Ngửi cái mùi chè Tân Cương, có lúc ngơ ngẩn: hương chè, hay là chính hương quê?! Ðã ngửi chè trong lọ vô số lần, ngửi chè trong chén cũng vô số lần, nhưng thú thật, trước khi đọc những lời sau đây thì chưa biết ngửi chè nơi thành chén sau khi đã uống cạn nước. (Thu Tứ)



“Như mật ong rừng”

Hoàng Quốc Hải




Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè của xã Tân Cương, huyện Ðồng Hỷ, nếu được trồng và chăm sóc tưới bón tự nhiên và chế biến theo phương pháp truyền thống, thì đó là một thượng phẩm mà giới sành trà phía Bắc (...) ưa dùng (...) giới văn hóa trà (...) chuộng loại trà mộc, không ướp tẩm bất cứ một loại hương của loài hoa nào (...)

Pha loại trà này, tối kỵ dùng nước máy có độ khử trùng cao, nếu có nước giếng mạch vùng trung du (...) Nếu bạn là người ưa chuộng thứ hương mộc mạc (...) Chao ôi (...)

Sau khi uống cạn nước rồi, độ nóng còn gắt nơi lòng tay, bạn khẽ hít nơi thành chén, sẽ thấy một mùi hương kỳ lạ (...) Một ngày kia, bỗng có ai đó từ tận chốn rừng nguyên sinh xa lắc, đem về cho bạn một chai mật ong nho nhỏ để làm thuốc chữa ho, chữa viêm họng hoặc nhỏ một giọt vào cái lưỡi đầy tưa của con, của cháu bạn. Khi bạn vừa mở nút chai mật ra, bạn sực nhớ ngay đến cái hương trà mộc nơi thành chén (...) Ðó, trà mộc có mùi thơm tựa mùi mật ong rừng (...)

Xã Tân Cương, huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (...) sản xuất ra giống chè rất ngon, thường gọi “chè móc câu”. Nghĩa là người ta chỉ hái một búp (gọi là một tôm) và hai lá nõn nhỏ xíu, đem về sao cho đến khi chè khô giòn, búp chè cong như hình lưỡi câu. Sao như vậy gọi là sao suốt. Rồi lại sao lấy tuyết, tức là cánh chè như được phủ nhẹ một làn phấn trắng. Tất cả là ở nghệ thuật dùng lửa. Loại chè này (...) nước (...) có màu xanh sánh (...) Uống xong (...) vị đậm còn đượm mãi nơi cổ họng. Và từ nơi thành chén tỏa ra một mùi thơm tinh khiết (...) gần giống như mùi mật ong rừng nguyên chất.


(Hoàng Quốc Hải,
Ký sự ven hồ, nxb. Hà Nội, 2004. Nhan đề phần trích tạm đặt.)