Tô Hoài, Tự truyện (chương 5.1)




Chương 5.1

Chuyến lang thang này thực tên là đi ăn mày nhà chùa. Nhưng cũng để lại cho tôi những kỷ niệm mà thời gian dù mài tròn đi thế nào, vẫn còn nhớ (...) Chùa Trăm Gian, một ngôi chùa cổ trên đồi, thấp thoáng trong những bóng cây thông già. Đôi lúc, gió thổi qua, làn thông lại thở dài. Cô tiểu quảy nước ngoài giếng, bước ra cổng tán nhà hậu, đi thanh thản. Dưới cái khăn vuông nâu, đôi mắt to và trong. Cái nhìn quyến luyến như ngừng lại. Mỗi khi chiều xuống tỏa lưa thưa trong cành thông lại nghe tiếng chuông thu không. Nện một vồ rồi cô tiểu buông thõng tay, đứng nhìn thành chuông, niệm rì rào. Rồi chuông dồn những tiếng cuối, hòa tiếng tụng kinh, bóng người và bóng chuông (...) Buổi tối, dưới nhà hậu, vang tiếng giã gạo thình thịch. Tôi nhòm trộm khe cánh cửa, thấy in bóng lên vách, hai cô tiểu đứng cối, cái đầu trọc trắng hếu nhấp nhô bên chiếc quang đèn dầu. Tôi phải ngủ biệt tịch trên chùa chính, đắp chiếu nằm trong ruột bệ ông hộ pháp Thiện. Hôm đầu còn ẩm mùi đất mốc, sau chỗ nằm quen, có hơi người ấm như cái ổ. Đêm tháng mười, trời rét buốt sắc như thủy tinh. Thế mà vẫn thoảng đâu đưa đến mùi hoa sói, cúc vạn thọ, mùi hương. Không biết mùi thơm bốc ra từ các bát nhang trên kia hay từ ngoài ánh trăng vào. Có đêm thức dậy, trăng trong ngần qua cửa ngăn, lô nhô những đầu tượng, tôi có cảm tưởng chùa đông người hẳn lên. Nhưng lại chợt lạnh ngắt. Tại trăng sáng, tại tiếng chày giã gạo của các cô sư nữ hay tại chiều nào tôi cũng đứng đón nhìn cô tiểu ra gánh nước rồi lại tương tư vụng cô tiểu lúc thỉnh chuông mà bâng khuâng không ngủ được. Tôi đến chùa như khách vãng cảnh. Sư bà cũng ngỡ tôi là cậu học trò ngoài tỉnh (...) Sư bà kể chuyện ngày trước còn ở nhà, sư bà cũng có cậu em trạc tuổi tôi (...) “Nam mô a di đà Phật, có người nó hãm hại, vu cho cậu cháu đi hội kín. Phải tòa áo đỏ bắt đi đày Côn Lôn. Đã mười năm rồi, chẳng biết có còn sống không” (...) Tôi hiểu sư bà mến tôi, để tôi quanh quẩn ở chùa (...) chỉ vì nhớ thương người thân. Suốt ngày tôi đi vơ vẩn ngoài đồng, trên đồi, chiều về, nhà chùa bưng lên cái mâm gỗ cơm gạo đỏ, muối vừng, đậu rán dầu lạc, đĩa tương và bát canh dưa nấu lạc. Ngày rằm được ăn oản chuối. Cứ hai buổi chiều ngày đầu tháng giữa tháng nhà chùa phải thắp hương, thật khó nhọc. Chiều mười tư tôi cũng xuống nhà hậu lấy hương đi cắm. Chùa Trăm Gian có đến mấy trăm bát hương phải cắm. Mỗi cửa một bát một nén, một trăm gian khuất dọc hai bên hành lang, trên chùa chính, dưới nhà tổ, chỗ thờ hậu, các tháp ngoài vườn. Các cô tiểu phải rảo bước cắm hương mới kịp lên thỉnh chuông chiều. Ở chùa hồi này chỉ còn có sư bà với hai cô tiểu - sư bác và một tiểu đi khuyên giáo xa (...) Suốt ngày, sư bà và hai cô tiểu đi làm đồng, chiều về chưa vào bữa đã phải chạy lên đèn hương rồi vào tụng kinh, ra thỉnh chuông dai dẳng hàng giờ (...)

