“Đọc Truyện Kiều” (1)




Việc chia Kiều thành 43 phần như sau đây là ý riêng của chúng tôi chứ không phải theo một bản in nào.

Tóm tắt triết lý (c. 1-6)

“Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”... Đâu có nhất thiết thế nhỉ. Ở đời thiếu gì người vừa giỏi vừa sướng. Chẳng qua Nguyễn Du thấy đúng cho trường hợp mình nên tâm đắc. Thực ra, đúng đây là yếu ớt thôi. Nguyễn Du đâu có phải “bán mình chuộc cha”, nói chi “làm đĩ”, như Kiều! Cái mệnh của cụ nó xấu ở chỗ gia tộc tan hoang chứ bản thân cụ đâu có phải chịu đựng điều gì ghê gớm. Chặng chót cuộc đời, Nguyễn Du không vui vì cô đơn, chứ không đỗ cao mà được làm quan đến “á khanh”, được cử đi sứ Trung Quốc, rồi thơ hay được ca tụng ngay khi làm ra, tưởng mệnh thế đâu có phải là mệnh tệ. Cái triết nhân sinh không cao này của người Tàu sang Việt Nam đã trúng số độc đắc, bởi được thơ lên thật là tuyệt vời! Đọc xong mấy câu mở, tưởng ai cũng quên đi ngủ mà “trước đèn lần giở cảo”, đọc tiếp luôn mấy nghìn câu nữa cho được “thơm” bay kín ngát lòng!

Gia thế và tài sắc Kiều, Vân (c. 7-38)

Nhà thì chỉ “thường thường bậc trung”, nhưng nhan sắc hai chị em chẳng “trung” tí nào, mà “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Tuy cùng “vẹn”, nhưng “khuôn trăng đầy đặn” của em dường như không lôi cuốn bằng khuôn “trái xoan”(?) của chị. Cái “vẻ” “sắc sảo mặn mà” của Kiều mới tới mức “một hai nghiêng nước nghiêng thành”. Đã đẹp ơi là đẹp, Kiều lại đàn hát thơ vẽ giỏi ơi là giỏi, chưa kể đánh cờ cao mà mãi mười lăm năm sau Kim Trọng mới biết. Hai trang “phong lưu rất mực hồng quần” này đã “tới tuần cập kê”, nhưng hãy còn “êm đềm trướng rủ màn che / tường đông ong bướm đi về mặc ai”

Kiều du xuân gặp mả Đạm Tiên (c. 39-132)

“Ngày xuân con én đưa thoi”, Kiều, Vân và Vương Quan “sắm sửa bộ hành” đi lễ hội Thanh Minh. “Dập dìu tài tử giai nhân” giữa “cỏ non xanh tận chân trời”, vui quá. Xế chiều, “chị em thơ thẩn dan tay ra về”, vừa đi vừa thưởng thức phong cảnh. Đang ngắm “nao nao dòng nước uốn quanh / nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”, chợt thấy “sè sè nấm đất bên đường / dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Mả Đạm Tiên! “Kiếp hồng nhan có mong manh / Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”... Kiều sụt sùi “Đau đớn thay phận đàn bà!”, rồi thắp nhang, “lầm dầm khấn vái”, rồi “đứng lặng tần ngần”, rồi khóc nữa, bởi “nỗi niềm tưởng đến mà đau / thấy người nằm đó biết sau thế nào”... Đang chưa chịu đi tiếp, thì tuy không thấy ai mà bỗng “dấu giày từng bước in rêu rành rành”! Chẳng những không sợ, Kiều còn bước tới “gốc cây lại vạch một bài cổ thi” để tạ lòng hồn ma Đạm Tiên đã “hiển hiện cho xem”.

