CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ (13/3 - 7/5/1954)




Đầu tháng 10-1953: Bộ Chính trị triệu tập cuộc họp bàn về kế hoạch quân sự cho Đông Xuân 1953-1954. Do địch đã rút khỏi Nà Sản, ta chưa có nơi nào có thể chọn làm trọng tâm cho một chiến dịch lớn. Trước mắt, Đại đoàn 316 sẽ lên giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc.

Ngày 20-11-1953: Pháp bắt đầu cho quân dù nhảy xuống Điện Biên Phủ. Đến ngày 22, sáu tiểu đoàn dù địch (khoảng 4.500 quân) đã có mặt trên cánh đồng Mường Thanh. Tổng quân ủy họp, nhận định: địch đã phát hiện 316 đang tiến quân lên Tây Bắc, nên đưa lực lượng lên đối phó. “Điểm hẹn lịch sử” vừa ló dạng!


Ngày 26-11-1953: Cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tham mưu lên đường đi Tây Bắc.

Ngày 7-12-1953: Đờ Cát-x-tơ-ri được chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 12-12-1953: Đại đoàn 316 giải phóng thị xã Lai Châu. Quân ta truy kích, đánh tan binh đoàn không vận số 2, và tiêu diệt hay làm tan rã toàn bộ 26 đại đội ngụy (chủ yếu Thái) địa phương mà địch đã công phu tổ chức.

Ngày 20/12/1953: Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Đảng ủy chiến dịch gồm Võ Nguyên Giáp (Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng), Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng), Lê Liêm (Chủ nhiệm Chính trị), Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm Cung cấp). Đại đoàn 312 đang trú quân ở Yên Bái được lệnh tiến gấp lên Tây Bắc.

Ngày 21-12-1953: Đại đoàn công pháo 351 lên đường đi Tây Bắc. Cũng ngày này, trung đoàn 36 của Đại đoàn 308 tới Pom Lót, đóng chốt không cho địch di chuyển từ Điện Biên Phủ qua Thượng Lào. Ở Trung Lào, đêm ngày 21, trung đoàn 101 của Đại đoàn 325 tiêu diệt một tiểu đoàn Âu Phi ở Khăm He, tịch thu 4 khẩu 105 cùng với một ngàn viên đạn pháo.

Ngày 24-12-1953: Quân ta giải phóng toàn tỉnh Khăm Muộn với 40.000 ki-lô-mét vuông và hàng chục vạn dân. Na-va điều quân ở Bắc bộ vào, xây dựng tập đoàn cứ điểm Xê-nô gần Sa-van-na-khét với 10 tiểu đoàn. Cuối tháng 12, Trung Lào có 26 tiểu đoàn, trở thành nơi tập trung quân lớn thứ 3 của Pháp ở Đông Dương.

Ngày 24-12-1953: Na-va (đại tướng, tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương) lên Điện Biên Phủ mừng Giáng Sinh cùng quân đồn trú. Tổng cộng, Na-va thăm ĐBP 9 lần, còn Cô-nhi (chỉ huy quân Pháp ở Bắc bộ) 11 lần. Từ đầu tháng 1-1954, các quan chức Pháp, Mỹ, Anh sau đây đã thăm viếng Điện Biên Phủ: Bộ trưởng Quốc phòng Plê-ven, Bộ trưởng Chiến tranh Đờ Sơ-vi-nhê, Tổng tham mưu trưởng Ê-ly, trung tướng Tơ-ráp-nơn (Mỹ), đại tướng Ô Đa-ni-en (Mỹ), Sác Lô-oen (tư lệnh quân Anh ở Viễn Đông), Mắc Đô-nan (tổng cao ủy Anh ở Đông Nam Á) v.v.

Ngày 5-1-1954: Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Tây Bắc.

Ngày 14-1-1954: Mệnh lệnh chiến đấu theo phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” được phổ biến ở hang Thẩm Púa. Phương châm này là do Bộ chỉ huy tiền phương đề xuất. Ngày nổ súng định là ngày 20 tháng 1, nhưng rồi do việc kéo pháo gặp khó khăn, phải dời tới ngày 26-1, lúc 17 giờ. Cũng ngày này, trung tướng Mỹ Tơ-ráp-nơn (Trafnell) thăm Điện Biên Phủ.

