Ta muốn giết Nhím sớm để “phối hợp tốt với đấu tranh ngoại giao (…) ở Giơ-ne-vơ, tránh được khó khăn do (…) mưa lớn mùa hè (và) làm thất bại mọi mưu đồ nham hiểm mới của Pháp, Mỹ”.

Nhưng không phải dễ vì “do được tăng viện, tập đoàn cứ điểm vẫn còn khoảng một vạn quân (là lực lượng) quá lớn đối với ta, và chúng còn khả năng tăng viện”.

Chưa thể cầm dao to cắt cổ nó được, thì ta xiên, chích bằng vô số que, kim, làm nó chảy máu ngày đêm cho vừa lả dần đi lại vừa muốn phát cuồng! Và mẹ nó từ trên trời rót xuống cho nó thứ gì thì ta giành đón luôn thứ ấy, những thứ khác cất để dùng, riêng đạn trả lại cho nó cái đầu!

Siết chặt vòng vây có nhiều cái hay tuyệt. Nhưng chính người siết cũng đang gặp “không ít khó khăn. Phải nhanh chóng bổ sung quân số, đạn dược. Vấn đề lương thực cho bộ đội mỗi ngày mỗi ngặt nghèo vì mùa mưa tới sớm và địch tăng cường đánh phá các tuyến đường dẫn ra mặt trận. Phải tiếp tục đánh địch bằng cách nào với những chiến sĩ đã năm tháng trời liên tục hành quân, lao động và chiến đấu, với những đơn vị sẽ có thêm nhiều người lính mới chưa qua chiến đấu”.

Toàn thắng không phải là bảo đảm đâu. Ta phải tiếp tục cố hết sức mình.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Vừa siết vừa đâm vừa đoạt”



Từ đầu chiến dịch, ta đã nhận định một nhược điểm lớn không thể khắc phục của địch là tập đoàn cứ điểm cách xa các căn cứ, mọi sự tăng viện và tiếp tế đều trông chờ vào đường không. Chỉ cần triệt con đường này, quân địch sẽ mất sức chiến đấu. Với việc xây dựng trận địa bao vây thành công, chiến thắng của ta chỉ còn là vấn đề thời gian. Chiến thắng sẽ tới sớm hơn nếu ta nhanh chóng tiêu diệt được những trung tâm đề kháng then chốt.

Kiểm điểm đợt chiến đấu vừa qua, ta đã thấy những thiếu sót dẫn tới không hoàn thành tất cả những nhiệm vụ đề ra. Khi điều nghiên A1, ta không phát hiện được ở đây có một hầm ngầm kiên cố, nên không huấn luyện cách giải quyết. Do thiếu chuẩn bị đầy đủ phương tiện để phá công sự phụ, phần lớn các mũi thọc sâu đều không lọt vào tung thâm. Việc kiềm chế pháo ở Hồng Cúm chưa tốt, nên địch đã chi viện pháo hiệu quả cho A1 (...)

Tuy nhiên, con nhím Điện Biên Phủ đã nhận một đòn tử thương. (Theo Béc-na Phôn, sđd.) “Chỉ trong năm ngày từ 28 tháng 3 đến 2 tháng 4, quân Pháp đã mất 2.093 người. Phân khu Hồng Cúm tuy chưa bị trực tiếp tiến công, từ 2.000 quân cũng chỉ còn khoảng 1.600. Lực lượng đồn trú ở phân khu trung tâm còn (...) tổng cộng khoảng 4.300 lính chiến đấu (...) Cuộc chiến đấu ngốn (...) với nhịp độ không thể tưởng tượng (...) dự trữ đạn pháo (...)”.

Bộ chỉ huy Pháp đã nhận thấy không những không thể thả dù quân ban ngày mà ngay ban đêm cũng không thể thả cùng lúc cả một tiểu đoàn (...) Phải mất ba đêm, một tiểu đoàn dù tăng viện mới tới hết Điện Biên Phủ.

Tính từ lúc bắt đầu chiến dịch, ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 quân địch. Do được tăng viện, tập đoàn cứ điểm vẫn còn khoảng một vạn quân, tuy không phải tất cả đều là lực lượng trực tiếp chiến đấu. Về địa hình có lợi, chúng ta đã khống chế các điểm cao ở phía bắc và phần lớn những điểm cao quan trọng ở phía đông phân khu trung tâm. Trận địa tiến công và bao vây của ta đã tới gần sân bay. Phạm vi đóng quân cũng như vùng trời của địch đã bị thu hẹp nhiều. Phân khu Hồng Cúm đã bị cắt hoàn toàn khỏi khu trung tâm.

Tuy nhiên, số quân địch còn lại vẫn là quá lớn đối với ta, và chúng còn khả năng tăng viện (…)

Về phía ta, cũng không ít khó khăn. Phải nhanh chóng bổ sung quân số, đạn dược. Vấn đề lương thực cho bộ đội mỗi ngày mỗi ngặt nghèo vì mùa mưa tới sớm và địch tăng cường đánh phá các tuyến đường dẫn ra mặt trận. Phải tiếp tục đánh địch bằng cách nào với những chiến sĩ đã năm tháng trời liên tục hành quân, lao động và chiến đấu, với những đơn vị sẽ có thêm nhiều người lính mới chưa qua chiến đấu, để vừa khoét sâu hơn nữa chỗ yếu của địch, vừa hạn chế những thương vong của ta, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích kết liễu số phận con nhím Điện Biên Phủ?

