Tô Hoài, Tự truyện (chương 1 và 2)




Chương 1

Nhớ lại ngày ấy, tôi còn thấy cái trường tôi như hòn non bộ chon von giữa đám chậu cây cảnh. Hồi bấy giờ tên là trường Nordemann, nhưng ai cũng gọi là trường Yên Phụ.

U tôi đưa tôi đi men Hồ Tây lên ô Yên Phụ. Khỏi một cái dốc, dừng lại, trông xuống bên tay phải thấy cái sân sâu và rộng ra tận hai mép hồ Trúc Bạch, có cây lạc tây, cây mít, cây sung và ngổn ngang những mái đình cong. Nếu không thính tai nghe trong ấy vang ra tiếng đập thước gõ nhịp cho học trò đọc đều không thể ngỡ đấy là trường học (...)

Tôi đi học từ tờ mờ đất. Ra đến Hồ Tây vẫn còn mù mịt sương (...)

Tôi ném bộp nụ hoa gạo, ném sấu vườn Bách Thảo, ném con cánh quít ẩn trong kẽ lá bàng trên đê, chém nhựa đa đường Cổ Ngư làm bóng. Mùa nào thứ ấy, bốn mùa chơi. Ngày ngày đi học, chẳng nhớ bài, chỉ nhớ những chơi bời dông dài như thế (...) Một dạo, tôi thôi đá bóng. Tôi đẽo chạc ổi, mua dây cao-su làm được cái súng chạc cao-su. Suốt đường Cổ Ngư, vàng ối những quả đa. Chim vàng anh về từng đàn, đậu lẫn trong quả đa, rúc ráy mổ quả đa, nếu cái đầu chim không đụng đậy, không ai biết. Nháy mắt, tôi đã bắn được một con, hai con, ba con. Rồi đứa đi vơ rác, đứa vặt lông, tôi lấy mảnh sành rạch bụng chim, làm lòng. Thui một tí, đã thơm phức. Vàng anh hay sáo sậu, chúng tôi đều thui rồi xé thịt chim chấm muối ăn. Vừa ăn vừa hò hát: “Vàng ảnh, vàng anh, có phải vợ anh thì chui vào tay áo”, “Sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em sáo sậu”...

Hương sen thơm suốt quãng đường hai bên hồ. Những chiếc lá sen tròn đồng tiền, mơn mởn nghển lên khỏi mặt nước. Chúng tôi lội xuống hái những nụ mới nhú bằng ngón tay. Nụ sen ăn ngòn ngọt. Rồi trải lá sen lên bờ cỏ, chúng tôi nằm ngủ dưới gốc đa, trong gió hồ buổi trưa hây hẩy bát ngát.

Tàn mùa quả đa, cây cũng vãn tiếng chim (…) Một hôm, đương ngồi trong lớp, nghe những tiếng chẹc chẹc hai bên tai. Từ hôm ấy, tôi nhận ra ở trường có nhiều chim sẻ. Dễ thường chim sẻ nhiều hơn cả học trò (…) Khi học trò vào lớp, chim sẻ xuống chơi đầy sân, bay từng đàn nâu loang loáng. Những lúc khác, chim sẻ đứng đầu tường (…) cứ ra rả chẹc chẹc. Chim ngủ ngay trên khe ngói, hóc cột (…) Chúng tôi rình bắn để nướng ăn (...)

Bỗng tôi trông thấy một cái đầu người nhô lên (…) Những mảnh giấy trắng lả tả rơi xuống sân trường (…)

- Giấy hội kín, anh em ơi!

- Đâu? Đâu?

Nhiều đứa xô đến, nhặt xem. Qua cổng con, xộc vào một đám đội xếp (…) Sân dưới, sân trên, cổng trước, cổng con, mỗi cửa lớp một người đội xếp đứng (…) Tự dưng, có trống vào học. Sân trường phút chốc vắng ngắt (...)

- Hội kín ném giấy cộng sản vào trường ta. Ngồi im, cứ ngồi im đấy.

Im đến nghe cả tiếng muỗi ro ro trong xó tối, thì phải biết là im thế nào (...) Không biết chúng tôi còn phải cúi mặt chăm chắm như thế đến bao giờ. Thầy giáo cũng ngồi im lặng trên ghế. Cái roi da đặt ở mặt bàn. Thầy nhìn ra cửa chờ đợi, chốc chốc lại nháy ria mép. Điều gì sốt ruột, nhưng chẳng biết điều gì cả. Tan học, nghe tiếng trống, các lớp cứ tự nhiên tan. Không còn gì ngoài sân trường, không thấy những tờ giấy lúc nãy. Bọn đội xếp đã biến mất. Các thầy giáo trông học trò xếp hàng qua cổng rồi chạy theo ra giữa phố đuổi bọn đứng tụ lại, ngấp nghé, bàn tán. Nhưng đuổi quãng ấy, chúng tôi lại tụ tập đằng xa.

- Tao trông thấy thằng đội xếp xích tay thầy Bảo.

- Cả thầy giáo Tân.

- Nói phét!

- Chẳng tin ra hỏi cái thằng lớp nhì mà xem.

