Ta vừa siết vừa đâm: “Suốt ngày đêm (…) những chiến hào nổi, chiến hào ngầm (…) nhích dần đến gần phân khu trung tâm. Từ những đầu hào (…) ta dùng ĐKZ bắn sập dần những lô-cốt, ụ súng (…) Các tổ thiện xạ (…) không tha bất cứ một tên địch nào ló đầu ra khỏi công sự”, vừa đoạt: “Một phần ba đồ tiếp tế rơi vào tay bộ đội (…) nhiều thứ (…) ta đang rất cần, như đạn 105, đạn súng cối, huyết thanh khô (…) Một trung đoàn trong một tuần đã thu được 776 dù với đủ cả đạn, gạo, đồ hộp, sữa, dầu hỏa v.v. Để chuyển số hàng này địch đã phải dùng khoảng ba chục chuyến Đa-kô-ta”, vừa cả phá những thứ không đoạt được: “Chiều 14 tháng 4 (…) một loạt đạn đại bác của ta rót đúng khu vực. Nhiều thứ lương thực, trong đó có 5.080 suất ăn (…) bốc cháy”!!!

“Ta đang cho kẻ thù nếm những đòn cay đắng nhất”. Cay xè vì bị bắn tỉa. Đắng nghét vì bị buộc phải tiếp tế đủ thứ, kể cả đạn, cho ta! (Về cái lon tướng của Đờ Cát, tưởng đã nên chuyển cho y để y đeo mà ra hàng.)

“Vô vàn (…) tiếng cuốc đào đất (…) đêm ngày rậm rịch (…) mỗi lúc càng rõ (…) tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo tử cho con nhím Điện Biên Phủ”. Ôi một cách “tử” vô cùng đau đớn cho cả thể xác lẫn tinh thần!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Cay đắng là thế này đây”




Từ ngày nổ súng, trước sự xuất hiện của pháo cao xạ, địch đã nhiều lần thay đổi cách thả dù. Phần lớn việc thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ do phi công Mỹ mặc áo dân sự đảm nhiệm với loại máy bay vận tải hạng nặng Flying Boxcar C-119.

Ngày 19 tháng 3, máy bay Mỹ thả xuống Điện Biên Phủ những kiện hàng lớn một tấn. Làm như vậy tiện cho những viên phi công muốn chuồn nhanh khỏi khu vực nguy hiểm. Nhưng việc thu lượm và vận chuyển những kiện hàng lớn dưới hỏa lực đại bác thường xuyên đe dọa, đối với tập đoàn cứ điểm lại không dễ dàng. Hơn thế, những kiện hàng này thường chứa chất nổ, nếu phát nổ thì tác hại không kém một trái bom! Ngay đêm hôm đó, Điện Biên Phủ yêu cầu Hà Nội từ nay không thả xuống những kiện hàng nặng quá 100 ki-lô-gam.

Do tình hình máy bay vận tải bị cao xạ ta “tàn sát”, ngày 27-3 đại tá Ni-cô phải ra lệnh nâng độ cao thả dù tiếp tế ban ngày từ 2.500 bộ lên 6.500 bộ, và sau đó lên 8.500 bộ. Muốn làm như vậy, mỗi chiếc dù phải được gắn thêm bộ phận mở tự động. Nhưng bộ phận này làm việc không tốt, nhiều kiện hàng hoặc rơi vào tay ta hoặc vỡ tan tành trên mặt đất.

Ngày 12 tháng 4, hồi 11 giờ 40, chiếc máy bay thứ 50 bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đó là một chiếc B-24 Privateer, máy bay ném bom bốn động cơ với tổ bay chín người (của hải quân Mỹ - GN), lần đầu tiên bị hạ trên chiến trường Việt Nam. Bom nằm trong khoang chưa kịp thả. Số bom này cung cấp cho ta một tấn thuốc nổ mà vào đầu tháng 5 các chiến sĩ công binh sẽ đặt ở cuối đường hầm đào nơi đồi A1. Cũng ngày hôm đó, lúc 15 giờ, một máy bay B-26 thả bom trúng vị trí quân Pháp ở Ê-péc-vi-ê, ngay gần sở chỉ huy của Đờ Cát, làm nổ tung một kho đạn và chết nhiều binh lính. Cái khó của những viên phi công không chỉ ở riêng lưới lửa cao xạ mỗi ngày một tập trung hơn, mà còn ở vị trí đôi bên đối địch đã quá gần nhau.

Người Pháp phải chuyển sang thả dù lương thực, đạn dược ban đêm. Có đêm tập đoàn cứ điểm nhận được trên hai trăm tấn đồ tiếp tế (…) Nhưng việc thu lượm vẫn phải tiến hành ban ngày. Chiều 14 tháng 4 (…) trong lúc những chiếc xe vận tải, xe díp cuối cùng dồn tới Ê-péc-vi-ê để nhận số lương thực mới thả dù tập trung tại đây, để chở đi phân phối cho các nơi thì một loạt đạn đại bác của ta rót đúng khu vực. Nhiều thứ lương thực, trong đó có 5.080 suất ăn chiến đấu (…) bốc cháy (…)

Nhìn chung, sau cuộc tiến công vào các điểm cao phía đông, chiến trường nhiều lúc gần như yên tĩnh. Cái yên tĩnh này sẽ không đáng sợ với quân địch đang mong thời gian nhanh chóng trôi qua để tới mùa mưa nếu không có vô vàn những tiếng cuốc đào đất bất kể đêm ngày rậm rịch chung quanh, mỗi lúc càng rõ. Tiếng cuốc chính là tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo tử cho con nhím Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy Pháp cũng rất sợ tiếng cuốc này, nên đã thả dù xuống Mường Thanh một số máy phát hiện tiếng đào đất. Nhưng binh lính ở đây không cần tới chúng vì không có máy họ vẫn nghe rất rõ những tiếng cuốc. Họ chỉ cần cái gì có thể ngăn những người đào đất tiếp tục công việc của mình!

