Lọc đi thời sự một thời, trên “Tờ hoa” còn lại đồng hồ… thơm, mật ong, ngọc trai, hoa.

Thời gian vừa ngún vừa tỏa hương! Thời gian vừa nở vừa cũng tỏa hương! Không biết như người hiện đại thì thôi, chứ đã thấy ngửi những thứ thời gian ấy như Nguyễn thì làm sao quên. Đồng hồ kim, rồi bây giờ là…, có sống dậy mà trông những con số, người xưa ơi!

Chế Lan Viên cũng từng miên man về ong và trai và hoa. Nhà văn nhà thơ vừa giống mấy loài sinh vật kia, vừa hơn chúng ở chỗ có ý thức về việc mình làm. “Thấy say say trong chính mình” vì “đang nung một thứ mật gì”, đâu phải ai bất cứ cũng được!

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Tờ hoa”



Tại một công trường làm đường Tây Bắc, 1966.

Tôi nhìn ra (…) một tổ ong (có cả ong chúa) mà anh chị em làm đường vừa mang được về (…) Ong bay trên trang sổ tay tôi (…) Anh cán bộ địa chất cho tôi mượn một tạp chí khoa học có mấy trang về loài ong. Giờ tôi mới biết (…) đời sống con ong (là) một bài học về (…) cần lao (…)

Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là mặc dầu không (đi được nhiều bằng loài ong) mình cũng là một sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống. Đối hoa xuân, lắng ong mật mà thêm ngẫm tới đàn bướm tốt mẽ chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào. Bướm cũng (sán vào hoa, nhưng) chẳng để lại gì (…) chưa ai dám nói đến mật bướm.

Người ta hay nhắc đến mang nặng đẻ đau (…) Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển (tình cờ lọt vào) lòng trai (…) Trai xót lòng (…) tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc (…) Tới một lúc nào đó, hạt cát (…) trở thành một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời (…) Cả một quá trình dài (bắt đầu là) một vết thương và (kết thúc là) một niềm vui (…)

(Cũng thế) Một đóa hoa (…) Nhìn (nó) công khai giữa bầu trời mà không khỏi không bận lòng về cái lũ rễ cái rễ con trong bóng tối lòng đất (…)

Tôi nhìn trân trân đồng hồ ở cổ tay chị Hoài Nam đang phiên dịch lời tôi ra tiếng Anh (N.T. đang nói chuyện với một phi công Mỹ ở tiệc Nô-en năm 1966) (…) Cái đồng hồ mỏng tang bé xíu ở cổ tay xinh xắn (…) làm cho tôi đãng trí một lúc (…)

Đo lường thời gian, người xưa đảo đi đảo lại một cái bình cát, hoặc nhìn lửa bấc vạc dần thân cây nến đã sẵn nấc giờ khắc, hoặc theo dõi cái đồng hồ bằng đồng thánh thót những giọt rồng đều đặn. Những đêm lạnh, thuyền đuôi én cặp bến thượng nguồn sông Đà tôi còn biết được cái bu gà sống treo ở sau cuống lái kia chính là cái đồng hồ của ông Thái trắng đấy. Và những bộ hương vòng tỏa khói xoáy ốc treo thõng ở đình chùa miếu cũng chỉ là một kiểu đồng hồ cổ, nó là một thứ đồng hồ lửa, ra đời sau thứ đồng hồ nước. Bộ hương vòng đường kính có thể một thước (thước ta) hai thước ba thước. Có thứ hương vòng thắp một tuần, có thứ cháy ròng hàng tháng mới tắt hết. Hương vòng ngự dụng của vua nhà Lý xưa đọc kinh Phật có hạt ngọc đính vào từng vòng hương, lửa hương cháy đến cữ ấy thì hạt ngọc lại đứt rơi xuống; và nghe ngọc gieo mình lanh lảnh vào một cái bình hồ kim ngân người đọc kinh biết là đêm đã vợi đi một canh nữa. Vòng hương đính ngọc kia nói bằng hiện tượng ngày nay thì là một cái đồng hồ báo thức mà chuông báo thức lại được “lên dây” bằng lửa thắp vào thứ hương đượm một mùi trầm.

Cách đây khoảng nửa thế kỷ tôi còn được thấy các cụ ta đo thời giờ bằng hoa. Hồi ấy, thời gian quả là có mùi. Củ thủy tiên ấy gọt vào hôm nào tháng chạp, hãm nắng phơi sương áp đèn như thế nào thì nó sẽ mãn khai đúng lúc giao thừa. Như kim giờ kim phút báo đúng năm hết, hoa nở rộ cả bấy nhiêu giò để chào năm mới đang chờ ở he hé cửa đình. Đình Bạch Mã năm nào cũng tất niên bằng cuộc thi thủy tiên, hoa của ai nở đúng giao thừa thì người ấy lĩnh thưởng mười vuông vóc hồng, năm cối pháo, một thạp chè bao thiếc. Đồng hồ hoa của cụ lang đối chướng và cụ huyện thường là nở đúng vào cái phút không giờ của hai năm cũ mới. Có lần cha tôi dẫn tôi từ Hàng Bạc ra đình Bạch Mã Hàng Buồm xem hội thi hoa đêm cuối năm. Sau này có lúc tôi nghĩ rằng đồng hồ quả quýt mình cần lấy lại giờ, cứ đến hội hoa giao thừa, nhìn củ hoa trúng giải mà vặn lại kim cho đồng hồ năm mới thì không còn chệch với thời gian nữa. Và thời gian của đồng hồ thủy tiên đêm Tết xa như không ngớt thánh thót vương hương. Nhịp thời gian hôm nay đã hoàn toàn khác hẳn (…) Nay là (…) dây cót, răng cưa, bánh xe (…)

Tôi kết thúc đêm nói chuyện (…) về nhà nhìn một cành mai trắng: có bạn thân tới chúc tết (…) để hoa lại. Chào 1966 nụ mai xòe cho hết bấy nhiêu cái tầng cánh trắng. Tàn một nén hương vòng nữa rồi mà tôi vẫn còn thức. Lắng nghe cái bước tới của năm mới (…)


Báo
Văn Nghệ số 143
Tết Bính Ngọ