Tại sao Pháp nhẹ tay với tri châu Cầm Văn Dung? Vì nó từ lâu chủ trương tranh thủ người Thái để dùng họ đàn áp kháng chiến. (TT)



Tô Hoài, “Anh Văn Tiến Dũng trong Hỏa Lò”




Buổi sáng (...) anh Văn Tiến Dũng từ trong xà-lim được dẫn ra hành lang cho đi giải. Đột nhiên anh đứng lại, quay mặt ra sân, nhìn vào chúng tôi đương ngồi rải rác đấy, nói to: “Thưa đồng bào, tôi từ hải ngoại về nước. Cách mạng Việt Nam hiện nay đương trôi nổi...”. Anh Văn Tiến Dũng bị mật thám bắt ở Sen Hồ bên Bắc Ninh. Anh đương hoạt động ở Trung du. Sau này tôi được biết vì đoán trong đám người ở ngoài sân (...) có thể có “chó” nên anh nói thế để địch tưởng anh ở nước ngoài về mà lạc hướng hỏi cung. Những trận đòn ác liệt mà anh Văn Tiến Dũng ra gan chịu ròng rã hàng tháng đã làm cả trại giam kính phục. Trong trại có Cầm Văn Dung, tri châu người Thái, bị địch bắt vì nghi đã âm mưu với nhân tình là Lò Thị Cam đầu độc chết công sứ Sơn La Sanh Pu-lốp. Ông tri châu được ở ngoài hiên, không phải nhốt xà-lim. Sau mỗi trận mật thám tra điện anh Văn Tiến Dũng, ông ta lại lẩm bẩm tiếng Tây: một người anh hùng. Rồi ông ấy bí mật đưa sữa vào cho anh.


(Tô Hoài,
Tự truyện, chương 5)