Ngày 26-1-1954: Theo kế hoạch, 17 giờ hôm nay ta sẽ nổ súng. Buổi sáng, theo lời yêu cầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng ủy Mặt trận họp. Đại tướng trình bày băn khoăn về phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” và đề nghị hoãn cuộc tiến công, chuyển sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Đảng ủy rút cuộc nhất trí. Đại tướng hạ lệnh kéo pháo ra, bộ đội rút về vị trí tập kết, và lập tức tiến hành chuẩn bị đánh theo phương châm mới. Vùng rừng núi quanh Điện Biên Phủ sẽ rất nhanh chóng trở thành “một công trường khổng lồ” được ngụy trang đặc biệt kín đáo. Cũng ngày 26, lúc 14:30, Đại đoàn 308 được lệnh hành quân ngay sang Thượng Lào, hướng về Luông Pha Băng.

Ngày 28-1-1954: Ở Tây Nguyên, bộ đội Liên khu V tiêu diệt xong những cứ điểm mạnh nhất trong hệ thống phòng ngự bắc Tây Nguyên của địch. Trận đánh ác liệt nhất xảy ra ở cứ điểm Măng Đen. Quân ta uy hiếp thị xã Kon Tum.

Ngày 30-1-1954: Ở Hạ Lào, tiểu đoàn 436 (trung đoàn 101, Đại đoàn 325) cùng một đại đội quân Liên khu V và bộ đội, du kích Lào giải phóng thị xã A-tô-pơ và thị xã Pắc Xế.

Đầu tháng 2-1954: Ở Điện Biên Phủ địch hiện có khoảng 12.000 quân, hai tiểu đoàn pháo 105 ly (24 khẩu), hai tiểu đoàn súng cối 120 ly (20 khẩu), một đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), một đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc). Không quân thường trực tại sân bay Mường Thanh gồm bảy máy bay ném bom, năm trinh sát, bốn vận tải, một trực thăng. Chắc chắn khi chiến sự bắt đầu, gần toàn bộ không quân địch ở Đông Dương sẽ được huy động để yểm trợ Điện Biên Phủ. Về bộ binh, ta không đông hơn địch bao nhiêu (Đại đoàn 308, 312, 316, thêm một trung đoàn của 304, tổng cộng khoảng 15.000 chiến sĩ) và trang bị yếu hơn nhiều. Về pháo yểm trợ bộ binh, ta có một trung đoàn sơn pháo 75 ly (24 khẩu), hai tiểu đoàn lựu pháo 105 ly (24 khẩu), bốn đại đội súng cối 120 ly (16 khẩu); ta hơn địch về số khẩu (64 so với 48), nhưng 24 trên 64 khẩu của ta chỉ là 75 ly trong khi cả 48 khẩu của nó đều từ 105 ly trở lên; số đạn pháo dự trữ của ta rất hạn chế, Về vũ khí phòng không, ta có một trung đoàn cao pháo 37 ly (24 khẩu) và một số trọng liên 12,7 ly. Về công binh, ta có hai tiểu đoàn.

Ngày 12-2-1954: Đại đoàn 308 đến chỉ còn cách Luông Pha Băng không đầy 20 ki-lô-mét, sau khi đã giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu. Hạ tuần tháng 2, 308 được lệnh nhanh chóng quay về Điện Biên Phủ.

Ngày 2-3-1954: Đại tướng Mỹ Ô Đa-ni-en thăm Điện Biên Phủ. Về công trình phòng ngự nơi đây, về sau trong sách báo phương Tây mới xuất hiện những lời chê bai chứ lúc bấy giờ thì chỉ có những lời khen. Chính Na-va đã viết: “Chưa có một quan chức nào đến thăm mà không kinh ngạc trước sự hùng mạnh của nó”.

Ngày 4-3-1954: Na-va lên thăm Điện Biên Phủ lần cuối cùng trước ngày ta nổ súng. Cũng ngày 4 tháng 3, ban đêm, quân ta đột nhập sân bay Gia Lâm, đốt cháy 12 máy bay và 1 kho xăng. Hai hôm sau, cũng ban đêm, quân ta đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 10 máy bay nữa.

Ngày 11-3-1954: Bộ đội Điện Biên Phủ nhận được thư chúc thắng trận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 13-3-1954: Lúc 17:05, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ lệnh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của trận đầu tiên là trung tâm đề kháng Him Lam. 23:30, Đại đoàn 312 báo cáo hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 15-3-1954: 03:30, trận tiến công đồi Độc Lập bắt đầu (trễ khoảng 10 tiếng đồng hồ, do trời mưa lớn cản trở việc chuyển pháo). 06:30, cờ Quyết Chiến Quyết Thắng bay trên đỉnh đồi.

