Mặc “ngàn ngày bom qua”, cứ “đúng vụ” thì hoa “dậy vàng”, rồi ít lâu trên cây treo vô số viên bi “sữa” bọc trong một thứ “vỏ thẫm vàng nắng pha”. Mùa nhãn chín, ban ngày “em ngồi bên bàn học” nhưng mắt cứ ngước lên tàng cây rậm rạp che gần kín cả bầu trời. Có tiếng ve râm ran làm “trời sao” rung rung và tiếng chim lảnh lót làm xanh thêm khu vườn xanh biếc... Chiều cũng khó tập trung học bài, vì có bầy dơi bay “khua chạng vạng”, sục sạo tìm những viên bi sữa hớ hênh. Ban đêm, lại đến lượt “ông trăng vàng” lấp ló sau màn lá kéo mắt “em” rời khỏi trang vở… “Đêm. Hương nhãn đặc lại”, như sờ được. Có phải như cũng sờ được luôn, cái sự vắng mặt của một người “đang đi xa”! (Thu Tứ)



Trần Đăng Khoa, “Hương nhãn”




Hằng năm mùa nhãn chín
Anh em về thăm nhà
Anh trèo lên thoăn thoắt
Tay với những chùm xa

Năm nay mùa nhãn đến
Anh chưa về thăm nhà
Nhãn nhà ta bom giội
Vẫn dậy vàng sắc hoa

Mấy ngàn ngày bom qua
Nhãn vẫn về đúng vụ
Cùi nhãn vừa vào sữa
Vỏ thẫm vàng nắng pha

Em ngồi bên bàn học
Hương nhãn thơm bay đầy
Ve kêu rung trời sao
Một trời sao ban ngày

Vườn xanh biếc tiếng chim
Dơi chiều khua chạng vạng
Ai dắt ông trăng vàng
Thả chơi trong lùm nhãn

Đêm. Hương nhãn đặc lại
Thơm ngoài sân trong nhà
Mẹ em nằm thao thức
Nhớ anh đang đi xa...


1968