Tôi vào nghề văn từ truyện ngắn “Nước lên” - nếu có thể nói truyện đăng được trả tiền, là vào nghề (...) (Trước kia) hãng giày Ba-ta mỗi tháng trả lương tôi sáu đồng. Bây giờ, một cái truyện ngắn tôi được mười đồng, lại có băng quấn quanh tờ giấy bạc, ngoài để tên ông... Ôi, lịch sự? (...)

Một hôm, Như Phong đến nhà tôi. Bấy giờ là cuối mùa hè năm 1943 (...) Anh đã bị mật thám Pháp bắt, sau khi các tổ chức báo chí công khai của đoàn thể phải đóng cửa. Những diều đó đủ cho tôi thật bồng bột, khi gặp Như Phong. Như Phong bảo tôi: “Đoàn thể muốn gặp...”. Tôi chỉ nhớ Như Phong cho một cái hẹn, đưa tôi quyển Tuyên ngôn, chương trình và điều lệ Việt Minh, một tờ báo Cứu Quốc. Sách báo bí mật của Tổng bộ Việt Minh hồi ấy in li-tô giấy xanh, gấp cả hai thứ lại chỉ bằng bàn tay (...) Thời kỳ ấy, thanh niên khao khát lý tưởng, như người đi nắng khát nước, chỉ nghe đồn cũng đã tìm đến bày tỏ nỗi băn khoăn và đánh bạn với nhau (...)

Đến ngày hẹn, tôi đi tàu điện xuống Quán Thánh, rồi rẽ về Hồ Tây, qua đường Cổ Ngư (...) Tôi nhận ra đấy là Như Phong (...) Một lát, thấy Nguyên Hồng (...) đến. Nguyên Hồng là nhà văn nổi tiếng, đặc biệt khác lạ với những nhà văn tôi đã đọc. Những truyện anh viết về đời anh và cảng Hải Phòng sôi nổi, cảm động (...) Và gần gũi bao nhiêu, khi đọc thấy anh kể anh nghèo lắm, anh ngồi viết chuyện đời anh từ năm anh mười sáu tuổi như thế nào (...) Thoạt trông vẻ tất tưởi mà lại như không cần gì ai, tôi đã có cảm tình (...)

Trời đã tối (...) chúng tôi lên cái gác sân thượng sau nhà, tảng như ngồi chơi (...) Uy (...) lần lượt đọc Tuyên ngôn, chương trình, điều lệ Việt Minh. Lại nói từ nay chúng ta là một tiểu tổ, cùng chí hướng đánh Pháp đuổi Nhật (...) Trong bóng đêm hè bao phủ tối đen cái gác sân sau, trên đầu mảnh sân phơi cong queo những sợi dây thép làm cho tôi cảm tưởng như ngồi trong lưới. Nhưng ngoài cái lưới dây thép ấy bao la từng chùm sao nghiêng xuống và mặt nước sông Hồng đằng kia cuốn đi những ánh sao rơi. Ý nghĩ của tôi mênh mông xa và đầy tưởng tượng kỳ ảo lang thang ra ngoài cuộc họp trên cái sân gác chật chội này. Ngoảnh lại mấy năm trước, tôi phải thôi học, vào đời (...) Chỉ mấy năm mà lúc nào cũng cảm thấy dài thế, ngổn ngang thế, những chua chát, những mỉa mai, những chờ đợi (...) Hôm nay cách mạng đến với tôi (...) Mỗi chặng đường sâu vào cuộc đời, những ước mơ lại như những đợt sóng dồn về một hướng (...)

