Tự truyện (chương 5.2)

Tô Hoài




Tiếng súng đã im hẳn từ lúc gần sáng. Cả làng, cả vùng lặng như chết. Nhưng chắc không ai chợp mắt. Sốt ruột chẳng hiểu thế nào (...)

Trên đồn Bưởi, trên pháo đài Cáo, lính Nhật cầm ngang súng lưỡi lê đứng sừng sững như cái gốc cây. Mọi nơi đồn ải và trại lính vẫn nguyên. Chỉ có cái mặt thằng Tây đổi ra mặt thằng Nhật.

Cầu chợ Bưởi đèn sáng rực. Bốn cầu chợ rỗng không, xung quanh rấp rong, giữa sáng trắng. Như cái chợ ma. Chợ ma thật. Người đói vẫn dật dờ đến như những cái bóng biết đi. Những đêm giêng hai rét buốt, người đói lâu đã khô xương rồi sợ bóng tối. Họ men đến chỗ sáng, trông thấy sáng mới biết mình vẫn còn sống. Người đói lần đến... Vào lúc chặp tối, lính Nhật trong đồn ra dồn lại một chỗ được bốn người đói. Nhật đâm chết cả bốn người dưới gốc cây đề cạnh cầu chợ rồi để bêu xác luôn đấy. Cho phải sợ. Nhưng chỉ thưa thưa vài hôm, người đói lại kéo đến (...)

Ít lâu, trong làng nhộn nhạo một vẻ bí mật khác thường. Ai cũng biết có Việt Minh trong làng rồi (...) Việt Minh xoay chuyển thế nào chứ sắp chết đói cả (...) Nếu không mau khởi nghĩa thì chết hết. Tin bí mật Ủy ban Giải phóng tổng Bưởi đã có rồi. Người ta mừng lạ lùng (...)

Phong trào vùn vụt lên, vượt trên cái chết. Nguyễn Huy Tưởng vẫn đưa đều cho tôi báo Cứu Quốc, báo Cờ Giải phóng. Thỉnh thoảng Tấn cho xem tờ Đuổi giặc nước của Việt Minh ở Thanh Hoá. Mít-tinh ở chợ Canh, chợ Nhổn. Rồi các vùng Trôi, Gối, cả Sống, Ốc cũng có Việt Minh về chợ diễn thuyết.

Rồi Việt Minh tổ chức cho người đói cướp kho thóc của Nhật ở phủ Hoài, ở Nhổn. Ngày nào cũng nghe tin phá kho thóc các nơi. Trên đường lên Sơn Tây, quãng Bún, Nhật vào trong làng lôi người ra chặt đầu cắm cọc, nhưng ngay vùng Bún các kho thóc cũng bị phá đem chia cho người đói. Tinh thần quần chúng náo nức.

Chấn động nhất là khi Tấn (Thôi Hữu) bắn chết mật thám Cai Long trên đường tàu điện xế cống Đõ. Đấy là tiếng súng cách mạng đầu tiên nổ trong vùng Bưởi (...) Một đêm ở Sống (...) Tấn kể cho tôi nghe (...) “Mình dấn xe lên, rút súng vẩy vào giữa lưng nó (...) Xe nó đâm vào đường tàu. Xe mình cũng loạng choạng đổ theo. Nó vùng dậy. Mình xông đến, bắn phát nữa. Nó gục hẳn (...) Trại Nhật đầu làng Thụy nghe tiếng súng, lính Nhật nhốn nháo xô ra (...) Mình lại nhảy lên xe, từ từ đạp qua đám lính Nhật đương chạy đến chỗ tiếng súng. Qua rồi, chợt nhìn xuống thấy một bên ống quần và cái vạt áo lốm đốm vết máu phun còn đỏ đòng đọc. Thế mà lính Nhật không thấy (...) Đến chùa Thụy (...) vào chùa, sư bà đương ngồi khâu vá bên cái giại đầu thềm. Mình chào, rồi nói: “Tôi là Việt Minh, tôi vừa trừ gian...”. Chưa nghe hết câu, sư bà đã đứng dậy, dắt vào buồng nhà hậu, tối như hũ nút (...) thì thào: “Cứ đứng đây đã, Nam mô A di đà Phật”. Rồi đi ra (...) Lát sau, sư bà vào cầm bộ quần áo nâu cũ. Mình thay cái quần và cái áo dính máu để lại đấy, giắt khẩu súng vào lưng. Rồi nắm tay từ biệt sư bà, bước ra cổng chùa (...) giống anh thợ vườn người làng Thụy buổi sáng ra sở ươm cây La Pho làm” (...)

