Sách Tàu xưa có thể sai be bét do người viết không tận mắt mà chỉ chép lại lời đồn đã qua hơn “mười miệng”. Ðất phương nam xa xôi, thỉnh thoảng bắc nhân du hành xuống, về kể chuyện thêm mắm thêm muối, rồi một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám, rút cuộc “nước lã khuấy nên hồ”! Nhưng Lê Quý Ðôn đặt tên sách mình là Chép gọn thấy nghe, chả lẽ cụ không trông thấy người La Quả, người Xá Tụ uống bằng mũi mà đi chép thế? Rồi Nguyễn Văn Tố với ông Tây Bouchet với Ðặng Nghiêm Vạn v.v. nữa. Phân vân quá. (TT)



Tục uống rượu bằng mũi




Hán thư (...) người Lạc Việt (...) quen uống bằng mũi (tr. 87)

Hậu Hán thư cũng có ghi chép về (tục) tị ẩm của người Ô Hử (tr. 88)

Sau khi làm tri phủ hai năm ở phủ Tĩnh Giang (Quế Lâm - Quảng Tây (...) ngày nay) (...) năm 1175 Phạm Thành Ðại viết Quế hải ngu hành chí, trong mục “Khí chí” có đoạn nói (...) Người phương nam thường tị ẩm, có bát tị ẩm bằng gốm như hình chiếc bát ăn cơm bên cạnh có cắm một cái ống nhỏ như vòi ấm, đút ống đó vào mũi hút nước rượu, mùa nóng có thể uống nước, họ nói nước theo mũi vào miệng, rất khoái (tr. 88)

Năm 1777 Lê Quý Ðôn viết Kiến văn tiểu lục (...) “Giống người La Quả (...) thích uống nước bằng mũi (...) giã ớt (át quả) hòa với muối và nước trong, rót vào trong chuôi cái bầu, rồi nghiêng cái chuôi ấy vào mũi, ngửa mặt lên mà hút (...) Giống người Xá Tụ (...) cũng thích uống bằng mũi (...) Xã Yên Quảng châu Vị Xuyên (...) mỗi bữa cơm thì nghiền hồ tiêu hòa với nước trong, rồi dốc vào mũi (...)” (tr. 88-89)

Năm 1933, Nguyễn Văn Tố viết Người Xá Xuấc ở Sơn La (bằng chữ Pháp). Năm 1936 A.L. Bouchet viết Những bộ lạc Xá tỉnh Sơn La, năm 1972 Ðặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy và Thanh Thiên viết Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở tây bắc Việt Nam đều đã đưa lại thông tin về tị ẩm trong nhóm Kháng Xuấc cư trú từ Than Uyên xuống Quỳnh Nhai, Thuận Châu tới Mường La (tr. 89)

Những người tị ẩm (...) không phải cư dân trồng lúa nước mà làm nương rẫy, săn bắn. Họ đều là cư dân vùng núi dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc ngày nay (tr. 90)

Khi đề cập đến tị ẩm, một số nhà nghiên cứu cận hiện đại cho là cách nhìn sai lệch về tục uống rượu cần (tr. 91)


(Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2004)