Ngày 17-3-1954: Buổi sáng, quân địch bỏ đồi Bản Kéo. Mất Him Lam, đồi Độc Lập, đồi Bản Kéo, phân khu bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không còn tồn tại. Đợt 1 chiến dịch kết thúc. Ta bố trí lực lượng cắt lìa Hồng Cúm (phân khu nam) ra khỏi phân khu trung tâm và bắt đầu xây trận địa chiến hào bao vây và tiến công khu trung tâm.

Ngày 28-3-1954: Địch bất ngờ đột kích một đơn vị súng máy phòng không của ta. Đại đội bộ binh phòng ngự tổn thất khoảng một trung đội. Đơn vị phòng không bị tiêu diệt.

Ngày 30-3-1954: Lúc 18 giờ, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Đợt này chủ yếu nhằm tiêu diệt 6 điểm cao ở phía đông phân khu trung tâm là E, D1, D2, A1, C1, C2. Sau chỉ 45 phút, trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 chiếm hoàn toàn đồi C1. 19:45, một trung đoàn của Đại đoàn 312 cũng tiêu diệt xong quân địch trên đồi E. 20 giờ, một trung đoàn khác của 312 chiếm xong đồi D1. Nhưng ở đồi A1, do mất liên lạc với đại đoàn, trung đoàn 174 của 316 tiến công chậm nửa giờ, bị pháo địch bắn dữ dội, tổn thất nặng mà chỉ chiếm được một phần cứ điểm quan trọng này.

Ngày 31-3-1954: Địch phản kích hòng chiếm lại C1, D1, E, nhưng hoàn toàn thất bại. Ở đồi A1, trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 tới thay 174 của 316, khoảng 18 giờ tiến đánh đỉnh đồi, đánh suốt đêm, không thành công. Hóa ra trên đỉnh quả đồi này có một hầm ngầm hết sức kiên cố mà trinh sát ta đã không phát hiện được trước trận đánh. Cũng đêm 31, trung đoàn 36 chiếm cứ điểm 106 trong chỉ 30 phút.

Ngày 1-4-1954: 5 giờ sáng, quân tăng viện địch tới đồi A1, cùng lực lượng đồn trú còn lại trên đỉnh đồi bắt đầu phản kích. Quân ta giữ vững. Đêm ta lại đánh lên đỉnh đồi, vẫn không thành công.

Ngày 2-4-1954: Địch tiếp tục phản kích dữ dội ở đồi A1. Ta vẫn giữ được phần đồi đã chiếm, nhưng tạm ngưng tiến công lên đỉnh. Cũng ngày này, ở cứ điểm 311 phần lớn quân địch ra hàng, một số bỏ chạy, ta chiếm mà không phải đánh.

Ngày 6-4-1954: Bộ chỉ huy Mặt trận mở hội nghị sơ kết đợt 2. Hội nghị quyết định ta sẽ tiếp tục đánh tiêu diệt các điểm cao phía đông, tiếp tục siết chặt vòng vây, tiến hành đánh chiếm sân bay trung tâm, và do khu trung tâm của địch nay đã nằm trong tầm súng nhỏ, mở cuộc thi đua bắn tỉa để vừa tiêu hao sinh lực địch vừa khủng bố tinh thần chúng.

Ngày 10-4-1954: Khoảng 6 giờ sáng, địch mở một cuộc tiến công với chi viện hỏa lực rất lớn nhằm chiếm lại đồi C1.

Ngày 11-4-1954: Khoảng 2 giờ sáng, sau gần một ngày một đêm giao tranh cực kỳ ác liệt, quân ta lui xuống sườn phía đông của đồi C1, tổ chức phòng ngự.

Ở đồi A1, tình hình vẫn như trước: bộ đội giữ vững sườn phía đông nhưng không mở rộng thêm được diện tích chiếm đóng. Ta bắt đầu bí mật đào một đường hầm dẫn lên đỉnh đồi với mục đích sẽ đặt chất nổ phá chiếc hầm ngầm kiên cố kia của địch.

Trên đồi E và đồi D1, sau khi chiếm được trong đêm 30-3, ta đã đưa sơn pháo lên, bắn thẳng xuống khu trung tâm. Địch bom và pháo rất dữ dội, nhưng không tiêu diệt được các trận địa của ta. Đáng tiếc đạn 75 ly bắt đầu hiếm.

