Cái việc đêm 30-3-1954 trung đoàn 174 (của Đại đoàn 316) tiến công đồi A1 chậm nửa giờ chắc đã làm ta mất hàng trăm chiến sĩ dũng cảm. Hy sinh nhiều thế là vì tuy pháo nó đã bắt đầu bắn dữ dội, quân ta vẫn cứ xông lên.

Đến lượt trung đoàn 102 (của Đại đoàn 308) đánh cũng không thành công. Là vì bấy giờ ta “hầu như không lúc nào có ưu thế hơn địch. Địch tăng viện nhanh hơn ta, và ngoài pháo bắn chặn, chúng còn có xe tăng (...) Mình bố trí binh lực để tiêu diệt quân địch ở A1, nhưng trong thực tế, phải đánh với toàn bộ quân viện ở khu trung tâm!”. Trung đoàn trưởng Hùng Sinh lên đồi trực tiếp chỉ huy là hành động quả cảm đặc biệt.

Trách nhiệm nằm ở đâu? Thiết nghĩ là đâu đó giữa ban chỉ huy Đại đoàn 316 và cơ quan tham mưu chiến dịch. Phải tiên liệu tình hình mất liên lạc chứ. Nên lệnh trước cho lực lượng tiến công là cứ nghe pháo ta bắn thì đánh luôn, không đợi nghe lệnh qua điện thoại hay vô tuyến. Như khi đánh Him Lam trong đợt 1. Đại khái, ta chưa ổn định bài bản khi tổ chức một trận đánh lớn có sự tham gia của pháo binh độc lập.

Về việc trung đoàn trưởng 174 bị phê bình oan, trên tuy mãi 30 năm sau mới nói lời tỏ ra công bằng, nhưng ngay ngày ấy chắc chắn cũng đã biết lỗi không ở Nguyễn Hữu An nên mới tổ chức “chào mừng những người về từ A1” rất ấm áp và không thi hành kỷ luật gì cả.

“Những cuộc phản kích ngày 31 tháng 3 của địch đã hoàn toàn thất bại”. Sự kiện này rất ý nghĩa. Ta công với hỏa lực khiêm tốn, nó thủ trong hệ thống phòng ngự còn nguyên vẹn và được chi viện hỏa lực cực kỳ hào phóng, mà nó vẫn thua, để mất cứ điểm. Để chiếm lại, nó công với hỏa lực áp đảo điển hình, ta thủ trong công sự hầm hào đã nát bét, với chi viện hỏa lực chắc chắn khiêm tốn, thế mà ta giữ được. Rõ ràng chiến sĩ Việt Nam dũng cảm hơn và sáng tạo hơn!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Nhức nhối đỉnh đồi A1”



Mờ sáng ngày 31, Đờ Cát họp với Lăng-gơ-le, Pa-dít và Bi-gia, bàn cách đối phó với tình hình. Lăng-gơ-le đề nghị tập trung toàn bộ binh đoàn không vận số 2 (…) cùng với tiểu đoàn lê-dương số 3 và xe tăng từ Hồng Cúm tới để tiến hành phản kích (…)

7 giờ 45, tiểu đoàn lê-dương số 3 với xe tăng dẫn đầu, từ Hồng Cúm tiến ra đường 41 đi về phía Mường Thanh. Tới bản Long Nhai, cánh quân lọt vào trận địa của trung đoàn 57, lập tức bị bao vây. Những tên lính lê-dương theo nhau gục ngã trước hỏa lực dày đặc của ta. Một xe tăng trúng đạn ĐKZ bốc cháy. Lực lượng cứu nguy lại trở thành một gánh nặng cho Mường Thanh. Gần trưa, toàn bộ pháo của tập đoàn cứ điểm phải tiến hành một đợt bắn chặn cho lực lượng này mở đường máu quay trở lại Hồng Cúm (…)

Thời tiết tốt đã giúp không quân địch hoạt động trở lại. Những chiếc C119 do phi công Mỹ lái, thả dù tiếp tế đạn dược, lương thực; những chiếc Bearcat, Helldiver lao xuống kết hợp với những trận địa pháo đánh phá dữ dội các điểm cao C1, D1, E và A1.

Đờ Cát khẩn thiết yêu cầu Hà Nội tăng viện.

Sáng ngày 31, Na-va vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội (cùng Cô-nhi) bàn cách giải quyết yêu cầu của Đờ Cát (…) Các phi công từ Điện Biên Phủ trở về báo cáo là mật độ pháo cao xạ của Việt Minh tại khu trung tâm đã trở nên dày đặc (…) Cả viên đại tá Ni-cô chỉ huy không quân vận tải lẫn viên đại tá Xô-va-nhắc chỉ huy lực lượng dù tăng viện đều thấy không thể thả quân dù ban ngày xuống Mường Thanh.

