Trần Quốc Vượng, “Cổ Loa - Vốn là Klủ”




Nhà sử học Ðào Duy Anh (...) cho rằng Loa là một từ Hán, nghĩa là ốc. Loa thành là cái thành mà tập truyền cho là được xây theo hình xoáy trôn ốc (...)

Những tên đất có tiền tố “kẻ” vốn rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng Kẻ Loa (theo giả thuyết của Ðào Duy Anh) là tên duy nhất có tiền tố kẻ cấu tạo với một từ căn Hán Việt. Tính chất lệ ngoại của tên đất giả định này đã hoàn toàn đủ cho ta nghi ngờ tính xác đáng của một lối phục hồi không nhất quán như thế. Hơn nữa Ðào Duy Anh (...) cho rằng Cổ Loa là tên do người đời Tống đặt (...) Lê Văn Hòe (...) đã có lý khi ông không chịu tin rằng ở đời Tống, trong khi nước ta đã độc lập mà người Tống lại đặt tên cho thành Việt Nam, và người Việt Nam lại chịu nhận một cái tên do người nước ngoài đặt và giữ mãi nó cho đến ngày nay. Nhưng Lê Văn Hòe lại tin theo tập truyền, quay về với chủ trương “cổ loa” là Loa thành xưa và cho đó là tên thời thuộc Minh (1407-1427) do bọn xâm lược Minh đặt cho thành trì chúng xây dựng trên nền cũ Loa thành.

Theo tôi, nếu cứ suy nghĩ quanh quẩn về tên đất dựa vào mặt chữ Hán như vậy sẽ không tài nào hiểu nổi gốc gác tên đất Cổ Loa (cũng như nhiều tên đất khác) (...)

Cổ Loa là một địa danh mới xuất hiện từ thế kỷ XV trở về sau, bắt đầu từ Dư địa chí của Nguyễn Trãi (...) và Lĩnh Nam chích quái (...) Còn trong tất cả các sách (...) trở về trước, bắt đầu từ Thủy kinh chú (thế kỷ thứ VI) (...) đến An Nam chí lược (thế kỷ thứ XIV) khi ghi chép chuyện An Dương Vương đều chỉ dùng từ chung “thành cũ của An Dương Vương” và nhất là dùng từ “Việt Vương thành” (thành của vua Việt) (...)

An Nam chí lược (mục cổ tích) hé mở cho ta biết một cái tên dân gian của thành này: “Việt Vương thành, tục gọi là thành Khả Lũ” (...)

Ngoài tên Khả Lũ, đất Cổ Loa này còn mang một tên nữa: “trang Kim Lũ”. Tên này thấy trong bản ngọc phả đền An Dương Vương do Nguyễn Bính soạn năm (...) 1572 (...) Trang là một đơn vị xã hội thời Lý Trần và đầu đời Lê (...)

Giữa ba tên này có mối liên quan gì với nhau không? Cả ba tên “Hán Việt” này, nhất là âm tố sau, phát âm na ná giống nhau khiến ta ngờ rằng chúng đều bắt nguồn từ một tên thứ tư, mà là một tên nôm. Huyện Thanh Trì cũng có làng Kim Lũ, tên nôm là làng Lủ. Kim Lũ là phiên âm của Lủ được thêm chữ Kim ở đầu tên cho văn vẻ và có nghĩa lý. Ðây cũng là một nguyên tắc rất căn bản của việc chuyển tên làng Việt Nam, vốn là tên nôm từ đơn âm tiết, sang tên Hán Việt từ song âm tiết. Tỉnh Hà Nam cũ có làng Ngọc Lũ (...) tên nôm là làng Chủ (...)

Trở lại tên Cổ Loa, vì nó đã đi sâu vào lịch sử, thấm sâu vào tâm lý tình cảm của nhân dân cho nên tên nôm của làng Cổ Loa đã bị phai mờ (...) Năm 1966 - 1967 (sau khi) đi hỏi nhân dân, đặc biệt là các cụ phụ lão Cổ Loa và vùng chung quanh, chúng tôi mới phát hiện được tên nôm của làng này. Cổ Loa ngày trước là một trung tâm hành hương lớn. Ðến ngày hội hàng năm, dân ở các vùng xa gần đều trẩy về đây. Các cụ già hành hương đến nay còn nhớ lại lời dặn của cha ông là tới kỳ hội làng cần phải đi lễ ở Chạ Chủ (hay Kẻ Chủ). Ta có thể thấy rõ ngay rằng tên Chủ này tương ứng với “Kim Lũ” hay “Khả Lũ” (...)

Chạ (...) chỉ một đơn vị xã hội tương đương với làng (...) tức (Chạ Chủ) là cái công xã nông thôn tên là Chủ, hay xưa hơn, là klủ (...) Klủ chính là nguyên hình từ gốc của cả ba từ Khả Lũ, Kim Lũ, Cổ Loa.


(Trần Quốc Vượng,
Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2000)