Ngày 12-4-1954: Hồi 11g40, cao pháo bắn rơi chiếc máy bay thứ 50. Đó là một chiếc B-24 chở đầy bom chưa kịp thả. Lượng thuốc nổ chiến lợi phẩm lớn này sẽ được đưa vào cuối đường hầm đang đào trên đồi A1!

Về phía nam, trung đoàn 57 của 304 thành công trong việc vây chặt lực lượng địch ở Hồng Cúm, nhưng không tiêu diệt được các trận địa pháo 105.

Lúc này, việc siết chặt vòng vây (cả quanh khu trung tâm lẫn quanh Hồng Cúm) ngoài tạo điều kiện cho bộ đội bắn tỉa còn bắt đầu giúp ta đoạt được rất nhiều đồ tiếp tế của địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “… ta đang cho kẻ thù nếm những đòn cay đắng nhất”!

Ngày 15 đến ngày 18-4-1954: Cứ điểm 105 bảo vệ phía bắc sân bay Mường Thanh bị quân ta uy hiếp. Địch huy động ba tiểu đoàn dù cố giải tỏa áp lực, nhưng thất bại. Đêm 18, trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) xóa sổ cứ điểm này.

Ngày 19 đến ngày 22-4-1954: Buổi sáng, trung đoàn 36 (Đại đoản 308) bắt đầu tiến công cứ điểm 206 bảo vệ phía tây sân bay Mường Thanh. Ngày hôm sau, Đờ Cát cho bộ binh theo xe tăng tới phá chiến hào của ta, nhưng bị chống cự kịch liệt, phải rút lui. Tuy nhiên, 36 cũng bắt đầu gặp khó khăn vì đã tới quá gần cứ điểm khiến những “con cúi” rơm bảo vệ người đào hào bị mất tác dụng. Bộ đội chuyển qua “đào dũi” dưới mặt đất. 22 giờ ngày 22, ba tổ quân ta bất ngờ từ lòng đất nhô lên, đặt bộc phá đánh sập ba lô-cốt quan trọng, rồi đánh thẳng vào sở chỉ huy. 15 phút sau, hai trung đội cũng vào theo. Với lực lượng nhỏ, ta đã tiêu diệt một cứ điểm quan trọng, bắt sống phần lớn số 177 lính lê-dương đồn trú!

Ngày 23-4-1954: Buổi trưa, địch dùng 12 máy bay chiến đấu ném bom và 4 máy bay B-26 chuyên ném bom bắt đầu đánh phá khu vực cứ điểm 206. Sau máy bay, đến lượt pháo binh địch trút đạn. Rồi súng cối và xe tăng bắn yểm trợ cho bộ binh tiến lên. Ta phải tạm rút khỏi chiến hào tiền duyên, nhưng rút cuộc chiếm lại được và đuổi địch chạy về Mường Thanh. Tiểu đoàn lê-dương dù 2 bị thiệt hại nặng, sau trận này không còn tồn tại. Địch coi như đã mất đi lực lượng ứng chiến quan trọng cuối cùng.

Ngày 27-4-1954: Pháp tiến hành cuộc hành binh “Chim kền kền cổ khoang”, đưa quân từ Lào sang giải vây cho Điện Biên Phủ. Quân viện địch mới tới gần Mường Khoa thì đã bị bộ đội phục kích đánh tan, hốt hoảng tháo chạy về Lào!

Ngày 29-4-1954: Sau khoảng một tháng trời cân nhắc, rút cuộc, cơ bản do không thuyết phục được đồng minh, Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao-ơ quyết định ngừng xúc tiến kế hoạch “Chim kền kền” thả bom nguyên tử xuống quân ta ở Điện Biên Phủ.

Cuối tháng 4-1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với một nhà báo Úc về quân Pháp ở Điện Biên Phủ: “Họ không thể thoát!”.

Ngày 1-5-1954: Lúc 17 giờ, đợt tiến công thứ ba vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Toàn bộ pháo chiến dịch bắn vào cả Mường Thanh lẫn Hồng Cúm trong gần một tiếng đồng hồ. Lần này pháo địch ở Hồng Cúm bị kiềm chế hiệu quả, không hoạt động nổi.

Dứt tiếng pháo, quân ta đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí. Ở phía tây, trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiêu diệt cứ điểm 311A trong vòng không đầy 30 phút. Đến khoảng nửa đêm, trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) làm chủ hoàn toàn đồi C1.