(Một lần họp khác) ở cái gác sân thượng nơi góc phố vắng ấy (...) chúng tôi ngồi quây lại với nhau chưa kín một mảnh chiếu (...) Đêm thành phố đương dìu dịu vào thu. Trong mênh mông có những chùm sao lóng lánh kỳ lạ. Tôi trông thấy trên khắp nước, từng lớp người đã đứng lên trong vị trí của mình, đâu đâu cũng đương sôi nổi phất cờ (...) Nước Việt Nam độc lập đương từ từ mọc, như ông trăng đêm rằm tròn vành vạnh ló ra trên đầu ô Yên Phụ và trong bóng dừa, bóng tre làng tôi (...)

Quyển sách nhỏ Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa có những đoạn tôi chú ý đến thuộc lòng. “Lấy gì để đánh quân thù? (...) Không thể tay không mà đánh giặc (...) Có mấy cách kiếm võ khí là tự chế, mua và đoạt của giặc (...)
Mỗi đội tự vệ hay tiểu tổ du kích phải (tự trang bị) dao chiến đấu (mỗi đội viên 1 con), gậy tày (mỗi đội viên một cái), giáo hay đinh ba (mỗi đội ít nhất 2 cái) (...) (Cũng cần chuẩn bị) khí cụ dùng để phá hoại (chung cho cả đội): một đôi lắc-lê mở bù-loong, một đôi cuốc chim, một đôi xẻng lục lộ, một cái kìm bấm để cắt dây thép (...) Từ nay phải tìm kiếm, tích trữ những miếng sắt vụn hay những đồ dùng bằng sắt có thể dùng để đánh võ khí (...)” (...)

Có lần anh Bé kể chuyện Việt Minh đã lập được nhiều chiến khu (...) trên miền ngược (...) Các chiến khu ấy đã đánh Pháp, đánh Nhật, thằng Nhật sợ không dám mò vào rừng, Tây thì đã rút chạy khỏi các đồn bốt ở nơi hiểm trở. Các tỉnh thượng du Cao Bằng. Lạng Sơn, Bắc Cạn đã có nhiều khu giải phóng độc lập hoàn toàn (...) Báo bí mật có kỷ luật giấy và kỷ luật chữ. Giấy viết nhỏ bằng tờ giấy quấn thuốc lá, để dễ mang đi. Bài chỉ được hai trăm chữ (...) viết xong xoe giấy lại, như cái ống lông ngỗng (...)

Anh Vũ Ngọc Phan và anh Nguyễn Công Hoan mách tôi với nhà xuất bản Tân Dân. Ra loại sách “Truyền Bá” cho thiếu nhi, ông Tân Dân mời tôi viết thử cho nhà ông quyển Con dế mèn, sách bán được khách mua, ông Tân Dân đặt tôi viết tiếp. Tôi viết Dế mèn phiêu lưu ký dài gấp đôi (...) Chao ôi, sao mà tôi viết khoẻ thế. Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước 1945 mà viết như chạy thi, được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, (ngoài ra) còn truyện thiếu nhi như “Dế mèn” (...)

Nhà xuất bản Tân Dân (...) là cửa hàng tạp hóa to vốn (...) nhiều mặt hàng, ai mua gì cũng có: truyện kiếm hiệp, sách giáo khoa, tạp chí tranh luận duy tâm duy vật, truyện trinh thám, truyện tình ái vẩn vơ, truyện xã hội tả thực (...) Một mình ông Tân Dân có bốn tờ báo ra hàng tháng, hàng tuần (Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tao Đàn, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Truyền Bá, có thời kỳ còn tờ tuần báo Ích Hữu) (...)

Tôi mách mối, ông Tân Dân mời Nam Cao viết truyện thiếu nhi. Đến khi Nam Cao muốn viết thêm truyện ngắn, ông bảo hỏi ông Vũ Bằng. Mỗi số báo Vũ Bằng lĩnh của chủ một món tiền rồi phát lại cho ai bao nhiêu thì tùy (...)

