“Chính Hữu - “Tôi thấy tên anh...””




Nội dung chủ yếu của thơ Chính Hữu là kháng chiến. Thơ kháng chiến của Chính Hữu điển hình tập trung vào hình ảnh người bộ đội. Không phải chỉ bộ đội đang hành quân hay chiến đấu, mà cả thương binh và liệt sĩ. Thơ về bộ đội, chẳng có ai làm hay hơn ông.

Thơ Chính Hữu về bộ đội đánh Pháp khác thơ ông về bộ đội đánh Mỹ. Nó chứa những cảm xúc gần gụi, da diết hơn, bởi vì vào thời đánh Pháp ông đã ở ngay giữa những người cầm súng ra trận. Chính Hữu có mặt trong trung đoàn Thủ Đô, rồi lên Việt Bắc tiếp tục tham gia kháng chiến, làm chính trị viên đại đội, đến chiến dịch Điện Biên Phủ thì làm chính trị viên tiểu đoàn trong Đại đoàn Quân Tiên Phong. Ông đã có điều kiện để biết bộ đội ta đến nơi đến chốn, chia sẻ với họ những giờ phút ác liệt nhất!

Sau chiến thắng lịch sử, Chính Hữu chuyển công tác, không có dịp gần chiến sĩ ở tiền tuyến như trước nữa, nhưng ông vẫn hướng về họ với những cảm xúc nẩy sinh bây giờ nặng tính khái quát hơn. Trông thật gần, rồi lại trông từ xa xa, cái nhìn người bộ đội của ông như thế nó được cả chiều sâu lẫn chiều rộng!

Chính Hữu sáng tác tương đối ít, bình quân chưa tới một bài mỗi năm trong 30 năm kháng chiến. Nhưng trong số thi phẩm ông để lại, có nhiều bài vô cùng đáng nhớ.

Ngày về

“Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu / Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội / * / Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa / Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng... / * / Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng / Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm / Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm / Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa / * / Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly / Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp / Mịt mù khói ngợp / Cờ máu huy hoàng / Phất nắng / Ôi bài chiến thắng reo vang”.

“Đoàn người” (có “tôi”) “ra đi” đêm 17-2-1947. “Đất trời bốc lửa” vì ta cố ý gây nhiều đám cháy để đánh lạc hướng địch.

“Đêm nay mơ (và làm thơ)” vẫn là trong năm 1947! Còn rất lâu mới tới buổi sáng lịch sử tháng Mười khi “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” (“Tiến về Hà Nội”, Văn Cao)...

“Giày vạn dặm”, “áo hào hoa”, phải thay bằng dép lốp và áo trấn thủ khá nhiều lượt, thì mới đến được cái ngày “bài chiến thắng reo vang” khắp Thủ đô thân yêu.

Đồng chí

“Quê hương anh nước mặn đồng chua / Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá / Anh với tôi đôi người xa lạ / Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau / Súng bên súng, đầu sát bên đầu / Ðêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ / Ðồng chí! / Ruộng nương anh gửi bạn thân cày / Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay / Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính / Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi / Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay / * / Ðêm nay rừng hoang sương muối / Ðứng cạnh bên nhau chờ giặc tới / Ðầu súng trăng treo”.

Trong một nghìn năm qua, đã biết bao lần người nông dân Việt Nam bỏ ruộng nương đi đánh giặc. Liều chết đánh giặc, chịu đựng muôn vàn đánh giặc, để mọi người nông dân Việt Nam sẽ được yên ổn ruộng nương. Anh thừa biết mình có thể không về, nhưng anh cứ vui vẻ ra đi.

Mùa mới, những cây lúa mới lớn lên chính từ giọt máu của những người cày mùa cũ không bao giờ trở lại.

Đêm nay “trăng treo đầu súng” trong rừng hoang cho nhất định trở lại vô số đêm trăng treo đầu chày giã lúa vang rộn khắp thôn xóm thanh bình…

Đêm Hà Nội 1950

“Đêm Hà Nội buốt tê / Phố dài nghe sấu rụng / Nhìn ra cửa ô, bóng những con đê / (...) / Ai về đó? / (...)”. Trung đoàn Thủ Đô rút, giặc không hay biết. “Những người con trai con gái / Hôm qua ra đi, hôm nay trở lại”, giặc cũng không hay biết.