Bi-gia quyết định tập hợp toàn bộ lực lượng cơ động của Mường Thanh gồm một số tiểu đoàn đã sứt mẻ để tiến hành phản kích (…)

Tiểu đoàn dù xung kích 8 lợi dụng màn khói đại bác bò lên điểm cao D1. Lúc này hầu hết chiến sĩ cảnh giới của ta đã tử thương khi địch bắn phá. Địch tới gần, nổ súng, ta mới biết. Đồng chí Lê Xuân Quảng, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 154, chỉ huy trận địa phòng ngự hy sinh. Sau 25 phút, địch chiếm lại gần hết đồi D1, dồn đại đội phòng ngự của ta vào một góc. Tình thế trở nên nguy ngập. Chiến sĩ Trần Ngọc Bội, tổ trưởng tổ 3 người, thét to: “Thà chết không bỏ trận địa!”. Những câu nói đúng lúc từ bản thân người lính tại trận địa thường đem lại sức mạnh. Các chiến sĩ vùng lên đánh lui những đợt phản kích của địch. Tuy đường dây điện thoại đã đứt, nhưng đài quan sát trung đoàn phát hiện kịp thời sự có mặt của quân địch trên D1. Trung đoàn lập tức dùng pháo bắn chặn và điều lực lượng lên tăng viện. Hai đại đội của ta đã đảo lộn thế trận. Viên đại úy Pi-sơ-lanh ngã gục vì một tràng đạn tiểu liên. Trên cứ điểm D1 đã biến dạng vì bom đạn, ta và địch lao vào những trận đánh giáp lá cà. Thấy tình thế bất lợi, Tua-rê yêu cầu Bi-gia tiếp viện. Bi-gia đáp: “Tôi không còn gì trong tay. Nếu không xong thì biến!”. Sau một giờ chiến đấu, những tên địch sống sót tháo chạy. Bi-gia đã không chiếm lại được Đô-mi-ních 2 (D1) mà còn phải bỏ luôn cả Đô-mi-ních 6 (D3) và rút trận địa pháo tại Đô-mi-ních 5 (210), vì biết hai điểm cao này không thể đứng vững khi đã mất Đô-mi-ních 2.

1 giờ 30 phút chiều, Bi-gia trực tiếp chỉ huy hai tiểu đoàn dù 6 và 5 tiến lên C1. Đại đội 273 của trung đoàn 102 đã có mặt trên điểm cao từ buổi sáng cùng với bộ phận còn lại của đại đội 35 trung đoàn 98 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch từ C2 lên định đẩy quân ta ra khỏi đồi. Quân địch đông lại có không quân, pháo binh yểm hộ và xe tăng mở đường. Mặc bom đạn giội quanh người, các chiến sĩ không hề nao núng, đợi những tên lính dù tới thật gần mới nổ súng, đánh lui nhiều đợt tiến công. Xạ thủ ĐKZ 57 ly Vũ Văn Kiểm vác nòng súng trên vai di chuyển trong giao thông hào, bắn vào những vị trí tập trung đông quân địch. Nòng súng cháy bỏng, Kiểm cởi áo trấn thủ lót vai, tiếp tục bắn. Địch lại cho đại bác bắn dữ dội rồi súng phun lửa xung phong lên đồi. Lần này chúng chiếm được điểm cao Cột Cờ, đẩy những chiến sĩ phòng ngự vào thế bất lợi. Pháo ta không thể tiếp tục yểm hộ vì không phân biệt được vị trí của đôi bên. Các chiến sĩ lấy vải dù trắng buộc lên đầu súng làm hiệu. Trong lúc pháo ta nổ dồn dập, trung đoàn đưa một bộ phận tăng viện theo đường hào mới đào phía đồi D, cùng với những người phòng ngự đánh bật quân địch khỏi Cột Cờ, khôi phục lại trận địa.

16 giờ, Bi-gia buộc phải ra lệnh rút lui, để lại trận địa gần trăm xác chết. Trong ngày, bộ đội ta đã đánh lui bảy đợt phản kích của hai tiểu đoàn dù. Chiến sĩ ĐKZ Vũ Văn Kiểm được tặng thưởng huân chương Chiến sĩ hạng nhất.

Những cuộc phản kích ngày 31 tháng 3 của địch đã hoàn toàn thất bại.