Ngày 2-5-1954: Lúc 2 giờ sáng, trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) tiêu diệt hoàn toàn hai cứ điểm 505 và 505A ở phía đông sông Nậm Rốm. Cũng sáng ngày 2, tại Hồng Cúm, trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) ép địch phải rút chạy khỏi khu C.

Ngày 4-5-1954: Bộ chỉ huy Pháp cho phép Đờ Cát tùy ý tổ chức tháo chạy khỏi Điện Biên Phủ. Ngay trong ngày, Đờ Cát họp các sĩ quan cao cấp dưới quyền mình, phổ biến kế hoạch “Hải âu lớn”. Kế hoạch này nhằm đưa toàn bộ quân Pháp còn lại ở Điện Biên Phủ sang Lào. Thời điểm tiến hành được dự kiến là lúc 20 giờ ngày 7-5-1954.

Đêm ngày 4, ở phía tây trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) tiêu diệt cứ điểm 311B.

Ngày 6-5-1954:

Đêm trước địch thả dù thêm hàng trăm quân tăng viện. Máy bay địch bắn phá dữ dội nhất kể từ ngày đầu chiến dịch.

20 giờ, pháo ta bắn vào A1, C2 ở phía đông, 506 phía bắc, 310 phía tây. Lần đầu tiên có 12 giàn hỏa tiễn sáu nòng tham gia. Tuy kém chính xác, hẳn loại vũ khí mới này đã làm cho quân địch thêm hoảng sợ. Đợt pháo kích kéo dài 45 phút. Ta vừa ngừng, pháo địch bắt đầu hoạt động ngay, chủ yếu bắn vào các trận địa chiến hào quanh A1 và C2.

20 giờ 30, khối bộc phá nghìn cân đặt ở cuối đường hầm trên đồi A1 được kích nổ. Do đường hầm đào hơi chệch, bộc phá đã nổ không phải ngay bên dưới căn hầm ngầm lợi hại như ta muốn, mà lại bên dưới khu vực có lô-cốt, công sự của đại đội dù 2, tiêu diệt phần lớn đại đội này. Khi lực lượng của trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) tiến công, địch vẫn chống cự kịch liệt, hy vọng sẽ được đơn vị bạn tới giúp như những lần trước. Nhưng đêm nay quân ta vừa đóng chốt chặn viện vừa cho một bộ phận theo đường tăng viện lên đồi đánh địch. Thay vì thấy bạn, quân Pháp trên đỉnh đồi lại thấy bộ đội xuất hiện ở cả mặt sau, đưa chúng vào thế bị hai gọng kìm ép chặt! Chúng tiếp tục chống cự đến gần rạng sáng ngày 7.

Ở đồi C2, lực lượng của trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) đánh sắp xong thì địch được tăng viện (hai đại đội dù đi cứu A1 chuyển sang). Cũng do pháo địch ở Mường Thanh bắn cản trở một mũi tiến công, chiến sự kéo dài đến sáng ngày 7.

Cũng ở phía đông, trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) tiêu diệt 506, cứ điểm đầu tiên trong chuỗi bốn cứ điểm (506, 507, 508, 509) bên đường 41 ngăn chặn quân ta vượt cầu Mường Thanh vào khu trung tâm. Ở cứ điểm 507, trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) tuy gây thiệt hại nặng cho địch nhưng tiểu đoàn 130 bị tổn thất lớn, chiến sự cũng kéo dài sang ngày 7.

Ở phía tây, trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) tiêu diệt cứ điểm 310.

Ngày 7-5-1954:

Trước khi trời sáng, trung đoàn 174 (316) làm chủ hoàn toàn đồi A1.

9 giờ 30 sáng, trung đoàn 98 (316) chiếm xong đồi C2. Bộ chỉ huy khu đông và rất nhiều sĩ quan dù bị bắt sống.

14 giờ, trung đoàn 209 (312) lại bắt đầu tiến công cứ điểm 507. Lần này quân địch nhanh chóng tan rã. 209 thừa thắng đánh tiếp qua 508, rồi 509.

15 giờ, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích vào Mường Thanh.

17 giờ 30, Đại đoàn 312 báo cáo toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng, các chiến sĩ đại đội 360 tiểu đoàn 130 đã bắt được tướng Đờ Cát.


(Thu Tứ ghi theo hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)