Sang giữa mùa hè, hoạt động dồn dập của các đội thanh niên xung phong Hoàng Diệu trong thành phố càng vang dội (...) Cờ đỏ sao vàng treo đỉnh tháp Rùa, trên tàu điện đường Hà Đông, trên sông Hồng (...)

Nam Cao nhận thư của vợ. Thư kể mấy tháng nay mẹ con chỉ ăn rau sam. Con bé út mới sinh được hơn một năm - con bé, anh đặt tên là Bình Yên. Con Bình Yên chê cơm nhà đói khó, đã bỏ đi rồi. Cái thư đau đớn đọc xong, biết làm thế nào, anh thờ thẫn nuốt nước mắt (...) Lo chẳng được, lại tính cả lo. Lúc nào cũng xót xa vì trách nhiệm với vợ con (...)

Ở đâu bây giờ cũng như ở chợ Bưởi. Những chức việc trong làng cả đêm phải đi rình đuổi không cho người đói đứng lại địa phận mình. Sợ đêm nó chết. Và hễ gặp xác người, lập tức kéo vứt sang địa phận khác. Làng nọ ném xác chết sang làng kia. Người ta sợ phải chôn. Chôn xác trần trụi không có chiếu bó, cũng phải mất tiền thuê người đào huyệt. Tiền đâu ra mà hôm nào cũng thuê đào hàng chục cái huyệt. Người đào huyệt cũng hiếm (...)

Sôi sục lắm rồi. Trong thành phố, những trận nổ súng của các đội Danh dự Việt Minh trừ gian đương xảy ra hàng ngày (...) Sách báo Việt Minh hồi này in chữ ty-pô hẳn hoi. Nghe Tưởng rỉ tai: sắp chữ và in trong Hà Nội, nhiều thợ in vào công nhân Cứu Quốc rồi (...) Gần như ai quanh mình cũng là Việt Minh. Tôi đi bán tín phiếu (24) cho các người quen biết. Anh đi buôn bán, anh mộ đạo Phật, đều mua. Có anh mua tín phiếu hai trăm bạc. Những người có của đánh tiếng muốn được xem truyền đơn “Đồng tiền cứu nước” và mua tín phiếu - có thể để giữ sẵn dấu tích Việt Minh trong nhà (...)

Nam Cao vay nhà xuất bản nào được một trăm bạc - tôi không nhớ. Một trăm đồng lúc ấy chẳng còn giá trị lắm, nhưng cũng không phải nhỏ đối với bữa cơm bữa cháo của chúng tôi (...) Thế mà trăm đồng ấy, Nam Cao đem một phần góp quỹ đoàn kịch (thực hiện công tác văn hóa công khai của Đảng) (...)

Hà Nội đã được đặt tên bí mật là thành Hoàng Diệu (...) Nguyễn Huy Tưởng. Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang được cử tham gia đoàn đại biểu trí thức Hà Nội lên chiến khu dự Đại hội Đại biểu Quốc dân Toàn quốc ở Tân Trào (...) Lên chiến khu! Lên chiến khu! Tiếng gọi thiêng liêng trong chúng tôi. Đi chiến khu trở thành mong ước của nhiều người, cả những người chưa biết cách mạng (...)