“Hôm qua”, “hôm nay”, ta “đi trong từng ngõ tối”, để có một ngày mai “cờ (...) tung bay trên phố (...) năm cửa ô đón mừng đoàn quân” (“Tiến về Hà Nội”).

Khúc khải hoàn ca nổi tiếng của Văn Cao cũng làm trong năm 1950. Bầu trời chiến tranh thực ra hãy còn tối lắm, nhưng trong những lòng thiết tha tin tưởng, ánh sáng của vinh quang đã chói lọi tưng bừng!

Thư nhà

“Một lá thư nhà / hôm nay ta đọc / Trong chiến hào chuẩn bị tiến công / Ta mới hiểu thêm / từng chữ, từng dòng / Chưa bao giờ hiểu hết / Ta mới biết / Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông / Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết / * / Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng / Hai vai khó nhọc / Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét / Như gồng như gánh dân công / Ánh mực lập lòe đường xa lửa đuốc / Lặn lội đi theo cả nước / Lên đây đánh giặc cùng ta / Đêm nay ở đâu? / lưng đèo? / cuối dốc? / * / Một lá thư nhà / Chia đôi nhiệm vụ / Hai người đoàn tụ / Hai đầu chiến công”.

Dòng chữ như chính dòng người! (mực khô lâu rồi, nhưng “ta” vẫn thấy được “ánh lập lòe” khi mới viết). Người gửi thư “đêm nay ở đâu”?

“Hàng vạn đồng bào, đủ các dân tộc, từ những bản làng heo hút trong rừng sâu, trên núi cao, từ vùng địch hậu trung du lên, người nối người với những bó đuốc tạo thành những con rồng lửa trong đêm sương giá, trườn qua những vùng núi đá tai mèo tải đạn, tải gạo cho bộ đội” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ).

Người đang lập lòe trên thân một con rồng lửa đó! Anh chiến sĩ, em dân công, vợ chồng ta tha hồ được Tổ quốc ghi công!

Lá ngụy trang

“Mười năm đi mải miết / Mang quê mình xanh biếc trên lưng / Khi ta hành quân đã khuất / Lá ngụy trang còn đọng tiếng chim rừng / Tha thiết / * / Cây mọc trăm miền gửi lá theo ta / (…) / Nghe núi nghe sông trong cành lá hát”.

Người chiến sĩ Việt Nam đi từ quê xanh vào rừng xanh. Đi đánh giặc nhưng không xa cây, mà lại còn gần cây hơn cả khi ở nhà. Ngày đêm ở giữa cành lá, giắt luôn cành lá vào người mà đi thành vô số sông xanh, suối xanh chưa từng bao giờ chảy trên núi non quê hương…

Bài thơ này là về thời đánh Pháp. Sang thời đánh Mỹ, những sông suối mới mẻ lại càng nhiều hơn, to hơn, dài hơn, ngang dọc suốt dãy Trường Sơn. Bây giờ “chảy” không phải chỉ là người nữa, mà dần dần còn là đủ loại xe, rút cuộc có cả xe tăng. Dĩ nhiên giặc đâu chịu để yên. Nhưng nhiều vô kể những cơn mưa bom đạn hóa chất trút xuống đã không thể chặn được những dòng chảy vô cùng mãnh liệt của lòng người Việt Nam yêu nước.

