Năm 1929, việc đánh đuổi giặc Pháp thấy quá viển vông. Phan Bội Châu đã bị bắt. Nguyễn Thái Học và các đồng chí đã hy sinh. Chắc chắn vẫn còn vô số người Việt Nam sẵn sàng hy sinh để giành lại độc lập cho đất nước, nhưng tình thế bấy giờ hoàn toàn bất lợi, các nhà ái quốc chưa ai nghĩ ra được kế sách gì khả thi...

Yêu nước, cũng nên yêu theo lối hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình. Dương Quảng Hàm lúc ấy chọn con đường tìm hiểu văn học Việt Nam để viết nên bộ sách đầu tiên trong loại ấy.

Hết sức thiết tha với nước, nhưng cụ Dương là người kín đáo, không để ai hay tâm sự, ngoại trừ một lần, như Nguyễn Hiến Lê kể sau đây.

(Thu Tứ)



“Dương Quảng Hàm qua Nguyễn Hiến Lê”



Ngày tựu trường niên khóa 1929-1930, tôi lên năm thứ ba. Mới vô tới giữa sân trường Bưởi thì anh Phạm Trọng Bào đã tươi cười chạy lại, khoác tay tôi, bảo:

- Năm nay chúng mình (...) được học (...) cụ Hàm (...)

(...)

Từ trước tôi vẫn biết cụ là em ruột cụ cử Dương Bá Trạc, một nhà cách mạng trong Ðông Kinh nghĩa thục đồng chí với mấy ông bác của tôi, nhưng trong khi dạy học cụ không bao giờ nói về chính trị (...)

Cảm động nhất và làm cho chúng tôi phục cụ nhất là chuyện dưới đây.

Hồi ấy (...) nha Học chánh Ðông Dương (...) thay đổi chương trình, bắt học sinh các trường Bảo hộ học các tác giả Pháp viết về thuộc địa mà họ gọi là “auteurs coloniaux” (...)

Nhưng chúng tôi rất ghét bọn “cô-lô-nhân” đó, cho họ có óc thực dân, chỉ tiếp xúc với bọn hạ lưu Việt Nam (trong giới các quan lớn cũng không thiếu gì bọn hạ lưu), không hiểu gì về phong tục Việt Nam, mà lại có óc khinh thị người Việt, chép toàn những chuyện bậy bạ, tưởng vậy là ghi đúng tính tình, tâm lý dân tộc Việt (...)

Lần đó cụ Dương cho chúng tôi học bài Le grand lac của J. Boissière (...) Có lẽvì ghét cho nên (chúng tôi) không muốn học, thấy lâu thuộc.

(...) một anh bạn tôi, nhớ đâu như anh Hiệp (...) hô hào anh em phản kháng cụ Dương: cụ gọi trả bài thì dù thuộc cũng thưa là không thuộc, cụ hỏi tại sao thì đáp tại ghét “tác giả thuộc địa” đó.

Ðối với một giáo sư khác thì có lẽ chúng tôi không dám làm “reo” như vậy đâu; vì biết cụ hiền (...) nên chúng tôi tán đồng ngay đề nghị của anh bạn (...)

Mặc dầu đã quyết tâm rồi, tới lúc cụ sắp gọi trả bài, chúng tôi cũng hồi hộp.

Theo lệ, cụ mở cuốn sổ tay ra chấm tên một học sinh vào hạng trung bình. Anh này (...) thú rằng không thuộc. Cụ gọi thêm một anh khác, cũng không thuộc nữa. Cụ ngạc nhiên, hỏi tại sao. Một anh bạo dạn đứng lên thưa rằng chúng tôi không ai thuộc cả vì không ưa Jules Boissière, một tên thực dân không có cảm tình với dân tộc mình. Rồi chúng tôi trình với cụ tất cả những điều chúng tôi trách hắn. Cả lớp chờ sự phản ứng của cụ.

Cụ làm thinh một vài phút rồi bỗng nhiên tôi thấy hai giọt nước mắt lăn trên má cụ. Cụ vẫn ngồi yên nhìn xuống phía cuối lớp, cũng không lấy chiếc khăn tay nhỏ xíu bằng vải trắng để lau nước mắt (...)

(...) cả lớp (...) không ai thốt lên được một lời (...) Có lẽ khi cảm xúc mạnh quá thì sự yên lặng là thái độ tự nhiên nhất. Giá lúc đó tôi đứng lên nói thì thế nào tôi cũng nghẹn ngào mà nước mắt cũng ròng ròng trên má.

Cụ và chúng tôi ngồi im như vậy không biết mấy phút, chỉ nhớ là lâu lắm (...) cụ không cho điểm ai cả.

(...) Chúng tôi (...) tuần sau khi trả bài thì ai cũng thuộc. Mà lần này cụ cũng chỉ gọi vài người trả thôi, không có một lời nào gợi lại chuyện cũ.

(...) Cụ thực quảng đại, đau lòng trước sự phản kháng của chúng tôi mà không hề giận, tha thứ cho cả. Những giọt nước mắt của cụ hôm đó chứa biết bao tâm sự.

Trong đời học sinh dài 15 năm của tôi (...) cụ Dương (...) là người tôi kính mến nhất (...)

Khoảng mười lăm năm trước, khi hay cụ đã soạn bộ Việt Nam văn học sử yếu, tôi nhờ một anh bạn mua từ Hà Nội gởi vào. Bộ đó tôi thuê đóng bìa dày, và tôi coi là một bộ quý nhất trong tủ sách của tôi.


Tháng 10 năm 1966


(Trích "Thầy học tôi: cụ Dương Quảng Hàm", trong
Ðể tôi đọc lại, nxb. Văn Học, VN, 2001)






_____________________
Việt Nam văn học sử yếu in năm 1941, thế mà đến 1951 Nguyễn Hiến Lê mới hay, chắc do hoàn cảnh đất nước và do ông Nguyễn đã vào Nam từ năm 1934. (TT)