Đào hào để đánh nhau không mới. Xưa kia bên Âu châu, khi tấn công một lâu đài người ta có thể đào hào để giảm tổn thất khi bị bên trong đứng trên cao bắn xuống. Loại hào này điển hình có hình cánh cung ôm lấy mặt trước mục tiêu, thường đào làm mấy đợt, đợt sau vào gần chân lâu đài hơn đợt trước. Cũng bên Âu châu, hồi Thế chiến I, quân hai bên có khi đào hào song song để ghìm giữ nhau, lần lượt khi công khi thủ.

Chiến tranh chiến hào ở Điện Biên Phủ không giống hai loại trên. So với Âu châu xưa, ta đào hào không phải để đánh một kiến trúc thật to mà đánh một trận địa chiến hào khác. So với Thế chiến I, thì tuy đây cũng là hào đối hào nhưng không phải song song mà là hào trục ta ôm tròn lấy toàn thể hào nó rồi xỉa vào một số mũi đâm về phía những cứ điểm ta muốn tiêu diệt; chỉ có ta công nó thủ chứ không có ngược lại.

Tại sao ta không đông quân hơn nó bao nhiêu mà dám mong thắng? Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giải thích, đó là do trong mỗi đợt ta dùng lực lượng lớn để đánh chỉ một số cứ điểm nên có được ưu thế về quân số.

Nhưng quân số áp đảo mới chỉ là một yêu cầu. Để mong thắng, bình thường ra, trước “hậu xung” phải có “tiền pháo” thật dữ dội. Đánh cứ điểm cứng như A1 mà chỉ được chi vỏn vẹn 100 viên pháo! Thôi, thiếu pháo thì bộ đội sẽ bù bằng tinh thần dũng cảm và chiến đấu sáng tạo vậy.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến tranh chiến hào mới”



Từ sau khi mất phân khu bắc, địch hoàn toàn giữ thế phòng ngự. Những trận phản kích chỉ nhằm ngăn cản không cho trận địa chiến hào của ta tiến vào gần. Chúng tập trung vào việc tổ chức lại việc phòng thủ ở phân khu trung tâm, củng cố công sự, bố trí thêm vật cản, làm những đường hào nối liền các trung tâm đề kháng để tránh pháo ta khi cần di chuyển, yêu cầu Hà Nội tăng viện người, vũ khí. Hy vọng của địch vẫn là lợi dụng ưu thế về địa hình và binh lực để đánh bại cuộc tiến công của ta như chúng đã làm được ở Nà Sản.

Địch tăng cường hoạt động của thổ phỉ tại Sơn La để phá hoại hậu phương chiến dịch của ta. Trung tuần tháng Ba, Bộ Tổng tham mưu phải điều trung đoàn 9 từ Phú Thọ lên Sơn La và đưa trung đoàn 176 tách khỏi đội hình chiến dịch lên Lai Châu tiễu phỉ. Ta diệt và bắt sống 700 tên, thu nhiều súng đạn.

Địch vẫn cố bảo vệ sân bay Mường Thanh bằng mọi giá. Đường băng bị đại bác phá hỏng lập tức được chữa lại. Việc hạ cánh ban ngày không còn thực hiện được. Ban đêm thì hệ thống chiếu sáng đã bị pháo ta bắn hỏng, máy bay chúng đáp xuống theo dấu hiệu duy nhất là những ngọn đèn dầu đặt ở đầu đường băng. Chúng cần vận chuyển cho lực lượng đồn trú những thứ tối cần thiết không thể thả bằng dù, và di tản thương binh ngày một đông. Do chiến hào của ta đã vào gần, đặc biệt là sự tiếp cận của súng máy phòng không, những cuộc hạ cánh ban đêm trở nên hết sức khó khăn.

Pháo cao xạ của ta đã trở thành nỗi kinh hoàng của phi công địch. Các loại máy bay oanh tạc, vận tải, kể cả những pháo đài bay của Mỹ, liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ. Béc-na Phôn gọi đó là “cuộc tàn sát những máy bay” (le massacre de avions) (...)