Trong ngày đã có tin về các mũi thọc sâu. Phần lớn các đơn vị được trao nhiệm vụ đột phá vào bên trong khu đông đều gặp khó khăn. Các mũi không đủ bộc phá mở đường qua hàng trăm mét rào dây thép gai. Chúng ta lại phải trả giá cho công tác chuẩn bị thiếu cụ thể. Riêng một đại đội của tiểu đoàn 11, đại đội 243, do đại đội trưởng Ngọa chỉ huy, đã gây cho địch một bất ngờ lớn. Từ đồi E tiến theo đường 41, đại đội 243 đánh xuyên qua tiểu đoàn dù số 5, rồi chia làm hai mũi, một mũi đánh vào khu trận địa pháo, gây cho chúng nhiều thiệt hại, một mũi đánh vào tiểu đoàn dù thuộc địa số 1. Mặc dù bị tổn thất, các dũng sĩ đại đội 243 vẫn táo bạo phát triển ra tới bờ sông Nậm Rốm và gan góc trụ lại trong lòng địch, đương đầu với chúng suốt ngày hôm sau.

(Bây giờ nói về việc tiếp tục đánh A1.)

Nửa đêm về sáng ngày 31 tháng 3, ngay sau khi nhận lệnh, trung đoàn 102 của 308 từ phía tây lập tức hành quân theo đường hào trục sang phía đông cánh đồng Mường Thanh. Riêng đại đội 273 của tiểu đoàn 54 được lệnh đi vượt lên trước đã có mặt kịp thời trên đồi C1.

Trưa ngày 31 tháng 3, ban chỉ huy trung đoàn 102 có mặt ở sở chỉ huy của trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), nhận bàn giao nhiệm vụ.

Tuy nhiên, vì phải vượt qua cánh đồng trống trải dưới sự ngăn chặn của đại bác và pháo binh địch, đường hào trục lại lõng bõng bùn nước, vừa hành quân vừa phổ biến nhiệm vụ cho bộ đội, đến chiều mới có bốn đại đội của hai tiểu đoàn 54 và 18 kịp tới vị trí. Sau khi được tăng cường một đại đội của 174 làm quân dự bị, ban chỉ huy 102 quyết định vẫn tiến công A1.

17 giờ 30 phút, các phân đội chiếm lĩnh trận địa.

18 giờ 15 phút, trong khi pháo binh ta kiềm chế pháo địch và bắn phá A1, các mũi xung kích lợi dụng cửa mở của trung đoàn 174 đêm trước, nhanh chóng tiến đánh trận địa tiền duyên của địch. Sau 15 phút, cả hai mũi xung kích đã hoàn toàn làm chủ tầng phòng ngự phía dưới, diệt một số địch, bắt sống 15 tên. Địch co lên tầng trên. Các chiến sĩ tiếp tục xung phong về phía ụ đất khó hiểu trên đỉnh đồi. Địch bỗng biến mất và hàng rào lửa đại bác lại xuất hiện trước mặt họ. Các chiến sĩ dũng cảm vượt qua lưới lửa cố phát hiện cửa hầm ngầm. Họ chỉ tìm thấy một ngách phụ có quân địch, lập tức sử dụng bộc phá diệt được 20 tên, bắt sống 4 tên, thu một số súng đạn. Sau đó, tình hình diễn ra giống đêm trước, bộ đội ta tổ chức bốn đợt xung phong đều không vượt khỏi tuyến hào ngang trước hầm ngầm.

5 giờ sáng ngày 1 tháng 4, quân tiếp viện của địch tới với hai xe tăng. Quân địch từ hầm ngầm cùng với quân tăng viện dựa vào xe tăng bắt đầu xông lên phản kích, toan đánh bật quân ta ra khỏi điểm cao. Ta dùng ba-dô-ca bắn cháy một chiếc xe tăng, bắn bị thương một chiếc khác, khiến nó phải chạy lùi. Cả pháo ta và pháo địch cùng tập trung bắn vào đồi để yểm hộ cho bên mình. Cuộc chiến đấu diễn ra cực kỳ ác liệt. Hầu hết ụ súng, các đường chiến hào đều bị đạn pháo và bom nghiền nát. Riêng ụ đất đỏ vẫn sừng sững trên đỉnh đồi.

Dự đoán địch sẽ phản kích lớn, trung đoàn trưởng Hùng Sinh đề nghị với Đại đoàn cho lên đồi trực tiếp chỉ huy. Trong ngày 1 tháng 4 năm 1954, ba đợt phản kích của địch đều bị trung đoàn 102 đẩy lui. Hàng trăm quân địch bị loại khỏi vòng chiến.

