Lúc đầu một số nhà nghiên cứu gán cho văn hóa Ðông Sơn một địa bàn rất rộng, gồm cả Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc. Nhưng “từ những năm 60 (khi) các trung tâm và các truyền thống thời đại kim khí ở (từng địa phương) được nhận ra rõ ràng hơn, sâu sắc hơn, thì (...) người ta chỉ dành nó để chỉ một văn hóa giới hạn chủ yếu ở Bắc và bắc Trung bộ Việt Nam”.



“Ðông Sơn là đâu”

Hà Văn Tấn




Năm 1924, một người câu cá nhặt được một số đồ đồng ở Ðông Sơn, trên bờ sông Mã. Ðược tin đó, L. Pajot, viên thương chính, và cũng là người chơi đồ cổ, ở Thanh Hóa bây giờ, vội vàng tiến hành những cuộc đào bới ở đây.

Mãi đến năm 1929, Victor Goloubew, học giả Pháp ở Trường Viễn đông Bác cổ mới cho công bố những gì Pajot đã đào được ở Ðông Sơn, kết hợp với những di vật mà các nhà sưu tập như Demange và D”Argence đã tìm kiếm được ở lưu vực sông Hồng. Thế là người ta được biết đến “một thời đại đồng thau ở Bắc kỳ và bắc Trung kỳ”.

Nhưng phải đợi đến năm năm nữa, năm 1934, R. Heine-Geldern, nhà nghiên cứu người Áo, mới đề nghị gọi nền văn hóa đó là “Văn hóa Ðông Sơn”. Tuy nhiên, khái niệm “văn hóa Ðông Sơn” của Heine-Geldern khác với khái niệm của chúng ta hiện nay. Ông viết: “Tôi đề nghị hiểu dưới thuật ngữ văn hóa Ðông Sơn tất cả các văn hóa thời đại đồng thau đã biết ở Vân Nam, Ðông Dương và In-đô-nê-xi-a, dầu biết rằng những nghiên cứu tương lai có thể cho chúng ta nhận ra giữa những văn hóa đó những nhóm địa phương khác biệt, những trật tự niên đại khác nhau” (...)

Từ những năm 60, các trung tâm và các truyền thống thời đại kim khí ở Ðông Nam Á được nhận ra rõ ràng hơn, sâu sắc hơn, thì khái niệm văn hóa Ðông Sơn cũng biến chuyển.

Người ta chỉ dành nó để chỉ một văn hóa giới hạn chủ yếu ở Bắc và bắc Trung bộ Việt Nam. Và đối với các học giả Việt Nam thì văn hóa Ðông Sơn đã thuộc thời đại sắt. Chúng ta đã tìm ra được các văn hóa Tiền Ðông Sơn thuộc thời đại đồng thau, nguồn gốc trực tiếp của văn hóa Ðông Sơn. Các văn hóa Tiền Ðông Sơn trong khu vực sông Hồng, sông Mã và sông Lam không hoàn toàn giống nhau, nhưng tất cả đã góp phần tạo nên văn hóa Ðông Sơn thống nhất. Ðó là một thành tựu to lớn đáng ghi nhận của khảo cổ học Việt Nam.

Và cũng chính vì một tính thống nhất Ðông Sơn đã được hình thành do nhiều nguồn khác nhau, ta vẫn thấy trong đó những sự khác biệt địa phương. Thống nhất trong đa dạng là điều ta muốn nói về văn hóa Ðông Sơn.

Ðó chính là khái niệm văn hóa Ðông Sơn trong quyển sách này. Và như vậy thì mấy từ “ở Việt Nam” dường như là không cần thiết. Tuy nhiên để tránh lầm lẫn, chúng tôi vẫn thấy cần ghi rõ là “Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam”.


(Hà Văn Tấn, “Lời nói đầu”,
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)