Suốt ngày đêm, từng giờ, những chiến hào nổi, chiến hào ngầm của bộ đội ta nhích dần đến gần phân khu trung tâm. Từ những đầu hào chỉ cách địch vài chục mét, các chiến sĩ ta dùng ĐKZ bắn sập dần những lô-cốt, ụ súng. Chiến hào tiến vào gần còn mang cho kẻ địch nhiều tai họa khác. Hàng rào dây thép gai và bãi mìn của cứ điểm lúc này lại trở thành những vật chướng ngại bảo vệ an toàn cho chính những người tiến công. Các tổ thiện xạ tìm những vị trí bất ngờ, không tha bất cứ một tên địch nào ló đầu ra khỏi công sự. Việc đi lấy nước ở dưới sông Nậm Rốm trở thành vô cùng khó khăn. Có những tên địch ở ngay bờ sông cũng không dám xuống lấy nước. Chúng ngồi trong công sự quăng những chiếc can xuống sông, rồi dùng dây kéo lên. Chiến sĩ bắn tỉa bắn vào can. Chúng chỉ thu về chiếc can rỗng (…)

Những khẩu đội pháo cao xạ tiến vào gần khu trung tâm, ban đêm lặng lẽ di chuyển trên cánh đồng (…) bất thần nhả đạn vào những chiếc máy bay là xuống thấp để thả dù. Một phần ba đồ tiếp tế rơi vào tay bộ đội ta. Chúng ta thu được nhiều thứ mà ta đang rất cần, như đạn 105, đạn súng cối, huyết thanh khô…

Trên đồi A1, các chiến sĩ thu được những bao tải nặng trịch bên trong chứa toàn cát. Chúng cũng được việc cho ta. Một lần tiểu đoàn trưởng thấy bên ngoài bao có chữ “Sucre” (đường), vội ngăn không cho anh em đưa ra làm công sự. Chọc lưỡi lê vào bao, rõ ràng là đường trắng, một thứ của quý đối với bộ đội ở mặt trận. Có cả những thứ hàng mà không ai nghĩ tới. Một chiếc dù mang toàn những cây nước đá. Giữa ngày nóng bức, ngay tại trận địa, các chiến sĩ được uống nước đá pha với cà-phê, bột chanh, bột cam chiến lợi phẩm. Nhưng nước đá không thể đem để dành, nên phần còn lại anh em đập ra chia nhau rửa mặt mũi, chân tay, thậm chí tắm! Có chiếc dù mang toàn rau tươi: sa-lát, hành tây, tỏi tây v.v., và cả húng Láng. Những người từ Hà Nội ra đi lại có dịp nhớ tới những vườn rau ngoại thành.

Tiểu đoàn 225 lượm được một dù toàn sách báo, trong một gói có hai cuốn tiểu thuyết và lá thư của vợ Đờ Cát gửi cho chồng. Đơn vị xin ý kiến Bộ chỉ huy Mặt trận cách xử lý gói này. Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm nói nên chuyển lại cho Đờ Cát. Ta thông báo trên bộ đàm. Chỉ một giờ sau, đúng theo quy ước, một tên lính Pháp mang cờ trắng tới điểm hẹn, nhận lá thư và hai cuốn sách đem về Mường Thanh. Giữa tháng Tư, các chiến sĩ 312 nhặt được một chiếc hòm bên trong có lon tướng, rượu sâm-banh gửi cho Đờ Cát nhân dịp thăng thưởng. Anh em quẳng chiếc lon và mở rượu ra cùng liên hoan.

Một trung đoàn trong một tuần đã thu được 776 dù với đủ cả đạn, gạo, đồ hộp, sữa, dầu hỏa v.v. Để chuyển số hàng này địch đã phải dùng khoảng ba chục chuyến Đa-kô-ta.

Hàng ngày, ở sở chỉ huy, khi nghe báo cáo số địch bị trúng đạn ta bắn tỉa, số lương thực, đạn dược địch thả dù bị bộ đội đoạt được, tôi lại nghĩ, ta đang cho kẻ thù nếm những đòn cay đắng nhất. Với cách đánh này, ta đang giành thắng lợi mà không tổn phí nhiều xương máu của chiến sĩ, không phải tiêu thụ nhiều đạn dược (…) Địch (…) mang lại những cái ta đang cần (giúp ta nhẹ được) công chuyên chở nhiều ngày trên những chặng đường lửa (…) Những thứ đoạt được này biến thành sức mạnh của ta tiếp tục giáng xuống đầu quân địch!


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1046-1049. Nhan đề phần trích tạm đặt.)