Đêm 1 tháng 4, tiểu đoàn 79, tiểu đoàn cuối cùng của 102, đã có mặt trong đội hình trung đoàn. Trung đoàn tổ chức đợt tiến công thứ ba về phía hầm ngầm. Địch chống cự quyết liệt. Các mũi tiến công của ta đột kích rất mạnh vào khu hầm cố thủ, nhưng không sao tìm được cửa hầm. Trước hỏa lực đại bác rất mạnh của địch, ta lại phải rút về tuyến phòng ngự.

Ngày 2 tháng 4, những lực lượng tăng viện của địch từ Mường Thanh lên phối hợp với lực lượng cố thủ, ra sức mở nhiều đợt phản kích cố đẩy ta ra khỏi A1. Trên trận địa, ta chỉ còn lại hơn năm chục người (không phải cả trung đoàn chỉ còn 50 người, mà là số bộ đội còn trên đồi chưa rút xuống là 50). Dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung đoàn trưởng, quân ta chia thành nhiều tổ phụ trách từng đường hào. Các cán bộ nhiều lúc trực tiếp chiến đấu bên cạnh chiến sĩ (…) Buổi chiều ngày 2 tháng 4, chính ủy trung đoàn Lê Linh cùng một lực lượng tăng viện mang theo lương thực lên đồi (…)

Các nơi khác (…) Đêm 31 tháng 3, trung đoàn 36 vây ép cứ điểm 106 (Huy-ghét 7) (…) chiếm gọn cứ điểm trong 30 phút (…) Trung đoàn 88 nhận thấy hai đại đội Thái bảo vệ cứ điểm 311 (Huy-ghét F) đang mất tinh thần vì 106 bị tiêu diệt, chuyển sang làm công tác địch vận. Ngày 2 tháng 4, phần lớn hai đại đội này kéo cờ trắng ra hàng, một số bỏ chạy về Mường Thanh. Ở phía bắc, chiều ngày 3 tháng 4, trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 105 nằm không xa 106 đã bị xóa sổ. Cuộc chiến đấu kéo dài tới sáng, ta đã chiếm hai phần ba cứ điểm nhưng chỉ tiêu diệt được một bộ phận địch. Trời sáng, Đờ Cát tung một tiểu đoàn với năm xe tăng ra phản kích chiếm lại cứ điểm (…)

Tôi nói với anh Thái ra lệnh 308 rút trung đoàn 102 ra khỏi khu vực đồi A1, hoàn nhiệm vụ phòng ngự phần đồi đã chiếm được cho trung đoàn 174 của 316. 174 cũng chỉ cần để lại một bộ phận nhỏ trên đồi, củng cố công sự thật vững chắc, còn phần lớn rút ra ngoài.

Tôi quyết định triệu tập hội nghị sơ kết đợt 2 chiến dịch vào ngày 6 tháng 4 năm 1954, và yêu cầu một số cán bộ trực tiếp chiến đấu trên đồi A1 về gấp sở chỉ huy mặt trận.

Sau năm ngày chiến đấu, ở phía đông, ta đã chiếm được bốn (ba?) ngọn đồi hiểm yếu, làm chủ một phần điểm cao then chốt A1, địch đã phải kéo pháo chạy khỏi cứ điểm 210, ở phía tây, ta chiếm thêm được hai cứ điểm 106 và 311. Phạm vi chiếm đóng của địch thu hẹp khá nhiều, lực lượng của chúng cũng bị tổn thất lớn. Nhưng ta chưa hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được hoàn toàn A1. Đây lại chính là mục tiêu trọng yếu của đợt tiến công này!

Sáng ngày 3 tháng 4, anh Thái gọi điện thoại báo tin hai đồng chí Hùng Sinh, Nguyễn Hữu An đã về tới sở chỉ huy mặt trận (…)

Buổi chiều, tôi và anh Thái cùng nghe báo cáo. Hùng Sinh bước vào với một chiếc băng trên trán và đôi mắt sâu trũng vì thiếu ngủ.

Tôi hỏi:

- Vết thương thế nào?

- Thưa, vết xước mảnh đạn thôi. Băng để tránh nhiễm trùng.

Tôi nói:

- Tin tức ở đây nắm được thì quân địch ở A1 tổn thất rất nhiều, có lúc bọn chỉ huy ở Mường Thanh tưởng là đã mất A1! Tại sao các đồng chí đánh mãi vẫn không giải quyết được?

- Báo cáo anh, chúng tôi rất cố gắng nhưng vướng phải cái hầm ngầm trên đỉnh đồi. Anh em đã đặt 80 ki-lô-gam bộc phá giật nổ, nhưng nó vẫn trơ trơ.

