Sau ngày 11 tháng 4, ở cả hai quả đồi A1 và C1 chiến sự tạm lắng xuống. Nhưng không phải là nỗ lực tiêu diệt những cứ điểm quan trọng đã chấm dứt. Chẳng qua đợt hai chiến dịch bây giờ không nhắm vào khu đông nữa, mà xoay về phía 105 và 206 là hai cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh.

Trận 105 ta thắng giòn giã. Trận 206 ta thắng càng giòn giã, và thật kỳ thú! “Con cúi” nhắc những tấm ván phủ rơm quân Tây Sơn dùng trong trận Ngọc Hồi, còn “đào dũi” để thình lình đội đất xông lên sát vị trí địch là một sáng kiến độc đáo mới tinh!

Ở 206, ta thắng đến hai lần. Tiêu diệt thành công, rồi chống phản kích cũng thành công. Nhờ sáng tạo, không ngại vất vả, chiến đấu dũng cảm, ta dùng lực lượng nhỏ và hỏa lực không đáng kể để đánh cứ điểm cứng, mà thắng. Nhờ cải tiến cách sử dụng pháo binh, ta đẩy lui và gây thương vong nặng nề cho quân địch đông đảo được chi viện hỏa lực cực kỳ hào phóng.

“Số phận của (Con Nhím) sẽ được định đoạt trước ngày 10 tháng 5”, “thày” Đờ Cát “bói” giỏi quá! Nói đùa, chứ chắc y đã căn cứ vào mùa mưa sắp tới mà đoán ta không thể đánh lớn sau ngày ấy.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đợt hai tiếp nối: trận 206”



Sáng ngày 14 tháng 4 năm 1954, toán địch đầu tiên đi tuần trên sân bay Mường Thanh chợt nhận thấy đường hào ở phía tây đã cắt đứt liên lạc giữa Huy-ghét 1 (cứ điểm 206) và Huy-ghét 6 (cứ điểm 105) với khu trung tâm. Một mũi hào khác đâm thẳng vào sân bay. Không chỉ có vậy, Huy-ghét 1 còn báo cáo mặt tây cứ điểm đã bị chiến hào của đối phương áp sát. Buổi trưa, quân dù thử mở đường tới Huy-ghét 1, nhưng bị chặn lại bởi những bãi mìn mới rải và những loạt đạn súng cối.

13 giờ 30, Đờ Cát điện cho Cô-nhi: “1. Số phận của G.O.N.O. (lực lượng tác chiến ở Tây Bắc) sẽ được định đoạt trước ngày 10 tháng 5 (…) 2. Trận địa phát triển đe dọa Huy-ghét 1 và Huy-ghét 6 (…)”.

Theo kế hoạch, hai trung đoàn của 308 và hai trung đoàn của 312 đã được triển khai chung quanh phía bắc sân bay. Cứ điểm 206 bảo vệ phía tây sân bay đã bị chiến hào của trung đoàn 36 cắt rời khỏi Mường Thanh. Cứ điểm 105 ở phía bắc sân bay cũng bị chiến hào của trung đoàn 165 uy hiếp. Hai mũi chiến hào khác của 308 và 312 đang nhanh chóng đâm thẳng vào giữa sân bay. Đêm 15, chiến hào của trung đoàn 88 ở phía tây và chiến hào của trung đoàn 141 ở phía đông cùng vượt qua năm lần rào tiến vào sân bay.

Trận đánh quan trọng tiêu diệt trung tâm đề kháng bảo vệ sân bay Mường Thanh đã bắt đầu không có dấu hiệu nào báo trước.