Nếu như thời gian xây dựng trận địa đợt 1 kéo dài hơn một tháng, thì đợt 2 ngắn hơn nhiều. Chỉ sau mười ngày lao động gian khổ và chiến đấu dũng cảm, trận địa bao vây và tiến công của ta đã cơ bản hoàn thành. Trên một trăm ki-lô-mét đường hào với hàng vạn hầm hố bao kín khu trung tâm của địch. Cả sân bay lẫn sở chỉ huy của Đờ Cát đã nằm trong tầm súng cối của bộ binh ta.

Ta chính thức chấp nhận sự thách thức từ lâu của kẻ thù, chấp nhận một trận đánh “mặt đối mặt” (...)

Có những người đã viết về chiến tranh chiến hào rằng nó thường xuất hiện khi lực lượng đôi bên không chênh lệch, không thể tiêu diệt nhau (...) Trường hợp của chúng ta không giống như vậy.

Các nhà lý luận quân sự thường cho rằng kẻ mạnh bao giờ cũng chọn cách tấn công, cũng như kẻ yếu bao giờ cũng chọn cách phòng ngự. Ở đây, Pháp là kẻ mạnh, chúng là quân đội nhà nghề, có trong tay mọi thứ vũ khí hiện đại (...) nhưng chúng lại chọn cách phòng ngự! Không phải kẻ địch mù quáng. Chúng biết ngay cả với những ưu thế hiện nay chưa thể thắng ta trên chiến trường rừng núi (...) Còn chúng ta là kẻ yếu (...) nhưng lại chọn cách tiến công! (...)

Cùng là những đường hào, những ụ súng, hầm hố, nhưng trận địa ta và địch có những tính chất hoàn toàn khác biệt. Trận địa địch mang tính phòng ngự tuyệt đối. Còn trận địa ta mang tính tiến công. Một bên hoàn toàn cố định, một bên có tính cơ động, không ngừng phát triển. Nó không chỉ là (...) nơi ẩn náu của bộ đội (mà còn giúp ta) tiếp cận dễ dàng các cứ điểm địch, tung ra những đòn tiến công bất ngờ, đối phó hữu hiệu với những cuộc phản kích, rút lui an toàn khi cần kết thúc trận đánh, giúp cán bộ, chiến sĩ có những sáng tạo bất ngờ trong quá trình chiến đấu.

Người ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa trận địa ta và trận địa địch trên chiến trường.

Trận địa địch là những đường hào, hầm hố đỏ quạch, bố trí rất tập trung, khép kín, nằm chết cứng giữa rừng dây thép gai màu chì và vô số bãi mìn (...) Trận địa ta là một đường hào trục chạy dài ngút tầm mắt bao quanh trận địa địch, không có vật cản, thuần một màu đất đỏ tươi, bên trong có nhiều nhánh vươn về phía trận địa địch, trong quá trình phát triển tự chúng lại mọc thêm những nhánh phụ. Đường hào khổng lồ, nẩy nhánh nhanh chóng này, chính là cái sẽ quyết định số phận của con nhím thép Điện Biên Phủ (...)

Nghiên cứu cách bố trí của phân khu trung tâm, chúng ta thấy rõ trận Điện Biên Phủ sẽ được quyết định trên những điểm cao ở phía đông, bên tả ngạn sông Nậm Rốm.

Tại đây nổi lên một dãy đồi chạy từ bắc xuống nam (...) Địch đã tận dụng lợi thế của dãy đồi, tổ chức thành một khu vực phòng ngự then chốt với hai trung tâm đề kháng mạnh là Đô-mi-ních và Ê-li-an. Mỗi trung tâm gồm nhiều cứ điểm. Những cứ điểm này một phần nằm trên những quả đồi, một phần nằm dưới cánh đồng bên bờ sông. Nhưng quan trọng hơn cả là những điểm cao. Nếu những điểm cao này bị ta chiếm thì những cứ điểm phía dưới không thể tồn tại và toàn bộ các cứ điểm trên cánh đồng bên kia sông Nậm Rốm cũng sẽ bị đe dọa bởi hỏa lực bắn thẳng của ta, đặc biệt là pháo binh.

