Chặn bước quân ta trước tiên là mưa bom gió đạn của địch.

Ngoài ra, địch có những trợ thủ ngẫu nhiên, vô tình, mà đắc lực. Lợi hại nhất là mưa.

Người nông dân ước trời mưa bao nhiêu thì người bộ đội lại ước trời không mưa bấy nhiêu! Mưa gây khó khổ trăm bề cho quân ta vì ta là bên tiến công, phải đội mưa mà xông tới, trong khi địch là bên phòng thủ nên được ở trong “nhà”. (Mưa cũng có chỗ không hay cho địch là thời tiết xấu hạn chế hoạt động của không quân.)

Mưa dĩ nhiên “hành” cả dân công. Chỉ là những giọt nước thôi, mà đánh đường còn ác hơn bom! Làm sao đây khi đường thành bãi lầy, hay thậm chí đã xuống vực sâu?!

“Nước đến ngang bụng bộ đội rồi!”. Những bụng ngâm nước ấy lại đang bị đe dọa trở thành bụng đói. Hãy thử hình dung cái cảnh chiến sĩ đói cơm, mà súng lớn súng nhỏ thì cồn cào đói đạn!

“Mỗi khi thấy một đám mây đen hiện trên đầu núi, một ánh chớp lóe trong đêm, tôi lại bồn chồn (...) tốt nhất vẫn là kết thúc số phận quân địch trước khi mùa mưa tới”. Phải làm gì đây để đảm bảo đợt ba sắp mở sẽ là đợt cuối cùng?

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Trợ thủ đắc lực số 1 của địch”



Trong chiến dịch này (…) một lực lượng đông đảo các văn nghệ sĩ, các đoàn văn công đã có mặt (…) Tổng cục Chính trị đưa theo cả một bộ phận nhà in.

Báo Quân đội Nhân dân ấn hành đều kỳ ngay tại mặt trận (…) trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ. Chúng ta đã có (…) những thước phim tư liệu quý giá (…) Văn công biểu diễn tại chiến hào, trong hầm pháo, hát cho bộ đội ở vị trí tiền tiêu nghe qua máy điện thoại. Truyền đơn vận động binh lính địch được tán phát vào tận trong khu trung tâm. Cuối tháng Tư, ta đã xây dựng xong một hệ thống loa truyền thanh chung quanh tập đoàn cứ điểm, thường xuyên tác động vào tư tưởng binh lính đang sống trong “địa ngục trần gian”. Anh em còn có sáng kiến làm những bè chở biểu ngữ địch vận, tranh cổ động, thả trôi theo dòng sông Nậm Rốm (…) Sự sâu sát đặc biệt của cán bộ tham mưu, chính trị đối với các đơn vị tham chiến là kết quả của đợt chỉnh huấn mùa hè (…)

Thời tiết đột ngột thay đổi với những trận mưa như trút nước. Chúng tôi rất lo cho bộ đội phía tây sống tại trận địa chiến hào giữa cánh đồng. Một hôm, sau một trận mưa lớn kéo dài, tôi gọi điện thoại cho 308 hỏi tình hình. Đầu dây, tiếng anh Vũ ồm ồm nhưng rành rọt:

- Báo cáo anh, nước đến ngang bụng bộ đội rồi!

Sau mỗi trận mưa, nắng lại dữ dội hơn. Không khí chiến trường oi ả, ngột ngạt, đe dọa bệnh tật kéo tới (…)

Anh Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y (…) phản ánh với tôi về cuộc sống căng thẳng của bộ đội tại trận địa (…) Những hầm ếch khoét bên bờ chiến hào không đủ chiều dài để duỗi chân. Bữa ăn thường là cơm vắt nguội lạnh, không có rau (…) Xác quân địch ở những nơi giáp ranh giữa ta và địch không không được thu dọn thường xuyên gây ô nhiễm…

Trong một cuộc họp cán bộ, tôi nêu vấn đề cần bảo đảm sinh hoạt bình thường cho bộ đội tại trận địa (…) Trận địa của ta thoáng rộng, liền kề với hậu phương chiến dịch. Ta có thể (…) tổ chức cho anh em luân phiên về phía sau tắm giặt (…) Ta cần tìm rau xanh và bảo đảm anh em được ăn cơm nóng, uống nước nóng. Việc tổ chức hầm ngủ cho sạch sẽ, dài đủ duỗi chân, có cỗ bài tú lơ khơ, sách báo để anh em giải trí v.v. đều là những việc hoàn toàn có thể làm được. Không bảo đảm sinh hoạt bình thường cho bộ đội là không bảo đảm phương châm “đánh chắc tiến chắc” sẽ đi tới thắng lợi (…)

