Cầu Cầm ở Đông Triều (Quảng Ninh) là một trong rất nhiều cây cầu ở Miền Bắc nơi lực lượng phòng không của ta đã chiến đấu anh dũng chống lại chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. “Hàng cây bom chém (…) Lên chồi (…) Tiếng chim” làm nhớ thơ Chế Lan Viên: “Rừng cháy đen vẫn cành ra lộc / Chỗ cành xanh là chỗ chim gù”. Cây lên chồi, cành ra lộc, chim hót, chim gù, còn người thì trẻ em vẫn đi học, nông dân vẫn ra đồng cày cấy gặt hái, tất cả đều bất chấp mưa bom gió đạn tơi bời... Bài thơ này làm năm 1969, khi Mỹ vừa tạm ngừng đánh bom Miền Bắc. “Lúa vàng (…) Trời xanh”, năm nào mà chẳng có mùa gặt nhưng có phải năm nay một chút hương thanh bình bỗng thoảng trên quê ta? Vui thanh bình không làm quên khói lửa. Những mũi súng từng chỉa lên trời ngoài trời “bây giờ (...) vươn trong lòng người”. Vừa tự hào, ta vừa bâng khuâng. “Sông ơi”, chim ơi… (Thu Tứ)



Trần Đăng Khoa, “Cầu Cầm”




Cầu Cầm là thế này
Đến giờ em mới rõ
Hàng cây bom chém dở
Lên chồi xanh thướt tha

Bạn nhỏ nào đi qua
Vai bay khăn quàng đỏ
Tiếng chim hót đâu đó
Nghe ngọt vị ổi đào

Ríu rít tiếng ai chào
Cánh đồng đang mùa gặt
Lúa vàng trong đáy mắt
Trời xanh trong lưỡi liềm

Chuyến xe đi rất êm
Cầu chùng như nhịp võng
Có tiếng ru của sóng
Có tiếng ru của trời

Sông ơi, nhớ thương ai
Mà bốn mùa nước đỏ
Con chim nghiêng mắt ngó
Phù sa hồng đôi chân

Như thế mà cầu Cầm
Một máy bay Mỹ rụng
Bây giờ những mũi súng
Vẫn vươn trong lòng người

Uống nước hố bom sâu
Nghé con vênh mặt cười…


1969