Nguyễn Huy Tưởng và tôi từ Bưởi lên tàu điện xuống bờ Hồ. Những cái hầm xây nổi như gò đống bãi tha ma để nấp máy bay quanh hồ Hoàn Kiếm đã bị người đói chiếm ở (...) Sáng nào, từ các miệng hầm những người phu hót rác cũng khiêng ra những xác chết cứng (...) Những chiếc xe bò chất đống những bao gạo đóng bì trắng nối đuôi qua (...) Thế là có chuyến tàu chở gạo cho nhà binh Nhật vừa ở Sài Gòn ra đã thoát bom dọc đường. Lính Nhật đeo súng đi xe đạp hai bên xe bò gạo. Cả đường phố ngơ ngẩn trông theo (...)

Tôi cứ vào Thanh. vì không biết đi đâu (...) Hôm sau, tôi đáp ô tô vào Vinh (...) Ngày nào, máy bay Mỹ cũng đến ném bom ga Vinh (...)

Có tin Nhật đã đầu hàng Đồng minh (...) Tôi về ngay Hà Nội. Tôi đi qua những nơi mà hôm trước còn náu hình lặng lẽ, bây giờ đương cuộn lên từng lớp sóng người. Thanh Hóa, Ninh Bình, Phủ Lý... Đoàn người quần áo nâu lam lũ ồ ạt kéo ra (...) Kiếm, gậy, tay thước, câu liêm, đèn pin, dao găm v.v., trang bị của các đoàn thể theo kế hoạch “Sửa soạn Khởi nghĩa” (...) Trên những khuôn mặt sạm đen, hốc hác, đôi con mắt quắc đăm đăm. Những đoàn người đi trên đê cao, trong cánh đồng, trên thuyền dưới sông tưởng không bao giờ hết. Người các làng kéo vào chiếm thị trấn, chiếm huyện (...) đốt văn tự sổ sách, nhà quan (...) Những đám khói nghi ngút (...)

Hà Nội rực đỏ cờ. Lòng đường ngùn ngụt những khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!” (...)

Tôi gặp Nguyên Hồng (...) gần ga Hàng Cỏ. Nguyên Hồng mặc quần áo nâu, đương đứng trong sân. Thấy tôi, Nguyên Hồng vẫn đứng yên như thế, nhưng giơ hai tay một vẻ hết sức khoáng đạt. Cả người, cả mặt Nguyên Hồng rung lên. Nguyên Hồng ôm choàng lấy tôi. “Tô Hoài ơi! Cách mạng thành công rồi” (...)

Tòa nhà ba tầng nhà in Tê-rê-xa là cơ quan Tổng bộ Việt Minh và báo Cứu Quốc. Trong một buồng ở tầng trên cùng có một viên quan là Ngô Đình Diệm bị giữ từ Quảng Bình vừa được đưa ra Hà Nội (...) khi sắp kháng chiến toàn quốc thì được thả (...)

Làm phóng viên báo Cứu Quốc, tôi đã đi Nam tiến. Cả nước đương ngày đêm trông ngóng về Nam. Quân đội Anh lật lọng, bọn Pháp quay trở lại chiếm Nam bộ. Chiến trường đương lan ra quanh Sài Gòn. Trên sân ga Hàng Cỏ, liên tiếp những chuyến tàu đưa Vệ quốc quân vào Nam. Tiếng hát vang động lẫn tiếng pháo tiễn.

Tết Độc lập 2 tháng 9 năm đầu tiên, tôi ở thị xã Quảng Ngãi. Tôi vào Tuy Hòa rồi Nha Trang, lên chiến trường Kon Tum rồi qua Củng Sơn xuống mặt trận An Khê, viết tập phóng sự Ở mặt trận nam Trung bộ.(27) (...)

Trở ra Hà Nội, tháng mười 1946 (...) Tổ chức kết nạp tôi vào Đảng trong cái buồng con của chị Tư Già trên gác báo Cứu Quốc phố Hàng Trống. Chị Tư Già phụ trách nhà ăn của báo. Tuổi trẻ của chị đã bỏ lại trong nhà tù. Bây giờ khi nào chị nghe các đầu xương đau buốt kêu o o như đương trong cơn mật thám tra tấn, biết đấy là sắp trở trời (...)