Thương binh nặng không thể chịu đựng được cuộc hành trình dài trở về hậu phương trên những con đường máy bay địch đánh phá ác liệt. Họ cần được điều trị tại chỗ. Nhưng có những trường hợp vượt quá khả năng của quân y mặt trận. Sau đợt đầu chiến dịch, tôi đã đề nghị Trung ương đưa một số thầy thuốc giỏi nhất ra tiền tuyến. Điện về đúng lúc Bác cử một phái đoàn thay mặt Chính phủ lên thăm bộ đội, trong đoàn có bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Y tế, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Y tế. Anh Tôn Thất Tùng là bác sĩ phẫu thuật được coi là có đôi bàn tay vàng. Anh Tụng và anh Tùng sau đó đã ở lại. Các bác sĩ Triệu, Huấn, hiệu trưởng và hiệu phó trường quân y, cũng đưa một số sinh viên lên chi viện. Trong chiến dịch này, đội ngũ bác sĩ, y sĩ, hộ lý đã làm một công việc vượt rất xa sức mình (…)

Nhằm kéo dài cuộc chiến, địch đánh mạnh vào các tuyến đường tiếp tế. Chúng biết rõ sau mỗi đợt tiến công, bộ đội ta lại phải chờ đạn, gạo. Những quãng đường nằm bên sườn đèo cao, những đoạn dễ bị úng nước, những chiếc cầu trên đường độc đạo, trở thành túi bom. Ở tuyến hậu phương, đèo Giàng trên đường từ Cao Bằng xuống, đèo Cà từ Lạng Sơn về, đèo Khế nối liền Thái Nguyên với Tuyên Quang, đèo Lũng Lô nối liền Yên Bái với Sơn La, là mục tiêu của bao nhiêu trận oanh kích. Trên tuyến chiến dịch, bom địch không ngừng trút xuống đèo Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo.

Một trở ngại khác: mưa. Mưa biết khai thác nhược điểm của con đường hơn cả những tên giặc lái. Tất cả đường của ta đều hẹp và xấu (…) ngay cả khi trời khô ráo xe cơ giới qua lại đã khó khăn. Mưa tạo thành những bãi lầy dài hàng chục cây số. Mưa dồn đất từ thành vại xuống phủ kín mặt đường. Có khi nó cuốn cả từng mảng đường bên sườn đèo xuống vực sâu. Quân địch đã biết rõ sức phá hoại của mưa đối với những tuyến đường tiếp tế. Ngay từ đầu chiến dịch, chúng đã đề ra làm mưa nhân tạo, nhưng chưa thành công. Mùa mưa tới sớm tiếp tay cho chúng.

Pháo đói đạn trầm trọng (…) Bộ chỉ huy Mặt trận buộc phải quy định lại việc sử dụng pháo: bắn quá ba viên 105 phải xin phép Tham mưu trưởng, quá mười viên phải xin phép Tổng tư lệnh (…)

Công tác hậu cần đã trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng góp phần quyết định thành bại của chiến dịch. Cán bộ tham mưu làm một cuốn sổ theo dõi tình hình vận chuyển đạn dược hàng ngày; về gạo thì dựng một biểu đồ. Mỗi sáng, đã trở thành thói quen, khi mới ngủ dậy, tôi tới nhìn ngay bảng biểu đồ hậu cần treo trên vách liếp bên cạnh bản đồ chiến sự (…) Một buổi sớm, (đường vẽ lượng gạo trong kho) dốc xuống gần như thẳng đứng. Đêm hôm trước, gạo nhập kho không đầy một tấn! (…) Tôi dành liền mấy ngày ngồi họp cùng các anh Đặng Kim Giang, Nguyễn Thanh Bình, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Văn Nam bàn cách giải quyết (…) Sau cuộc họp, một số lớn cán bộ mặt trận được chỉ định đi xuống các tuyến cung cấp đẩy mạnh hoạt động. Từ đây, mỗi sáng đúng 6 giờ, tôi đứng bên máy điện thoại trực tiếp nhận báo cáo số lượng gạo, đạn vận chuyển trong đêm.

Trên cánh đồng phía tây, bộ đội ta khơi rãnh chung quanh công sự và đào những đường thoát nước tại trận địa. Cơ quan tham mưu mặt trận tập trung nghiên cứu cách làm chiến hào nổi để đối phó với nước lũ.

Mỗi khi thấy một đám mây đen hiện trên đầu núi, một ánh chớp lóe trong đêm, tôi lại bồn chồn. Chúng ta đang chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu qua mùa mưa. Nhưng tốt nhất vẫn là kết thúc số phận quân địch trước khi mùa mưa tới.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1060-1063. Nhan đề phần trích tạm đặt.)