“Trước ngày nổ súng, Đờ Cát đã mở một cuộc thi xem trung tâm đề kháng nào của tập đoàn cứ điểm có tổ chức trận địa vững chắc nhất. Ga-bơ-ri-en (...) được ban chấm thi đánh giá cao nhất”.

“3 giờ 30 phút ngày 15, chỉ huy trưởng trận đánh hạ lệnh tiến công (...) 6 giờ 30 phút (...) Chiến sĩ Từ cắm lá cờ Quyết Chiến Quyết Thắng lỗ chỗ vết đạn trên đỉnh đồi Độc Lập”.

Sau chỉ có ba tiếng đồng hồ, chiếc “tàu phóng ngư lôi” “dài 500 mét, rộng 200 mét, không một bóng cây, dày đặc những trận địa, đường hào, ụ súng” đã tan xác!

Địch chống cự cũng ác liệt: sau khi quân ta mở được cửa, chúng đã yêu cầu pháo chi viện bắn “vào ngay trong đồn”. Tuy kẻ phòng thủ ở trong hầm, trong lô-cốt, dưới chiến hào, được an toàn hơn người tiến công, nhưng đây vẫn là một quyết định đòi hỏi tinh thần chiến đấu cao.

Những trận mưa pháo của ta đã triệt tiêu nhiều cấp chỉ huy của địch. Có một viên đại tá tuy không bị “giọt” nào rơi trúng vẫn thôi sống.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Trận đồi Độc Lập 14-3-54”



Sáu chiếc máy bay bị trúng đạn pháo của ta nằm bất động trên sân bay từ chiều hôm trước. 14 giờ ngày 14, bất thần có ba chiếc Bearcat nối đuôi nhau rời khỏi đường băng. Nhìn lại trên sân vẫn còn đủ sáu chiếc! Để xổng mất ba chiếc (hẳn đang nằm trong xưởng khi chiến dịch mở màn), pháo ta một lần nữa trút đạn xuống những chiếc còn nằm trên sân bay bắt chúng ở lại đây vĩnh viễn. Thêm một máy bay Morane bốc cháy. Lực lượng không quân tại chỗ của Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị triệt tiêu.

14 giờ 45, Cô-nhi đáp ứng yêu cầu của Đờ Cát là tăng cường ngay cho Điện Biên Phủ một tiểu đoàn dù (…) Những chiếc Đa-kô-ta liều lĩnh vượt qua lưới lửa cao xạ, bay thấp thu ngắn thời gian tiếp đất của những chiếc dù, ném xuống tiểu đoàn dù ngụy số 5 do đại úy Bô-ten-la (Botella) chỉ huy (…) Nhiều lính dù chết hoặc bị thương trước khi tiếp đất (…)

Phân khu bắc gồm hai trung tâm đề kháng Ga-bơ-ri-en và An-nơ Ma-ri (…)

Trước ngày nổ súng, Đờ Cát đã mở một cuộc thi xem trung tâm đề kháng nào của tập đoàn cứ điểm có tổ chức trận địa vững chắc nhất. Ga-bơ-ri-en, do tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn bộ binh An-giê-ri số 7 tổ chức phòng ngự, được ban chấm thi đánh giá cao nhất (…) Đây là trung tâm đề kháng duy nhất có hai tuyến phòng ngự hoàn chỉnh buộc đối phương khi tiến công phải đột phá hai lần. Ga-bơ-ri-en (…) được tăng cường bốn khẩu súng cối 120 ly. Tiểu đoàn 5 An-giê-ri (…) có súng có kính ngắm điện tử.

Ga-bơ-ri-en nằm trên một quả đồi riêng lẻ ở đầu bắc cánh đồng, dài 500 mét, rộng 200 mét, không một bóng cây, dày đặc những trận địa, đường hào, ụ súng. Cơ quan tham mưu chiến dịch đặt tên cho nó là đồi Độc Lập. Người Pháp gọi nó là “tàu phóng ngư lôi” (…)

Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho trung đoàn trưởng 165 Lê Thùy (312) và trung đoàn trưởng 88 Nam Hà (308) dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ. Trung đoàn 165 đảm nhiệm mũi chủ yếu, đột phá từ hướng đông nam, đánh dọc theo chiều dài của cứ điểm. Trung đoàn 88 phụ trách mũi thứ yếu, đột phá từ hướng đông bắc, đồng thời mở một mũi vu hồi ở hướng tây, và bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chặn viện từ Mường Thanh ra. Cùng lúc, ta sử dụng một đơn vị của tiểu đoàn 255 thuộc trung đoàn 174 tiến hành tích cực nghi binh tại A1. Theo kế hoạch, trận đánh đồi Độc Lập sẽ bắt đầu vào lúc 16 giờ 45 ngày 14 tháng 3 năm 1954.