Một lần, Nguyễn Bính rủ tôi đi “giang hồ”. Nghĩa là đi chơi không cần tiền. Có tiền mới đi chơi, thì là xoàng rồi, ai cũng làm được. Lên tàu hỏa ra ga Đầu Cầu thì lên không. Ở đấy (...) ông trưởng ga (...) sính làm thơ (...) Đến ga Bắc Ninh (...) Vũ Hoàng Chương (...) đỗ tú tài toán, làm thơ (...) Nhà ở Bến Thóc, thành phố Nam Định (...) thế gia, đương tàn, nhưng mà vẫn to lắm. Nam Cao và tôi ở ăn cơm cả tháng, cũng không ai giáp mặt chúng tôi. Mỗi tầng gác có nhiều buồng, buồng treo rèm vải điều (...) Vũ Hoàng Chương làm ga, có tiền (...) mua giấy, in lấy tập Thơ say (...) Chúng tôi đỗ lại Bắc Ninh. Vũ Hoàng Chương gài chúng tôi xuống nhà ả đào, nhà cô Tuyết Lành dưới phố Niềm. Tối hát, ngày ăn bún ốc trừ cơm. Chán cảnh phố Niềm, chúng tôi lên Phủ Lạng Thương, kéo theo xếp ga Chương (...) Ba người ngồi toa đen, như những kiện hàng. Chúng tôi vào nhà Bàng Bá Lân (...) Ở sông Thương, ngày ngày, Chương và Bính tha thẩn vào xóm Thùng Đấu ngoại ô thị xã Bắc Giang (...) vừa đi vừa nghêu ngao đọc thơ. Ông Chương thì “Tố của Hoàng ơi”, ông Bính thì “Ngày xưa vua nước Bướm” (...) Được mấy hôm, nếu Bàng quân không đưa tiền tàu và nói thẳng rằng thế là tiền tiễn, chưa biết bao giờ chúng tôi mới nhổ rễ. Còn đến cả tuần nữa mới về đến Hà Nội. Qua Niềm, lại xuống Tuyết Lành. Rồi lại hát cô đầu Phủ Từ. Không có tiền, Bính và tôi phải “nằm va-li” ở cô đầu Từ Sơn, Chương về Hà Nội chạy tiền “chữa cháy” (...)

Tôi tham gia Văn hóa Cứu quốc ít lâu sau khi làm nghề văn, giữa đám bè bạn lố nhố lao sao vậy (...)

Trần Huyền Trân có gian buồng nhỏ trống trơ sau Cống Trắng, trông ra một đầm sen (...) Mẹ anh sinh sống ở cái lều kéo vó trong đầm (...) Trần Huyền Trân đã viết nhiều ca dao hô hào đánh Pháp đuổi Nhật, ký tên Đỗ Quyên, đã in trên báo Cờ Giải phóng, báo Cứu Quốc, thời bí mật (...)

Kháng chiến chống Pháp, Thâm Tâm vào bộ đội rồi mất bệnh ở châu Quảng Uyên trên Cao Bằng, trong chiến dịch biên giới thu đông năm 1950 (...)

Truyện Con dế mènDế mèn phiêu lưu ký là những sáng tác đầu tay của tôi cùng những truyện ngắn “Nước lên”, “Con gà ri”, “Bụi ô-tô” (...)

Mấy năm nay, Nam Cao thất nghiệp vì trường học phải đóng cửa đã về ở nhà tôi (...) Nam Cao thạo tả nhân vật, tôi nhờ anh viết cho tôi những đoạn như thế. Lúc Nam Cao buồn ngủ hay chán viết, anh bảo tôi: “Cậu làm hộ mình thế này nhé. Sắp mưa, bờ ao có bụi tre. Buổi chiều. Mấy trang cũng được”. Tôi vốn thích tả cảnh. Tôi lia hộ bạn vài trang như anh đã phác (...)

