Thế là giải quyết xong ba trung tâm đề kháng án ngữ phía bắc: Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo. Ta đánh hai mà được ba và trong chỉ có năm ngày!

“Cánh cửa phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang”. Nhưng vào nhà không hề là chuyện dễ dàng!

“Cửa” tuy bố trí phòng ngự cực kỳ vững chắc nhưng nằm xa trung tâm nên mức yểm trợ chưa tối ưu, ta có thể phá nhanh chóng, chứ “nhà” thì khó phá hơn nhiều: “Phía trước chúng ta lúc này là khu trung tâm của địch (...) hơn một vạn quân (...) ken chặt với nhau (...) chiếm tất cả những điểm cao quan trọng (...) trận địa hầm hào vững chắc (...) lại là địa hình (...) có thể phát huy tối đa ưu thế về không quân, chiến xa, pháo binh, kết hợp với những đợt phản kích của lực lượng cơ động thiện chiến”.

Đây là lúc thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Cửa phía bắc đã tan hoang, Hồng Cúm ở phía nam thì tương đối xa, dễ bị cách ly với khu trung tâm, Con Nhím bây giờ tròn gọn, rất tiện cho ta vây kín, siết vòng, “bóc vỏ”, bắn tiêu hao quấy rối bằng đủ loại súng và uy hiếp tối đa con đường tiếp tế duy nhất của nó là đường không. Sợi dây dùng để vây siết Nhím sẽ là một trận địa chiến hào vô cùng độc đáo.

Để ý mới đánh có hai trận mà địch đã bắn tới hơn 15.000 viên đạn đại bác 105 và 155 ly, trong khi tổng số đạn 105 dành cho cả chiến dịch của ta là chỉ khoảng 20.000 viên (tr. 1067)!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tình hình & kế hoạch sau đợt 1”



Phía bắc tập đoàn cứ điểm lúc này chỉ còn lại trung tâm đề kháng An-nơ Ma-ri. Trung tâm này gồm bốn cứ điểm. An-nơ Ma-ri 1 và An-nơ Ma-ri 2 nằm ở vòng ngoài, trên hai mỏm của đèo Bản Kéo. An-nơ Ma-ri 3 và 4 nằm ở đầu bắc sân bay ngay trên mặt ruộng, liền kề với phân khu trung tâm. Mấy ngày sau đó (tức là sau trận đồi Độc Lập), An-nơ Ma-ri 3 và 4 được sáp nhập vào phân khu trung tâm, trở thành Huy-ghét 6 và Huy-ghét 7 (...)

Trong trận sắp tới ta chủ trương tiêu diệt An-nơ Ma-ri 1 và 2. Vì hai vị trí này ở gần phân khu trung tâm nên khi bị tiến công sẽ được yểm trợ hỏa lực từ nhiều phía, và xe tăng cùng đơn vị phản kích có thể đến dễ dàng. Nhưng những người lính Thái đồn trú đã chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của hai trung tâm đề kháng mạnh nhất do những đơn vị Âu Phi sừng sỏ bảo vệ. Họ đã thấy tận mắt binh lính dù đi cứu viện bị đánh tơi tả, thấy những chiếc xe tăng dính đầy máu từ đồi Độc Lập chạy về Mường Thanh dưới những làn đạn đại bác bắn đuổi. Trung đoàn 36 được phân công tiêu diệt Bản Kéo nhận thấy có khả năng giải quyết không cần tới một trận đánh.

Trưa ngày 15, viên đại úy Pháp (...) chỉ huy (...) đồi Bản Kéo nhận được một lá thư (...) hẹn 7 giờ sáng hôm sau (...) những thương binh của tiểu đoàn 5 An-giê-ri (giữ đồi Độc Lập) sẽ được trao trả, kèm theo lời kêu gọi: “Toàn bộ binh sĩ ở đồi Bản Kéo hãy ra hàng để tránh bị tiêu diệt (...)” (...) Sáng ngày 17, (quân địch) xôn xao vì có tin bộ đội sắp tiến công. Buổi trưa (...) Clác-săm mở cổng đồn, ra lệnh cho binh lính theo mình về sân bay. Nhưng họ ào ào chạy về phía khu rừng đang vang lên những tiếng loa: “Hỡi các bạn binh sĩ Thái, hãy bỏ hàng ngũ địch, quay về với kháng chiến, quay về với gia đình!...”. Viên đại úy vội gọi về Mường Thanh, yêu cầu cho pháo bắn chặn (...) Lựu pháo ta lập tức bắn dồn dập vào trận địa pháo địch ở Mường Thanh, yểm hộ cho (những người Thái đang chạy về phía ta). Trung đoàn 36 không cần nổ súng đã chiếm được Bản Kéo (...)

Chỉ sau năm ngày, cánh cửa phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang.

Qua những tập hồi ký của một số tướng tá Pháp, (ta biết họ đã) ngỡ ngàng trước sự sụp đổ nhanh chóng của hai trung tâm mạnh nhất tập đoàn cứ điểm. Lăng-gơ-le viết: “(Chúng tôi đã) không hiểu vì lý do gì mà (...) Bê-a-tơ-ri-xơ và Ga-bơ-ri-en bị tiêu diệt trong vòng 6 - 12 giờ. Các cứ điểm này được bảo vệ bằng một dải phòng ngự phụ rộng, tổ chức hỏa lực bắn chặn tốt, do các đơn vị thiện chiến giữ và được chỉ huy hoàn hảo” (...)

