Đào Duy Anh: “... thành xưa của An Dương Vương (...) tập truyền cho là hình xoáy ốc, vì thấy nó có vòng trong vòng ngoài (bản đồ Cổ Loa ngày nay còn cho thấy rõ) (...) Xét bản đồ di chỉ thành Cổ Loa thì chúng ta thấy hình cũng hơi tròn và có hai vòng”.

Trương Chính và Ðặng Ðức Siêu:
“Thành Cổ Loa (...) di tích còn lại có ba vòng thành bằng đất” (Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa, 1978).

Trần Quốc Vượng:
“Thật ra nếu không bị ám ảnh bởi truyền thuyết và quan sát di tích hiện tại của thành Cổ Loa một cách khách quan, ta không hề thấy thành Cổ Loa được xây dựng theo hình xoáy trôn ốc tuy (...) có chạy quanh co (vì phải theo điều kiện địa hình). Tất nhiên cái hình dáng quanh co (có thể là lý do khiến nảy sinh) truyền thuyết” (Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2000).

Rắc rối nhất là Mã Viện đã “xây thêm”, rồi Ngô Quyền đã “sửa sang”.
“Chính thành của An Dương Vương đã xây là thế nào thì chúng ta còn phải chờ (...) khai quật (...) may ra mới biết được”.



Đào Duy Anh, “Vấn đề thành Loa”



Cổ Loa, theo chúng tôi, không có nghĩa là Loa Thành xưa (cổ) (...)

Chúng tôi nghĩ rằng chữ Cổ Loa có lẽ là do phiên âm chữ Kẻ Loa của dân gian, mà Kẻ Loa tức là người làng có thành Loa. Song chữ Loa (Thành) không phải là của dân gian mà là chữ Hán nghĩa là ốc. Chúng tôi cho rằng cái tên Loa Thành thấy xuất hiện ở Lĩnh Nam trích quái của ta có lẽ cũng có từ trước, từ thời nhà Tống (sau sách Thái bình hoàn vũ ký) do người Trung Quốc đặt ra để gọi thành xưa của An Dương Vương mà tập truyền cho là hình xoáy ốc, vì thấy nó có vòng trong vòng ngoài (bản đồ Cổ Loa ngày nay còn cho thấy rõ) (...) nên tưởng tượng là nhiều vòng như hình xoáy ốc. Do tên Loa Thành của người Trung Quốc đặt đó, dân gian mới gọi tên làng ở đó là Kẻ Loa, thành ấy gọi là thành Kẻ Loa, rồi Kẻ Loa về sau đã được phiên thành chữ Hán là Cổ Loa (...) cái tập truyền về hình xoáy ốc có thể đã có từ thời Tống (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII) rồi, tức là từ đầu thời kỳ tự chủ của nước ta.

Nhưng di tích hiện tại của nó có quả là di tích của thành do An Dương Vương xây không?

Trong khi nghiên cứu về Mã Viện, chúng tôi để ý đến tên Kiển Thành chỉ một cái thành xưa cũng ở địa hạt huyện Phong Khê đời Hán như Loa Thành. Kiển Thành là do Mã Viện xây (...) Các tác giả sách Toàn thư của ta cho rằng thành ấy có hình như cái kén cho nên mới đặt tên ấy (...)

Ðiều khiến chúng tôi lạ lùng nhất là thành ấy do Mã Viện xây từ đời Hán, không phải là một thành nhỏ, thể thức lại cũng khác thường, thế mà không thấy những sách địa lý của Trung Quốc về các đời Tấn Ðường Tống nói đến, mà các sách ấy lại chỉ chép thành của An Dương Vương. Lê Tắc là người Việt Nam tất biết rõ cổ tích của nước mình hơn người Trung Quốc, thế mà sách An Nam chí lược cũng chỉ nói đến thành Cổ Loa (Khả Lũ) chứ không nói đến Kiển Thành. Thấy những sách ấy không nói đến Kiển Thành mà chỉ nói đến Loa Thành, chúng tôi phải tự hỏi rằng hoặc giả Kiển Thành và Loa Thành chỉ là một mà thôi. Chúng tôi suy đoán như thế này: Có lẽ An Dương Vương sau khi lập nước Âu Lạc đã xây thành ở địa điểm làng Cổ Loa ngày nay; sau khi nước Âu Lạc bị nhà Hán chinh phục thì trị sở huyện Tây Vu, vốn trước kia là trị sở của bộ lạc Tây Vu, cũng vẫn ở địa điểm ấy. Trong khi tiến đánh Mê Linh, Mã Viện bị quân ta ở thành Tây Vu chống cự kịch liệt (...) cho nên sau khi chiến thắng (...) có lẽ đã nhân thành cũ là căn cứ lợi hại của nghĩa quân Lạc Việt mà xây thêm và đặt tên mới để giữ huyện Phong Khê mới lập. Có lẽ sau khi nhà Hán mất rồi và sau khi huyện Phong Khê bị bỏ - thời Tấn không có huyện Phong Khê nữa, thời Tùy và thời Ðường thì đất huyện Phong Khê cũ bị chia vào các huyện khác (...) - thì uy danh của Mã Viện và của Kiển Thành đã phai lạt dần mà mất hẳn, trong tâm trí nhân dân Việt Nam chỉ còn ghi nhớ uy danh của An Dương Vương với chuyện xây Loa Thành (có lẽ bấy giờ truyền thuyết Kim Quy cũng đã có rồi). Chúng tôi đoán rằng vì lẽ ấy mà các sách địa lý các thời Tấn, Ðường, Tống, đến cả sách An Nam chí lược, chỉ chép Việt Vương Thành mà không chép Kiển Thành. Ðến thế kỷ XV, tác giả sách An Nam chí hay là trước đó ít lâu tác giả sách An Nam ngoại kỷ, sở dĩ nói đến Kiển Thành, có lẽ là bởi họ đã lục được tên ấy ở trong một tập sách nào của đời Hán mà bấy lâu ít ai để ý. Nhưng họ lại tưởng rằng Kiển Thành với Loa Thành là hai thành khác nhau (...) Theo sự suy đoán của chúng tôi (...) có lẽ di tích thành Cổ Loa ngày nay có lộn cả di tích của Kiển Thành do Mã Viện xây và di tích cũ của thành An Dương Vương; đến thế kỷ X Ngô Quyền lại sửa sang lại để làm kinh đô. Xét bản đồ di chỉ thành Cổ Loa thì chúng ta thấy hình cũng hơi tròn và có hai vòng. Chính thành của An Dương Vương đã xây là thế nào thì chúng ta còn phải chờ (...) khai quật (...) may ra mới biết được.


(Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)