Kiều gặp Kim Trọng (c. 133-170)

Vừa gặp ma, gặp tiếp luôn chàng. Ôi, người đâu mà “một vùng như thể cây quỳnh cành dao”, đẹp quý phái quá đỗi! Hóa ra, chẳng những quý thật (“nhà trâm anh”) lại còn phú nữa (“nền phú hậu”). Đẹp trai, sang, giàu, lại thông minh, nổi tiếng hay chữ, thêm “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, Kim như thể là trọn vẹn mơ ước lứa đôi của Kiều thình lình hiện ra thành một con người bằng da bằng thịt! Phần Kim thì đã có “trộm nghe thơm nức hương lân, đã “trộm dấu thầm yêu chốc mòng” Kiều chắc cũng hơi lâu rồi đấy, hôm nay gặp đây chính là ngẫu nhiên được “thỏa lòng tìm hoa” bấy nay. Tuy “người quốc sắc kẻ thiên tài, tình trong như đã”, nhưng ràng buộc của lễ giáo xưa (và sự có mặt của cậu út Vương Quan) khiến đôi bên “mặt ngoài còn e”. Cứ “chập chờn cơn tỉnh cơn mê” như thế một lúc thì bị “bóng tà” giục giải tán. Kim đà lên ngựa Kiều còn ghé theo”… (Có điều này hơi lạ, là tại sao Kim Trọng đã nghe tiếng Thúy Kiều mà không mượn cớ đến thăm bạn cũ để sớm gặp mặt?)

Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên (c. 171-242)

Một ngày, hai gặp gỡ thật là ấn tượng, ngủ làm sao được? Đêm ấy, “gương nga chênh chếch dòm song”, thấy một người “một mình lặng ngắm” trăng mà dường như không thấy gì cả. Kiều đang “rộn đường gần với nỗi xa bời bời”, vừa ngẩn ngơ về đoạn kết thật bi thảm của đời một người con gái cũng đẹp như mình, vừa xôn xao về một bắt đầu đầy hứa hẹn mà không biết “trăm năm biết có duyên gì hay không?” đó… Đợi Kiều thiu thiu, Đạm Tiên “sen vàng lãng đãng như gần như xa” nhập mộng, báo cho hay “trong sổ đoạn trường có tên”! Dĩ nhiên thế là thức trắng, “nỗi riêng lớp lớp sóng dồi / nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn”, Kiều “rền rĩ” to đến nỗi mẹ thức dậy, “hỏi cơn cớ gì”, rồi “khuyên giải thấp cao”. Vô ích, Kiều thôi “rền” để chuyển qua khóc thầm. “Hiên tà gác bóng chênh chênh / nỗi riêng, riêng chạnh tấc riêng một mình”. Ai vẫn hãy còn bên mẹ đấy, nhưng ai đã bắt đầu cô đơn, đấy ai ơi.

Kim Trọng đến ở cạnh nhà Kiều (c. 243-286)

Nhớ quá. Không còn học hành gì được nữa. Đàn cũng bỏ xó. “Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”… À, hay đi thăm chỗ đã gặp nàng. Tất nhiên chỉ thấy không gian. Bèn “xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”. Để “tần ngần đứng suốt giờ lâu”. Sao lại không gõ cửa? Có sẵn cớ rất tốt là bạn học của Vương Quan kia mà! Nếu vào, cha mẹ Kiều trông thấy vẻ người rồi hỏi Vương Quan biết về con người và gia thế, chắc chắn sẽ ưng đến tận “mặt ngoài” chứ không “e” gì hết. Sao Kim Trọng không chính diện tiến công, mà lại “lén” dọn tới ở bên cạnh nhà Kiều để “rình” nhỉ?! Có lẽ vì Kim sốt ruột muốn sớm được quan hệ trực tiếp. Nếu đi đường ngay lối thẳng thì sẽ được một lời hứa gả với điều kiện đợi thi đỗ, trong lúc chưa đỗ thì chỉ được... học thi.

Kim, Kiều trao đổi của tin (c. 287-368)

Kim Trọng “lân la” phục kích mới “tuần trăng thấm thoắt thèm hai” thì đã có kết quả. Thoa người ta giắt trên cành đào bên vườn nhà người ta, thế mà mình “giơ tay với lấy về nhà”! Lấy để chờ dịp kể lể: “Ðược rày nhờ chút thơm rơi, kể đà thiểu não lòng người bấy nay”. Kiều hẳn nghe giọng quen quen, nên mới “bậc mây rón bước ngọn tường, phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe?”. Dĩ nhiên chính thị. “Ngẫu nhĩ” tái ngộ, gái “sượng sùng” cúi đầu, trai xông tới kể công: “Trần trần một phận ấp cây đã liều”, rồi xin: “Tiện đây xin một hai điều / Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”. Gái còn “ngần ngừ”, trai lập tức kêu ca: “Lượng xuân dù quyết hẹp hòi / Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!”. Thế này thì thôi, chịu... hắn luôn cho rồi. “Ðược lời như cởi tấm lòng”, Kim mới trả thoa, thêm khăn hồng với xuyến vàng: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Của tin trao qua, tức thì có của tin trao lại. Xong, rồi phần ai nấy... tẩu cho mau, vì “mái sau dường có xôn xao tiếng người”. “Từ phen đá biết tuổi vàng / Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ”. Tha hồ ngẩn ngơ, vì “chàng viện sách”“nàng lầu trang” quan hệ với nhau lén lút nên “tin xuân đâu dễ đi về cho năng”...

