Làm nông dân với làm chiến sĩ khác hẳn nhau, cái gì cũng phải học từ đầu… Không phải đâu. Người trai quê chỉ cần học dùng vũ khí và học chiến thuật, chứ cái tinh thần cái ý tứ cơ bản cần thiết để có thể hoàn thành nghĩa vụ tốt đẹp thì “mẹ dạy (…) tự bao giờ” rồi. Có những “điều” được dạy đã lâu mà chưa thấm thía, nay nhờ “xa mẹ (mà) chúng con (mới) vỡ nhẽ”. Ngộ nghĩnh, chẳng những được dịp thấm kỹ cái khôn ngoan mà dân tộc đã đúc kết qua bao nhiêu đời trồng lúa, những con cháu đi đánh giặc thế kỷ 20 còn thấy là có thể vận dụng “ngôn ngữ của ông bà” vào rất nhiều tình huống mới, hoàn toàn không liên hệ gì với nghề cày cấy! “Chiến dịch mở ra thời vụ bắt đầu”. Tất nhiên đó là đông xuân, mùa khô, mùa trồng lúa chiêm, mùa đánh giặc khi đất nước có giặc. “Những cánh đồng (…) sủi tăm phù sa” đã cho những người mặc màu đất không biết bao nhiêu mùa gặt hái vui vẻ, bây giờ tới lượt núi non Trường Sơn đang đợi cho những người tạm mặc màu rừng một mùa chiến công thật tưng bừng! (Thu Tứ)



Hữu Thỉnh, “Sức bền của đất” (5)



(...)
Gió trẻ trung rung động những khu rừng
Chúng con hát trong giọng trầm đại đội
Đắp nắm đất cho người ở lại
Trận đánh hiểm nghèo: tất cả giơ tay!

Quần áo màu rừng, đôi mắt màu mây
Trái tim thả diều về thăm mẹ
Nỗi nhớ người yêu thêm vào đêm chuẩn bị
Lại những rừng châm, lại những đồi lau...

Chiến dịch mở ra thời vụ bắt đầu
Mang cái rét giêng hai đi bám giặc
(…)
Qua những cánh đồng đang sủi tăm phù sa
Ta chao chân trên những mảnh bờ
Lặng lẽ nhận sức bền của đất
Đạp cứ điểm
Lần theo từng dấu dép
Ta nhận ra màu bùn qua những cánh đồng chiêm.


Tây Nguyên - Tết Ất Mão (1975)