Chủ trương của Đảng ủy Mặt trận là tập trung đánh chiếm đồng thời các điểm cao phía đông. Trong số này, có 5 điểm cao quan trọng. Đó là hai điểm cao E, D1 thuộc trung tâm đề kháng Đô-mi-ních, và ba điểm cao C1, C2, A1 thuộc trung tâm đề kháng Ê-li-an. E (Đô-mi-ních 1) và D1 (Đô-mi-ních 2) nằm hai bên đường 41, cao nhất ở phía bắc (khoảng 70 mét so với mặt đất), trực tiếp kiểm soát sân bay và hai trận địa pháo 105 ở dưới chân đồi. A1 (Ê-li-an 2) ở đầu cùng phía nam, thấp hơn (khoảng 40 mét), nhưng lại đặc biệt quan trọng vì rất gần sở chỉ huy của Đờ Cát. C1 (Ê-li-an 1) và C2 (Ê-li-an 4) tiếp giáp với A1 về phía bắc, là hai đồi nhỏ thấp, nhưng cũng ở gần trung tâm tập đoàn cứ điểm (...)

Qua những mũi chiến hào, địch đã thấy rõ đợt tiến công mới của ta sẽ nhắm vào dãy đồi phía đông. Sáng ngày 30 tháng 3, Lăng-gơ-le tới trực tiếp kiểm tra sự bố phòng ở khu đông (...)

Để tạo điều kiện cho các đơn vị tiến công các điểm cao, ta chủ trương dùng một số mũi thọc sâu vào khu đông tập đoàn cứ điểm, đánh trận địa pháo và những đơn vị cơ động nằm bên tả ngạn sông Nậm Rốm, đặt quân địch trên các điểm cao vào thế bị uy hiếp cả trước mặt lẫn sau lưng.

Ta dự kiến đợt tiến công thứ hai có tính quyết định đối với chiến dịch.

Ngày 27 tháng 3, các cán bộ từ trung đoàn trở lên đến sở chỉ huy Mường Phăng nhận nhiệm vụ tác chiến đợt 2.

Nhiệm cụ cụ thể trao cho từng đơn vị như sau:

- Đại đoàn 312, được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội súng cối 120, một đại đội súng cối 82, có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao E, D1, D2 (Đô-mi-ních 3) thuộc trung tâm đề kháng Đô-mi-ních, và dùng một đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí pháo binh địch ở điểm cao 210 (Đô-mi-ních 6) và tiểu đoàn dù 5 hoặc tiểu đoàn dù 6 cơ động ở khu vực này.

- Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội súng cối 120, có nhiệm vụ tiêu diệt ba điểm cao A1, C1, C2 thuộc trung tâm đề kháng Ê-li-an, và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động.

- Đại đoàn 308 có nhiệm vụ dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở tây Mường Thanh, dùng bộ đội nhỏ tích cực dương công các cứ điểm 106 (Huy-ghét 7) và 311 (Phơ-răng-xoa cũng nằm trong cụm Huy-ghét) ở phía tây, cử một tiểu đoàn tham gia bộ phận thọc sâu vào tung thâm khu đông, tiêu diệt tiểu đoàn ngụy Thái số 2, trận địa pháo binh, phối hợp với trung đoàn 98 của 316 tiêu diệt lực lượng dù cơ động.

- Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304, được phối thuộc tiểu đoàn 888 của Đại đoàn 316, một đại đội lựu pháo 105, một đại đội súng cối 120, 18 khẩu trọng liên cao xạ 12,7 ly, có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, và đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía nam Hồng Cúm.

- Đại đoàn 351 yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm A1, D1, C1, E (và) sát thương lực lượng cơ động địch khi ta tung thâm ở phia đông Mường Thanh. Trung đoàn cao pháo 367 yểm hộ cho bộ binh và pháo binh (...)