Giá từng thước đất

“Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội / Ta mới hiểu thế nào là đồng đội / Ðồng đội ta / là hớp nước uống chung / nắm cơm bẻ nửa / Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa / Chia khắp anh em một mẩu tin nhà / Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp / Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết / * / Bạn ta đó / ngã trên dây thép ba tầng / Một bàn tay chưa rời báng súng / Chân lưng chừng nửa bước xung phong / Ôi những con người mỗi khi nằm xuống / Vẫn nằm trong tư thế tiến công! / Bên trái: Lò Văn Sự / Bên phải: Nguyễn Ðình Ba / Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự / Có phải các anh vẫn còn đủ cả / Trong đội hình đại đội chúng ta? / * / Khi bạn ta / lấy thân mình / đo bước / chiến hào đi / Ta mới hiểu / giá từng thước đất / Các anh ở đây / Trận địa là đây / Trận địa sẽ không lùi nửa thước / Không bao giờ, không bao giờ để mất / Mảnh đất / Các anh nằm”.

Khi chiến dịch mở màn, Con Nhím điếng hồn khi nghe “tiếng hát vang trời của các giàn đại bác”, và khi đã hơi quen với pháo ta “hát” thì nó lại chết lặng một lần nữa khi nghe được “im lìm của tiếng cuốc chim” (thơ Chế Lan Viên). Hàng vạn chiếc cuốc giơ lên có ý nghĩa đe dọa của lưỡi hái Tử Thần đối với nó!

Con Nhím lồng lộn, huy động hỏa lực tối đa, bắt ta phải trả “giá từng thước đất”. Càng lồng, càng chắc chết, mày ơi! Bởi mỗi chiến sĩ nằm xuống lại làm quyết tâm của bao nhiêu đồng đội cao lên hơn nữa, thúc đẩy tất cả nghiến răng đưa “chiến hào đi” như mũi gươm đâm thẳng vào tim kẻ thù.

Duyệt binh

“Ðồng chí thương binh / trên đôi nạng gỗ / xem mười lăm năm lịch sử / đang xếp thành đội ngũ / đi đều / * / Ðồng chí thương binh / tưởng nghe tiếng bước chân mình / tiếng bước của bàn chân đã mất / * / Bàn chân / mười năm / hành quân! / Thăm thẳm Chiềng Lề, Khâu Vác, Pha Ðin... / Ðâu quê hương là bàn chân bước đến / * / Có gặp những con người / đã để lại một phần thân thể / gửi làm hoa lá cỏ cây / trên mảnh đất này / mới hiểu được tâm hồn tiếng trống hôm nay / mới hiểu được / vì sao những lá cờ bay / theo nhịp bước / vì sao những chân đi làm rơi nước mắt / * / Với những anh hùng hôm qua chân đất / Cả nước hành quân theo xe đại bác / * / Ðồng chí thương binh / tưởng nghe tiếng bước chân mình / tiếng bước của bàn chân đã mất / * / Trong tiếng nhạc / Này nghe: Mười lăm năm hùng vĩ tiến trên đường / Gió núi mưa ngàn những đêm hành quân”.

Giặc có ca-mi-ông, Đa-kô-ta / Thì ta có chân ta! / Những chân vì nước cứng hơn sắt thép / Hiên ngang giẫm bẹp đồn trại quân thù / * / Mất chân mình ư? / Thì anh vẫn đứng được, diễu hành được / Bằng chân của bao nhiêu đồng đội đang đều bước / Muôn năm những chân vì nước / của người chiến sĩ Việt Nam!

Vô danh

“Một sườn núi xanh / Một nấm mồ nằm trong bát ngát / Tôi muốn biết tên anh / Người chiến sĩ vô danh / Ðã làm nên tổ quốc / * / Muốn tìm tên anh thì hỏi / Đỉnh núi Khâu Luông đêm đêm gió thổi / Hỏi con đường truy kích năm xưa / Hun hút rừng Lào đi giữa nắng mưa / * / Hỏi con sông, con sông sẽ biết / Tên những người bôn tập qua đây / * / Hỏi từng viên đá gốc cây / Ðã trông thấy quân thù tan tác / Hỏi mảnh đất này, khi anh dừng bước / Trên sườn núi khuất vô danh / Xanh như Tổ quốc / * / Ôi tên anh không bao giờ mất! / Tôi thấy tên anh / Trong màu cỏ mùa xuân đã mọc / Một ngôi sao xa long lanh nước mắt / Một nụ cười em nhỏ mới sinh / Trong hạnh phúc / Những con người anh không biết mặt / Trong tên làng tên xóm mông mênh / Tôi thấy tên anh trong tên đất nước / Cuộc sống bây giờ chính là khúc hát / Tên anh / Anh đứng dậy, như ngày xưa đứng gác / Hùng vĩ, tự hào, nghe gọi điểm danh”.