(…) Đờ Cát ra lệnh cho Lăng-gơ-le lập tức tiến hành giải tỏa áp lực ở sân bay, trước hết là tiếp tế cho Huy-ghét 6 (…)

Liền trong ba ngày 15, 16, 17 tháng 4, Lăng-gơ-le huy động ba tiểu đoàn dù số 1, số 2 và số 6 mở cuộc hành binh (…) Ngày đầu, đoàn quân giải tỏa (…) mất bốn giờ đồng hồ để vượt qua đường hào của trung đoàn 141 trên sân bay. Ngày thứ hai và thứ ba thì quân địch đứng trước cả một trận địa với lớp lớp chiến hào và những ụ súng. Thêm vào đó là xác một chiếc máy bay còn nằm chềnh ềnh trên đường băng, trở thành một công sự nổi cho đối phương đặt liên thanh (…) Cuộc hành binh tiếp tế cho Huy-ghét 6 đã làm địch bị tổn thất nặng nề hơn cả khi phản kích giành lại đồi C1! Hết ngày thứ ba, Đờ Cát ra lệnh cho viên quan ba chỉ huy Huy-ghét 6 rút quân khỏi đây vào đêm hôm sau. Bi-gia, phó chỉ huy khu trung tâm, dẫn lính dù và lê-dương với hai xe tăng mở đường, đi đón. Nhưng cánh quân này đã mất sức chiến đấu trước trận địa chiến hào của ta sau không đầy nửa giờ đọ súng. Bi-gia đành ra lệnh cho viên chỉ huy Huy-ghét 6 “có thể bỏ lại tất cả thương binh, mở một đường tháo chạy về Mường Thanh, hoặc đầu hàng”.

Lúc này, chiến hào của 165 từ bốn phía đã luồn vào bên trong hàng rào dây thép gai của cứ điểm 105. Mười lăm ụ súng ở tiền duyên đã bị ĐKZ của ta bắn sập. Nhiều đám rào bị cắt trụi (…) Đêm 18, trung đoàn khởi sự tiến công. Chỉ có một số ít quân địch chạy thoát về Mường Thanh. Cứ điểm cuối cùng của địch ở đầu bắc sân bay không còn tồn tại.

Nằm sâu bên trong, Huy-ghét 1 cũng bị trung đoàn 36 bao vây bằng trận địa chiến hào từ ba ngày nay (…) Các chiến sĩ Bắc Bắc (1) (…) dùng những “con cúi” làm lá chắn, đưa chiến hào từ xa tiếp cận cứ điểm. Những khối rơm bện dài 2 mét, đường kính 1,5 mét đã hút hết đạn thẳng, bảo đảm an toàn cho những người đào trận địa phía sau nó. Sáng ngày 19 tháng 4, ba mũi hào của 36 đã đâm vào sát hàng rào của địch. ĐKZ bắn sập dần những ụ súng ở tiền duyên. Trong đêm, thỉnh thoảng lại một loạt đạn súng cối nã vào vị trí. Quân địch luôn thấp thỏm tưởng là trận đánh đã bắt đầu. Máy bay phải thả dù tiếp tế trực tiếp xuống cứ điểm. Nhưng những tên lính địch không dám rời hầm ra lấy dù vì sợ đạn bắn tỉa. Huy-ghét 1 kêu cứu với Mường Thanh. Không thể để mất tiếp vị trí này, vì mất nó là mất sân bay, Đờ Cát buộc phải điều một lực lượng bộ binh có xe tăng đi trước và pháo binh yểm hộ từ khu trung tâm tiến ra lấp các chiến hào. Đơn vị bảo vệ hào của ta lùi ra xa, dùng súng bắn tỉa quân địch. Chiến sĩ ĐKZ Trần Đình Hùng, máy ngắm bị hỏng, đã bình tĩnh ngắm mục tiêu qua nòng súng, lắp đạn bắn cháy một chiếc xe tăng. Sau chiến công của anh, quân địch rút lui.

Các chiến sĩ 36 cũng bắt đầu gặp một khó khăn mới. Chiến hào vào gần cứ điểm thì “con cúi” giảm tác dụng, vì không ngăn được hỏa lực lướt sườn cũng như lựu đạn từ bên trong ném ra (…) Tốc độ đào chiến hào chậm hẳn lại. Có mấy chiến sĩ tân binh, vốn là du kích ở địch hậu, đề nghị cho đào dũi, khoét ngầm dưới mặt đất vào tới lô-cốt địch (…) Lúc đầu, cán bộ ngại làm theo cách này sẽ mất nhiều thời gian quá. Nhưng khi cho một tổ đào thử, thấy không chậm hơn đào chiến hào lộ thiên, vì có thể đào cả ban ngày. Phương án đào dũi được chấp nhận, tuy có vất vả, nhưng tránh được thương vong và giữ được bí mật.