Trong những người nửa lãng mạn, nửa thời thế, có Nam Cao với tôi. Tôi quen Nam Cao vì tôi đến học chữ Pháp ở trường tư của một bà dì họ tôi, trường Công Thanh ở Thụy. Đi làm nhà Ba-ta, tôi học thêm tiếng Tây. Nam Cao dạy ở đấy và đầu tiên tôi gọi anh là ông giáo Tri, ông Trần Hữu Tri. Tôi ít tuổi hơn anh, văn hóa kém anh, nhưng anh thấy tôi đã viết được truyện ngắn đăng báo. Việc đó có thể rất kích thích anh. Nam Cao đỗ bằng “đíp-lôm”, đã làm phóng viên báo Kịch Bóng từ hồi ở Sài Gòn, thế mà đến nay viết vẫn lận đận. Anh đã thử các cửa, thơ trào phúng, thơ mơ mộng, lúc truyện ngắn, truyện vui, ký tên Nhiêu Khê, Thúy Rư, Nguyệt, Xuân Du, Nam Cao... nhưng chưa biết đứng lại đâu. Lính Nhật chiếm cái trường tư Công Thanh với cả quãng phố làng Thụy làm chỗ nhốt ngựa. Nam Cao thất nghiệp, lên ở với tôi. Anh mới viết xong một truyện vừa. Truyện “Cái lò gạch cũ”. Nhân vật Chí Phèo trong truyện là tên một người thật ở làng anh. Chuyện từ đời trước, anh viết theo vợ anh kể. Chi tiết để tô điểm (...) là những tai nghe mắt thấy (...) ở làng (...) Anh muốn đưa nhà xuất bản Đời Mới (...) Ít lâu (...) chủ nhà xuất bản viết thư mời Nam Cao đến (...) nói: “Tôi sẽ in truyện của ông. Nhưng đầu đề “Cái lò gạch cũ” không ăn khách. Tôi đổi cho ông là truyện “Đôi lứa xứng đôi”. Tôi nhờ ông Lê Văn Trương (...) đề lời giới thiệu (...)” (...) Thế là đã có sách in, từ nay anh dễ đi chào hàng những quyển khác (...) Nam Cao được mời viết truyện thiếu nhi cho loại sách Truyền Bá của Nhà xuất bản Tân Dân. Ông Tân Dân thuê anh làm truyện thiếu nhi rồi lại viết truyện ngắn. Không bao giờ chúng tôi đủ ăn. Ở nhà quê, nhà nheo nhóc một vợ ba con, Nam Cao liên miên viết truyện dài, truyện ngắn, truyện thiếu nhi thế mà mỗi ngày vẫn phải đi dạy kèm các cháu một người bạn chúng tôi để kiếm thêm ít tiền.

Tôi đưa báo Cứu Quốc bí mật, Nam Cao đọc chăm chú. Nếu lúc ấy đương viết, anh thu giấy lại, giắt bút cẩn thận vào cái kẹp bìa, ra đóng cửa cài then cẩn thận rồi nằm xuống cầm báo đọc đi đọc lại một lúc lâu (...) Nam Cao là người hay nghĩ, cả lo. Mỗi lần họp với Như Phong và Uy về, tôi đều kể lại Nam Cao nghe nhận định của đoàn thể về tình hình thế giới trong nước. Tôi bảo Nam Cao viết bài cho báo bí mật. Nam Cao cặm cụi viết những bài báo hai trăm chữ. Anh cũng thấy khó viết, như tôi (...)

Cùng ở trọ nhà tôi có Nguyễn Xuân Huy. Hồi mới viết, tôi yêu những truyện ngắn đẹp như thơ của Nguyễn Xuân Huy (...) Bỗng nhiên, Huy vác về bộ tự truyện Đời tôi của Tờ-rốt-ky (...) Văn Huy vốn đẹp, sáng dịu mà tôi rất yêu, bây giờ lý luận giọng đao to búa lớn xô bồ (...)

Hà Nội hồi này ngày nào cũng có báo động (...) Máy bay Mỹ từ phía đông nam tới. Những chiếc phóng pháo B-26 lúc đen trũi, lúc sáng trắng theo bóng mặt trời, lừ lừ trôi trên đầu, rắc bom xuống thành phố (...) Bom rơi xuống Quần Ngựa, vào làng Hồ, cống Đõ, cả dọc sông Tô Lịch. Ở vạc làng Hồ, có một đám cưới đương ăn cỗ chết cháy hết. Những người đi chợ về ngồi gục trong gốc cây. Người hái rau muống dưới cống Đõ nằm lòi ruột trên cái thuyền thúng. Chúng tôi khiêng các xác chết đặt ra ngoài cạnh đường cái (...) Tây, Nhật dửng dưng nhìn (...)