Kiều qua thăm Kim Trọng (c. 369-428)

“Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”. Bố mẹ với hai em vừa ra khỏi cửa, Kiều tức thì “gót sen thoăn thoắt” bưng “thời trân thức thức” đi đãi trai. Vừa tới chân tường, “sẽ dắng” một tiếng, Kim Trọng đã tót ra kể... công nhớ: “tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”! Kim “xắn tay” phá chỗ “nẻo thông mới rào” xong, Kiều bước qua, đôi bên “mặt nhìn mặt càng thêm tươi”, rồi “sánh vai về (ngay) chốn thư hiên” để tiếp tục nhìn, liếc cho... no. Vừa trao mắt vừa trao lời, khen qua tán lại, gái kể lo lời thầy bói “anh hoa phát tiết ra ngoài / nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”, trai hứa “ví dù giải kết đến điều / thì đem vàng đá mà liều với thân”. Lời ra, rượu vào! “Chén xuân (đang) tàng tàng”, “lòng xuân (đang) phơi phới”, thì gái trông ra thấy muộn, vội “kíp dời song sa”, để trai tiếp tục tàng tàng một mình...

Kiều về, rồi lại trở qua (c. 429-528)

Về nhà, biết nhà còn vắng lâu, Kiều lại trở qua chỗ Kim Trọng. Lần này Kim, Kiều “căn vặn tấc lòng” nhau hết sức tỉ mỉ, rồi cắt tóc thề nguyền. Thề xong, Kim bắt đầu “lần khân”. Kiều rằng “đừng điều nguyệt nọ hoa kia / ngoài ra ai lại tiếc gì với ai”. Kim đòi nghe đàn. Kiều ngoan ngoãn: “Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”. Chao ôi, “rằng hay thì thật là hay / nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”, bớt buồn đi nhé, nàng ơi. Kiều lại ngoan ngoãn, xin “vâng lĩnh ý cao”. Hai người tiếp tục “đầu mày cuối mắt”, đến một lúc “sóng tình dường đã xiêu xiêu”, Kim bắt đầu “trong âu yếm có chiều lả lơi”, có lẽ giải phóng bàn tay ưa táy máy, nhưng Kiều liền “thưa rằng” cho một hơi mấy chục câu. Ồ, lời lời mới nghiêm nghị sao, nào chê “tuồng trên Bộc trong dâu”, thói “ăn xổi ở thì”, nào nhắc chuyện Mái Tây “mây mưa đánh đổ đá vàng (…) cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”, nhất là “… con người (ép liễu nài hoa) ấy ai cầu làm chi!”. Kim Trọng nghe đến đâu tỉnh đến đấy. Đã say như điếu đổ, giờ “càng thêm nể thêm vì mười phân”. Đôi bên cứ vừa “chắp cánh liền cành” trong tinh thần vừa giữ chân tay mình mẩy xa nhau như thế một lúc nữa thì Kiều phải “trở buồng thêu”. Hoa bay tìm bướm hú vía nhé: chung phòng với nhau suốt đêm mà vẫn còn nguyên vẹn “nhị đào” mang về!

Kim Trọng phải đi lo tang chú (c. 529-568)

Ðùng một cái, Kim Kiều đang dính như sam bỗng bị việc nhà của Kim xía vào tách ra. Kể, Kim về lo tang chú thì chắc cũng không lâu quá; mặt khác, cái quan hệ tình cảm với Kiều tuy anh chị “cùng nhau trót đã nặng lời” nhưng cha mẹ hai bên lại chưa hay biết gì cả, do đó có thể sắp đặt ngang trái bất ngờ, lo là phải chứ. Người đi chỉ “trăng thề còn đó trơ trơ”, cam đoan “dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”, rồi yêu cầu kẻ ở “gìn vàng giữ ngọc cho hay”. Kẻ ở bảo đảm: “Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”, rồi nhắc người đi: “Còn non còn nước còn dài, còn về còn nhớ đến người hôm nay”... “Sầu chia phôi đã”, ai ngờ “vui sum họp” phải chờ mười lăm năm dâu bể đời Kiều!