Đúng giờ G, ở đồi A1 bộ phận nghi binh nổ súng và xung kích tiến lên mở hàng rào. Địch cho pháo 105 từ Hồng Cúm và cối 120 từ Mường Thanh trút đạn dồn dập xuống trận địa của 255. Ở đồi Độc Lập, do trời mưa, sơn pháo 75 và cối 120 điều từ Him Lam sang không tới kịp trước giờ nổ súng nên cuộc tiến công chưa bắt đầu. Bộ phận nghi binh được lệnh rút ra.

18 giờ. Chỉ huy trưởng trận đánh Vương Thừa Vũ trao đổi với tư lệnh phó 312 Đàm Quang Trung, quyết định cho pháo binh bắt đầu bắn vào các cứ điểm địch, phá hoại công sự và uy hiếp tinh thần binh lính địch. Trong khi đó bộ binh ta tiếp tục chuẩn bị thật chu đáo, chờ sơn pháo và cối 120 tới mới nổ súng. Những loạt lựu pháo bắn khá trúng đích, làm sập nhiều hầm ở khu vực chứa vũ khí nặng, viên trung úy Mô-rô (Moreau) chỉ huy đại đội 4 chết trong hầm. Sau mỗi đợt pháo kích của ta, thiếu tá Méc-cơ-nem (Mecquenem, chỉ huy Ga-bơ-ri-en) lại yêu cầu pháo binh từ Mường Thanh bắn xuống các đường hào xuất phát xung phong (…) Nhưng tới 2 giờ sáng ngày 15, vẫn chưa có đợt xung phong nào. Máy bay địch liên tục thả dù pháo sáng trên vị trí (…)

Các chiến sĩ sơn pháo và cối 120 mò mẫm, khiêng pháo nhích từng bước dưới trời mưa tầm tã. Nửa đêm, họ chỉ còn cách trận địa 700 mét. Bất thần, một loạt bom nổ trên không chụp xuống đội hình. Một số chiến sĩ hy sinh và bị thương. Những người còn lại vẫn quyết tâm đưa pháo tới đích. 2 giờ sáng, họ mới đến nơi.

3 giờ 30 phút ngày 15, chỉ huy trưởng trận đánh hạ lệnh tiến công. Sau một thời gian im lặng, lựu pháo của ta lại lên tiếng (lần này cùng với sơn pháo và cối 120) (…)

Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 165 đột phá thuận lợi. Các chiến sĩ tiểu đoàn 115 tiến lên mở cửa giữa lúc pháo của ta bắn trúng bãi mìn. Những trái mìn sáng của địch làm cho cửa mở sáng rực như ban ngày (…)

3 giờ 55 phút, pháo binh được lệnh ngừng bắn, vì bộ đội đã vào bên trong cứ điểm. Xung kích ào ạt tiến vào tung thâm. Tiểu đội mũi nhọn do hai đồng chí Trần Ngọc Doãn và Mai Văn Các chỉ huy, dẫn đầu đại đội 501 lao vào đồn giặc. Người trước ngã, người sau tiến lên. Trần Ngọc Doãn được hai tù binh dẫn đường tới trận địa súng cối, nổ súng diệt toàn bộ quân địch, phá hủy bốn khẩu cối 120 ly. Xung kích tiến sâu vào đồn, đánh chiếm khu thông tin, tiến thẳng vào sở chỉ huy.

Trên hướng thứ yếu, đại đội Tô Văn của trung đoàn 88 mở cửa sai hướng, tuy đã dọn trên một trăm mét rào dây thép gai, vẫn chưa lọt vào bên trong cứ điểm. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Ty phát hiện ra sai sót (…) chỉ huy các chiến sĩ bộc phá mở nốt những chỗ rào cuối cùng cho bộ đội xung phong tiến vào.