“Anh” cụ thể lắm, chính là “Quân Tiên Phong” trong chiến dịch Biên Giới cuối năm 1950 và trong cuộc hành quân qua tận sát Luông Pha Băng đầu năm 1954. “Tôi” đã cùng đi với, làm sao quên “anh” được.

Một “tôi” khác nhớ một “anh” khác, có lẽ đâu đó ở Việt Bắc: “Máu thấm đầy manh áo cũ / Nửa đường anh ngã xuống đây / Để anh trên sườn núi vắng / Không biết có bao giờ trở lại” (Nguyễn Đình Thi, “Người tử sĩ”).

Những người “vô danh” ngã xuống để cho Tổ quốc đứng lên, tên họ ghi khắp nơi trên đất nước này.

Một nửa

(Gặp một chiến sĩ Giải phóng quân) Gặp anh trên đường đi chiến đấu / Tôi ôm anh / Như ôm nửa thân tôi đẫm máu / Thấy thịt da anh đau xót thịt da mình / * / Áo anh nhuộm bụi đường nào trong ấy / Xanh gió Tuy Hòa hay bạc nắng Phan Rang? / Ấm áp những đường may, có phải / Bàn tay nhớ thương mẹ già ta đấy? / Tôi nghe trong hơi thở mặn nồng / Những suối, những sông, những cánh rừng anh đã thấy / Phải tiếng trống xóm làng ta đứng dậy / Vẫn rền trong giọng nói của anh không? / Cuộc đời anh, cho tôi chia một nửa / Nửa giọt mồ hôi vạt áo còn đầm / Nửa dãy Trường Sơn thác ghềnh vất vả / Nửa nắm cơm hạt muối nhọc nhằn / Một nửa trận nắng / Một nửa cơn mưa / Ta chia nhau / như những ngày kháng chiến năm xưa / Nửa đêm miền Nam hai mươi năm không ngủ / Nửa ngày miền Nam đỏ cờ đỏ lửa / Một nửa trận đánh, một nửa vết thương / (...) / Mảnh đất xanh biếc tâm hồn anh Trỗi, anh Đang / Bụi lúa gốc cây điệp trùng kêu gọi / Kiêu hãnh bao nhiêu nếu trên đất ấy / Có bước chân mình trong những bước hành quân”.

Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám, khi tiếp đón đoàn Đại biểu Quốc hội Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động nói: “Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi. Nam bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Nam bộ bắt đầu kháng chiến chống giặc Pháp tái xâm lược. Từ Đài Tiếng nói Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội, lời Hồ Chủ tịch truyền đi: “... Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ”. Ngay lập tức, “Thanh niên nô nức tòng quân để được vào Nam chiến đấu (...) Biển người đưa tiễn tràn ngập các sân ga. Đồng bào miền Bắc, miền Trung cống hiến những giọt máu của mình cho miền Nam, gửi gắm vào những người con ra đi nghĩa tình ruột thịt. Cuộc Nam tiến vì miền Nam của cả dân tộc đã bắt đầu” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký Những năm tháng không thể nào quên).

“Miền Nam đi trước về sau”. Nhưng bất cứ lúc nào miền Nam cũng có sự ủng hộ vô giới hạn của phần còn lại của Tổ quốc. Về những chiến sĩ Giải phóng quân, cũng năm Chính Hữu viết bài thơ này (1965), một nhà văn có mặt ở tiền tuyến ngay bên cạnh họ đã ghi: “(Họ) chiến đấu anh dũng lạ thường. Cả nước ta, cả thế giới đều biết rõ điều đó. Khi nhìn (…) các đồng chí, tôi thấy lòng tự hào vô hạn” (Lê Vĩnh Hòa, “Trông ra tiền tuyến”).