Sân bay bị uy hiếp đặt ra cho bộ chỉ huy Pháp một loạt vấn đề nan giải (...) Con nhím Điện Biên Phủ đã mất đi (...) lực lượng không quân tại chỗ. Nhưng (...) nguy hiểm hơn nhiều là (...) không còn khả năng đưa bộ binh lên đây. Cách duy nhất để tăng cường là dùng những đơn vị dù (...) rất hiếm hoi (...) Cũng không còn khả năng di chuyển thương binh (...) Không thể bảo đảm việc tiếp tế lâu dài cho 12.000 người chỉ bằng thả dù ở một khu vực mà vùng trời và các bãi đáp bị cao xạ và pháo mặt đất của đối phương khống chế (...)

Con nhím Điện Biên Phủ đã tiêu thụ một số lượng đạn dược khổng lồ: 12.600 viên đại bác 105 ly, 3.000 viên 155 ly, 10.000 viên đạn cối 120 ly (...) Một nửa số súng cối 120 ly và 4 khẩu đại bác 105, 155 đã bị bắn hỏng (...)

Ngày 16, Cô-nhi ném tiếp xuống Mường Thanh tiểu đoàn dù tăng viện thứ hai. Đây là tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 do Bi-gia chỉ huy (...) Sự có mặt của tiểu đoàn dù 6 đã mang lại một chút phấn chấn cho quân đồn trú.

Tinh thần binh lính của tập đoàn cứ điểm sa sút đáng kể. Ken-lê (Keller), viên trung tá tham mưu trưởng của Đờ Cát, mất tinh thần, từ chối làm việc, chọn một căn hầm vững chãi, úp chiếc mũ sắt lên mặt, ngồi suốt ngày không nói năng gì. Đờ Cát phải báo cáo Cô-nhi và yêu cầu triệu hồi y về Hà Nội (...)

Nhiệm vụ chiến đấu đợt 1 đã được cán bộ và chiến sĩ ta hoàn thành với tinh thần quyết chiến quyết thắng dành cho một trận đánh lịch sử. Quyết tâm giành thắng lợi đã thấm tới từng người. Trận đánh là sự giải tỏa tinh thần chiến đấu sau thời gian dài bị dồn nén vì chờ đợi. Không thể kể hết sự dũng cảm, chủ động, sáng tạo của từng người. Thành công của đợt 1 cũng chứng tỏ ta đã tìm ra cách đánh đúng, nên mặc dù kẻ thù hết sức đề phòng, vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt. Chính kẻ địch đã phải công nhận những chiến thắng này là “do đối phương dũng cảm, có ý chí và quyết tâm cao (...) áp dụng một chiến thuật hoàn hảo, chính xác” (Pierre Langlais, “Dien Bien Phu”, 1963) (...)

Địch đã nhanh chóng bù đắp những thiệt hại về người và vũ khí (...) Phía trước chúng ta lúc này là khu trung tâm của địch với hơn một vạn quân, nằm trên dãy đồi phía đông và ken chặt với nhau trên cánh đồng hai bên bờ sông Nậm Rốm. Hơn ba mươi cứ điểm ở đây được chia thành bố trung tâm đề kháng mang tên những cô gái: Huy-ghét, Clô-đin, Ê-li-an, Đô-mi-ních. Huy-ghét và Clô-đin gồm khoảng hai chục cứ điểm ở phía tây, nằm trên cánh đồng bằng phẳng bên hữu ngạn sông Nậm Rốm. Ê-li-an và Đô-mi-ních ở phía đông (...) bên tả ngạn sông Nậm Rốm, có những điểm cao lợi hại kiểm soát toàn bộ khu trung tâm. Trong số các điểm cao này, Ê-li-an 2 (ta gọi là đồi A1) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó khống chế một phạm vi khá rộng gồm cả khu vực sở chỉ huy của Đờ Cát và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm.

Tại Mường Thanh, địch chiếm tất cả những điểm cao quan trọng. Chúng đã xây dựng trận địa hầm hào vững chắc. Đây lại là địa hình quân địch có thể phát huy tối đa ưu thế về không quân, chiến xa, pháo binh, kết hợp với những đợt phản kích của lực lượng cơ động thiện chiến (...)

Sự tiêu hao binh lực của ta trong đợt đầu không lớn, có thể được bù đắp nhanh chóng; nhìn chung các đơn vị vẫn sung sức, chưa kể là tinh thần còn được nâng lên sau những chiến thắng vừa qua. Nhưng với tương quan lực lượng hiện nay, con nhím Điện Biên Phủ còn quá mạnh. Cần phải làm cho nó suy yếu trước khi bắt đầu trận quyết định.

Đảng ủy Mặt trận đề ra ba nhiệm vụ cụ thể nhằm chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai:

“1. Phải nhanh chóng (...) xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch khắp các mặt đông, tây, nam, bắc, trong cự ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, nhỏ của ta, đồng thời chia cắt phân khu Hồng Cúm với khu trung tâm.

2. Tiếp tục đánh “bóc” thêm một số cứ điểm ở ngoài “vỏ” tập đoàn cứ điểm, theo nguyên tắc phải bảo đảm chắc thắng.

3. Phải khống chế sân bay của địch cho hiệu quả; chuẩn bị đánh địch phản kích; tăng cường những hoạt động nhỏ, tiêu hao, quấy rối quân địch”.

Trong ba nhiệm vụ trên, việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây là quan trọng nhất (...)

Chúng ta dự kiến chiến dịch sẽ gồm ba đợt. Đợt thứ nhất đã hoàn thành. Ta đang bước vào đợt thứ 2, siết vòng vây trận địa chiến hào, tiêu diệt và tiêu hao quân địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, làm cho kẻ địch suy yếu dần. Đợt này sẽ dài nhất, mang tính quyết định. Đợt cuối cùng là tổng công kích để giành toàn thắng.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1003-1009. Nhan đề phần trích tạm đặt.)