Một trung đoàn của ta gồm ba tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 635 chiến sĩ, tức một trung đoàn có khoảng 1900 chiến sĩ.(1) Về súng lớn, có sơn pháo và súng cối.

Lý thuyết quân sự cổ điển là để có hy vọng thắng, bên công cần lực lượng đông ít nhất gấp ba bên thủ và có hỏa lực áp đảo. Ở Hồng Cúm, ta không thể công.

Nhưng ta đã chứng tỏ tuy hoàn toàn không có chút ưu thế nào về quân số và hỏa lực, ta vẫn có thể vây chặt, không cho địch đi đâu cả.

Phân khu nam của địch bị giảm xuống thành thuần túy một căn cứ hỏa lực. Nó làm tốt việc giữ pháo, vì cho tới ngày 24 tháng 4 hình như chưa bị mất một khẩu 105 ly nào. Nhưng cũng y như phân khu trung tâm, nó bị ta vừa siết vừa đâm vừa đoạt hết sức tàn nhẫn!

(Thu Tứ)

(1) “Biên chế tiểu đoàn của ta là 635 người; biên chế tiểu đoàn địch từ 800 - 1000 người” (
Tổng tập hồi ký của Đ.t. VNG, tr. 870)



Võ Nguyên Giáp, “Hồng Cúm lấy một vây một”



Tại phân khu nam I-đa-ben (Hồng Cúm), địch có một lực lượng khá mạnh, gồm (bộ binh và) một tiểu đoàn pháo 105, một đại đội súng cối 120 ly, một đại đội xe tăng, với tổng số khoảng 2.000 quân. Ở đây có một sân bay (…) I-đa-ben (…) vừa bảo vệ phía nam tập đoàn cứ điểm, vừa chi viện khi phân khu trung tâm bị tiến công (…) cũng là nơi có thể tiếp nhận quân tăng viện và đồ tiếp viện (…) Khi tập đoàn cứ điểm có nguy cơ bị tiêu diệt thì nó là cái “cửa sau” mở đường chạy sang Thượng Lào cũng như đón quân từ Lào sang ứng cứu.

Từ đầu chiến dịch, Hồng Cúm được trao cho trung đoàn 57 của 304 phụ trách. Với binh lực hạn chế, nhiệm vụ của trung đoàn chỉ là tiến hành bao vây, kiềm chế pháo binh địch (…) Từ đêm ngày 23 tháng 3, giao thông hào và chiến hào của trung đoàn đã hình thành một trận địa liên hoàn siết chặt quanh Hồng Cúm, cắt rời nó khỏi phân khu trung tâm, đồng thời chấm dứt việc máy bay địch hạ cánh trên đường băng tại đây. Địch nhiều lần nống ra đều bị đánh dội trở lại. Trừ việc chi viện hỏa lực cho phân khu trung tâm, những hoạt động khác bằng bộ binh, cơ giới của Hồng Cúm đều bị loại trừ (…)

Từ đầu tháng 4, trận địa của trung đoàn 57 bắt đầu siết chặt hơn (…) Địch điên cuồng đối phó. Ban ngày, chúng đưa xe tăng, bộ binh ra lấp chiến hào rồi cài mìn đánh bẫy quân ta. Ban đêm, chúng tổ chức từng toán nhỏ phục kích ngay ở mũi các chiến hào. Ta thay đổi giờ hoạt động, thay đổi vị trí đào, khi thì đào từ ngoài vào, khi đào từ trong ra, bố trí lực lượng đánh bọn phục kích.

Hồng Cúm tương đối nhỏ, chiến hào ta vào sát, diện tích càng giảm, lại nằm ở cuối cánh đồng, máy bay địch bay chậm cũng chỉ có khoảng mấy giây để thả dù, nên hàng dễ rơi ra ngoài mục tiêu. Trung đoàn 57 đoạt được khá nhiều dù tiếp tế, có ngày thu được trên ba tấn hàng các loại. Các ngách hào trên trận địa ta đầy ắp thực phẩm, đạn dược của địch.

Ngày 15 tháng 4, lúc 16 giờ, một chiếc C-119 bay đến lượn mấy vòng rồi thả xuống một loạt dù, trong đó có một chiếc dù đỏ rơi gần trận địa của ta. Xẩm tối, chiến sĩ ta ra lấy dù, thấy có một chiếc hòm. Nó được đưa về sở chỉ huy trung đoàn. Trong hòm toàn những gói quà gồm thuốc lá, rượu, xúc-xích, jam-bông, áo may-ô, lưỡi dao cạo râu, và một lá thư màu hồng sực nức mùi nước hoa của vợ Đờ Cát gửi cho chồng nhân dịp được thăng cấp tướng.

Bốn giờ sáng ngày 16 tháng 4, hai đại đội lê-dương lợi dụng lúc trời còn tối bộ đội ta sắp quay về nghỉ ngơi, chia thành hai mũi đột nhập vào chiến hào của đại đội 54. Một toán quân địch đến gần vị trí chỉ huy đại đội. Ta kịp thời ra lệnh cho các trung đội nhanh chóng tản ra hai bên, dùng súng cối 60 ly và trung liên bắn vào quân địch, bộ đội hình thành hai mũi đánh vòng trở lại. Một trung đội khác ở phía sau nghe tiếng súng nổ nhanh chóng tiến ra tiếp viện. Một tổ làm nhiệm vụ bắn tỉa cũng tự động chạy tới phối hợp đánh địch. Bọn địch đang bận rộn ở mặt trước bất thần bị một mũi đánh thọc sườn, sợ bị sa bẫy hoảng hốt rút chạy về (…)

Chung quanh Hồng Cúm, súng lớn nhỏ luôn sẵn sàng nhả đạn vào địch xuất hiện (…) Bộ đội ta chui qua hàng rào cắm cờ, chờ có tên bò ra nhổ cờ là nổ súng. Địch đành bỏ mặc cho những lá cờ của ta tung bay trong cứ điểm. Mỗi lần đi thu nhặt dù, địch phải tổ chức như một trận đánh có xe tăng đi kèm và pháo bắn hợp đồng. Đêm 19 tháng 4, một toán địch nhảy dù rơi đúng vào trận địa của đại đội 19. Khi bị bộ đội xô lại bắt, chúng rất ngạc nhiên.

Ngày 24 tháng 4, La-lăng kiểm điểm lại lực lượng của mình thấy còn 1.400 người, 8 khẩu pháo 105 và 2 chiếc xe tăng (…)

Tại Hồng Cúm, chỉ một trung đoàn của ta đã bao vây, vô hiệu hóa (trừ pháo binh - GN), làm suy yếu (…) hai ngàn quân địch (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1050-1052. Nhan đề phần trích tạm đặt.)