- Sao không tìm cửa hầm mà đánh vào?

- Chúng tôi đã tìm nhiều lần, nhưng không thấy cửa hầm. Chắc cửa hầm nằm ở phía trong, anh em không vào được vì pháo bắn chặn, chúng bắn cả trên nóc hầm.

Tôi hỏi cả Hùng Sinh và Nguyễn Hữu An:

- Theo các đồng chí, giờ phải đánh tiếp cách nào thì giải quyết được A1?

Nguyễn Hữu An nói:

- Phải tổ chức một đội đánh hầm ngầm, mang nhiều bộc phá đánh vào cửa hầm.

Hùng Sinh cân nhắc rồi nói là suốt quá trình chiến đấu, bộ đội ta hầu như không lúc nào có ưu thế hơn địch. Địch tăng viện nhanh hơn ta, và ngoài pháo bắn chặn, chúng còn có xe tăng.

- Như vậy, vấn đề còn ở chỗ ta không chặn được quân viện từ Mường Thanh lên?

- Thưa đúng. Mình bố trí binh lực để tiêu diệt quân địch ở A1, nhưng trong thực tế, phải đánh với toàn bộ quân viện ở khu trung tâm!

- Địch có khả năng đánh bật ta ra khỏi A1 không?

- Nếu ta tổ chức phòng ngự tốt thì địch không thể đánh bật được ta. Mấy ngày vừa qua, giữa ban ngày, có lúc ở một hướng địch mở phản kích, chúng tôi bố trí chỉ có hơn chục người mà địch không vượt được qua.

Cả hai đồng chí trung đoàn trưởng đều hăng hái đề nghị cho đơn vị mình được tiếp tục tiến công tiêu diệt A1.

Tôi nói với anh Thái, cần nhanh chóng thu thập tất cả ý kiến về trận A1 của các cán bộ về dự hội nghị, tìm gặp những người địa phương biết về cái hầm được xây dựng từ thời Pháp thuộc này, và chuẩn bị một kế hoạch tiêu diệt nó thật chu đáo.

Buổi tối, căn lán nhỏ rực rỡ dưới ánh đèn măng-xông. Toàn bộ Đảng ủy Mặt trận có mặt để chào mừng những người về từ A1. Văn phòng tổ chức bữa cơm với một số đồ hộp chiến lợi phẩm các đơn vị vừa gửi tặng. Mấy đồng chí cán bộ trung đoàn 174 và 102 đều bỡ ngỡ trước quang cảnh này, vì họ tưởng sẽ bị thi hành kỷ luật do không hoàn thành nhiệm vụ! (…)

Nguyên nhân không tiêu diệt được A1 chủ yếu là do 174 nổ súng chậm nửa giờ, khi pháo địch đã bắt đầu tập trung bắn vào cửa đột phá tiêu hao đáng kể lực lượng ta đang cố lọt vào bên trong (…) Nguyễn Hữu An đã bị phê bình nghiêm khắc. Đây là thất bại đầu tiên trong những trận đánh công kiên của anh. Nhiều năm sau đó, một lần tôi vào thăm Sư đoàn 325 ở Đồng Hới, Nguyễn Hữu An lúc này là sư đoàn trưởng, mới nói:

- Ngày đó anh phê bình oan tôi, vì người chịu trách nhiệm ra lệnh nổ súng là đại đoàn. Khi thấy pháo bắn, tôi gọi điện thoại hỏi đại đoàn thì điện thoại bị đứt dây, liên lạc bằng vô tuyến điện cũng không được, tôi phải chạy tới sở chỉ huy tiền phương hỏi tham mưu trưởng, tham mưu trưởng không biết vì ở đây cũng mất liên lạc với sở chỉ huy cơ bản. Mặc dù không có lệnh đại đoàn, tôi đã chủ động ra lệnh cho anh em bắt đầu tiến công địch.

- Sao ngày đó cậu không nói ngay?

- Giữa lúc đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ, nói ra tôi ngại mọi người hiểu: đã đánh không được lại còn “lý do lý trấu”!

Nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm Chiến thắng Điện Biên Phủ gặp lại Nguyễn Hữu An ở Bảo tàng Quân đội, tôi bắt tay anh, nói:

- Mình công nhận hồi ở Điện Biên Phủ cậu bị phê bình oan!

- Tôi cảm ơn anh đã thông cảm. Việc đó đối với tôi đã qua rồi, nhưng được anh nghĩ tới và cư xử công bằng như vậy tôi hết sức trân trọng.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1029-1036. Nhan đề phần trích tạm đặt.)