Máy bay phóng pháo Mỹ lại bay từng hàng vào rải bom xuống thành phố. Nhà Đấu Xảo, xung quanh ga Hàng Cỏ, ngõ Hàng Đũa, chợ Hàng Da, vùng Giáp Bát, bãi nhãn Nhật buộc ngựa ở Thủ Lệ (...) Người chết nhiều quá. Tôi xốc những cái xác chết bên bè rau muống bờ sông lên, khuân ra để ngoài rệ đường, như khuân củi. Không thấy ghê tay buồn nôn nữa. Còi báo động và tiếng máy bay xé trời. Người chạy từng đám, nằm chồng đống trong các chân tường, các gốc nhãn. Tiếng “Nam mô A di đà Phật” váng lên như khóc (...)


Tôi về đến đầu làng (...) trông thấy Nguyên Hồng đi trước, vào nhà tôi (...) Đột nhiên (...) một đám lố nhố quần áo tây vàng, trắng (...) Mật thám Luýt, một Tây lai (...) giơ cái còng sắt: “Đưa tay đây!” (...) Nguyên Hồng đương đứng trên đầu thềm (...) hấp tấp ra (...) Luýt dang thẳng cánh, tát Nguyên Hồng một cái lạng cả người: “Đứng im!”. Tôi thương quá. Vốn Nguyên Hồng tính bộp chộp thế (...) Chúng khám nhà rồi bắt tôi và Nguyên Hồng đi (...) Cái xe ô-tô mật thám bịt bạt vải xám (...) đến trước chợ Đồng Xuân, đỗ lại (...) Một lát, Như Phong bị dẫn ra (...) Chúng tôi bị giải về Sở Mật thám Hà Nội (...) Người sau cùng bị giải đến là Nguyễn Đình Thi (...)

Buổi sáng (...) anh Văn Tiến Dũng từ trong xà-lim được dẫn ra hành lang cho đi giải. Đột nhiên anh đứng lại, quay mặt ra sân, nhìn vào chúng tôi đương ngồi rải rác đấy, nói to: “Thưa đồng bào, tôi từ hải ngoại về nước. Cách mạng Việt Nam hiện nay đương trôi nổi...”. Anh Văn Tiến Dũng bị mật thám bắt ở Sen Hồ bên Bắc Ninh. Anh đương hoạt động ở Trung du. Sau này tôi được biết vì đoán trong đám người ở ngoài sân (...) có thể có “chó” nên anh nói thế để địch tưởng anh ở nước ngoài về mà lạc hướng hỏi cung. Những trận đòn ác liệt mà anh Văn Tiến Dũng ra gan chịu ròng rã hàng tháng đã làm cả trại giam kính phục. Trong trại có Cầm Văn Dung, tri châu người Thái, bị địch bắt vì nghi đã âm mưu với nhân tình là Lò Thị Cam đầu độc chết công sứ Sơn La Sanh Pu-lốp. Ông tri châu được ở ngoài hiên, không phải nhốt xà-lim. Sau mỗi trận mật thám tra điện anh Văn Tiến Dũng, ông ta lại lẩm bẩm tiếng Tây: một người anh hùng. Rồi ông ấy bí mật đưa sữa vào cho anh (...)

