Ông nói “Thôi công đâu...”, mà rồi ông vẫn cứ “chuốc”, tích cực đến nỗi mất đầu mình và liên lụy đến toàn thể họ Cao.

Giá ông cứ tiếp tục vừa “nực cười”, vừa “lếu láo”, vừa hưởng nhàn, vừa làm thơ cho ả đào hát...

(Thu Tứ)



Cao Bá Quát, “Uống rượu tiêu sầu”




Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo

Ðoạn tống nhất sinh duy hữu tửu
Trầm tư bách kế bất như nhàn

Bóng thiều quang thấp thoáng dưới Nam san
Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ

Khoảng trời đất cổ kim kim cổ
Mảnh hình hài không có có không
Lọ là thiên tứ vạn chung.


(
Tuyển tập thơ ca trù, nxb. Văn Học, 1987)





___________________________
Chú thích của sách:
Cảnh phù du: ý nói như đời con vờ, sống ngắn ngủi.
Hai câu chữ Hán: Dứt hẳn với đời duy chỉ có rượu / Nghĩ cho sâu thì trăm kế chẳng gì bằng chữ nhàn.
Nam san: núi nam: trong thơ Ðào Tiềm, chỉ nơi ẩn dật.
Cửu hoàn: chín cõi trong thiên hạ.
Thiên tứ vạn chung: nghìn cỗ xe, muôn hộc thóc, chỉ cảnh giàu sang.