Ngoài đường, Quốc dân đảng đương kèm người ở Ngũ Xã lên đi biểu tình quanh Bờ Hồ phản đối chính phủ. Cố vấn Vĩnh Thụy đêm đến lại lén đi chơi. Lính Tàu trắng ngang nhiên cầm tiểu liên lia các phố. Cái ô-tô của Nguyễn Hải Thần lạ kiểu đến nỗi ai trông cũng biết ngay. Trong xe có vệ sĩ, ngoài thành xe đứng hai vệ sĩ. Trên nóc ô-tô, một vệ sĩ nằm dạng chân ghếch súng dõi đằng sau (...)

Ban ngày chúng tôi làm việc ở tòa báo. Buổi tối chuyển ra ngoại thành ở chùa Thông gần cống Mọc. Đêm 19 tháng mười hai (năm 1946) (...) tôi ở chùa Thông. Rồi tôi làm phóng viên báo trên mặt trận Hà Nội (...) Được vài tháng, theo cơ quan báo Cứu Quốc lên Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, Phú Thọ (...)

Mùa đông năm 1947, Pháp tấn công Việt Bắc. Tôi đương ở Bắc Cạn, trong châu Bạch Thông. Nam Cao đã để vợ con ở lại Hà Nam, lên Bắc Cạn làm báo với chúng tôi. Quân Pháp đánh đến tận nơi, cơ quan báo ở bản Vi Hương bỏ mìn phá mất cả cái bệ máy in chưa kịp chạy. Chúng tôi rút lên châu Chợ Rã.

Báo Cứu Quốc Việt Bắc được thành lập. Nam Cao, họa sĩ Trần Đình Thọ và tôi được phân công ở lại núi Phia Bióoc ở Bắc Cạn làm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Tôi thành Nông Văn Tư, đồng chí Tư, Nam Cao có tên là Ma Văn Hữu, chúng tôi thay đổi tên, ở lẫn trong làng (...) Lòng trung thực được thử thách. Chi bộ Đảng mà tôi là bí thư đã kết nạp Nam Cao. Lễ kết nạp trong hốc đá (...) Thỉnh thoảng, một quả moóc-chi-ê ngoài ngã ba Phiêng Phường nện vào vách núi. Chỉ có Xuân Thủy, Văn Tân và tôi dự (...) Nam Cao ngồi xếp bằng tròn, rét quá, cổ quấn cái màn, nhìn không chớp xuống thung lũng. Nước mắt chảy ròng trên gò má cao, hốc hác. Nam Cao nói trầm giọng: “... Tôi thề trung thành với Đảng...”. Mắt tôi cũng nhòa đi. Những giọt nước mắt cảm kích và tự hào. Nam Cao thường kể lại lúc ấy anh nghĩ gì. Anh nghĩ lại những ngày trôi nổi ở Sài Gòn, ở Hà Nội (...) “chết mòn”(28) không lối thoát. Bên tai, anh nghe tiếng nói đại diện Đảng như ánh cờ bay lượn trên bóng tối cuộc đời vô vị cũ (...) anh không cầm được nước mắt.













______________
(24) “Giấy bạc” của Mặt trận Việt Minh. Tín phiếu có Bộ trưởng Việt Minh ký tên và lời ghi “Nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần đồng bào ủng hộ cách mạng. Khi khởi nghĩa thành công, Chính phủ cách mạng sẽ hoàn lại tiền đồng bào”.
(27) Phóng sự dài đăng từng kỳ trên báo
Cứu Quốc, nhà xuất bản Văn Hóa Cứu Quốc đang in thì toàn quốc kháng chiến, mất bản thảo.
(28) Nhan đề tiểu thuyết viết trước kháng chiến chống Pháp, nhà xuất bản Cứu Quốc ở Việt Bắc định in và Nam Cao đã đổi tên là
Sống mòn. Rút cuộc do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in lần đầu ở Hà Nội sau 1954.