Trong chúng tôi, Nguyễn Đình Thi và Như Phong đã từng bị bắt, khi mật thám khủng bố Mặt trận Dân chủ. Thi cao lớn, ngăm ngăm, thoạt trông thì dữ, nhưng có đôi mắt hiền và người ra vẻ trí thức. Những đêm xà-lim lạnh buồn đầu thu, khi đã xong cung, đợi đưa sang tòa án, chúng tôi được giam chung, tôi nghe Thi hát giọng trầm mà buồn (...) Như Phong dặn tôi một mẹo: “Lúc bị quay điện, mày cứ há mồm ra kêu tướng lên, như thế đỡ đau”. Tôi gầy kheo khư nhất đám. Ai cũng ngại tôi không chịu nổi đòn (...) Tôi bị tra điện. Nó hỏi việc họp tổ ở nhà Uy. Tôi chưa nói gì, đã ngất sùi bọt mép (...)

Luýt gọi tôi lên (...) “Cho cút. Bận sau còn tụ bạ thì chết với ông!” (...) Nhưng tự dưng Luýt ngẩng lên, nói thêm một câu khác hẳn: “Mai kia cách mệnh thành công, mày đừng giết thằng Luýt nhé!” (...)

Đấy là mùa đông 1944. Nhà xuất bản Tân Dân thôi không mua bài của tôi như mọi khi nữa. Ông ấy ngại lôi thôi (...)

Nguyễn Huy Tưởng (...) sôi nổi (...) gần gũi, không có cái vẻ bí mật (...) của Như Phong (...)

Sự thật to lớn đương rầm rộ lên. Tôi cảm tưởng hồi hộp cả nước đương chuẩn bị.

Tôi viết thư nhắn Nam Cao. Không hình dung được Nam Cao lên để làm gì và làm thế nào chúng tôi sống được, nhưng tôi cảm thấy Nam Cao phải lên ngay không thể ở Đại Hoàng.
Lúc này phải làm gì. Mặc dầu tôi đương cảnh khó khăn, không biết trông vào đâu. Nhà có bà tôi, u tôi, ba người. Màu đói đã vàng cả trong mắt, vàng cả chân trời. Nhưng tôi cứ giục Nam Cao lên. Tình thế bồng bột, mãnh liệt, vượt cả nỗi khó khăn chồng chất hàng ngày.

Trên chợ Bưởi, người lang thang đâu đến càng nhiều. Buổi tối, lần vào ngủ trong các cầu chợ. Đêm nào cũng có người chết. Người chết khắp nơi, như gà chết dây. Những người thu thuế cho dọn xác đi từ gà gáy. Chợ lại họp như mọi ngày. Không sợ và cũng không sợ được nữa. Các chức việc trong làng, vì cái chợ đói mà khó nhọc. Người chết, chủ thầu thuế chợ không chịu chôn, làng lấy tiền đâu mua chiếu bó và mượn đào huyệt. Thế là phải canh. Bốn cầu chợ hai bên sông Tô Lịch, chập tối đã có tuần ngồi canh. Nhưng rồi cũng chỉ canh được một phía đèn sáng. Người đói lẻn vào đằng kia, chỗ bóng tối bờ sông lên. Người ta phải nghĩ cách kéo cành rong ra rấp xung quanh các cầu chợ.

Nam Cao ở quê lên (...) Làng anh cũng chết vãn người, chết cả đến nhà hàng xóm rồi (...)


Tính Nam Cao, cứ ngồi với anh em quen thì nói như trạng, nhưng gặp ai lạ lại im thin thít, đôi khi mặt đỏ lên tận tai. Hôm nào cũng đi từ chặp tối. Đêm về, lại thức viết. Nam cao viết một truyện dài về cái đói, cái đói dày vò ngay trong mấy bạn quen và cả chúng tôi (...) Nam Cao lại cắm cúi viết những chuyện căm giận quanh mình. Viết chẳng ai in, nhưng vẫn viết (...)

Quãng chín giờ tối, phía thành phố, bỗng có chớp giật. Rồi súng nổ râm ran. Ai cũng đoán ngay Pháp Nhật đả nhau. Chúng tôi chạy ra bờ tre cuối làng, trông về cánh đồng Cáo. Trong bóng tối, đại bác Pháp từ pháo đài bắn ra đỏ lừ. Nhật đương tấn công pháo đài Cáo (...)


(In xanh, đỏ là do GN)