Đường ra mặt trận

“Những buổi vui sao, cả nước lên đường / Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục / (...) / Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp / Chào nhau không kịp nhớ mặt / Dô hò nón vẫy theo / Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát / * / Chào những ngôi trường ngói đỏ bình yên / Lấp lánh cánh đồng đang gặt đang hái / Xuôi ngược công trường những bánh xe reo / Ngọn khói con tàu như tay vẫy gọi / * / Đất nước mình đây / Hai mươi năm / mưa, nắng, đêm, ngày / Hành quân không mỏi / Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội / Của những người đi, vô tận, hôm nay / * / Yểm hộ miền Nam / Thình thình đại bác / Nhịp những bước chân / Cả nước / lên đường”.

“Cả nước lên đường” năm 1965. Nếu Mỹ không nhảy vào cứu ngụy quyền thì “những người đi, vô tận, hôm nay” chắc chắn chẳng bao lâu đã trở về...

Đằng này, phải sau không biết bao nhiêu lượt “bờ tre xao xuyến” nữa, mới đến ngày khải hoàn.

Dù không phải đánh Mỹ, dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình cũng đã lập được thành tích chống ngoại xâm có một không hai.

Thêm thắng Mỹ, ta cao chót vót!

Trận địa Hà Nội

“Hà Nội / một góc vườn hoa / Đơn vị chúng ta / Đến xây trận địa / Tạm xếp sang bên những hàng ghế đá / * / Hôm nay / Hà Nội lại đi vào khói lửa / * / Trận địa ta xây / Trên những công trình dang dở / Ta đi - gian khổ mười năm / Thương quê hương cỗi cằn tàn phá / Về Hà Nội / vất vả mười năm / Ta mới trồng xong chút màu hoa lá / Trận địa của ta / Là một ngôi trường mới mở / Những ánh mắt ngời ngời hai hàng cửa sổ / Trận địa của ta là sân / Một vườn trẻ bây giờ bỏ vắng / Súng ta kê / bên nôi nhỏ / các em nằm / Từ trận địa / ta bắn chúng / Súng của ta tính tầm tính hướng / Tính theo góc độ của lòng căm / Đạn ta tính / theo từng giọt mồ hôi / ta đổ xuống / Tưới đất này vất vả mười năm / Những ngôi nhà này không hề biết sợ / Mái này tường này / Quen nhìn gạch đổ / Những con người này quen súng cầm tay / Quen mở chiến hào ngay trên đường phố / Dù phải mười năm, hai mươi năm / Đất nước này quen một mất một còn”.

Thăng Long - Hà Nội có lạ gì khói lửa. Nhưng thành một “trận địa” với sự tham gia của cả cư dân chứ không phải chỉ quân đội thì mới xảy ra có hai lần, đều trong cuộc Trường kỳ Kháng chiến chống giặc từ phương Tây.

Lần thứ nhất mở màn cuộc kháng chiến, kéo dài hai tháng. Lần thứ hai kéo dài hơn sáu năm, cao điểm là trận “Điện Biên Phủ trên không” mà kết quả giúp ta chẳng bao lâu đạt toàn thắng, thống nhất xứ sở.

Đọc thơ Chính Hữu, không khỏi nhớ văn Nguyễn Huy Tưởng: “Khắp bốn bề, những tiếng đục tường thông nhà nọ sang nhà kia nổi lên (...) râm ran, vội vã (...) chốc chốc trộn vào tiếng kê lại bàn ghế, tủ giường (...) Âm thanh của khẩn trương chuẩn bị (...) Hà Nội đang tự hủy mình để chặn giặc (...) Hồ Gươm (…) Các phố phía trước như sát lại, những phố đằng sau như bôn tới, âm ỉ, quyết liệt, sẵn sàng”.

Trông “trận địa Hà Nội” 1966, nhớ những ngày cuối 46 đầu 47 quá phải không, người chiến sĩ trung đoàn Thủ Đô năm xưa ơi.



Thu Tứ
Tháng 11-2017