Thân phụ Kiều bị vu oan (c. 569-598)

Cái tai bay vạ gió ấy không phải cái gì lạ: “... chẳng qua vì tiền”. Lạ chỉ ở chỗ nó nhè rớt xuống vừa vặn nơi có Thúy Kiều. “... Hoa trôi giạt thắm liễu xơ xác vàng”, cái hình ảnh khéo hiện ngay trước biến cố như để dự báo đời Kiều sau biến cố!

Kiều bán mình chuộc cha (c. 599-692)

Giá Kim Trọng vẫn ngay bên kia tường nhỉ! Nếu nhà Kim không đủ thế lực để cứu cha Kiều thì chắc cũng có “ba trăm lạng” để giúp “xuôi việc này”… Chao ơi, thiên hương quốc sắc bán mình đây: “Nỗi mình thêm tức nỗi nhà / Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng / Ngại ngùng giợn gió e sương / Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”. Mối “vén tóc bắt tay”, vuốt sửa món hàng cho thêm hấp dẫn. “Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”… Khách săm soi ngoại hình, rồi đòi thử tài cầm thi. Cúc với mai, với ngọc Lam Kiều, với tài nọ tài kia, kẻ “ngồi tót sỗ sàng” kia ngắm nghe đo đắn chẳng qua để “cò kè bớt một thêm hai”. Nghìn vàng “ngã giá (chỉ còn hơn) bốn trăm”, Mã Giám Sinh chuyến này mua được người với cái giá chắc chắn hời to. “Trăng già độc địa làm sao / Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên”

Kiều nhờ em chuyện Kim Trọng (c. 693-776)

Việc trước mắt: “sao cho cốt nhục vẹn tuyền”, việc phải làm: “làm con trước phải đền ơn sinh thành” đã “thong dong”, bây giờ là lúc Kiều nằm nghĩ chuyện mình. “Thề hoa chưa ráo chén vàng / Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa / (…) / Biết bao duyên nợ thề bồi / Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?”… Nghĩ rồi khóc, khe khẽ thôi nhưng cũng đủ khiến Vân rút cuộc thức dậy, đến hỏi. Thì kể, rồi “cậy em”, rồi trao: “Mất người còn chút của tin / Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa / Mai sau, dù có bao giờ / Ðốt lò hương ấy so tơ phím này...”. Kiều càng tâm sự càng bức xúc, kêu lên “Phận sao phận bạc như vôi / Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng / Ôi Kim lang! hỡi Kim lang! / Thôi thôi! thiếp đã phụ chàng từ đây!”, rồi “hồn ngất máu say / một hơi lặng ngắt đôi tay lạnh đồng”. Cha mẹ Kiều tỉnh giấc, biết mình mất con gái nhưng lại được rể.

Kiều về chỗ trọ của Mã Giám Sinh (c. 777-866)

Kiều lên “kiệu hoa” về nhà “chồng”. Vì Mã Giám Sinh ở xa, nên nhà tạm là khách sạn. “Cô dâu” nằm bên “chú rể”, nhớ người yêu, “nghĩ (đến tấm) lòng (người ấy mà) xót xa lòng đòi phen”: biết đến nông nỗi này, “nhị đào thà bẻ cho người tình chung”... Kẻ buôn người ngắm nghía “miếng ngon kề đến tận nơi”, động lòng, nghĩ cứ nhai “đào tiên” rau ráu, “vin cành quít cho cam sự đời” trước, rồi “nước vỏ lựu máu mào gà” thì “lại là còn nguyên” chứ lo gì, lại nghĩ thêm được rằng mình mang tiếng “chồng” mà “bất động nữa (e) người sinh nghi”, bèn quyết tâm làm... “con ong” “đi về”, “đi về”... “Đóa trà mi” may thì được “bóng dương lồng”, rủi gặp “bóng âm” cũng phải chịu “lồng”. “Cái đêm hôm ấy”, người cung phi trong Cung oán nghe “sanh ca mấy khúc vang lừng”, còn người bán mình chuộc cha thì nằm trơ nghe... ong ngáy khò khò mà “giọt riêng tầm tã tuôn mưa”“giận duyên tủi phận bời bời”“cầm dao toan bài quyên sinh”, mà “đo đắn ngược xuôi” cho đến tận khi “tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường”...

