Đêm 30 tháng 3, ta đã chiếm được trọn E, D1, C1 và một phần A1.

Sau trận phản kích của địch ngày 10 tháng 4, ở C1 ta bị đẩy qua sườn phía đông, là mặt ngoài của quả đồi này, từ đó không thế tác xạ hiệu quả xuống các nơi có quân nó đóng. Ở A1, từ phần đồi ta chiếm và giữ được, bắn nó cũng không thuận tiện.

Địch không cố chiếm lại E và D1 nữa. Tiếc hai quả đồi này tuy cao lại hơi xa, muốn từ đây uy hiếp khu trung tâm phải dùng súng lớn, mà đưa súng lớn lên đây thì rất ngại vì máy bay nó oanh kích cực kỳ dữ dội. Ta quyết định chỉ bố trí vài trận địa “súng lớn nhỏ”. Bất chấp mưa bom, sơn pháo ta đã hoạt động tới cùng, có lúc bắn “câm họng” liên tiếp bốn khẩu 105 của nó!

Còn A1 thì Nhím còn giẫy giụa. Ta sẽ ngầm đưa vào bên dưới cái hầm ngầm của đám quân tử thủ kia một món quà đặc biệt do chính đồng bọn chúng trên trời thả xuống. Không nhanh được đâu, chờ nhé.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tại sao không nhanh được”



Sự có mặt của bộ đội ta trên một số quả đồi phía đông đe dọa những vị trí của phân khu trung tâm hai bên bờ sông Nậm Rốm (…)

Những người lính của trung đoàn 98 trên đồi C1 (…) trực tiếp uy hiếp đồi C2 ở phía trong, thấp hơn nó, và A3 nằm bên bờ sông là nơi tập trung lực lượng phản kích. Binh lính địch rời khỏi công sự lập tức trở thành mục tiêu của những tay súng thiện xạ. Súng phóng lựu đạn đặt trên đồi đe dọa cả quân địch đi lại trong chiến hào.

Rút kinh nghiệm cách đánh của ta, Bi-gia ra lệnh đào một đường hào từ C2 lên C1 chuẩn bị một đòn phản kích có tính quyết định.

Đêm 9 tháng 4, Hà Nội tăng viện cho Mường Thanh tiểu đoàn lê-dương dù số 2 (…) tiểu đoàn này mới tới được hai đại đội và một bộ phận cơ quan chỉ huy.

5 giờ 50 ngày 10, Bi-gia (…) ra lệnh tiến công. Địch bắn 1.800 quả đạn 105 ly vào C1. Máy bay bổ nhào ném bom. Sau pháo, bốn xe tăng tiến lên chĩa nòng đại bác trút đạn lên đỉnh đồi phối hợp với hai cỗ trọng liên bốn nòng đặt tại Ê-péc-vi-ê. Cùng lúc, gần hai chục khẩu đại liên và trung liên của địch từ A1 cũng nhắm vào tất cả những gì đang di động mà nhả đạn (…) Khi quân dù tiến lên, thì máy bay bắn chặn những con đường tiếp viện của ta (…)

Trên đồi C1 ta đã có chuẩn bị. Đêm hôm trước công binh đã chuyển gỗ ra để củng cố công sự. Một đại đội của tiểu đoàn 439, do tiểu đoàn trưởng Hoàng Vượng trực tiếp chỉ huy, đã sẵn sàng đón đợi quân địch. Đại bác của ta dập xuống những trận địa pháo của địch ở Mường Thanh và vào bọn lính dù đang tiến lên đồi. Đại đội dù đi đầu phải dán mình xuống sườn đồi phía tây. Đại đội thứ hai có mang theo súng phun lửa và một phân đội súng máy liều chết vượt qua hỏa lực bắn chặn cố xông lên đồi. Phân đội súng máy bị tiêu diệt. Nhưng súng phun lửa bắn trùm lên lô-cốt Cột Cờ khiến bộ đội ta phải lùi xuống giữ nửa đồi phía đông. Quân địch rượt theo. Giữa lúc đó, hai trung đội tăng viện vượt qua bom đạn của địch vừa tới nơi. Tất cả các chiến sĩ ném một loạt lựu đạn rồi nhất tề xông lên với những khẩu súng cắm lưỡi lê. Trước khí thế dũng mãnh của quân ta, địch lui về phía Cột Cờ.

14 giờ, Bi-gia điều hai đại đội của tiểu đoàn lê-dương dù 2 mới tới Mường Thanh đêm qua lên C1 thay thế cho lực lượng tiến công đã bị tổn thất gần một nửa.

18 giờ 45 (…) đạn đại bác và đạn súng cối của ta trùm xuống trận địa. Sau đó (bộ đội) chia làm hai cánh xung phong lên chiếm lại Cột Cờ và những lô-cốt phía tây (…) Viên đại úy Sạc-lơ chết tại trận. Viên đại úy Mi-nô bị thương nặng. Cả hai đại đội dù không còn người chỉ huy tan ra thành những nhóm nhỏ chống cự một cách tuyệt vọng.

