Cậu bé quê một hôm hình như đi thăm người anh, ra đến tận bờ bể. Ờ, cái “bãi đây” không biết có phải năm xửa xưa nào đã cháy rất dữ dội mà nên tên thế không nhỉ? Dù sao, trong non chục năm qua, nó đã bao nhiêu lần ngùn ngụt bởi bom đạn “giặc trời”. Mới năm ngoái thôi, màu đỏ và màu đen xấu xí (của lửa và khói) còn nhiều lần tô đè lên bức tranh biển đảo thần tiên Hạ Long. “Phong ba” nhân tạo qua rồi. Gió bây giờ hiền hòa, chỉ “động hàng dừa”. Sóng bây giờ cũng hiền, chỉ “vỗ thuyền nghiêng”. Giữa xanh trời xanh biển xanh dừa xanh thông chứa chan hy vọng, có chen vào “tím hoa sim” như một bâng khuâng… Ở bãi bể thanh bình, nên làm gì nhỉ? Kìa một “con còng gió (đang) lặn vào cát”, cậu bé thì đang theo “sóng lẫn vào Trong Xanh”... “Thông non nối đất liền trời”, còn cái tâm hồn non (mà không nớt) kia dường như nối một thời bão tố liền với một thời gió lặn sóng êm. (“Bãi Cháy” có chỗ giống “Cầu Cầm” là đều làm trong cái năm sau khi địch ngưng đánh bom Miền Bắc. Nhưng “hương thanh bình” ở Cầu Cầm năm 1969 là tạm, trong khi ở Bãi Cháy từ 1973 kẻ địch ấy không bao giờ trở lại.) (Thu Tứ)



Trần Đăng Khoa, “Bãi Cháy”




Bãi đây, chẳng ngọn lửa nào
Bóng con còng gió lặn vào cát trưa
Mặn nồng vị muối ngàn xưa
Rào rào gió động hàng dừa. Nước lên
Long bong sóng vỗ thuyền nghiêng
Sắc trời, sắc biển xanh trên ngọn sào

Bãi đây, chẳng ngọn lửa nào
Đảo giương tím cánh buồm chào đón ta
Bom thù giội mấy mùa qua
Lửa bom đã tắt. Tím hoa sim rồi
Thông non nối đất liền trời
Tiếng ai thấp thoáng, nói cười xôn xao...

Bãi đây chẳng ngọn lửa nào
Chỉ ta với sóng lẫn vào Trong Xanh...


1973