(Chúng ta phải) tiêu diệt tập đoàn cứ điểm càng sớm càng tốt (...) như vậy sẽ phối hợp tốt với đấu tranh ngoại giao của ta ở Giơ-ne-vơ, tránh được khó khăn do những trận mưa lớn mùa hè, lại làm thất bại mọi mưu đồ nham hiểm mới của Pháp, Mỹ.

Trong hội nghị sơ kết đợt tiến công vào khu đông (…) những nhiệm vụ đề ra (...) là hoàn thành đánh chiếm các điểm cao phòng ngự phía đông, thắt chặt trận địa tiến công và bao vây, đánh chiếm sân bay trung tâm (…) tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch (...)

Siết vòng vây sẽ hạn chế được uy lực không quân, pháo binh địch, giảm nhẹ thương vong của bộ đội. Cho tới bây giờ, hỏa lực nhẹ của bộ binh ta tuy chiếm ưu thế về số lượng chưa thể phát huy hết hiệu lực do khoảng cách giữa ta và địch còn xa. Siết chặt vòng vây sẽ cho phép ta tiêu diệt và tiêu hao quân địch bằng mọi vũ khí của bộ binh, tạo nên một hỏa lực áp đảo.

Siết chặt vòng vây sẽ tạo điều kiện cho bộ đội phá hủy từng ụ đề kháng, dỡ bỏ hàng rào dây thép gai, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch, bất thần tiến công làm chúng không kịp trở tay như tại vị trí 106 (…)

Siết chặt vòng vây sẽ giúp ta tranh đoạt tiếp tế của địch, giành lấy lương thực, nhất là đạn được.

Siết chặt vòng vây cũng chính là thu hẹp không phận, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch.

Tại phân khu trung tâm Mường Thanh, nếu không kể Ê-péc-vi-ê là sở chỉ huy của Đờ Cát, địch chỉ còn lại bốn trung tâm đề kháng. Ở phía đông, là Ê-li-an. Số phận của trung tâm này sẽ được quyết định khi ta tiêu diệt xong điểm cao A1. Phía tây bắc là Huy-ghét. Huy-ghét, còn sáu cứ điểm, có nhiệm vụ bảo vệ sân bay và mặt tây bắc. Phía tây nam là Clô-đin và Giuy-nông, ở liền kề với sở chỉ huy, có nhiệm vụ bảo vệ mặt tây nam của nó. Clô-đin gồm năm cứ điểm (về cuối chiến dịch, địch chia lại thành hai). Giuy-nông có ba cứ điểm.

Nhiệm vụ trước mắt là phải cắt đứt ngay sân bay Mường Thanh. Tuy không còn máy bay hạ cánh, nhưng sân bay là một địa điểm thả dù có bảo vệ, hàng ngày tiếp nhận phần lớn đồ tiếp tế và quân tăng viện (...)

Các đơn vị được trao nhiệm vụ cụ thể như sau:

Đại đoàn 308: Làm trận địa tiến công và chuẩn bị công kích cứ điểm 206, 311A, 311B thuộc trung tâm đề kháng Clô-đin, đưa trận địa tiếp cận sở chỉ huy của Đờ Cát. Làm trận địa chia cắt các cứ điểm 105, 206, 208. Phối hợp với 312 làm giao thông hào cắt ngang sân bay phía nam cứ điểm 206. Đánh địch phản kích để giữ vững trận địa và đánh quân dù trong phạm vi đại đoàn phụ trách.

Đại đoàn 312: Củng cố trận địa phòng ngự ở các đồi E và D, chuẩn bị tiếp tục tiêu diệt cứ điểm 105 ở bắc sân bay, các vị trí 203, 204 và khu tiểu đoàn ngụy Thái số 2, phối hợp với 308 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh.

Đại đoàn 316: Làm trận địa tiến công A1, C2. Củng cố trận địa phòng ngự ở C1. Chuẩn bị tiến công và tiêu diệt A1 và C2.

Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304): Củng cố trận địa bao vây và tiến công Hồng Cúm. Kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm.

Đại đoàn 351: Củng cố các trận địa trú quân và trận địa hỏa lực, làm thêm một trận địa mới cho đại đội trọng pháo ở tây bắc Mường Thanh.

Toàn bộ các đơn vị tích cực đẩy mạnh những hoạt động nhỏ, dùng mọi loại vũ khí của bộ binh bất kể ngày đêm tập kích, bắn tỉa sát thương quân địch, bắn máy bay, đoạt dù tiếp tế, làm cho địch không có lương ăn, nước uống, không còn đạn dược.

Các đơn vị đều phải củng cố trận địa nơi trú quân, trận địa tiến công, tranh thủ bồi dưỡng sức khỏe cho bộ đội, và học tập, rút kinh nghiệm đợt chiến đấu vừa qua để chuẩn bị cho trận tiến công sắp tới (...)

Tôi gửi “Thư kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ đẩy mạnh cuộc thi đua đánh tỉa quân địch”. Trong thư viết:

“Khu trung tâm của địch hiện đã ở vào tầm hoạt động của các cỡ hỏa lực của ta. Để làm cho địch càng ngày càng bị tiêu hao, mệt mỏi, tinh thần sút kém, thương vong chồng chất, để làm cho địch luôn luôn lo sợ và căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không yên (vì) bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắn chết, để tạo điều kiện cho quân ta giành được những thắng lợi lớn hơn, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, tôi kêu gọi:

Toàn thể các chiến sĩ bắn súng trường, các chiến sĩ bắn súng máy, các chiến sĩ bắn súng cối, các chiến sĩ pháo binh, hãy phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua đánh tỉa quân địch ở Điện Biên Phủ. Một viên đạn (súng nhỏ) , một tên địch!”
.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1037-1041. Nhan đề phần trích tạm đặt.)