22 giờ đêm 22 tháng 4, trung đoàn dùng một số phân đội nhỏ đánh vào cứ điểm. Số đạn lựu pháo dành yểm trợ cho họ cũng giống như mọi đêm, 20 quả. Nhưng khi lựu pháo mới bắn tới phát thứ mười ba, thì xung kích đã yêu cầu ngừng. Ba mũi tiến công cùng lúc từ lòng đất nhô lên, đặt bộc phá giật đổ ba lô-cốt đầu cầu. Binh lính địch kinh hoàng khi thấy bộ đội ta thình lình xuất hiện quá gần, đua nhau giơ tay đầu hàng. Không bỏ lỡ cơ hội, cả ba mũi cùng đánh thốc vào khu sở chỉ huy. Mười lăm phút sau, trung đoàn mới kịp đưa tiếp vào thêm hai trung đội. Không tới một giờ đồng hồ, bộ đội đã hoàn toàn làm chủ Huy-ghét 1. Phần lớn số 177 lính lê-dương đồn trú bị ta bắt sống. Ta đã tiêu diệt được một vị trí quan trọng do một đơn vị sừng sỏ địch bảo vệ, với tổn thất không đáng kể! Nghe tù binh báo cáo viên chỉ huy cứ điểm đã tử trận và điện đài bị hỏng ngay từ loạt đạn pháo đầu tiên, trung đoàn trưởng 36 ra lệnh dùng những khẩu đại liên trong đồn địch thỉnh thoảng bắn từng loạt ra ngoài như mọi đêm. Trong lúc ta thu chiến lợi phẩm, Mường Thanh vẫn yên tâm tưởng chưa có chuyện gì xảy ra ở Huy-ghét 1!

Trận 206 khẳng định thành công của chiến thuật “đánh lấn” (…) là một biểu hiện tập trung của cách đánh đó (…) Một lần nữa, chúng ta càng thấy rõ tác dụng to lớn của cách đánh nhỏ (…) thông minh, sáng tạo, chủ động của những người chiến sĩ nông dân, bám đất bám làng chiến đấu (…) Cái chết không kịp cất tiếng kêu của Huy-ghét 1 đã làm cho quân địch ở Điện Biên Phủ bàng hoàng (…)

7 giờ 30 sáng ngày 23 tháng 4, vài tên lính lê-dương chạy thoát về tới Mường Thanh, báo tin Huy-ghét đã thất thủ (...) Sau giây phút sững sờ, Đờ Cát đưa ra ý kiến cần phản kích giành lại vị trí đã mất. Lăng-gơ-le và Bi-gia đều không tán thành, cho rằng làm như vậy sẽ hy sinh nốt những lực lượng ứng chiến cuối cùng của tập đoàn cứ điểm, kể cả trong trường hợp phản kích thành công thì cũng không còn lực lượng để duy trì Huy-ghét 1 trước những cuộc tiến công mới chắc chắn sẽ xảy ra. Đờ Cát vẫn giữ quyết định của mình (...)

Bi-gia điều một số đơn vị lên trung tâm đề kháng Ê-li-an, rút toàn bộ tiểu đoàn lê-dương dù số 2 đang đóng ở đây về Mường Thanh. Tiểu đoàn này mới được tăng cường ngày 10 tháng 4, tuy đã tổn thất, chỉ còn gần 400 người, nhưng vẫn là lực lượng mạnh nhất có thể dùng để tiến hành cuộc phản kích. Bi-gia yêu cầu không quân dùng mười hai máy bay chiến đấu ném bom và bốn máy bay ném bom B-26 đánh phá hệ thống chiến hào trước Huy-ghét 1 và một số mục tiêu sẽ được chỉ định từ 13g45. Pháo binh của tập đoàn cứ điểm được lệnh bắn 1.200 phát đại bác và súng cối vào Huy-ghét 1 sau khi máy bay oanh tạc.