Kiều về lại mặt, rồi lên đường (c. 867-918)

Kiều tuy chưa trải việc đời nhưng rất thông minh, nên đã sớm thấy “chồng” mình “khác màu kẻ quý người thanh”, thậm chí “như hình con buôn”! Về nhà, Kiều kể cho mẹ nghe những biểu hiện bất thường nơi kẻ ấy, rồi than: “Thôi con còn nói chi con / Sống nhờ đất khách thác chôn quê người”… Buổi tiễn hành, cha vợ hết lời “nằn nì”, “rể” thề thốt nặng lời chắc chắn bởi đã quá quen với tình huống. Xong, “Ðùng đùng gió giục mây vần / Một xe trong cõi hồng trần như bay”! Trong cỗ xe định mệnh, có đôi mắt nhìn ra thẫn thờ: “Nàng thì dặm khách xa xăm / Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây / Vi lô san sát hơi may / Một trời thu để riêng ai một người / Dặm khuya ngất tạnh mù khơi / Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”... Lỗi là “bà nguyệt”, giận bà ấy chứ việc gì mà thẹn, “nàng” ơi.

Kiều biết bị lừa, tự tử (c. 919-1000)

Dọc đường, “những là lạ nước lạ non”… Tới nơi, Kiều được lạ những cái khác. Nhà đây: “Giữa thì hương án hẳn hoi / Trên treo một tượng trắng đôi lông mày”. Chủ nhà thì khấn khứa: “… Muôn nghìn người thấy cũng yêu / (…) / Đưa người cửa trước rước người cửa sau!” Tuy “nghe chửa biết (chắc) đâu”, nhưng Kiều cảm thấy ngay “cũng những màu dở dang” đã thấy bên mình từ ngày theo “chồng”. Sự thực tàn nhẫn liền đó phơi bày: “Dạy rằng con lạy mẹ đây / Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”. Người ngồi bên kia là Mã Giám Sinh! Kiều vừa chết điếng biết đúng đã bị lừa, thì Tú bà chửi vô cùng oan ức rồi giật roi da sấn tới chực quất “cho biết phép tao”. “Thôi thì thôi có tiếc gì! / Sẵn dao tay áo tức thì giở ra”, Kiều quả quyết tự kết liễu đời mình. Nhưng “người dù muốn quyết trời nào đã cho!”!

Kiều ra ở lầu Ngưng Bích (c. 1001-1054)

Bên hết sức non nớt, bên cực kỳ già dặn, nên Tú bà “mơn man”, “nằn nì”, thề thốt (kẻ gian luôn sẵn sàng thề!), thì Kiều rồi cũng “nguôi nguôi dần”, bớt sợ phải “sống đục”, bỏ cái ý “thác trong” (mà Tú bà rất sợ, vì thế là bị mất vốn). Bước kế tiếp trong kế hoạch của “mụ” là tách nàng ra khỏi... nhân loại: “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân / Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung / Bốn bề bát ngát xa trông / Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”, để Kiều ngồi giữa... chân không, ngày ngày tha hồ “trông”: “Buồn trông cửa bể chiều hôm / Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa / Buồn trông ngọn nước mới sa / Hoa trôi man mác biết là về đâu?”... Cứ “buồn trông”, “buồn trông” như thế, chắc chắn chẳng bao lâu “trái” Kiều sẽ... chín, sẵn sàng rụng vào tay kẻ theo lệnh Tú bà đến thực hiện bước thứ ba...

