Đây là bài thứ nhất trong hai bài “Nhớ nhà” tưởng như cùng tứ nhưng thực ra không phải. Bởi từ bài này sang bài kia có diễn tiến thời gian và chuyển biến tâm trạng. Đây mặt trời mới khuất đầu núi, ánh dương còn rực, chim chỉ mới bắt đầu về tổ, trẻ trâu còn thổi sáo “thét trăng (lên sớm)” giữa đồng, ông chài còn quăng lưới “tung gió” bên sông, và trên đường dài “khách” bước hãy còn thong thả... Tại sao đoán là thong thả? Vì nghĩ “bâng khuâng” không hợp với vội vàng. Cũng vì “một bước nhường ngao ngán”. Cớ sao “lòng quê” lại miễn cưỡng thế? Có phải do chân đang từng bước xa dần Hà Nội mà gần dần Huế (vào làm cung trung giáo tập)? Nếu vậy thì “mấy kẻ tình chung” chẳng qua là một số sĩ phu Bắc Hà có chia sẻ với “khách” nỗi niềm “hoài cổ” khôn nguôi. (Thu Tứ)



Bà Huyện Thanh Quan, “Chiều hôm nhớ nhà” (1)




Vàng tỏa non tây bóng ác tà
Đầm đầm ngọn cỏ tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
Lòng quê một bước nhường ngao ngán
Mấy kẻ tình chung có thấu là?