Đây là trận công kiên có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Khi mở đầu chiến dịch ta mới chỉ đánh từng trung tâm đề kháng, từng tiểu đoàn đóng riêng lẻ, lần này ta đánh vào một khu vực gồm nhiều trung tâm đề kháng với nhiều tiểu đoàn.

Hội nghị trao nhiệm vụ diễn ra trong không khí hào hứng.

Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn, các trung đoàn trưởng Hoàng Cầm, Quang Tuyến, Lê Thùy (...) báo cáo kế hoạch đánh hai cao điểm D và E với tin tưởng sẽ làm tròn nhiệm vụ. Đồng chí Lê Trọng Tấn hơi băn khoăn cho các đơn vị phụ trách thọc sâu.

Trước cuộc họp, Đại đoàn trưởng 316 Lê Quảng Ba nói riêng với tôi: “Trung đoàn trưởng 98 Vũ Lăng đề nghị được đánh A1, nhưng Đại đoàn phải trao cho Nguyễn Hữu An, vì trung đoàn 174 là đơn vị chủ công”. A1 được đánh giá là vị trí quan trọng nhất trong đợt tiến công này (...) Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An (...) trình bày phương án đánh A1, trả lời mọi câu hỏi một cách rõ ràng (...) Cuối cùng, tôi hỏi:

- Đồng chí có gì đề nghị với Bộ chỉ huy chiến dịch không?

- A1 là vị trí rất cứng mà trên chi viện có 100 viên đạn pháo 105, như vậy ít quá.

Tôi nói vui:

- Được, cho cậu thêm 5 viên nữa!

Mọi người cười ồ. Đạn pháo 105 đã thành vấn đề nan giải. Ta đang tính cách chuyển một số đạn chiến lợi phẩm từ mặt trận Trung Lào ra, nhưng đường quá xa, và cũng không được bao nhiêu.

Tôi muốn gặp các đồng chí chỉ huy trước lúc ra về. Anh em lần lượt tới căn lán nhỏ nơi tôi làm việc.

Nguyễn Hữu An và Vũ Lăng cùng bước vào. Vũ Lăng (...) từ trung đoàn Thủ Đô của 308 mới chuyển sang 316. Cả hai đều đã chỉ huy nhiều trận công kiên, có những trận thành công xuất sắc (...)

Tôi lại hỏi:

- Các đồng chí có tin tưởng không?

Vũ Lăng nhanh nhảu:

- Báo cáo anh, tin tưởng nhất định làm được.

- Đánh C1 trong bao lâu?

- Xin anh 45 phút.

- Có thể để hẳn cho đồng chí một tiếng.

Tôi quay sang Nguyễn Hữu An:

- Còn A1? Đồng chí cần bao nhiêu thời gian?

Mức thời gian Vũ Lăng đặt cho đơn vị mình làm cho Nguyễn Hữu An hơi lúng túng.

- A1 khó hơn, hai tiếng, đồng chí làm được không?

Nguyễn Hữu An vui vẻ đáp:

- Báo cáo: Làm được.

Tôi nói thêm về tính chất quan trọng của A1, nhắc đơn vị chú ý hoàn thành việc xây dựng trận địa xuất phát xung phong cho tốt, và làm kế hoạch phối hợp thật chu đáo.

Tôi lại nói với Vũ Lăng:

- C1 cũng rất quan trọng (...) Đồng chí còn điều gì băn khoăn không?

Vũ Lăng đỏ mặt rồi nói:

- Kể ra, Bộ cho được “tí pháo” thì tốt.

Theo kế hoạch, đơn vị tiến công C1 không có pháo yểm hộ.

Tôi cười vỗ vai Vũ Lăng:

- Đơn vị cậu sẽ có hai khẩu 75 đi cùng, và 30 phát pháo 105 yểm hộ.

Vũ Lăng vui sướng:

- Thế thì xin cam đoan giữ đúng lời hứa với anh.

Sau đó, cơ quan tham mưu thông báo với Vũ Lăng, ngoài pháo 75, Bộ sẽ phối thuộc thêm cho 98 cả một số súng cối 120 ly.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1016-1025. Nhan đề phần trích tạm đặt.)