4 giờ sáng, Méc-cơ-nem báo cáo tình hình với Mường Thanh (xong) quay về sở chỉ huy nơi thiếu tá Các (Kah), người vừa tới trong ngày để thay Méc-cơ-nem mãn nhiệm) và cơ quan tham mưu đang điều khiển cuộc chống cự. Giữa lúc đó một trái đạn đại bác của ra rơi trúng hầm. Cả hai viên thiếu tá đều bị thương rất nặng và lọt vào tay các chiến sĩ 165.

Hai mũi xung kích của 165 và 88 phối hợp tiêu diệt quân địch. Binh lính tiểu đoàn An-giê-ri số 5 ngoan cố chống cự. Pháo địch ở Mường Thanh bắn dữ dội vào ngay trong đồn hòng sát thương bộ đội ta, cứu vãn tình hình. Bộ đội ta giành giật với địch từng ụ súng, từng căn hầm, từng đoạn chiến hào.

6 giờ 30 phút sáng ngày 15 tháng 3 năm 1954, tiểu đội cắm cờ của 165 hầu hết bị thương. Chiến sĩ Từ cắm lá cờ Quyết Chiến Quyết Thắng lỗ chỗ vết đạn trên đỉnh đồi Độc Lập. Trung đoàn 165 và trung đoàn 88 đã xóa sổ một tiểu đoàn Bắc Phi, diệt 483 tên, bắt 200 tù binh.

(Lui về hai tiếng rưỡi đồng hồ trước khi trận đánh kết thúc:)

4 giờ sáng (…) Đờ Cát triệu tập cuộc hội ý cấp tốc ở sở chỉ huy bàn cách cứu vãn tình hình ở Ga-bơ-ri-en. Lăng-gơ-le đề nghị dùng tiểu đoàn dù ngụy số 5 phản kích. Người ta cho rằng Lăng-gơ-le không đề nghị tiểu đoàn dù 1 hay tiểu đoàn dù 8 vì không muốn dùng lực lượng thiện chiến vào một cuộc chiến đấu vô vọng. Có ý kiến: tiểu đoàn dù 5 mới tới chân ướt chân ráo, còn quá mệt mỏi. Lăng-gơ-le đồng ý bổ sung vào đội hình phản kích một đại đội của tiểu đoàn dù 1 do Xê-ganh Pa-dít chỉ huy và một đại đội xe tăng.

5 giờ 30, xe tăng dẫn đầu cuộc phản kích với những đơn vị dù bám theo sau. Khi quân địch tới sườn phía nam đồi Độc Lập thì trời sáng rõ, cuộc chiến đấu trong đồn đã kết thúc. Một số binh lính Bắc Phi sống sót chạy ra, nhảy lên bám lấy tháp pháo xe tăng. Đại đội 213 của 88 làm nhiệm vụ chặn viện lập tức quét đại liên vào quân địch. Sơn pháo của ta bố trí bí mật trên cánh đồng, nã đạn vào xe tăng. Tiếc là đã hết đạn khoan nên chỉ làm chúng bị thương. Viên trung úy của tiểu đoàn dù 5 dẫn đầu đội hình không chịu đi tiếp. Và cả tiểu đoàn dù 5 dừng lại. 7 giờ 30, toàn bộ xe tăng và quân dù phản kích quay đầu tháo chạy về Mường Thanh. Súng máy, sơn pháo, súng cối của ta đặt trên đồi Độc Lập, và trận địa lựu pháo ở dãy núi phía đông, bắn đuổi theo tiêu diệt thêm một số quân địch.

Cũng sáng hôm đó, đại tá Pi-rốt (Piroth), chỉ huy pháo binh, sau hai đêm không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của ta, đã tự sát trong hầm của mình bằng một trái lựu đạn (…) Đại tá Tơ-răng-ca, chỉ huy phân khu bắc, bạn thân của Pi-rốt, kể lại sau trận Ga-bơ-ri-en Pi-rốt khóc và nói: “Mình đã mất hết danh dự (...) Mình đi thôi”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 999-1003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)