đội trinh sát ở nam Hồng Cúm tiến về phía Mường Khoa ngăn chặn địch. Ta phục kích gần Mường Khoa, tiêu diệt bốn đại đội quân ngụy Lào. Địch rút chạy. Bộ đội truy kích đến tận giáp Mường Sài và Luông Pha Băng (...)

Cuối tháng Tư, tại căn nhà nhỏ giữa núi rừng Việt Bắc, Bác tiếp chuyện nhà báo Úc Bớt-séc (W. Burchett). Bớt-séc hỏi thăm về Điện Biên Phủ. Bác lật ngửa chiếc mũ đặt trên bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh vành mũ, nói: “Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi”. Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: “Còn đây là quân Pháp. Họ không thể thoát khỏi chỗ này!”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1069-1077. Nhan đề phần trích tạm đặt.)