- Anh Kính con thầy Tỏi lớp mình cũng bị xích tay.

- Nói phét quá!

- Chẳng tin đến chiều hỏi xem.

Buổi chiều, tôi nhòm vào lớp, thấy cả hai lớp nhì thầy Bảo và thầy Tân đều vắng thầy thật. Thế mà lạ sao, học trò đông đủ trong lớp ngồi im, không nhúc nhích. Tôi trông thấy nhiều đứa mắt đỏ hoe. Chúng nó thương thầy giáo bị Tây bắt (...)

Chương 2

Dạo ấy, phong trào Ái hữu đương bồng bột và tôi đã tham gia phong trào ở làng tôi. Nhưng cuộc vận động Ái hữu thợ dệt ở Vạn Phúc nổi nhất trong tỉnh Hà Đông. Làng Vạn Phúc có cả chủ và thợ vào hội Ái hữu (…) Đất Vạn Phúc đã từng sôi sục phong trào đưa yêu sách của chủ và thợ nghề tơ lụa tỉnh Hà Đông cho thanh tra lao động Gô-đa, ở bên Pháp sang. Rầm rộ nhất là cuộc đi đón Ô-nen, đại biểu Đảng Cộng sản Pháp. Hầu như cả làng kéo đi (…)

Phong trào Ái hữu lên, chúng tôi hô hào học chữ (…) Tôi được thêm chân dạy học (…) Năm đó, tôi mười bảy tuổi. Từ khi đến Vạn Phúc cũng là thực sự những ngày lang bạt (…) Những đêm đi vận động lập Ái hữu, từ vùng Vân Đình trong Bùng ra cầu Am, trời rét buốt đến nỗi những mảnh sao sáng trên trời cũng long lanh nhọn hoắt, như cứng hẳn lại. Để tránh giá và cho người ấm lên đỡ rét, chúng tôi hò nhau đẩy hộ những cái xe bò ngất ngưởng chở nón Chuông, chở nồi niêu Canh Hoạch, như cả cái nhà đi nghênh ngang giữa đường. Ra tới cầu Am vừa nghe gà gáy. Tiếng gà gáy bạt đi giữa tiếng gió hú, như những chấm đèn đóm vừa nhấp nháy lên (…)

Những tối phiên chợ lụa thường đông thợ cửi trong làng ra cho tôi bảo học. Họ dệt cửi băm bổ cả ngày, tối nào cũng lên đèn đầu hôm đến khuya gà gáy sang canh đã lại dậy lao vào khung. Năm hôm quần quật cả đầu hôm gà gáy, chỉ nghỉ mỗi tối ngày phiên. Thế mà tối ngày phiên lại chịu khó ngồi chúi mũi quanh ngọn đèn tù mù học chữ, đọc sách báo (…)

Chiến tranh châu Âu đã nhanh chóng phả hơi độc sang đây (…) Tơ lụa Hà Đông trước kia, nơi tiêu thụ chính là ở Nam kỳ. Bây giờ tàu hoả vào Sài Gòn nghẽn, rồi tắc. Nhà binh Pháp, nhà binh Nhật sung công hết tàu hoả. Tơ Tàu bên Quảng Đông cũng không sang được. Những ngày chợ tơ đông vui đã tàn. Các nhà giàu Hàng Ngang, Hàng Đào Hàng Gai buôn lụa, buôn tơ bấy lâu nắm cái sống của các làng tơ cửi, bây giờ chuyển vốn sang buôn gạo, buôn xi-măng và dây thép gai bán qua biên giới phía bắc cho Tưởng Giới Thạch trên Trùng Khánh. Phiên chợ Đơ, người đeo đẫy vào chợ, dù cho lụa tốt mấy, lái buôn cũng cứ đo nát hàng ra rồi trả lại. Vài ba phiên hàng ế, thế là những nhà một hai khung cửi vỡ nợ, trắng tay. Khắp các làng, từ Bùng ra Mỗ, La, Vạn Phúc tới vùng Bưởi Cầu Giấy, công việc cạn như ao mùa đông kiệt nước. Thợ cửi thợ tơ chạy nháo đèn cù đi moi việc, đào việc, càng khan việc. Đám anh em thợ cửi đói việc bỏ đi vãn trông thấy (…) Sự thể gay go đến nơi rồi. Cuộc sống xung quanh trở nên hốt hoảng (…)

Giữa lúc ấy, có người của anh Hiền mang về một bó truyền đơn in thạch (…) truyền đơn của Mặt Trận Dân Tộc Phản Đế, bé bằng bàn tay. Truyền đơn phân tích thực dân Pháp ở Đông Dương ngoài mặt làm bộ cứng, nhưng bên trong (…) đương sửa soạn quỳ gối dâng Đông Dương cho phát-xít Nhật, nhân dân ta phải chịu hai tầng đè nén (…) Ngay đêm sau, chúng tôi chia nhau đi rải truyền đơn (…)

Được ít lâu, mật thám Hà Nội về vây làng Vạn Phúc (…) Chúng tôi mỗi đứa tan tác mỗi nơi (…)