Mười mấy thế kỷ trước bên Tàu, Lý Bạch một hôm tỉnh giấc “ngủ rượu”, đã chú ý: “Xuân phong ngữ lưu oanh”.(2) Hồi tiền chiến, Xuân Diệu ra thăm vườn, nghe “ánh ỏi tiếng chim kêu”, cũng trầm trồ: “Sao buổi đầu xuân êm ái thế!”.(3) Tiếng một loài sinh vật, mà như thể là chính tiếng của cả một mùa! Chim tu rúc kêu không biết có “ánh ỏi” không, nhưng cũng “phả vào trong trời đất” “cái gì thật êm”. Chỉ cần tu rúc “về kêu bên mé đồi”, là “cỏ chỉ kéo mầm”, là cả rừng đều biết sắp tới tháng giêng, là đến cả mưa bay cũng trở nên phơi phới như vô số “đôi” đang ngây ngất tình đầu! (Thu Tứ)

(1) Nghĩa là “Trong gió xuân chim oanh bay chuyền học nói”, bài “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”. (2) Bài “Nụ cười xuân”.



“Những tiếng chim xuân”

Hữu Thỉnh




Những con chim tu rúc
Về kêu bên mé đồi
Mùa xuân trong cỏ chỉ
Kéo mầm trong nắng soi

Có cái gì thật êm
Phả vào trong trời đất
Như là ta nhớ mình
Cả mùa đông cách biệt

Những mầm cây biết được
Chuyển dần sang tháng giêng
Gió vô tình bắt gặp
Vội mang lên với rừng

Thế là chỉ tu rúc
Về kêu bên mé đồi
Và mưa bay như thể
Ngỡ mình đang có đôi.