Sức người có hạn. Làm việc quá sức lâu ngày, dễ sinh sợ việc. Sợ đúng vào lúc sắp phải làm một việc rất khó là giết Nhím trước mùa mưa, thì hỏng! Phải chữa gấp bệnh ngại khó khổ đang đe dọa lan tràn.

Chữa bệnh này không thể chỉ làm công tác chính trị suông mà được. Phải vừa giảng tại sao cần tiếp tục cố gắng, vừa cải thiện điều kiện vật chất quá xấu là cái gốc của bệnh.

Cải thiện bằng cách nào? Chỉ có cách làm sao cho những người không cầm súng bắn giặc đem hết sức mình ra giúp những người đang cầm súng.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Động viên và cải thiện”



Tôi biên thư báo cáo với Bộ Chính trị về tình hình Điện Biên Phủ hiện nay, về chủ trương tác chiến sắp tới, và nêu sự cần thiết phải khắc phục tư tưởng mỏi mệt, ngại chiến đấu ác liệt và kéo dài. Ít ngày sau, nhận được nghị quyết cuộc họp ngày 19 tháng 4 năm 1954 của Bộ Chính trị: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch”. (…)

Anh Trường Chinh gửi kèm cho tôi một bức thư. Qua thư anh, tôi biết công việc của Trung ương ở nhà hết sức bận rộn vì chiến dịch. Anh Nguyễn Chí Thanh đi Liên khu 4 để cùng anh Hoàng Anh đẩy mạnh công tác chi viện tiền tuyến. Anh Văn Tiến Dũng đi Liên khu 3 chỉ đạo những hoạt động ở đồng bằng Bắc bộ phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Anh Lê Văn Lương ở nhà lo công việc hàng ngày (…)

Trong các chiến dịch trước Điện Biên Phủ, từng đơn vị chỉ đánh vài trận, những trận đánh thường diễn ra không quá một đêm. Sau mỗi trận, bộ đội ta rút ngay về vị trí an toàn phía sau, nghỉ ngơi, củng cố chuẩn bị cho trận khác. Ở Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu đã kéo dài nhiều tháng ròng. Những trận truy kích đường dài, công đồn, phòng ngự, đánh phản kích quyết liệt diễn ra liên tiếp. Ngay sau đó lại bắt tay luôn vào xây dựng trận địa, bản thân công việc này cũng là chiến đấu. Bộ đội ta ăn, ngủ ngay tại công sự trên trận địa đối mặt với quân địch. Cường độ chiến đấu đã vượt lên sức chịu đựng của con người.

Cơ quan chính trị đi nắm tình hình tư tưởng các đơn vị nhận xét: Qua cuộc chiến đấu vừa rồi nổi lên những gương dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nhưng trong cán bộ cũng nảy sinh một số biểu hiện tiêu cực, như ngại hy sinh, gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, cá biệt có cán bộ đã bỏ nhiệm vụ giữa trận đánh (…)

Đảng ủy Mặt trận thấy không thể bỏ qua những hiện tượng mới này, quyết định triệu tập hội nghị các bí thư đại đoàn ủy, các đồng chí phụ trách tổng cục, những người có trách nhiệm nặng nhất trong chiến dịch (…) Hầu hết những đồng chí có mặt đã hoạt động từ ngày cách mạng còn phải đi kiếm từng khẩu súng kíp, từng quả lựu đạn (…) Tôi giới thiệu với hội nghị nghị quyết mới của Bộ Chính trị (…) Mọi người đều nghiêm khắc kiểm điểm những thiếu sót (…) Sau cuộc họp, tôi gặp riêng từng đồng chí bí thư đảng ủy, trao đổi về kế hoạch tác chiến sắp tới, về những khó khăn của đơn vị (…) Những cuộc trao đổi kéo dài tới hai giờ khuya. Đồng chí Hiếu, chánh văn phòng, chong đèn ngồi ghi lại bản báo cáo kết luận. Viết xong phần nào, anh lại đánh thức tôi dậy thông qua trước khi đem đi đánh máy. Các đơn vị cần có ngay bản kết luận này, vì nó chính là một tài liệu học tập. Thời giờ rất gấp, đợt chiến đấu cuối cùng sắp bắt đầu.