Buổi trưa, trời nắng to trên cánh đồng Mường Thanh, không gian hoàn toàn yên tĩnh. Các chiến sĩ trong đại đội 213 của trung đoàn 88 phòng ngự trên sân bay, sau bữa cháo nóng ăn với đường phên ngon lành, trừ những người làm nhiệm vụ cảnh giới, đều ngả lưng trong hầm ếch cho giãn gân cốt. Chợt có lệnh từ sở chỉ huy mặt trận: “Chuẩn bị đánh địch! Tản rộng đội hình. Địch sắp oanh tạc”. Đại đội trưởng Mai Viết Thiềng ra lệnh đánh thức bộ đội, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Chỉ mươi phút sau, đã nghe tiếng động cơ. Máy bay địch xuất hiện rất nhanh. Những chiếc B-26 bay theo đội hình mũi tên. Các chiến sĩ cao xạ lập tức nổ súng. Những đám khói trắng bao bọc lấy máy bay. Chúng chuyển sang đội hình hàng dọc, nối đuôi nhau lượn vòng và bắt đầu thả bom. Tiếng nổ nhức óc. Những tấm ghi-lát đường băng tung lên. Rồi tai ù đi, chỉ thấy những cột đất và bụi đỏ bùng lên. Mặt đất rung chuyển. Không gian trở lại yên tĩnh. Địch đã thả hàng trăm trái bom nhưng chỉ có một số rơi trúng sân bay và trận địa chiến hào (...) có hơn một chục hố bom trên đường băng (...)

Bầu trời lại rung lên vì tiếng động cơ máy bay. Lần này là những chiếc Hen-cát nối nhau bổ nhào ném bom xuống 206 (...) Đây chính là cơ hội cho những khẩu đội trọng liên phòng không của ta. Một chiếc Hen-cát trúng đạn lao xuống cắm đầu trên cánh đồng, đùn lên một cột khói đen kịt (...) Máy bay rút, đến phiên pháo binh địch trút đạn xuống 206 (...) Xong, các trận địa cối cùng với ba xe tăng đồng loạt nổ súng yểm hộ cho bộ binh tiến lên.

Tiều đoàn dù 2 chia làm hai cánh tiến về phía sân bay. Cánh chính có xe tăng dẫn đường hướng tới trận địa của 88, cánh phụ tới trận địa của 141.

Từ sau đợt tiến công khu đông, ta dự kiến thể nào địch cũng phản ứng quyết liệt mỗi khi mất một vị trí, cần phải có một hỏa lực đủ mạnh để đập tan những đợt phản kích. Năm đại đội lựu pháo và toàn bộ hỏa lực súng cối của hai Đại đoàn 308, 312 đã được tổ chức thành lực lượng hỏa lực thống nhất dưới một sự chỉ huy chung. Bộ chỉ huy hỏa lực gồm các đồng chí Vương Thừa Vũ (308), Đàm Quang Trung (312), Nguyễn Thước (351) đặt tại sở chỉ huy của Đại đoàn 308. Các đại đội pháo đã tính toán sẵn phần tử bắn ở các ngã ba, cầu, đường, khu vực tập kết của địch, và cùng bộ binh xây dựng kế hoạch tác chiến.

Chờ địch vừa triển khai đội hình xong, tiểu đoàn trưởng Quốc Trị, chỉ huy tiểu đoàn 23 phòng ngự trên sân bay, hô: “Mục tiêu cột đèn số 3, trước 208 (Huy-ghét 2), lựu pháo, bắn!”.