Kiều theo Sở Khanh bỏ trốn (c. 1055-1116)

“Chung quanh những nước non người / Ðau lòng lưu lạc nên vài bốn câu”... Quái lạ, đây chỉ có “cát vàng” với “bụi hồng” với “cánh buồm xa xa” với “hoa trôi man mác”, thế mà mình vừa ngâm đã “cách tường nghe có tiếng đâu họa vần”! Cứ y như là... phục kích. “Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh”. Lời chàng mới dễ nghe sao: “Than ôi! sắc nước hương trời / Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây? / Giá đành trong nguyệt trên mây / Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa?”, nhất là: “Thuyền quyên ví biết anh hùng / Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!”! Đằng đang buồn nẫu ruột, khát khao giải phóng, đằng phóng ngay ác chưởng “mấy lời sắt đanh”, không gục là sao hở Trời? Lời oai thế nhưng đến hôm hẹn “anh hùng” xuất hiện lại rất không đường đường: “... lay động bóng cành”, tức là trèo tường, “lẻn vào”! Mặc kệ, kẻ đột nhập gia cư bất hợp pháp vẫn theo đúng bài bản “ta đây”, vẫn khăng khăng sẽ “bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi”, cho yên lòng Kiều. Lấp thế nào? Thì... “thừa cơ lẻn bước” y hệt hai quân gian! Kiều hẫng, chắc vì đã nhầm tưởng “chàng” sẽ dắt mình đi gặp Tú bà rồi bỏ tiền ra chuộc... Than ôi, “đà quá đỗi” rồi, “cũng liều nhắm mắt đưa chân / mà xem con tạo xoay vần đến đâu!”. Tạo xoay đời còn nhiều nước oái ăm lắm đấy, khách má hồng ơi.

Kiều bị bắt, đành chịu làm đĩ (c. 1117-1198)

“Đêm thu khắc lậu canh tàn / Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương / Lối mòn cỏ nhợt màu sương / Lòng quê đi một bước đường một đau”... Bị đuổi theo rồi, mà kẻ dẫn đường “đã rẽ dây cương lối nào”! “Hóa nhi thật có nỡ lòng / Làm chi giày tía vò hồng lắm nau!”... Hóa nhi khủng bố tinh thần xong, đến phiên Tú bà khủng bố xác thịt! Kiều ăn phải quả lừa Sở Khanh, thất thế nặng lắm. “Thân này đã đến thế này thì thôi”, thì “thân lươn bao quản lấm đầu / chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”, y như kế Tú bà. Quyết định chấp nhận làm đĩ lớn lao quá, nên Kiều ngày đêm “buồng riêng, riêng những sụt sùi / nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân / tiếc thay trong giá trắng ngần / đến phong trần cũng phong trần như ai!”. Làm sao cho đỡ khổ tâm đây? Thì cứ nghĩ vì “kiếp xưa đã vụng đường tu” nên kiếp này phải “đền bù mới xuôi”. Cứ cho là mình mắc nợ nên phải “lấy thân mà trả nợ đời cho xong!”. Lợi hại thay tôn giáo!

Kiều hành nghề, lòng buồn bã (c. 1199-1274)

Kiều bắt đầu hành nghề. À không, trước tiên phải học đã chứ. Vì “nghề chơi cũng lắm công phu”, nếu không chịu khó học để “biết cho đủ điều”, nếu “ai cũng như ai” thì “người ta ai mất tiền hoài đến đây?”... Thì học. Chao ơi, thân “cửa các buồng khuê” mà phải “thuộc lấy làm lòng” “bảy chữ tám nghề”, “nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe!” thật đấy. Chẳng bao lâu Kiều tốt nghiệp, “đủ ngần ấy nết”, thành ra một “người soi”. Nghe có hàng mới vừa đẹp vừa đĩ (giả vờ) lạ lùng, ong bướm tới tấp bay vào động Tú bà. Vui ơi là vui, nhưng “vui là vui gượng kẻo là / ai tri âm đó mặn mà với ai?”. Bướm cũng chuốc, ong cũng chuốc, chim cũng chuốc, chuột cũng chuốc, chuốc rồi chính mình cũng phải cạn chén. Say rượu giúp quên tất cả, nhưng “khi tỉnh rượu lúc tàn canh / giật mình, mình lại thương mình xót xa / khi sao phong gấm rủ là / giờ sao tan tác như hoa giữa đường”... Ờ, mà “kiếp người đã đến nước này thì thôi!”, chắc không “tàn” hơn nữa được đâu nhỉ (coi chừng nhầm đấy!). Tạm quên thương để nhớ. “Ơn chín chữ” ơi! “Lời nguyện ước ba sinh” ơi! “Xa xôi ai có biết tình chăng ai?”... Dĩ nhiên “ai” làm sao ngờ được mới chia tay đó mà tình cảnh “ai” đã thê thảm tới cái mức này.



Thu Tứ