Ngay hôm sau, phần lớn cán bộ cơ quan chính trị chia nhau xuống giúp đỡ các đơn vị triển khai một đợt giáo dục cấp tốc cho toàn thể bộ đội, từ cấp ủy đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ, để mọi người nhận thức rõ tình hình, nâng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Một khí thế mới dâng lên khắp nơi sau đợt học tập. Đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta.

(…)

Trên các tuyến chiến dịch, những đoàn dân công lên đường phục vụ từ mùa đông, nay đã sang hè. Những chiếc xe đạp thồ tốt nhất đã trở thành ọp ẹp, chắp vá. Xe ô-tô vận tải chạy liên tục, không có thời gian bảo dưỡng, mỗi ngày mỗi xộc xệch.

Đôi chân không mỏi của hàng chục vạn đồng bào tiếp tục băng đèo, lội suối, vượt qua bom nổ chậm (…) Những chiếc xe vận tải (…) cũng không chịu bỏ cuộc giữa đường, tiếp tục vượt những sườn đèo sạt lở bất chấp máy bay địch đánh phá (…)

Cán bộ, nhân viên trong những trạm quân y làm việc không kể ngày đêm, dùng từ những thứ thuốc quý do bộ đội ta đoạt được của địch, đến những rễ cây, lá thuốc trên rừng theo kinh nghiệm chữa bệnh của đồng bào địa phương, tìm mọi cách săn sóc cho thương bệnh binh mau hồi phục để trở về đơn vị.

Trên biểu đồ vận chuyển gạo, đường chì đỏ nhích dần lên cao.

Gạo, đạn và thuốc chữa bệnh là những nhu cầu cơ bản (…) Nhưng muốn cải thiện đời sống của bộ đội ở chiến hào còn phải (…) Các đơn vị chủ động tích cực góp phần giải quyết, chứ không chỉ trông chờ vào Hội đồng Cung cấp Mặt trận (…) Hậu cần đại đoàn tổ chức chở bằng xe đạp thồ từ hậu cứ lên tiền tuyến thịt muối, rau muối, đường sữa, thuốc lào, thuốc lá… Hậu cần trung đoàn tổ chức đi sâu vào các bản trên những rẻo cao khai thác rau, nhất là rau cải của đồng bào Mèo thường trồng xen kẽ với cây anh túc. Bộ đội vào rừng đào củ mài, tìm kiếm rau rừng ở ven suối (…)

Cán bộ chính trị, quân y tới những nơi bộ đội sinh hoạt gặp khó khăn nhất, nghiên cứu cải thiện điều kiện ăn, ở, giải trí (…) Hầm hào được mở rộng (…) Những “đường phố” sạch xuất hiện tại trận địa. Mỗi “căn nhà” hầm của tổ ba người có hai “giường” bằng đất, căng vải dù, nằm ngồi thoải mái. Bếp Hoàng Cầm, ra đời từ chiến dịch Hòa Bình, được phát triển thành “bếp hầm Hoàng Cầm” (…) có cả giếng nước trong vắt, đã phát huy tác dụng rất cao. Trên đồi A1, C1, trên sân bay, ta và địch cách nhau chỉ một tầm lựu đạn, bộ đội vẫn được ăn bữa cơm nóng, uống nước nóng, xem báo Quân Đội Nhân Dân, đọc truyện Thượng Cam Lĩnh, Ngày và đêm ở X-ta-lin-grát, chơi bài tú lơ khơ… Bộ đội ở hỏa tuyến luân phiên về phía sau tắm giặt. Đặc biệt ở những đơn vị pháo binh, hầm của bộ đội đều khá rộng và chắc chắn. Anh em dùng gỗ hòm đạn lát trần, lát vách hầm, ghép giường nằm và đóng cả bàn ghế. Anh em còn dùng vỏ đạn làm ra những chiếc đèn dầu và cả lọ để cắm hoa rừng. Tại các đội điều trị, dù chiến lợi phẩm được đưa tới làm chăn đắp cho thương binh. Khi vào hầm mổ, có cảm giác như vào một bệnh viện hiện đại. Tường rất phẳng, góc rất vuông căng vải trắng tinh. Sàn hầm lát bằng những thân cây sậy phủ một lớp vải dù. Không khí dịu mát, phảng phất mùi ê-te thơm thơm. Những bác sĩ phẫu thuật áo choàng trắng toát, làm việc dưới ánh sáng “đèn điện” mà máy phát là bình điện xe đạp quay bằng tay.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1063-1070. Nhan đề phần trích tạm đặt.)