21 giờ, Bi-gia vét hết lực lượng dù dự bị tiến lên cứu nguy. Quân ta và quân địch lao vào những trận đánh giáp lá cà quyết liệt. 2 giờ sáng ngày 11, mỏm cao Cột Cờ không còn đường hào, công sự nào chưa tan nát. Bộ đội ta phải lui về tuyến cũ tổ chức phòng ngự (…)

Ngày 11, chỉ diễn ra những cuộc chiến đấu lẻ tẻ. Cả quân địch và quân ta đều phải dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên trái đồi mà bom đạn đã hủy diệt toàn bộ các công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu (…)

(Đây là) cuộc phản kích lớn cuối cùng của Bi-gia lên những trái đồi phía đông (…) Ta và địch đã quá hiểu nhau, chấp nhận tạm thời giữ nguyên trạng (…)

Trên đồi A1, cũng diễn ra tình hình tương tự (…) Khi giao tranh tạm ngừng, địch chiếm hai phần ba đồi, một phần ba đồi do ta chiếm (…) Lực lượng phòng ngự của ta nhanh chóng củng cố trận địa (…) Đất đồi A1 rắn như đá non. Đào đường hào mới sẽ tốn nhiều thời gian. Có thể cải tạo lại một số đường hào cũ của địch, nhưng tất cả đều chất đầy tử thi. Bộ đội ta vẫn phải làm công việc họ sợ nhất (vì mùi xác chết nồng nặc) là tận dụng một số đường hào cũ. Sau đó, ta đào thêm những tuyến hào mới, tổ chức những ụ đề kháng, hầm trú ẩn, hầm chứa đạn (…) Đặc biệt ở A1, giữa trận địa ta và địch hoàn toàn không có vật cản. Chỉ cần vài chục giây là quân địch có thể nhảy vào chiến hào của ta. Do đó sự canh phòng được tổ chức hết sức cẩn mật (…) Địch biết lực lượng ta trên đồi không đông, nhưng trước sự phòng ngự chặt chẽ của ta, chúng chỉ còn mở những trận đánh thăm dò, không mong đẩy ta ra khỏi đồi. Ta thử đánh lấn để mở rộng phạm vi kiểm soát nhưng thấy địch kiên quyết chống cự nên cũng dừng lại (…) Ta bắt đầu triển khai việc đào một đường hầm để đưa thuốc nổ vào đặt dưới chân hầm ngầm của địch.

Trên đồi E và đồi D1 bắt đầu xuất hiện những trận địa sơn pháo của ta. Khu trung tâm bị đặt dưới những nòng pháo bắn thẳng. Quân địch không dám tiến công lên hai điểm cao này, mà chỉ tiến hành những cuộc phản pháo. Nhưng công sự của ta khá kiên cố, những khẩu sơn pháo vẫn tiếp tục nhả đạn. Không quân địch ném bom lớn, bom na-pan (…) Các chiến sĩ sơn pháo vẫn không rời bỏ vị trí “ngồi trên đầu thù”. Cao xạ đã tiến vào gần khu trung tâm, hạn chế có hiệu quả máy bay ném bom bổ nhào. Địch phải bay cao, thường thả bom ra ngoài mục tiêu. Nhưng có lần một trái bom rơi trúng trận địa sơn pháo trên đồi E trong lúc đang diễn ra trận đấu pháo giữa ta và địch (…) Khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu (…) quát lên: “Còn một khẩu cũng đánh!” (…) nhảy vào vị trí ngắm (…) tự mình giật cò. Chỉ trong vòng 10 phút, lần lượt bốn khẩu 105 của địch câm họng. Khẩu đội của Phùng Văn Khầu (…) 36 ngày đêm (…) luôn luôn đe dọa những vị trí của địch trên cánh đồng. Chỉ có điều đáng tiếc là pháo của ta bắt đầu “đói đạn”! (…)

Sau này một số nhà quân sự nước bạn tới thăm Điện Biên Phủ, khi đi nghiên cứu địa hình khu đông nhiều người cho rằng điểm cao quan trọng nhất là đồi E. Đồi E và đồi D1 cao nhất trong dãy đồi phía đông, khống chế cả khu trung tâm. Đúng là khi chiếm được những vị trí này ta có một lợi thế trong tay, nhưng ta không có điều kiện để triệt để khai thác lợi thế đó. Do không quân địch vẫn còn hoạt động, ta không thể đưa nhiều pháo hay pháo lớn lên đây, và dù sao cũng không có đủ đạn để uy hiếp quân địch.

(Trên thực tế) Đồi A và đồi C tuy thấp hơn nhưng lại có vai trò quan trọng hơn nhiều. Chiếm được hai trái đồi này ta có thể kiểm soát toàn bộ các vị trí bên tả ngạn sông Nậm Rốm và nhiều vị trí bên hữu ngạn bằng súng máy, súng trường, thậm chí súng phóng lựu đạn. A1 và C1 chỉ cách sở chỉ huy của Đờ Cát có 300 mét, trực tiếp kiểm soát hai chiếc cầu qua sông Nậm Rốm. Mất hai điểm cao này, lực lượng địch sẽ bị cắt làm đôi (…) A1 là thành lũy cuối cùng của tập đoàn cứ điểm, nếu mất thì địch sẽ không thể giữ được đồi C1 và C2 ở thấp hơn, cũng như toàn bộ các cứ điểm Ê-li-an.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1041-1046. Nhan đề phần trích tạm đặt.)