Pháo binh ta lúc này mới lên tiếng. Sau những tiếng rít như xé vải, những cột khói đen trùm lên đám đông quân địch. Chúng đã nhận được đòn phủ đầu ngay ở vị trí xuất phát. Nhưng bọn lính dù này không chịu lui. Chờ pháo ta ngừng bắn, chúng tiếp tục xông về phía trận địa ta. Một số lợi dụng đường rãnh thoát nước dọc sân bay. Một số lợi dụng những hố bom vừa xuất hiện trên đường băng.

Các chiến sĩ đại đội 213 nín lặng chờ quân địch tới thật gần, mới cùng nổ súng. Hàng loạt lính dù đổ gục trước chiến hào. Chúng chạy lùi, tụt xuống những hố bom, rồi gọi pháo từ Mường Thanh và cứ điểm 208 ở gần đó bắn đại bác và súng cối vào trận địa ta.

Bất thần, quân địch xuất hiện bên sườn trái 213. Bọn lính dù này khôn ngoan lợi dụng rãnh thoát nước sân bay, tiến lên bắt gặp một hố bom cắt đứt đường hào của trận địa ta, tạo điều kiện cho chúng thọc vào sườn đơn vị. Hỗn chiến xảy ra. Địch và ta dùng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê giành giật nhau từng đoạn chiến hào.

Tiểu đoàn trưởng Quốc Trị quyết định cho bộ đội rút về tuyến chiến đấu phía sau. Anh ra lệnh cho bộ đội siết lại đội ngũ chuẩn bị xung phong, và gọi lựu pháo bắn vào chiến hào tiền duyên, ít phút trước đây còn là của ta. Cán bộ chỉ huy lựu pháo phân vân, vì ta và địch đang quá gần nhau. Nhưng bộ binh khẩn thiết yêu cầu, với lý do có công sự vững chắc, không lo trường hợp đạn pháo rơi tản mác. Tại trận địa súng cối, tham mưu trưởng Vũ Yên của 308 đã nhận thấy quân địch khi tiến, lui, thường lợi dụng những hố bom trên đường băng, ra lệnh cho các khẩu đội chuẩn bị “cả cái” xuống đó khi quân địch rút lui.

Cánh đồng Mường Thanh rung lên dưới hỏa lực của lựu pháo ta. Quân dù bị thương vong nhiều trên tuyến chiến hào chúng vừa chiếm. Bi-gia ra lệnh rút lui. Y đã nhận thấy không thể để cho tiểu đoàn dù hy sinh một cách vô ích. Chờ pháo ta ngừng bắn, những tên lính dù sống sót bỏ chiến hào tháo chạy về Mường Thanh. Bộ đội tiến lên chiếm lại tuyến đầu của trận địa. Pháo ta bắn đuổi theo địch. Chúng lại lao xuống hố bom. Những chiến sĩ súng cối lập tức “cả cái”!

Lăng-gơ-le và Bi-gia đều nhận xét: tiểu đoàn lê-dương dù 2 trên đường rút về đã bị thiệt hại nặng hơn khi tiến công.

Sau trận phản kích thất bại này, hai tiểu đoàn lê-dương dù lừng danh không còn tồn tại. Binh lính còn lại của số 1 (thương vong nhiều trong những trận trước) và số 2 được nhập lại thành một đơn vị mới.

Trong một số sách của ta viết về Điện Biên Phủ, khoảng thời gian từ sau cuộc tiến công khu đông (tức đợt hai của chiến dịch) tới hết tháng Tư được coi là bước chuẩn bị cho đợt tiến công cuối cùng. Thực ra, đây là một đợt chiến đấu tiếp nối rất quan trọng, với nhiều sáng tạo, nhằm hoàn tất (thêm) những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt hai, có tính quyết định đối với vận mệnh của quân địch ở Điện Biên Phủ. Một số nhà sử học phương Tây cho rằng trận Huy-ghét đã cướp đi lực lượng ứng chiến cuối cùng của tập đoàn cứ điểm.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1052-1059. Nhan đề phần trích tạm đặt.)







_________
(1) Trước khi về 308, trung đoàn 36 là trung đoàn chủ lực của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.