Cái “kết luận” rằng “cây ta” có màu lá “thật nhiều cung bậc” và có dáng vẻ phong phú là thật đúng. Đây vài cung bậc của lá mùa xuân:

Cây gạo, khi đã hết hoa, “trông lên cao (…) lá lộc hồng hồng, lắm cái tía rực lên, chẳng khác những lá thư”. Long não từng cây “lộc tươi mát như kết toàn bằng lớp cánh trong (của các) chị cào cào và bọ ngựa đang chập chờn trên những cành đen rạn”, cả một phố cây thì “xanh nhẹ lung linh rơn rờn mơn mởn”. Bàng lộc “đẹp như cây nến xanh nghển mình lên chờ có người thắp cho” và lá non thì “duyên dáng như một cái đĩa ngọc hình quả vả”. “Cây sấu ban đêm thay áo mới. Lá sấu vàng cứ thế mà xuống như mưa”

Ô, Nguyễn quên lộc vừng nhỉ. Mùa xuân lá lộc vừng có lúc màu vàng cam đẹp sao.
(Thu Tứ)



“Cây Hà Nội”

Nguyễn Tuân




Hà Nội (có) những phố trồng toàn me, toàn sấu (…) (Ngoài ra) có những thứ cây đứng lẻ tẻ khắp (nơi như) hoàng lan, ngọc lan, sữa, long não, gạo, lim, đại, đỗ quyên Nhật v.v. (…)

Tấm phá (?) nhiều màu mà mùa xuân đất nước mỗi năm dệt một kỳ trên toàn cõi quê hương, cái tấm họa ấy ở riêng trên khoảnh đất Hà Nội này cũng đã là nhiều màu lung linh lắm. Sung sướng vậy thay là những thành phố um tùm bóng cây như Hà Nội chúng ta! Bạn bè quốc tế cứ mê tơi trầm trồ vì Hà Nội nhiều cây đẹp (…) Tôi đã có dịp đi ra ngoài mấy chuyến, ngắm cây phố các thủ đô trong khối xã hội (…) xin kết luận rằng màu xanh cây ta thật nhiều cung bậc (…) dáng cây (…) cũng nhiều vẻ, nhiều thế (…)

Ngoài cửa sổ (…) mấy cây gạo ra hoa tung tóe, có cây rừng rực như châm lửa đốt giời (…) Ngày trước, Phạm Văn Hạnh có đưa vào sách một cây gạo đánh rơi hoa xuống mui đò trẩy hội chùa Hương. Tôi, lúc này nghĩ đến đàn sáo rỉa hoa gạo, hoa rơi lả tả xuống mui toa tàu điện ra các ngoại ô, trên lưng cái tàu điện, hoa vẫn xoáy tít như con quay sơn đỏ của nhi đồng chơi hội xuân.

Hôm nay là rằm tháng ba lịch mặt giăng (…) Có lẽ chúng ta cũng cần sửa sai một cái nếp nghĩ cũ: Mùng một Tết đã là xuân và giữa tháng ba coi như là hết xuân rồi. Chính tháng ba mới là mùa xuân, chính lộc cây nở nhiều nhất vào cữ này. Xuân mạnh nhất lại là lúc “xuân tàn”. Gọi mùa xuân bằng hoa không hay bằng hình ảnh các cây mùa xuân ra lộc. Có những cây chỉ lúc ra lộc mới dễ trông (…)

Cây sấu (…) quả xanh (…) trong nước rau muống (…) có một hương chua chua cầu kỳ gớm lên ấy (…) quả chín có một hương ngọt nó thơm một cách khiêm tốn nhưng cũng tự kiêu ngầm (…) Cái lúc sấu rụng lá già (…) tiếng (…) lá sấu gại lên mặt đường nhựa, nó nhịp với tiếng nhát chổi của người công nhân linh tinh chuyển bước chữ đinh trên đường phố vắng người. Đêm về sáng, người nạo lòng đường sắt tàu điện có lẽ là người hiểu nhiều nỗi riêng của cây sấu. Trong cuộc hội họp của màu xanh muôn vẻ của cây Việt Nam, cây sấu như ngả sang màu đen bền vững. Những khóm lá xanh già cấc ấy tự nguyện thành một cái nền chắc nịch làm bừng sáng lên những chồi lộc các loại cây quanh mình. Cái gì chắc chắn thường là chậm chạp, cho nên trong hội thi đua mùa xuân trăm cây ra lộc hết cả rồi, rồi ta mới thấy cây sấu đủng đỉnh xòe lên nền nắng mới một vài cái nõn nhỏ (…)

Những cây gạo góc phố hôm nào vừa ra hoa bừng thắm giời Hà Nội (…) hoa đỏ ngòn (…) hôm nay đã hết hoa và cũng đang ra lá con. Tôi bâng khuâng nhớ đến một rặng cây gạo suốt trên đường Đồng Văn qua chợ Lương về đến đò Yên Lệnh Hưng Yên trong những năm kháng chiến Khu Ba chưa mất đất (…) Cái lúc xuân điểm những đồng tiền nắng mới tung vãi dưới gốc cây ra lộc, hình như người ta hay nhớ lung tung (…) Trông lên cao ngọn nhiều lá lộc hồng hồng, lắm cái tía rực lên, chẳng khác những lá thư (…) chưa chuyển được vô Nam.

Suốt một quãng giữa tháng hai đến tháng ba âm lịch này, tôi có cái cảm tưởng giời thủ đô sáng hơn lên. Trăm thứ cây phố cứ luân phiên ra lá non. Hà Nội cứ như bật cả đèn phố giữa ban ngày, lắm hôm lộc cây vui mở như một ngày quốc khánh giăng đèn lồng phủ lượt, phủ sa, phủ the xanh cho đỡ chói. Cả một hàng dài long não phố Hàng Đẫy và cả một khu long não sân Tòa án và khu nghĩa trang cạnh Tòa án xanh nhẹ lung linh rơn rờn mơn mởn. Toàn thân long não, lộc tươi mát như kết toàn bằng lớp cánh trong (của các) chị cào cào và bọ ngựa đang chập chờn trên những cành đen rạn. Mỗi tia nắng lạc vào đám này là không muốn đi nữa, không muốn tắt nữa. Tất cả những cái tơ và nõn ấy đã biến chuyển, đã đi xong rồi, thì anh bạn tôi mới đến rủ tôi đi xem long não khoe tươi. Tôi đã phàn nàn cho anh (…) “Hội long não tan rồi, anh mới tìm đến (…) lâu quá, cây đẹp không đợi được anh mãi. Bây giờ thì lá long não cũng đang xanh chung chung như nhiều lá cây khác (…) Lộc cây chỉ đẹp trong một số ngày nhất định, có lúc nó đi nhanh hơn cái tiếng cười cuối cùng của một nàng góa (…)”.

Để đền bù cho anh, tôi đã đưa anh đến một trường học phố Quang Trung (…) Sân trường, nhiều gốc bàng chậm chạp còn ngậm lộc bên những gốc bàng khác hoàn thành mấy cái tán lá đầu. Anh bạn tự an ủi: “Nhỡ mất long não vẫn còn lộc bàng”. Lộc bàng đẹp như cây nến xanh nghển mình lên chờ có người thắp cho. Lá bàng (…) non (…) duyên dáng như một cái đĩa ngọc hình quả vả (…)

Hai đứa chúng tôi khoác tay nhau đi xem cây sấu ban đêm thay áo mới. Lá sấu vàng cứ thế mà xuống như mưa, không thấy gió reo mà chỉ thấy lá rơi (…)


(Báo
Tổ Quốc, số 5, ngày 5-5-1957)